Chùa Trăm Gian - Nghìn năm hóa lại một ngày!

09:51 | 30/08/2012

1,579 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Những ngày qua, dư luận đang rất bất bình trước thông tin di sản văn hóa quốc gia chùa Trăm Gian có tuổi đời ngót 1.000 năm ở xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ (TP.Hà Nội), bị phá đi xây mới. Cuộc “đại trùng tu” ngôi chùa cổ diễn ra công khai, trắng trợn như vậy nhưng chính quyền xã, thanh tra xây dựng và thanh tra văn hóa lại tỏ ra mù mờ và ngơ ngác để ngôi chùa hàng trăm năm tuổi trở thành di tích “1 ngày”.

“Đám tang” không nước mắt

Có thể ví, việc trùng tu, xây mới lại hoàn toàn một di sản văn hóa cấp Quốc gia chính là sự “khai tử” của di tích ấy, và ngôi chùa Trăm Gian có tuổi đời gần 1.000 này đã chính thức ra đi để nhường chỗ cho một ngôi chùa mới toanh và hiện đại vào ngày 24/8 vừa qua. “Đám tang” chùa Trăm Gian không có nước mắt mà chỉ có tiếng cười nói, tiếng đập phá, tiếng cưa xẻ của người dân trong vùng và có sự thờ ơ, bỏ mặc của các vị lãnh đạo xã, lãnh đạo huyện.

Ngôi chùa cổ kính, thâm nghiêm nay không còn, thay vào đó là một “đại công trường” với ngổn ngang gạch, vữa, đá xẻ trắng bóng; và những phù điêu, cấu kiện cổ có tuổi đời hàng trăm năm thì bị vứt chỏng chơ không ai nhòm ngó.

Trong cuộc cải cách này không chỉ có sự tham gia của những người thợ từ nơi xa tới, mà còn có đông đảo người dân trong vùng với sự hồ hởi, hãnh diện của các bô lão, vị trụ trì và chính ông chủ tịch UBND xã Tiên Phương. Đau xót thay, khi chính những người con của Tiên Phương tự tay cầm lịch sử ném xuống đất; khi người trụ trì ngôi chùa xông xáo xin tài trợ để đập phá di tích và lãnh đạo xã sung sướng, phấn khởi “khoe khoang” như một chiến tích vĩ đại.

 

Ngôi chùa Trăm Gian trước và sau khi "trùng tu".

 

Khi một di tích cổ xuống cấp, thì việc trùng tu, tôn tạo là điều tất nhiên phải làm, thế nhưng “trùng tu” không có nghĩa là đập đi xây mới, biến những giá trị vật chất và tinh thần quý báu trở thành những thứ tầm thường, lòe loẹt. Và trước khi “dự án trùng tu” được diễn ra, “ngoài các cột lim bị “tiêu tâm”, rỗng ruột do thời gian, thì hầu hết hạng mục còn tốt. Các công trình như nhà tổ, gác khánh đều đứng vững, nếu cứ để nguyên thì còn lâu mới hỏng. Nhưng vì có điều kiện, nên “nhà chùa thay mới cho nó đẹp, nó bền” – theo lời các vị bô lão Tiên Phương.

Ấy thế nhưng họ - những người tự cho mình cái quyền “trùng tu” – đã “bức tử” một di sản Quốc gia, biến một nơi thâm nghiêm, cổ kính thành một thứ tạp phẩm lai căng, nhòe nhoẹt và lộn xộn. Và trong cái “đám tang” nhẽ ra nên tổ chức lặng lẽ, âm thầm thì họ lại ồn ã, sung sướng và không giấu nổi vẻ vinh dự, tự hào khi chính đôi tay mình đã “bóp chết” di tích cổ.

 

“Lỗi nào của chúng tôi”

Sau khi vụ việc được các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh, chiều 28/8, UBND TP Hà Nội đã có văn bản gửi Sở VH-TT&DL, UBND huyện Chương Mỹ. Theo đó, TP yêu cầu đình chỉ ngay việc thi công tại chùa Trăm Gian. Đồng thời yêu cầu địa phương này nhanh chóng xây dựng phương án phục hồi nguyên trạng nhà tổ, gác khánh và bậc cấp sân trước tiền đường.

