Chồng chéo dự án giảm tải bệnh viện

00:47 | 04/11/2012

1,086 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Quá tải là một trong những vấn nạn lớn của ngành y tế. Hiện nay, Bộ Y tế đang chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện chương trình chỉ đạo tuyến, Đề án 1816 và thành lập các bệnh viện vệ tinh để góp phần giảm tải. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, các dự án này chồng chéo lẫn nhau và thiếu hiệu quả.

Quá tải và giảm tải

Thực trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên là vấn đề gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội. Tại các chuyên khoa: Ung bướu, tim mạch, ngoại chấn thương, sản, nhi ở các bệnh viện lớn như: Bệnh viện K, Bạch Mai, Ung Bướu, Chợ Rẫy, Nhi Đồng 1, Nhi Trung ương, Từ Dũ… công suất sử dụng giường bệnh thường vượt quá 165%, thậm chí trên 200%; tình trạng 2-3 bệnh nhân phải nằm chung giường bệnh, bệnh nhân phải nằm ngoài hành lang, nằm dưới sàn phòng bệnh diễn ra phổ biến.

Quá tải gây ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh, bệnh nhân phải chờ đợi lâu, bác sĩ phải khám nhanh để đáp ứng số lượng bệnh nhân, gia tăng nguy cơ sai sót, xảy ra các tai biến do chuyên môn. Việc này cũng làm môi trường y tế bị nhiễm khuẩn, bệnh nhân và người nuôi bệnh dễ bị lây truyền bệnh từ những bệnh nhân khác…

Nhìn chung, những bức xúc trong ngành y tế hiện nay đa phần đều bắt nguồn từ tình trạng quá tải. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng thừa nhận, chưa có một quốc gia nào trên thế giới mà đi khám bệnh phải chen chúc, chờ đợi khổ cực như ở nước ta. Đáng lý môi trường y tế phải sạch sẽ nhất thì lại trở nên nhếch nhác, là nguy cơ phát tán mầm bệnh!

Tình trạng quá tải trầm trọng tại Bệnh viện Ung Bướu TP HCM

Không chỉ mới đây mà trong nhiều năm qua tình trạng quá tải đã diễn ra, Bộ Y tế cũng đã triển khai nhiều giải pháp khắc phục tình trạng trên như: Tăng cường ngân sách và đẩy mạnh xã hội hóa để các bệnh viện đầu tư thêm giường bệnh, mở rộng quy mô bệnh viện, tăng điều trị ngoại trú, giảm ngày điều trị nội trú hợp lý, tăng số phòng khám bệnh, tăng ca, tăng giờ làm… Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng chỉ đạo tăng cường hoạt động chỉ đạo tuyến, thực hiện luân chuyển cán bộ y tế về hỗ trợ tuyến dưới theo Đề án 1816 và mới đây là xây dựng Đề án thành lập bệnh viện vệ tinh của các bệnh viện lớn tại tuyến tỉnh.

Xét về mục tiêu, ý nghĩa, các chương trình đưa ra nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu của người dân và giảm quá tải bệnh viện tuyến trên. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, về cơ bản các chương trình chỉ đạo tuyến, 1816 và bệnh viện vệ tinh thực hiện tương đồng nhau, cùng hỗ trợ chuyên môn, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, nâng cao năng lực y tế tuyến dưới… Do đó, không nên triển khai đồng loạt nhiều chương trình mà nên đánh giá lại hiệu quả của từng chương trình, trên cơ sở đó loại bỏ những bất cập, kết hợp thành một chương trình, tránh hiện tượng chồng chéo, dàn trải, hao tốn nhân lực, tài lực mà kém hiệu quả.

“Vệ tinh” thiếu vốn

Tại cuộc họp phê duyệt Đề án Bệnh viện vệ tinh ở khu vực phía Nam vừa qua, một số ý kiến đề nghị Bộ Y tế xem xét lại 3 khái niệm: Chỉ đạo tuyến, Đề án 1816 và bệnh viện vệ tinh vì chương trình sau phát triển hơn so với chương trình trước nhưng cũng trên nền cũ là đào tạo, chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật… Thực hiện cùng lúc 3 chương trình dẫn đến tình trạng chồng chéo, không trọng tâm, trọng điểm, nguồn kinh phí quá lớn và nhân lực y tế cũng không thể đáp ứng nổi.

Hiện nay, nhân lực ngành y tế đang thiếu trầm trọng. Số bác sĩ trong cả nước đạt 6,59 bác sĩ/1 vạn dân, vùng đồng bằng sông Cửu Long tỷ lệ chỉ 5,27 bác sĩ/1 vạn dân, thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực. Với lực lượng rất mỏng như vậy mà phải dàn trải đi thực hiện cùng lúc nhiều chương trình, rất khó có hiệu quả.

Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP HCM là một trong những điểm nóng của tình trạng quá tải

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh - Giám đốc Sở Y tế TP HCM nhận định: Tại TP HCM, đội ngũ cán bộ y tế chưa đủ để đáp ứng nhu cầu hiện tại của các bệnh viện nhưng phải tham gia nhiều đề án trong thời gian dài là rất khó khăn. Thực tế, bên cạnh những hiệu quả đạt được, Đề án 1816 cũng bộc lộ nhiều điểm hạn chế: Phạm vi thực hiện đề án rộng, nhiều bệnh viện cử cán bộ về tuyến dưới hỗ trợ theo quy định đề án nhưng kém hiệu quả vì không phải bệnh viện tuyến dưới nào cũng có cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực đủ trình độ để có thể tiếp nhận các chuyển giao kỹ thuật.

Bên cạnh đó, quy định bắt buộc thời gian 3 tháng với một cán bộ trong một lần đi luân phiên là chưa phù hợp với nhu cầu chuyển giao kỹ thuật, có kỹ thuật thời gian chuyển giao trên 3 tháng nhưng cũng có kỹ thuật chỉ cần dưới 3 tháng. Vì vậy, xảy ra tình trạng cán bộ đi cho đủ chỉ tiêu, mang tính chất đối phó, không hiệu quả, trong khi đó tuyến trên cũng đang thiếu nhân lực.

Tương tự như trên, hiện nay các bệnh viện tuyến trên đang lo ngại với Đề án xây dựng bệnh viện vệ tinh ở tuyến dưới. Theo yêu cầu của Bộ Y tế, các bệnh viện đã xây dựng xong Đề án bệnh viện vệ tinh nhưng nhiều đơn vị không mặn mà với việc này. Bệnh viện Chợ Rẫy lập đề án xây dựng 8 chuyên khoa vệ tinh ở 6 bệnh viện đa khoa tỉnh, thời gian thực hiện từ năm 2012-2017, với tổng kinh phí dự kiến là 120 tỉ đồng.

Bệnh viện Ung Bướu TP HCM dự kiến lập khoa vệ tinh và bệnh viện vệ tinh ở 4 bệnh viện tỉnh, tổng kinh phí thực hiện khoảng 300 tỉ đồng. Bệnh viện Nhi Đồng 2 cũng dự kiến thành lập bệnh viện vệ tinh tại 3 bệnh viện tỉnh với tổng kinh phí khoảng 450 tỉ đồng... Các đề án được lập với số vốn quá lớn mà trước mắt các bệnh viện đã nhìn thấy sẽ thiếu vốn để thực hiện.

Theo đại diện nhiều bệnh viện, việc Bộ Y tế chỉ đạo mỗi bệnh viện tuyến trên lập 4-5 bệnh viện vệ tinh ở tuyến dưới thực sự khó khả thi vì nguồn lực y tế còn yếu, cả về nhân lực và tài lực, cứ dàn trải thì chắn chắn sẽ xảy ra tình trạng chỉ thực hiện nửa vời, không đạt được hiệu quả. Bộ Y tế chỉ hỗ trợ chi phí cho công tác đào tạo và chuyển giao kỹ thuật (chi phí không lớn), các địa phương cũng khó khăn với nguồn vốn đối ứng… Đặc biệt, trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, nguồn thu ngân sách Nhà nước và ngân sách địa phương cũng giảm sút, rất khó có thể đáp ứng một số vốn quá lớn cho đề án.

Tình trạng quá tải của các bệnh viện tuyến trên đã được nói đến nhiều trong thời gian qua. Các chương trình của Bộ Y tế thực sự đã góp phần vào việc chống quá tải ở các bệnh viện. Tuy nhiên, trong một chừng mực nào đó các chương trình này còn nhiều vấn đề bất cập phải giải quyết. Đặc biệt, cần thiết phải tinh gọn các chương trình để đi đúng trọng tâm, trọng điểm, làm đến đâu hiệu quả đến đó, không nên làm dàn trải, gây lãng phí công sức, tiền của của xã hội.

Mai Phương

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc