Bộ trưởng Phạm Vũ Luận giải đáp 2 câu hỏi "nóng"

11:24 | 28/01/2013

923 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Trong chương trình “Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời”, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã giải đáp nhiều thắc mắc về chủ trương dừng đào tạo ngành tài chính, ngân hàng và liên thông.

Vừa qua, có thông tin cho rằng Bộ GD-ĐT dừng mở mới một số ngành học thuộc lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, quản trị kinh doanh, kế toán khiến nhiều thí sinh và phụ huynh hoang mang.

Về vấn đề tuyển sinh ngành kinh tế, kế toán

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định: “Bộ GD-ĐT không có chủ trương dừng đào tạo các ngành tài chính, ngân hàng, quản trị kinh doanh và kế toán. Các trường đại học đã được phép mở các chuyên ngành đào tạo này, trong kỳ tuyển sinh 2013, vẫn tuyển sinh bình thường”.

Theo đó, các trường đã được phê duyệt chỉ tiêu tuyển sinh như ĐH Kinh tế Quốc dân, Học viện Tài chính, Đại học Thương Mại, Đại học Ngoại thương và các trường khác vẫn tiến hành tuyển sinh bình thường. Chỉ tiêu tuyển sinh của các trường này vẫn do các hiệu trưởng quyết định dựa trên các tiêu chỉ đảm bảo chất lượng mà Bộ đã ban hành.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận.

 

Bộ trưởng nói thêm: “Chủ trương của Bộ là dừng mở mới các trường và các ngành đào tạo của chuyên ngành này để điều chỉnh cơ cấu nguồn nhân lực được đào tạo, vì hiện nay quy mô đào tạo của các cơ sở đào tạo các chuyên ngành tài chính, kế toán, ngân hàng, quản trị kinh doanh đã rất lớn, số lượng sinh viên ra trường đã và đang tăng lên rất nhiều. Lời cảnh báo này để các thí sinh cân nhắc, thận trọng khi đăng ký nguyện vọng”.

Trước câu hỏi về chiến lược dài hơi để tránh tình trạng nhiều ngành khác như ngành xây dựng, y tế có nguy cơ thừa nhân lực, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: “Tất cả các ngành đào tạo đang được thống kê, theo dõi thường xuyên, chúng tôi sẽ phát những cảnh báo thường xuyên để các thí sinh chuẩn bị vào các trường đại học, cao đẳng cân nhắc thận trọng, nhìn được những thông số để có quyết định chính xác.

Đồng thời, các nhà trường cũng nhìn thấy khả năng tiếp nhận nguồn lao động do mình cung cấp để có các giải pháp kịp thời. Phía Bộ GD-ĐT cũng sẽ cập nhật, đưa ra các giải pháp để hạn chế hoặc khuyến khích kịp thời các ngành học để đảm bảo cân đối giữa nguồn cung ứng với nhu cầu của thị trường lao động. 

Thông tin về việc hạn chế ngành tài chính, ngân hàng là thông báo đầu tiên, và tiếp sau này sẽ là những thông báo khác tương tự như thế. Việc này sẽ được làm định kỳ, thường xuyên theo trách nhiệm mà Chính phủ đã giao”.

Về vấn đề đào tạo liên thông

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng khẳng định: “Bộ không dừng đào tạo liên thông, tiếp tục tổ chức đào tạo liên thông và chấn chỉnh những gì chưa đúng, không phù hợp Luật Giáo dục Đại học vừa có hiệu lực vào ngày 1/1/2013.

Với các học sinh học ở các trường Trung cấp nghề, Trung cấp chuyên nghiệp vừa tốt nghiệp, chưa đi làm việc, muốn dự kỳ thi đại học thì sẽ phải dự kỳ thi giống như các bạn tốt nghiệp THPT. Khi học trường Nghề, TCCN, sau một thời gian làm việc đã có tay nghề, đã tích luỹ được nhưng kỹ năng mềm rồi thì trên cơ sở đó, Bộ sẽ thiết kế một con đường để cho các học viên này được tham dự kỳ thi theo một môn riêng”.

Với những học sinh vừa tốt nghiệp TC nghề, TCCN, chưa có kinh nghiệm làm việc hay kỹ năng mềm khác mà muốn học ĐH, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định: “Các thí sinh này buộc phải tham gia kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ như những học sinh phổ thông khác”.

Trước thông tin cho rằng, Thông tư 55 của Bộ GD-ĐT đang “siết chặt” hình thức đào tạo liên thông, Bộ trưởng nhấn mạnh: “Chúng tôi đang đưa liên thông về đúng bản chất của nó để tránh việc nhận thức và thực hiện liên thông như một hệ đào tạo. Tất cả những thay đổi của chúng tôi nhằm đưa Luật Giáo dục Đại học vào cuộc sống để đảm bảo chất lượng đầu ra của văn bằng ngang nhau giữa đào tạo chính quy và các học viên đi qua con đường liên thông này”. 

Theo ông, Thông tư 55 được đưa ra nhằm đảm bảo chất lượng đầu ra của văn bằng; đồng thời tạo sự công bằng cho các sinh viên theo học hệ chính quy.

Khánh An