Bộ Y tế yêu cầu đội cấp cứu trực bão 24/24h

15:38 | 16/09/2014

384 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Bộ Y tế vừa có công điện hỏa tốc gửi Sở Y tế các tỉnh, thành yêu cầu chủ động triển khai công tác phòng chống, ứng phó với cơn bão Kalmaegi.

Trong công điện hỏa tốc số 970/CĐ-BYT của Bộ Y tế gửi đến các tỉnh, thành phố và các bộ, ban, ngành thuộc Bộ Y tế nêu rõ: Theo dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn TƯ, cơn bão số 3 (Kalmaegi) đang tiếp tục mạnh thêm, sức gió mạnh nhất vùng tâm bão cấp 12, 13 giật cấp 15, 16 và di chuyển nhanh về phía đất liền nước ta. Hôm nay (16/9), bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển Vịnh Bắc bộ và các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An. Đây là cơn bão mạnh, di chuyển rất nhanh và diễn biến phức tạp.

Trước tình hình này, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị y tế theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão. Đồng thời các cơ quan cũng phối hợp với các ban ngành có liên quan trong công tác ứng phó với diễn biến bất thường của mưa, bão.

Sở Y tế các tỉnh, thành phố miền Bắc và miền Trung cần phối hợp với lực lượng quân y trên địa bàn chủ động đối phó với bão số 3.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh trực tiếp trực tiếp chỉ đạo phòng chống bão số 3

Sở Y tế các tỉnh cụ thể là: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Nam, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu và Điện Biên. Các tỉnh này phải sẵn sàng về nguồn nhân lực, vật tư, thuốc, hóa chất phòng chống lụt bão và tổ chức trực ban, sẵn sàng cấp cứu cho nạn nhân bị ảnh hưởng do mưa bão, sạt lở đất, lũ quét, lũ ống gây ra.

Các đội cấp cứu phải đảm bảo nguồn nhân lực “trực chiến” 24/24h. Luôn trong trạng thái sẵn sàng cơ động ứng cứu khi có lệnh, sẵn sàng thu dung và cấp cứu cho nạn nhân bị ảnh hưởng của mưa bão.

Các bệnh viện trực thuộc Bộ tổ chức các đội cấp cứu ứng trực cơ động chi viện khi có lệnh. Sở Y tế các tỉnh chuẩn bị nhóm nhân viên y tế hỗ trợ tâm lý cho các nạn nhân gặp sang chấn tâm lý sau bão.

Ngoài nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan trực thuộc bộ gồm: Cục quản lý khám chữa bệnh, Cục Y tế Dự phòng, Cục ATTP, Cục Quản lý Môi trường, Cục quản lý Dược… phải phối hợp chặt chẽ, luôn trong tâm thế sẵn sàng ứng phó. Trước mắt cần khẩn trương triển khai ngay các phương án bảo vệ, hỗ trợ hoặc di dời cơ sở y tế, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân, cán bộ y tế cũng như thuốc, hóa chất, trang thiết bị y tế tại các vùng có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, lũ uống gây ra.

Xây dựng kế hoạch chủ động sơ tán cơ sở y tế ở những vùng thấp, vùng trũng, vùng có nguy cơ bị ngập úng.

Trong tình huống bị mưa lũ chia cắt dài ngày, Bộ Y tế yêu cầu sở y tế các tỉnh cần phối hợp với các sở ban ngành tại địa phương hướng dẫn nhân dân dự trữ lương thực, thực phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh, xử lý nguồn nước bị ô nhiễm, thực hiện nếp sống vệ sinh để phòng ngừa bệnh truyền nhiễm, dịch bệnh phát sinh sau bão.  

Huy An