Cánh cửa nào cho sinh viên ngoài công lập?

08:30 | 18/10/2012

990 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Cùng với nhiều địa phương khác, mới đây, ngành giáo dục Hà Nội đã thông báo chỉ tuyển những thí sinh phải tốt nghiệp hệ chính quy của Trường đại học Sư phạm, khoa sư phạm của các trường đại học hoặc tốt nghiệp đại học hệ chính quy các trường công lập đúng chuyên ngành đăng ký dự tuyển và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm… vào các cơ sở giáo dục công lập trực thuộc Sở GD&ĐT Hà Nội năm 2012. Vậy những sinh viên không chính quy, liên thông, trung cấp… sẽ đi về đâu?

Học tại chức cũng như không

Hà Nội còn nhấn mạnh: Không tiếp nhận hồ sơ của thí sinh tốt nghiệp đại học theo hình thức liên thông. Điều này đã tạo nên một dư luận khá lớn trong xã hội với những ý kiến trái chiều.

Việc chỉ tuyển giáo viên học hệ đại học chính quy cũng cho thấy, ngành giáo dục đang tự nhận ra những bất cập, hạn chế trong công tác dạy và học hiện nay. Chính ngành giáo dục - nơi đào tạo ra những cử nhân tại chức tương lai, lại từ chối nhận những “sản phẩm”của chính mình, câu hỏi vì sao?

Nhiều ý kiến cho rằng, đó là sự chênh lệch quá lớn về chất lượng thực sự của công chức được đào tạo qua hệ đại học chính quy và hệ tại chức. Chất lượng đầu vào của hệ tại chức còn quá thấp so với hệ chính quy. Đa số những người học tại chức là do không thi đỗ vào hệ đại học chính quy. Phần lớn trong số này lại là những người vừa đi làm vừa đi học, họ không có thời gian hoặc có rất ít thời gian để dành cho việc học. Sau mỗi khóa học, hầu như ai cũng tốt nghiệp ra trường một cách khá dễ dàng.

“Cấm cửa” tại chức - oan cho những người học nghiêm túc

Thế nhưng “nhìn đi cũng phải nhìn lại”, thực tế cho thấy, việc đào tạo chính quy trong một số trường đại học cũng còn rất nhiều bất cập. Các trường ồ ạt tuyển sinh cho đủ chỉ tiêu, ồ ạt xin giấy phép thành lập, mở thêm hệ này, hệ kia, đua nhau dạy tại chức, đào tạo từ xa… Kết quả là đã “xuất xưởng” những thế hệ cử nhân khập khiễng, tấm bằng của họ có khi chỉ là một vật trang sức, làm đẹp thêm hồ sơ khi đi xin việc.

Chị Nguyễn Thu Hà (Hoàng Mai, Hà Nội) bức xúc: “Tại sao ngành giáo dục đào tạo ra tại chức để rồi nói không với họ. Cũng giống như ngành sư phạm, trên cả nước đã thừa rất nhiều nhưng các trường vẫn thi nhau tăng chỉ tiêu, thu hút người học, học ra để làm gì? Tôi thấy, khách quan mà nói, ý kiến cho rằng không nên tuyển tại chức nên xem xét lại. Trường nào, hệ đào tạo nào cũng có người nọ người kia, hãy cho họ cơ hội được thể hiện mình. Khi họ thực sự không thể nắm bắt được cơ hội đó thì hãy đào thải họ. Ai dám khẳng định tất cả những người tốt nghiệp các trường hàng đầu đều làm được việc, hay ngược lại, tất cả sinh viên các trường không có thương hiệu đều dốt? Nhất là nghề giáo viên, học và dạy là hai phạm trù hoàn toàn khác. Đây lại là nghề đào tạo ra cả một thế hệ tương lai. Hãy cân nhắc để người thực sự có tài và có tâm được trọng dụng, dù họ tốt nghiệp ở đâu ra đi nữa!”.

Nhiều ý kiến nêu vấn đề, bản thân người học không có lỗi mà lại chịu sự phân biệt, đối xử không công bằng và khách quan. Đã cho phép đào tạo mà không công nhận thì đào tạo làm gì, sao không xóa bỏ hệ tại chức đi? Tại chức thì cũng có người giỏi, họ học thật và có trình độ (tự học là chính).

Đinh Văn Hòa (Hà Nam) cho biết: “Trong xã hội luôn có sự cạnh tranh, tại sao lại phân biệt đối xử như vậy đối với sinh viên tại chức. Không phải tất cả tại chức đều dốt nát và yếu kém. Tôi nghĩ không quan trọng chuyện bằng cấp mà phải xem lại cách đào tạo cũng như tuyển dụng công chức hiện nay”.

Giơ cao đánh khẽ?

