Chán thầy ta, mời thầy... Tây

06:00 | 23/11/2012

1,657 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Tình trạng năng lực ngoại ngữ của giáo viên, giảng viên các cấp học đang là đề tài nóng, thu hút được sự quan tâm của dư luận. Trước khi đảm bảo tất cả số lượng giáo viên đạt chuẩn, một số trường học đã “chữa cháy” bằng cách mời thầy Tây về dạy thay cho thầy ta, để nâng cao trình độ ngoại ngữ cho học sinh.

>> Bộ GD-ĐT rà soát năng lực giảng viên ngoại ngữ

>> Rà soát năng lực ngoại ngữ của giảng viên rồi... để đấy?

 

Ngoại ngữ: dạy mãi, học mãi vẫn... kém

Rất nhiều học sinh bước chân vào trường ĐH chỉ biết một vài câu giao tiếp đơn giản, và sau khi ra trường bỏ lỡ những cơ hội có được việc làm tốt chỉ vì thiếu kỹ năng và đặc biệt là năng lực ngoại ngữ không cao. Điều này là hệ quả của việc dạy và học ngoại ngữ thiếu thực tế và kém hiệu quả trong nhà trường.

TS Nguyễn Ngọc Hùng, trưởng bộ phận thường trực ban quản lý Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020, nhận xét một trong những nguyên nhân khiến việc “dạy học ngoại ngữ mãi vẫn kém” trong các trường là do quan điểm coi ngoại ngữ như một môn học kiến thức chứ không phải kỹ năng.

Chính vì vậy nên từ chương trình đến cách dạy, cách học đã không chú trọng việc rèn luyện kỹ năng nghe, nói, đọc, viết cho người học. Việc dạy và học chủ yếu phục vụ thi, trong khi các kỳ thi cuối cấp, thi vào đại học vẫn chỉ tập trung vào ngữ pháp. Quan niệm này giống như một cản trở lớn trong việc rèn luyện kỹ năng ngoại ngữ của học sinh, sinh viên.

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, đến hết tháng 6/2012, nếu áp dụng khung tham chiếu châu Âu, toàn quốc chỉ có 1.062/11.784 GV tiếng Anh tiểu học đạt trình độ B2; 2.785 GV đạt trình độ B1. Con số này là quá ít ỏi so với tỉ lệ 60,17% GV tiếng Anh hiện nay có trình độ đại học (ĐH) và sau ĐH trên cả nước.

Kết quả khảo sát trình độ GV tiếng Anh ở 30 tỉnh, thành phố vừa qua cho thấy: 97% GV THPT và 93% GV THCS không đạt mức chuẩn của đề án xây dựng. Đáng lo ngại hơn, ở bậc Tiểu học có tới 17% GV trên toàn quốc chỉ đạt trình độ A1, tức là tương đương về trình độ với người vừa nhập môn tiếng Anh.

 

Kết quả khảo sát của Đề án ngoại ngữ 2008-2020 tại một số địa phương

 

Trong khi đó, chỉ tính riêng Hà Nội, 8 năm nữa, Hà Nội phấn đấu 100% giáo viên tiếng Anh có thể nghe và hiểu bài do chuyên gia nước ngoài giảng dạy, không cần phiên dịch. 8 năm nữa, 100% học sinh tốt nghiệp THPT, giáo dục thường xuyên đạt trình độ ngoại ngữ B1 (tức là tương đương điểm IELTS từ 3,5 - 4,5) - tương đương với chuẩn ngoại ngữ đầu vào cao học.

Gần đây, Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 đã tổ chức kiểm tra trình độ năng lực của giáo viên ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, ở 30 tỉnh, thành, kết quả cho thấy 97% giáo viên THPT, 93% giáo viên tiểu học, THCS không đạt mức chuẩn của đề án xây dựng. Đặc biệt, có tới 17% giáo viên tiếng Anh cấp tiểu học trên cả nước chỉ đạt trình độ A1, có nghĩa là tương đương về trình độ với người vừa nhập môn tiếng Anh. Điều này cho thấy sự chênh lệch quá lớn giữa “chuẩn” của đề án và “chuẩn” đào tạo thực tế.

Giải thích việc này, ông Nguyễn Ngọc Hùng cho rằng: “Giáo viên tiếng Anh đang giảng dạy ở các trường phổ thông về mặt hình thức đều đạt chuẩn tốt nghiệp các trường ĐH, CĐ, nhưng nhiều giáo viên chỉ được đào tạo theo hệ chuyên tu, hệ từ xa, mở rộng... Bằng cấp thì có nhưng trình độ thực tế thì không đồng đều và phần đông không đảm bảo chất lượng. Một số trường sư phạm cũng chưa đảm bảo chất lượng đào tạo đối với sinh viên hệ chính quy.

Trước đây, tiếng Anh chỉ là môn tự chọn nên việc tuyển chọn giáo viên chưa được quan tâm đúng mức, không đặt ra yêu cầu đo đếm kỹ năng nghe, nói, đọc, viết mà chủ yếu kiểm tra xem người dự tuyển có bằng đào tạo hay không. Trong quá trình dạy học, giáo viên cũng chỉ chú trọng dạy từ vựng, ngữ pháp nên kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh của chính các thầy cô cũng mai một. Chỉ khi đề án được triển khai và các tỉnh, thành tiến hành kiểm tra rà soát mới thấy lỗ hổng quá lớn”.

Nở rộ thuê thầy Tây

Đến năm 2020, Đề án ngoại ngữ quốc gia yêu cầu mỗi năm bổ sung khoảng hơn 2600 giáo viên bậc tiểu học, hơn 2000 giáo viên cho bậc THCS và khoảng 1400 giáo viên cho bậc THPT. Đây là con số khá lớn và có thể đòi hỏi một cuộc tuyển giáo viên thần tốc cho cả ba cấp học này.

Tuy nhiên, việc xét tuyển “thần tốc” khó có thể xảy ra, và một biện pháp được nhiều trường học sử dụng là: thuê ngoài và liên kết đào tạo. Biện pháp này vừa đảm bảo số lượng biên chế trong mỗi nhà trường, vừa đáp ứng được nhu cầu nâng cao trình độ ngoại ngữ cũng như cơ hội giao tiếp với người bản ngữ của học sinh.

Chỉ tính riêng ở TP Hà Nội, phần lớn các trường tiểu học hiện nay đều dạy tiếng Anh cho học sinh từ lớp 1, 2 thay vì bắt đầu từ lớp 3 như trong đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020” của Bộ GD-ĐT.

Ông Phạm Xuân Tiến, Trưởng Phòng Giáo dục Tiểu học - Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết theo thống kê chưa đầy đủ, hiện có hơn 400 trường tiểu học tại Hà Nội đã và đang dạy tiếng Anh liên kết với 6 chương trình, gồm: Phonics (VPBox), Language Link, Victoria, Dynet, Washington và Bình Minh với nhiều mức học phí khác nhau, tùy thuộc vào tên tuổi của các trung tâm.

Để đảm bảo dạy ngoại ngữ từ lớp 3, nhiều trường học đã phải thuê giáo viên ngoài

Trong đó, mức học phí chương trình Phonics tương đối rẻ, chỉ từ 50.000 đồng trở lên/tháng. Language Link có học phí cao hơn hẳn do có giáo viên nước ngoài dạy, khoảng 6 triệu đồng/năm học. Nhiều trường có chương trình liên kết với mức thu khoảng 150.000 đồng/tháng trở lên. Đại diện một trường tiểu học đóng tại quận Đống Đa cho hay trường phải trả cho giáo viên nước ngoài 25 USD/giờ, vì thế học phí cao hơn các chương trình chỉ có giáo viên trong nước.

Mặc dù mức học phí để trả cho mỗi giờ học tiếng Anh liên kết khá cao, nhưng nhiều phụ huynh vẫn muốn cho con theo học. Bởi trong những chương trình liên kết ấy, thời gian giao tiếp với người nước ngoài khá nhiều, góp phần nâng cao khả năng nghe và nói của học sinh.

Tuy nhiên, nguồn giáo viên được sử dụng để giảng dạy trong các chương trình liên kết cũng rất đa dạng, có người tốt nghiệp ĐH, CĐ sư phạm nhưng cũng có những người học các trường ngoại ngữ, không có nghiệp vụ sư phạm, thậm chí cũng có những đối tượng Tây “balo”. Và tất nhiên, các trường học đều không thể đảm bảo chất lượng của giáo viên liệu có đạt trình độ B2 như yêu cầu của Bộ GD-ĐT hay không?

Vẫn biết năng lực ngoại ngữ của học sinh còn thấp và khó có thể đảm bảo trình độ của những giáo viên được thuê ngoài, nhưng với tình trạng quá yếu kém của giáo viên ngoại ngữ trong nước, việc liên kết đào tạo là khó tránh khỏi. Và trách nhiệm của các nhà quản lý giáo dục là đề ra tiêu chuẩn cụ thể đối với đối tượng giáo viên đến từ các trung tâm ngoại ngữ. Đồng thời, cần đảm bảo chất lượng đồng đều của các giáo viên này trong khi chờ các giáo viên trong các nhà trường “đạt chuẩn”. 

 

Vương Tâm

 

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.