Chợ Viềng ai rủi, ai may?

07:00 | 17/02/2013

1,237 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - 18 giờ, trời bắt đầu tối, đường làng đã chật ních người, tiếng còi xe, tiếng người chèo kéo xen lẫn tiếng kêu la của những chú bê con tận số. Trong khi số ít người đã “mua may” thành công ra về thì hàng nghìn người kèm theo ngựa xe khăn gói đang lũ lượt đổ về, ai nấy đều tỏ ra hồ hởi, sẵn sang cho một đêm chen lấn cầu may.

 

Lũ lượt đổ về phiên chợ mua may, bán rủi.

Đông lắm phiên chợ mua may!

Đã thành thông lệ, vào đêm nay, tại xã Trung Thành, huyện Vụ Bản, Nam Định lại diễn ra phiên chợ Viềng. Phiên chợ cầu may này mỗi năm chỉ họp một lần.

Đây là một phiên chợ độc đáo, một hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng cộng đồng của cư dân nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Hồng đã có từ xa xưa. Nét độc đáo của phiên chợ Viềng Xuân chính là ở ý nghĩa cầu may trong năm mới, cả người bán lẫn người mua với tâm lý “mua may bán rủi” đều rất vui vẻ và mong muốn bước sang một năm mưa thuận, gió hòa, làm ăn phát đạt.

Nhiều người đã "mua may" thành công ra về.

Tham dự phiên chợ Viềng đầu năm, ta thường chọn mua cây hoa, cây thế; người ở các miền quê thì tìm mua các sản phẩm nông nghiệp, từ những nông cụ như cày, cuốc cho đến các loại giống cây, giống con…

Ngay từ chiều ngày mùng 7 Tết, hàng nghìn người từ khắp nơi đã đổ về chợ. Rút kinh nghiệm những năm trước, vừa thức đêm vừa chen lấn mà chẳng mua được gì, năm nay nhiều người chọn phương án đi từ ban ngày. Anh Nguyễn Văm Hòa, ở TP. Phủ Lý, Hà Nam cho biết: ngay từ sang mùng 7 cả mấy an hem trong họ đã rủ nhau 12 giờ là đồng loạt xuất phát, đến sớm mừa đỡ đông vừa chọn được cây đẹp.

17 giờ chiều, hàng trăm người đã “mua may” thành công và hồ hởi ra về nhưng không quên ghé mua món bê thui và rau cần. Đã gọi là đi chợ cầu mày nên phải tổng động viên cả gia đình. Quan sát những “kẻ chợ” đã mua may thành công, chúng tôi nhận thấy nhiều gia đình cho cả các cháu nhỏ vẫn còn ẵm ngửa tới chợ. Nhiều nhà có điều kiện thì tổng động viên cả gia đình với 4 thế hệ trên chiếc xế hộp đến chợ.

Hàng nghìn con bê bị xả thịt

Chợ Viềng- người bán rủi kẻ mua may nhưng với loài bò thì lại là ngày đại họa. Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi phiên chợ đã tiêu tốn cả ngàn mạng bò. Để chuẩn bị cho chợ Viềng, người bán bê thui phải mua bê từ hàng tháng trước, đến phiên chợ mới mổ thịt. Anh Vũ Văn Hợp (ở xóm Phố, xã Trung Thành, H.Vụ Bản), người có thâm niên bán bê thui tại chợ Viềng gần 20 năm cho biết, mỗi phiên anh bán từ 10-15 con bê (khoảng 1,5 tấn thịt). Năm nay anh mua 13 con bê, đã thịt 3 con để bán cho những người đi chợ sớm.

Chỉ riêng tại xã Trung Thành, mỗi phiên chợ Viềng có khoảng 400 con bê được mổ, tương đương với 30 tấn thịt. Cộng cả khu vực thị trấn Gôi và xã Kim Thái - những nơi cũng diễn ra chợ Viềng, mỗi năm có khoảng 800 con bê được “hóa kiếp” dịp này.

 

Những chú bê con bị xẻ thịt.

 

Do nguồn cung trong địa phương không đủ, người ta phải lên các tỉnh miền núi hoặc sang Lào để mua bê. Anh Vũ Văn Châm, chủ một lò bê thui khác chiều qua cho hay, đến đêm sẽ đi Đô Lương, Nghệ An lấy 15 con bê đã đặt mua từ Lào về bán thịt tại chợ Viềng.

Tuy nhiên, để mua được thịt bê ngon tại chợ Viềng không dễ. Do bán khối lượng lớn, trong thời gian ngắn, nhiều chủ lò giết mổ theo lối công nghiệp như thui bằng ga, hoặc phun nước để tăng trọng lượng.

Bà Trần Thị Oanh, chủ lò bê thui Hùng Oanh nổi tiếng tại đây, nói loại bê ngon nhất là bê đực, trọng lượng khoảng dưới 1 tạ và phải thui bằng rơm. Theo bà Oanh, bê thui bằng ga rất nhanh, chỉ mất 20 phút so với thui rơm mất hơn 2 giờ nhưng thịt bê thui bằng ga sẽ ôi, hôi, không thơm ngon bằng thui rơm.

Bê thui ga không khô thịt nên dôi hơn bê thui rơm khoảng 5-7 kg mỗi con. Để phân biệt, chỉ cần xem lớp bì là nhận ra: bê thui rơm bì vàng sậm, trong suốt, trong khi bê thui ga bì trắng, đục. Nếu thui nách, háng bê còn màu đen, bì hôi vì chưa chín. Cũng theo bà Oanh, để tránh mua phải bê thui ngâm nước, cần chọn loại thịt bê có màu đỏ tươi nhưng sờ tay thấy  ráo, không ướt.

18 giờ, trời bắt đầu tối, đường làng đã chật ních người, tiếng còi xe, tiếng người chèo kéo xen lẫn tiếng kêu la của những chú bê con tận số. Trong khi số ít người đã “mua may” thành công ra về thì hàng nghìn người kèm theo ngựa xe khăn gói đang lũ lượt đổ về, ai nấy đều tỏ ra hồ hời, sẵn sàng cho một đêm chen lấn cầu may.

Văn Dũng