Tại họp báo thường kỳ Bộ Nội vụ đầu tháng 10, ông Chánh văn phòng Nguyễn Xuân Bình khẳng định: Luật Công chức không cấm việc tuyển dụng những người có bằng tại chức, Luật Giáo dục cũng không phân biệt giá trị các loại hình bằng cấp.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn khẳng định, các văn bằng đều có giá trị tương đương trước pháp luật, không phân biệt loại hình công lập hay dân lập, chính quy hay tại chức, cơ hội đăng ký dự tuyển công chức là như nhau, vấn đề là phải chọn được người có năng lực đảm đương nhiệm vụ và phục vụ xã hội. Do đó, việc thi tuyển phải bảo đảm công bằng, công khai và chất lượng.

Tuy nhiên, theo ông Bình, Bộ Nội vụ “không cứng nhắc, sơ cứng” khi “chia sẻ suy nghĩ và trách nhiệm” với các địa phương - những người sử dụng nguồn nhân lực: Họ đều mong muốn tìm cách này cách khác để tuyển dụng được những người thực sự có năng lực, trình độ vào bộ máy, để tận dụng có hiệu quả nhất nguồn nhân lực và phát huy được hiệu quả công tác.

Làn sóng nói “không” với hệ tại chức mở đầu tại Đà Nẵng vào đầu tháng 12/2010 khi UBND thành phố thông báo không tiếp nhận sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức vào các cơ quan Nhà nước.

Tháng 5/2011, UBND Vĩnh Phúc quy định thi tuyển công chức phải có bằng đại học chính quy. Tháng 9/2011, hàng chục giáo viên hợp đồng dạy tiếng Anh tiểu học ở Nam Định phải nghỉ dạy vì chỉ có bằng tại chức. Tháng 10/2011, Hải Dương thông báo không tuyển sinh viên tại chức.

Sang năm 2012, Sở GD&ĐT tỉnh Hà Nam không tuyển sinh viên tại chức và cả các hình thức đào tạo liên thông, liên kết, từ xa... Tiếp đó, UBND Quảng Nam thông báo tuyển gần 600 cán bộ, công chức và cũng yêu cầu không tuyển ứng viên có bằng đại học tại chức. Ngày 29/8, UBND Nam Định thông báo tuyển dụng công chức phải được đào tạo hệ chính quy tập trung dài hạn. Ngày 3/9, UBND Quảng Bình ban hành quyết định về chính sách sử dụng con em Quảng Bình tốt nghiệp đại học cũng không tuyển hệ tại chức vào cơ quan Nhà nước. Và mới đây nhất là quyết định của UBND TP Hà Nội vào ngày 12/9.

Bộ GD&ĐT yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin

Trong những năm qua, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các cơ quan quản lý giáo dục và các nhà trường đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý chuyên môn, trong đó có việc theo dõi, quản lý kết quả học tập và chuyên cần của học sinh bằng “sổ điện tử” (gọi tên ghi điểm, liên lạc giữa nhà trường và gia đình…) tại các nhà trường theo mẫu do Bộ hướng dẫn. Tuy nhiên, một số sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT chưa quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện ở các nhà trường, thay vào đó lại tổ chức mua hộ các trường hồ sơ quản lý chuyên môn (bản in), trong đó có sổ gọi tên ghi điểm.

Bộ GD&ĐT yêu cầu các sở GD&ĐT nghiêm túc rút kinh nghiệm, tăng cường chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giáo dục, các trường chỉ tự mua để sử dụng hồ sơ quản lý bằng mẫu in khi chưa đủ khả năng sử dụng các loại hồ sơ điện tử. Cơ quan quản lý giáo dục không mua và phát hành tới các nhà trường các loại hồ sơ, sổ sách, tài liệu quản lý chuyên môn, trong đó có sổ gọi tên ghi điểm. Bộ yêu cầu các sở tổ chức tự kiểm tra, chấn chỉnh và báo cáo kết quả lên Bộ trước ngày 20-11-2012.

Chấn chỉnh việc đào tạo không chính quy

Chuẩn bị cho công tác triển khai thực hiện Luật Giáo dục đại học từ ngày 1/1/2013, Bộ GD&ĐT vừa yêu cầu các trường đại học, học viện, trường cao đẳng báo cáo tình hình tổ chức, tuyển sinh và đào tạo trình độ đại học, cao đẳng, thạc sĩ tại các cơ sở II/phân hiệu ngoài trụ sở chính của trường trong 5 năm qua (từ năm 2007-2012). Đây là một trong số các khâu bám sát thực tế đào tạo giáo dục trong nước để chuẩn bị cho việc triển khai thực hiện Luật Giáo dục đại học.

Bộ GD&ĐT đã có Công văn số 4602/BGDĐT-GDĐH về việc chấn chỉnh việc tổ chức tuyển sinh, đào tạo tại các cơ sở II/phân hiệu không đúng quy định. Đồng thời đề nghị các trường báo cáo đầy đủ trước ngày 15/10/2012, về các cơ sở II/phân hiệu ngoài trụ sở chính của trường, tình hình tổ chức, tuyển sinh và đào tạo theo mẫu báo cáo, các phụ lục kèm theo báo cáo.


Nguyên Minh