Cảnh báo tình trạng gia tăng trẻ bị tự kỷ

06:04 | 10/04/2014

1,630 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Việt Nam hiện có khoảng 200.000 trẻ mắc bệnh tự kỷ. Trong khi nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này còn chưa có kết luận chính xác thì việc gia tăng trẻ mắc bệnh đã khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng…!

Năng lượng Mới số 311

Thế nào là tự kỷ?

Đưa con đến một trung tâm tư vấn về trẻ bị tự kỷ, sau khi cháu bé được bác sĩ kiểm tra tâm lý và chị nhận được kết luận của bác sĩ rằng, con chỉ bị chậm nói chứ không mắc bệnh tự kỷ, chị Vũ Thị Nhung (Hà Tây, Hà Nội) vui đến bật khóc. Bé Hoàng Minh Tâm (2 tuổi) con chị Nhung hiện đang ở với ông bà nội, do điều kiện công việc không cho phép được ở gần con nên chị chỉ về thăm bé vào cuối tuần.

Thấy con đã đến tuổi bập bẹ tập nói mà cả ngày về thăm không thấy bé nói năng gì, chị bồn chồn không yên. Lên mạng tìm hiểu về căn nguyên thì thấy bé có những biểu hiện tương tự hội chứng tự kỷ, chị nghi ngờ con đã bị mắc chứng tự kỷ. Chỉ đến khi đưa con đến khám và nghe tư vấn từ một trung tâm chuyên điều trị cho trẻ bị tự kỷ chị mới thở phào nhẹ nhõm.

Trường hợp của chị Nhung là một trong số rất nhiều phụ huynh đang hoang mang trước tình trạng quá nhiều trẻ em mắc bệnh tự kỷ như hiện tại. Tuy nhiên, theo BS Thành Ngọc Minh, Phó trưởng Khoa Tâm bệnh, BV Nhi Trung ương thì những lo lắng trên là có cơ sở vì bệnh tự kỷ khi phát hiện muộn, việc điều trị gần như bị vô hiệu.

Trẻ điều trị hội chứng tự kỷ

Theo BS Thành Ngọc Minh, số lượng trẻ mắc bệnh tự kỷ ngày càng tăng và việc chưa thể kết luận rõ nguyên nhân, cũng như phương pháp điều trị đã khiến nhiều bậc phụ huynh nhầm lẫn cũng là dễ hiểu. Nhiều phụ huynh quá lo lắng trước tình trạng con chậm nói mà tưởng rằng con bị tự kỷ, thậm chí nhầm khái niệm trầm cảm với tự kỷ. Ở BV Nhi Trung ương, mỗi ngày có 20-30 trẻ mắc bệnh tự kỷ được cha mẹ mang đến khám.

Thực tế thì các triệu chứng của bệnh chậm nói, trầm cảm và tự kỷ khá giống nhau nhưng chậm nói và chứng trầm cảm có thể điều trị dứt điểm, còn hội chứng tự kỷ nếu phát hiện muộn có thể bệnh nhân sẽ phải sống với căn bệnh suốt đời. Biểu hiện của bệnh tự kỷ là trẻ mắc các khiếm khuyết về giao tiếp như không giao tiếp bằng mắt, không có giao tiếp bằng cử chỉ cơ thể, không chia sẻ các cảm xúc buồn vui. Trẻ nói không rõ tiếng hoặc chỉ nói được một vài từ, không biết cách biểu đạt nguyện vọng bằng ngôn ngữ.

Trong cách chơi, trẻ thường chơi theo một mô-típ đơn giản nhất định, lặp đi lặp lại, tự chơi một mình, không thích chơi với bạn bè. Nguyên nhân của bệnh tự kỷ là đa yếu tố và cũng chưa khẳng định được đâu là yếu tố tiên quyết: Bước đầu được xác định có nguồn gốc sinh học trong cơ thể; có thể do tổn thương của não, do gen, do ô nhiễm môi trường sống... Trong đó, nhiều tổ chức y tế kết luận, cách chăm sóc của bố mẹ không gây tự kỷ cho trẻ.

Phụ huynh là “thầy thuốc” tốt nhất

Cách chăm sóc của phụ huynh không gây bệnh tự kỷ nhưng họ lại có vai trò quan trọng nhất trong việc điều trị bệnh cho trẻ. Tuy nhiên, chính bậc phụ huynh lại đang rất hoang mang với vai trò của mình. Theo ThS.BS Đặng Hoàng Tuyên, Trưởng khoa Nhi (BV Châm cứu Trung ương) thì: “Bên cạnh những bậc phụ huynh lo lắng về tình trạng tự kỷ ở trẻ thì hầu hết phụ huynh đều không muốn tin con mình bị tự kỷ. Vì thế có trường hợp cho rằng, con mình lớn chậm hơn các trẻ khác, cho đến khi thấy con thực sự không bình thường họ mới tá hỏa đưa con đi khám. Khi biết con mình bị tự kỷ và hiểu thế nào là tự kỷ thì phần lớn họ đều rơi vào trạng thái chán nản rồi suy sụp”.

Đồng quan điểm này, BS Thành Ngọc Minh (BV Nhi Trung ương) cũng cho biết, rất nhiều trường hợp phụ huynh không đồng thuận trong việc cho con đi khám vì họ không muốn chấp nhận sự thật là con mình mắc hội chứng tự kỷ. Dẫn lời bác sĩ Minh ví dụ trường hợp chị M.T.H (Trung Hòa, Cầu Giấy): Dù bản thân chị H rất sốt ruột khi phát hiện con có triệu chứng mắc bệnh tự kỷ nhưng chồng chị lại dứt khoát nói rằng con chỉ “chậm khôn” chứ không có vấn đề gì. Và dù quan tâm đến con, anh có thể làm tất cả mọi việc nhưng trừ việc đưa con đến khám tự kỷ.

BS Minh giải thích, hiện tại nhiều bậc phụ huynh mang tâm lý quá nặng nề khi con mắc bệnh tự kỷ. Trong khi đó, hội chứng tự kỷ chủ yếu là nguyên nhân bẩm sinh, lỗi không hoàn toàn từ cách chăm sóc của cha mẹ. Nên nhiệm vụ của các bậc phụ huynh khi có trẻ nhỏ là cần theo dõi sự phát triển của con cái, phát hiện “giai đoạn vàng” để điều trị cho trẻ kịp thời. Theo đó, giai đoạn điều trị cho trẻ tự kỷ 18-36 tháng tuổi là tốt nhất. Trong trường hợp trẻ tự kỷ không được phát hiện sớm hoặc phát hiện sớm nhưng gia đình không chấp nhận can thiệp y khoa để rơi vào tình trạng nguy kịch hơn thì rất có thể trí tuệ sẽ chậm phát triển, nặng hơn bệnh nhân có thể rối loạn tâm thần, sẽ phải sống chung với bệnh suốt đời.

Hiện tại, cả nguyên nhân và các phương pháp điều trị cho trẻ bị tự kỷ đều chưa đưa ra được những yếu tố chính xác. Tuy nhiên, qua thực tiễn cho thấy nếu trẻ được phát hiện và can thiệp sớm sẽ đem lại kết quả khả quan. Như những trường hợp ở Khoa Tâm bệnh, BV Nhi Trung ương nếu trẻ được đưa đến kịp thời sẽ được điều trị theo lộ trình test kiểm tra tình trạng bệnh nhân và mỗi người sẽ có một phác đồ điều trị riêng.

Trong quá trình điều trị kéo dài 3 tuần, trẻ sẽ phải trải qua 9 lộ trình trong một ngày gồm: vận động tinh, vận động thô, điều hòa cảm giác, ngôn ngữ… và các hoạt động lặp đi lặp lại để trẻ thích nghi. Dù khá hiệu quả nhưng phác đồ này cũng chủ yếu là do các bác sĩ “đúc rút” kinh nghiệm. Bởi theo BS Minh thì: Bệnh nào chưa tìm rõ nguyên nhân gây bệnh thì khó có thể điều trị tận gốc. Nên dù rất muốn khống chế tình trạng gia tăng trẻ bị tự kỷ nhưng các bác sĩ cũng chỉ khuyến cáo đưa trẻ đến cơ sở y tế sớm nhất khi phát hiện trẻ có hiện tượng.

Trong khi y tế vẫn chưa tìm ra một “phác đồ” điều trị thực sự ưu việt thì giáo dục cũng chưa có giáo trình quy chuẩn nào dành cho trẻ tự kỷ. Trước thực trạng còn nhiều những suy nghĩ kỳ thị về căn bệnh này thì các bậc phụ huynh và người bệnh phải đối mặt với quá nhiều khó khăn. Việc điều trị bệnh tự kỷ đòi hỏi quá trình lâu dài, thêm đó rất tốn kém về mặt tiền của thì dù đã có chủ trương nhưng các ngành liên quan như: y tế, giáo dục, tâm lý học, xã hội học... cũng cần có động thái tích cực hơn nữa để hỗ trợ cũng như kế hoạch, hành động cụ thể để ứng phó với hội chứng tự kỷ. Một khi tạo được những cơ sở pháp lý rõ ràng sẽ góp phần nâng cao nhận thức của toàn xã hội để giúp những người không may mắn có cơ hội tái hòa nhập cộng đồng.

“Hậu quả của hội chứng tự kỷ rất nghiêm trọng, nó ảnh hưởng không chỉ bản thân đứa trẻ, gia đình mà còn ảnh hưởng đến xã hội. Vậy nên, trong quá trình phát triển trẻ cần được giao tiếp thường xuyên. Trong trường hợp trẻ nằm trong vùng nghi vấn thì nên cho trẻ đi học sớm, tránh tình trạng giao tiếp một chiều. Một đứa trẻ tự kỷ nếu được phát hiện và can thiệp sớm trong giai đoạn vàng (18-36 tháng tuổi) thì 30% có cơ hội khỏi hoàn toàn.

Trong trường hợp trẻ tự kỷ không được phát hiện sớm, hoặc phát hiện sớm nhưng gia đình không kịp thời can thiệp y khoa để rơi vào tình trạng nguy kịch hơn thì rất có thể trí tuệ sẽ chậm phát triển, nặng hơn bệnh nhân có thể rối loạn tâm thần”.

 (BS Thành Ngọc Minh - Phó trưởng khoa Tâm bệnh, BV Nhi Trung ương)


Huyền Anh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.