Trước khi đánh động đến UBND TP Hà Nội thì sự việc đã rùm beng, rầm rĩ suốt mấy tháng trời, những người thợ đã “giải phóng mặt bằng” thành công nhà tổ và gác khánh. Thế nhưng khu “đại công trường” này hoàn toàn không thấy bóng dáng của UBND xã Tiên Phương, UBND huyện Chương Mỹ cũng như Sở VH-TT&DL huyện hay các thanh tra xây dựng, thanh tra văn hóa… xuống làm rõ trách nhiệm hay có động thái cứu di tích.

Chỉ tới khi báo chí vào cuộc, phản ánh tình trạng thê thảm của di tích nghìn năm tuổi thì cán bộ xã, huyện xôn xao đến kiểm tra, đoàn thanh tra của Bộ VH-TT&DL, với sự tham gia của Cục Di sản văn hóa và cơ quan hữu trách mới rủ nhau đổ xô về thị sát chùa Trăm Gian. Thế nhưng không một vị lãnh đạo hoặc cơ quan nào đứng ra nhận trách nhiệm về việc “bức tử” di sản quốc gia. Vì họ còn bận đổ tội cho nhau, hoặc biện minh rằng “Tôi không biết”.

Di tích chùa Trăm Gian nằm trên địa phận xã Tiên Phương, nhưng khi được hỏi về trách nhiệm, từ Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND và cả Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Tiên Phương đều trả lời là “không biết”, hoặc “hình như là…”.

Khi sự việc bung bét, UBND huyện Chương Mỹ đã dũng cảm nhận trách nhiệm trước UBND TP Hà Nội, nhưng lại “nói khẽ” với báo chí rằng “trách nhiệm về trùng tu, bảo tồn thuộc về TP Hà Nội và Bộ VH-TT&DL” . Và ông Vũ Văn Đông (phó chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ) cũng đưa ra hàng loạt công văn qua lại giữa TP Hà Nội, Sở VH-TT&DL, Sở Kế hoạch - đầu tư về việc phê duyệt dự án trùng tu chùa Trăm Gian với kinh phí lên tới hơn 14 tỉ đồng.

Ông còn khẳng định đanh thép rằng “Đây là di sản quốc gia thì phải thuộc trách nhiệm của các cơ quan cấp trên… Chúng tôi chỉ là địa phương, bảo đâu làm đó chứ không nắm được việc trùng tu này”.

 

Họ vui sướng, hồ hởi khi "bức tử" di tích văn hóa

 

Đại diện Cục Di sản văn hóa thì khẳng định đây là “trách nhiệm của địa phương mà đứng đầu là chủ tịch UBND TP Hà Nội”. Trong khi đó, đại diện Sở VH-TT&DL Hà Nội, phó giám đốc Nguyễn Đức Hòa thì mạnh dạn cho rằng “chỉ là tu bổ nhà tổ, gác khánh chứ không phải nhà chính như các báo nói, vì thế không có gì ghê gớm”, và “chùa đã xuống cấp, để chống sập thì phải làm, có thể chưa đúng nguyên tắc trùng tu, nhưng việc tu bổ chùa Trăm Gian là góp phần giữ gìn cảnh quan chùa”.

Vậy, trách nhiệm thuộc về ai? Ai đã chỉ đạo “bức tử” chùa Trăm Gian? Ai đã hỗ trợ kinh phí cho dự án “giải phóng mặt bằng” này? Ai đã ủng hộ hết lòng việc “khai sinh” một ngôi chùa Trăm Gian bóng nhoáng màu vecni và lòe loẹt như màu vàng mã?

Khi họ hô hào phá tan nát di sản văn hóa này, họ hãnh diện, tự hào làm sao khi chính đôi tay mình đã ném lịch sử xuống bùn sâu, dùng chính hành động của mình để dạy cho lớp trẻ về sự thiếu kiến thức và tấm lòng với lịch sử. Và đến bây giờ, khi sự việc bị lên án mạnh mẽ, “quả bóng trách nhiệm” lại bị chuyền lung tung, loanh quanh cho quá nhiều người, và tất nhiên, không ai có lỗi và ai cũng có lỗi.

Thế là huề cả làng!

Chỉ thương cho ngôi chùa Trăm Gian, nó đã đứng vững sau bao biến động của lịch sử, đã chứng kiến bao bể dâu của thời cuộc; ấy thế mà chỉ trong một phút, nó đã phải ngã xuống, trong một “đám tang” ồn ào, rầm rĩ, thừa vui sướng mà thiếu đi những giọt nước mắt, những tiếng thở dài hay những hoài niệm quá khứ của những con người có tâm với quốc gia, với lịch sử.

 

Vương Tâm

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc