"Chợ sách lậu 10 phút" ngay giữa giảng đường đại học

19:00 | 08/02/2013

3,045 lượt xem
|
(Petrotimes) - Theo chân một cậu sinh viên năm thứ 2 Trường Đại học Quốc gia Hà Nội vào bán giáo trình trong một giờ học của sinh viên Trường Đại học Sư phạm. Tôi thực sự kinh ngạc, vì chỉ trong vòng 10 phút ra chơi, 64 cuốn giáo trình đã được bán hết veo.

Biến giảng đường thành chợ sách

Vào mỗi đầu học kỳ mới, nhu cầu mua giáo trình của sinh viên trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Trong khi đó, giáo trình của thư viện không đáp ứng được hết nhu cầu này, sinh viên buộc lòng phải tự tìm và mua cho mình những giáo trình cần thiết phục vụ cho môn học. Tuy nhiên không phải ai cũng có đủ khả năng và sẵn sàng chi ra những khoản tiền cho việc mua giáo trình thật với giá không hề rẻ. Nắm bắt được tâm lý đó, thị trường sách lậu lại càng có đất để làm ăn.

Một thực tế dễ thấy là sách lậu được bày bán khá công khai trên vỉa hè, một số cửa hàng sách. Ở Hà Nội, có thể kể đến các dãy phố như: Phạm Văn Đồng, Trần Quốc Hoàn (quận Cầu Giấy), cung đường Láng (quận Đống Đa), đường Nguyễn Chí Thanh (quận Ba Đình), đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân)... Song, sách lậu ngang nhiên bày bán trong trường đại học, thậm chí là ngay trên giảng đường thì không phải là điều mà ai cũng biết.

Nhóm sinh viên bán sách lậu tại Trường Đại học Sư phạm

Chiến dịch bán sách của nhóm sinh viên kéo dài trong vòng 2 tuần kể từ khi bắt đầu học kỳ mới. Với các đầu sách cơ bản, bắt buộc như: Tiếng Anh, Giáo dục học, Tâm lý học đại cương...

Việc bán sách chỉ diễn ra trong chừng 10 phút ra chơi giữa các tiết học. Lớp học có chừng 80 sinh viên, chẳng mấy chốc, 64 cuốn giáo trình triết học được bán hết.

Tôi thực sự kinh ngạc, không mất quá nhiều thời gian, trong khi, một hiệu sách ở ngoài, trung bình, cũng cùng bán loại này, dễ đến cả tuần trời, thậm chí hơn mới bán được hết.

Lợi nhuận không nhỏ

Giá sách rẻ đáng kinh ngạc, không phải so với giáo trình thật, mà ngay cả so với giá sách lậu ngoài mấy cửa hàng sách thì những quyển sách lậu này có giá rẻ hơn từ 2 – 3 nghìn đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận có được không hề nhỏ.

Tùy từng đầu sách thì con số đó khác nhau. Ví dụ như Triết học: giá sản xuất là 11.000 đồng/1 cuốn – giá bán là 20.000 đồng/1 cuốn; Tiếng Anh New Cutting: giá sản xuất là 20.000 đồng/1 cuốn – giá bán là 35.000 đồng/cuốn... Mức lãi với từng đầu sách giao động từ 7.000 – 15.000 đồng/1 cuốn.

Nguồn sách từ đâu?

Chủ của chiến dịch bán sách lậu trong giảng đường đại học tên Hoạt sinh năm năm 1986 - là sinh viên năm cuối Khoa Công nghệ Thông tin trường Đại học Sư phạm. “Hoạt bắt đầu công việc bán sách từ học kỳ 2 của năm nhất. Mới đầu là đi lấy lại, dần dần, nhờ tài năng, và cũng là sự bản lĩnh Hoạt đã bắt mối được với cơ sở sản xuất, và đến nay, khi là sinh viên năm cuối, Hoạt đã trở thành người bỏ vốn, trực tiếp sản xuất sách, không chỉ là giáo trình, mà tất cả các loại sách khác, từ văn học, giải trí, khoa học, tử vi...” – Nguyễn Mạnh Tưởng, một thành viên của nhóm bán sách và cũng là anh họ của Hoạt cho biết.

Những ba lô, bao tải, chồng sách lậu như thế này ngang nhiên được mang vào giảng đường đại học

Được biết, Hoạt không chỉ bán sách ở Trường Đại học Sư phạm, mà còn bao sân cả các trường: Đại học Công nghệ, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Luật, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, với các đầu sách chính là Tiếng Anh (English File), và Triết học Mác – Lênin; Trường Đại học Kiến trúc, Học viện Bưu chính Viễn thông cũng với giáo trình các môn cơ bản bắt buộc. Ngoài ra, Hoạt còn giao sách, giáo trình cho một hệ thống các cửa hàng trên đường Phạm Văn Đồng, Trần Quốc Hoàn.

Câu hỏi đặt ra, Hoạt lấy nguồn sách ở đâu, để có được số lượng sách lớn, và có mức lãi trên một đầu sách lớn như vậy? Ngay cả những nhà sách hoạt động lâu năm, phát tờ rơi vào tận trường đại học với mức giá rẻ cũng không thể cạnh tranh được.

Theo chân Hoạt trong nhiều chuyến lấy hàng, mới hay Hoạt là người trực tiếp sản xuất số lượng sách đó. Tự mình làm tất cả các khâu từ photo hoặc scan sách thật, cho ra phim, in thành sách... Bắt mối với các xưởng in hay các cửa hàng photo, tuy nhiên, các xưởng in và cửa hàng mà Hoạt bắt tay cũng thường xuyên được thay đổi, không cố định. “Hiện tại anh in sách ở xưởng dưới Nghĩa trang Văn Điển, xưởng chạy tốt mà giá cũng mềm” – Hoạt tiết lộ.

Kho trữ sách của Hoạt cũng rất lưu động, không cố định ở một địa điểm nào, và cũng không dùng kho trong thời gian quá lâu. Số lượng sách được chia nhỏ cho các kho, có thể ở gần bến xe Mỹ Đình, khu Kiều Mai (Từ Liêm), hoặc trở sách về quê (Mỹ Đức – Hà Nội).

Việc đưa sách vào bán công khai trong giảng đường đại học là một hình thức buôn bán, tiêu thụ sách lậu mới, dễ dàng qua mặt các cơ quan chức năng. Không mở nhà sách, không có cơ sở cố định, nên dù hoạt động không hề nhỏ, số lượng sách lậu tiêu thụ không hề ít, nhưng sinh viên này vẫn chưa bị ai sờ đến!

Thanh Bình

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc