Chuyên đề: 'Mốt' xuất ngoại chữa bệnh

Chiêu hút khách của các bệnh viện nước ngoài

07:00 | 27/01/2013

1,790 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Nhận thấy Việt Nam là một mảnh đất màu mở để khai thác dịch vụ y tế, nên nhiều BV, tập đoàn y tế trong khu vực cũng đang bằng nhiều cách thu hút khách hàng từ Việt Nam đến chữa bệnh.

 

>>'Mốt' xuất ngoại chữa bệnh

 

Ra nước ngoài chưa chắc đã gặp bác sĩ giỏi

GS.TS Nguyễn Viết Tiến - Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng: Nhiều bệnh nhân sính ngoại cứ cho rằng cái gì ở nước ngoài cũng tốt, chất lượng cũng cao nhưng thực tế chưa hẳn khi ra nước ngoài bệnh nhân đã gặp được bác sĩ giỏi, đúng chuyên môn. Không ít bệnh nhân “tiền mất tật mang” khi khám bệnh ở nước ngoài trở về nước.

Nhiều bác sĩ nước ngoài đến học kỹ thuật nội soi của Việt Nam

Vừa qua, một sản phụ bị “nhau tiền đạo” đến khám ở BV Phụ sản TW, khi chuẩn bị phẫu thuật thì gia đình quyết định chuyển bệnh nhân đi  Singapore điều trị cho an tâm, trong khi đây là bệnh phổ biến, đơn giản mà các bác sĩ nước ta tiếp nhận hằng ngày, hoàn toàn có đủ khả năng thực hiện tốt ca phẫu thuật.

Khi phẫu thuật từ Singapore về nước thì bệnh nhân bị biến chứng rò niệu quản. Lúc này bệnh nhân gọi điện sang Singapore thì được họ trả lời sẵn sàng tiếp nhận nhưng chi phí lần này cao hơn nhiều lần so với trước vì kỹ thuật áp dụng khó hơn,… Bệnh nhân không đủ tiền phải ở lại Việt Nam để chữa trị.

BS. Lê Hành - Trưởng khoa Thẩm mỹ - Tạo hình BV Chợ Rẫy cũng cho biết: BV thường xuyên phải “Giải quyết hậu quả” khi bệnh nhân phẫu thuật thẩm mỹ ở nước ngoài bị gặp biến chứng, hầu hết họ không đủ tiền để quay lại nước ngoài giải quyết biến chứng vì ở nhiều nước mặc dù sai sót chuyên môn bệnh nhân cũng phải trả tiền để khắc phục sai sót. Chưa kể nhiều trường hợp phẫu thuật thẩm mỹ không đúng yêu cầu của bệnh nhân vì bất đồng về ngôn ngữ.

Theo các chuyên gia, khám chữa bệnh ở nước ngoài chưa phải là hoàn hảo bởi có những trở ngại nhất định: Khó khăn về giao tiếp do rào cản ngôn ngữ, đặc biệt là các thuật ngữ chuyên môn y khoa trong quá trình tư vấn làm cho bệnh nhân có nguy cơ quyết định điều trị khi chưa thông hiểu hoàn toàn về cơ chế, lợi ích, các tai biến trong và sau phẫu thuật.

Bên cạnh đó, sau khi điều trị hoặc phẫu thuật việc tái khám cũng là vấn đề vì chi phí tăng thêm nếu mỗi lần tái khám phải bay qua nước ngoài. Tái khám trong nước thì ý kiến xử trí chuyên môn sau phẫu thuật giữa phẫu thuật viên nước ngoài và bác sĩ theo dõi có thể không hoàn toàn đồng nhất. Nếu có khiếu nại, không vừa lòng về kết quả điều trị thì khả năng khiếu kiện thấp do chí phí luật sư cao và không hiểu pháp luật nước sở tại.

Chiêu câu khách của BV ngoại

Mỗi năm có đến 40.000 bệnh nhân qua nước ngoài khám chữa bệnh. Đó là con số thống kê chưa đầy đủ, nhiều người cho rằng số thực tế còn vượt xa con số trên. Vì vậy, nhận thấy tiềm năng và nhu cầu rất lớn này, một số BV, tập đoàn y tế đến từ Singapore, Thái Lan… đã sang nước ta để lập văn phòng tư vấn, tổ chức móc nối, đưa đón bệnh nhân ra nước ngoài điều trị.

Trước khi ra nước ngoài khám bệnh, bệnh nhân được hướng dẫn đầy đủ về phương pháp điều trị, thời gian, chi phí điều trị… Ngay cả phiên dịch, hành lý mang theo, nơi ăn chốn ở cho người thân đi kèm đều được họ lo chu đáo từ A đến Z. Do đó, mặc dù chưa hiểu rõ về ngành y tế nước ngoài, không thông thạo ngôn ngữ nhưng hầu hết bệnh nhân rất an tâm và hài lòng khi đi khám chữa bệnh ở nước ngoài.

Họ có cách tiếp thị, quảng bá hình ảnh tốt hơn chúng ta, không chỉ chăm sóc thể chất mà còn chăm sóc về tinh thần cho bệnh nhân: Thái độ phục vụ tốt, cơ sở vật chất sạch sẽ, khang trang; không chỉ quan tâm đến người bệnh họ còn quan tâm đến người thân, người thăm nuôi…

Đó là những điều mà bệnh nhân, nhất là những người có thu nhập cao đang cần. Do đó, khi xã hội phát triển, thu nhập của người dân ngày càng cao, thông thương du lịch, thương mại phát triển thì số bệnh nhân chọn ra nước ngoài khám bệnh gia tăng là điều không lạ.

Bên cạnh chữa bệnh các nước còn kết hợp rất khéo léo với hoạt động du lịch

PGS.TS Võ Văn Thành - Trưởng khoa Cột sống A, BV Chấn thương Chỉnh hình TP HCM nhận định: “Bên cạnh chữa bệnh, các nước còn kết hợp rất khéo léo tham quan, du lịch, mua sắm. Chính vì vậy, nguồn ngoại tệ đổ ra nước ngoài từ hoạt động khám chữa bệnh cũng rất lớn. Đây là một dạng nhập siêu của Việt Nam. Rõ ràng ngành y tế chúng ta thua các nước ở bài toán kinh tế bởi chưa hẳn về chuyên môn họ đã hơn ta. Nhiều kỹ thuật y tế trong nước được đánh giá ngang tầm khu vực và quốc tế, nhiều bác sĩ nước ngoài còn đến ta để học tập kinh nghiệm”.

Trong những năm qua, tại Việt Nam với sự phát triển của các kỹ thuật cao, chuyên sâu trong ngành y cũng đã thu hút nhiều người nước ngoài đến nước ta điều trị bệnh. Tuy nhiên, các bác sĩ nhận định, bệnh nhân đến với ta một cách tự phát, chúng ta chưa tổ chức: đội ngũ phiên dịch, chưa có dịch vụ ăn ở, chưa gắn kết với dịch vụ vận tải, du lịch… Nói chung là còn thiếu tính đồng bộ. Đó là điểm mà ngành y tế chúng ta còn quá kém so với y tế nước ngoài.

(Còn tiếp)

Mai Phương