Chuyện về những phụ nữ bán hoa rong

18:48 | 08/03/2014

1,814 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Là người mang “món quà hạnh phúc” đến cho người khác nhưng chính các chị lại chưa một lần được nhận hoa của riêng mình…!

Rạng sáng 8/3, mưa phùn vẫn rơi rả rích nhưng những khóm hoa di động đã kịp theo chân người xuống phố. Không rao bán, không mời gọi rôm rả như kiểu của các hàng rong khác, những phụ nữ bán hoa rong cứ lặng lẽ đi giữa phố phường như thế.

Chưa một lần biết "mùi"… hoa tặng

Công việc của các chị là bán hoa, đương nhiên ngày nào cũng chỉ một quy trình như vậy, nhưng hôm nay các chị lại tất bật hơn cả trong ngày… tôn vinh mình.

12h đêm qua mới về đến nhà trọ, 3h sáng nay đã phải dậy lục đục đạp xe lên chợ hoa Quảng Bá lấy hàng, chị Luyến (Nam Định) bơ phờ sau một đêm thiếu ngủ. Chiếc xe đạp cà tàng cũng kẽo kẹt theo những vòng quay. Là người đã có “thâm niên” cả chục năm trong nghề, chị Luyến tâm sự: “Năm nào chẳng vậy, 8/3 là một trong những dịp bận rộn nhất năm. Sáng đã phải dậy sớm hơn thường lệ, mà tối thì cũng phải đêm khuya mới về. Như năm nay, trời mưa, rét mướt thì lại vất vả hơn, nhưng công việc nó vậy, biết phải làm sao”.

10h đêm qua, mặc trời mưa gió trên tuyến đường Hà Nội vẫn dễ dàng bắt gặp những hàng hoa di động thế này

Nhanh thoăn thoắt sắp lại những bó hoa vừa nhập được từ chợ đầu mối, chiếc áo tơi mỏng manh không đỡ nổi cơn mưa phùn dai dẳng, chị ngậm ngùi khi được hỏi hoa dành cho mình: “Có lẽ bảo mình 40 tuổi đầu mà chưa biết “mùi” ngày 8/3 cũng đúng, chưa bao giờ mình được tặng hoa, mà có năm sau những ngày này mình còn nằm bệt vì quá sức”.

Ngay bên cạnh, sau khi đã chất đầy một xe hoa, chị Lâm (Phú Thọ) hóm hỉnh: “Cũng có năm có hoa để cắm đấy em ạ, đó là những năm hoa… ế. Lúc ấy, ngắm hoa có mà rớt nước mắt”. Điều chị nói đúng là sự thật chua chát, bởi với bất cứ người bán hàng nào, thì ế hàng quả là nỗi ác mộng.

Vậy nên với cả mấy chục nữ bán hoa rong ở thành phố này, chẳng ai mong tự được nhận “quà” như thế. Theo chị Lâm thì: “Có năm hoa bán không chạy, nhập chính ngày thì đắt, đến cuối ngày bán đổ, bán tháo, có để đến hôm sau thì hoa cũng dập nát hết. Mặc dù không lỗ vốn, nhưng cả ngày làm quần quật được vài đồng, thấy tủi cực lắm”.

Sáng sớm, chị Luyến đã đội mưa gió đi lấy hàng để lựa được những bông hoa đẹp nhất

Những người phụ nữ khác ngày này được nhàn nhã thì các chị thì năm nào cũng đầu tắt mặt tối từ sáng đến tận đêm khuya. Thắc mắc rằng các chị có thể tự thưởng cho mình bằng cách về sớm hơn một chút, thì chị Lâm giải thích: Những ngày khác thì không nói, nhưng ngày đặc biệt này ai cũng muốn tặng hoa cho người phụ nữ mình yêu thương. Có nhiều ông chồng công việc bận rộn lắm chứ, nên đến cuối ngày họ mới về mua hoa tặng vợ được. Lúc ấy ai cũng về hết thì làm gì có hoa cho người ta.

Chị Lâm kể thêm, có năm hoa “cháy hàng” luôn, nhìn ông chồng khổ sở lượn xe lùng sục khắp phố mua hoa tặng vợ mà thương, đến mình người ngoài còn thấy cảm động. Thế nên, cùng một công bán, mình về muộn chút có sao, vừa là bán thêm được đồng nào, hay đồng đó. Có năm 10h khuya mà khách vẫn đông nườm nượp.

Hỏi chị lo cho người khác không có quà như thế, vậy chị đã có quà chưa, chị Lâm lắc đầu: “Ở quê nghèo thì làm gì có hoa mà tặng như trên này đâu, mình đâu thể vì thế mà đòi hỏi được. Mà nhiều khi nghĩ cũng buồn cười, nghề của mình là bán hoa mà đến giờ vẫn chưa bao giờ biết mùi hoa tặng vào ngày này”.

Không cần hoa, chỉ cần no ấm

Trời sáng hẳn thì cũng là lúc hoa đã theo chân các chị về đầy trên phố. Nhìn dụng cụ làm nghề khá giản đơn, một chiếc xe thồ, một cái mẹt được buộc ngay ngắn phía sau, thế là đủ để lên đường mưu sinh.

Thường thì các chị sẽ nhập hoa ở chợ đầu mối Quảng Bá. Ai cầu kỳ hơn thì đến tận những “vựa” trồng hoa để đặt mối, giá thành sẽ rẻ hơn. Bán hoa rong nhưng thường các chị vẫn có những “chốt” đứng bán hàng cố định. Cắm chốt ở chợ Hoàng Cầu (Đống Đa), chị Phạm Phương nói: “Tôi làm nghề này cũng lâu rồi, ở quê bây giờ ruộng đồng làm khu công nghiệp hết nên không có ruộng mà cấy cày, chị em quê tôi đành dắt díu nhau lên đây. Trước thì cũng kiếm ăn được nhưng giờ ngày càng vất vả. Như năm nay mấy ngày trời mưa, bán hàng lay lắt lắm, hoa năm nay cũng không được giá”.

Theo chân các chị, hoa đã về phố

Hỏi chị hôm nay ngày của chị rồi, chị đã nhận được hoa chưa? Chị cười như gặp câu hỏi lạ lùng: “Làm gì có em, lo ăn còn chưa đủ thì tinh thần đâu còn hoa hoét nữa”. Chị Phương cho hay: “Trót bán ruộng ở quê đi nên hai vợ chồng mỗi người một phương. Chồng chị vẫn ở Hưng Yên còn riêng chị đi theo chị em trong xã lên trên đây làm nghề. Nuôi hai đứa con giờ tốn kém, nhiều lúc hai vợ chồng vò đầu bứt tai chẳng biết lấy tiền đâu mà đóng học cho chúng. Cơm áo đè nặng, thành thử những thứ xa xỉ ấy chẳng bao giờ chị màng tới, cũng không trách cứ gì chồng”.

Đem câu hỏi này tới các chị bán hoa rong khác, đều nhận được một câu trả lời tương tự. Với các chị thì, cái cần không nằm ở những bông hoa, mà bản thân phải nỗ lực trước gánh nặng cơm áo. “Trong đội bán hoa rong ở thành phố này, đều là dân tỉnh lẻ về kiếm sống. Không nghèo, không khó chúng tôi chẳng muốn xa quê. Những ngày này, xa chồng, xa con cũng chạnh lòng lắm chứ, nhưng vì manh áo, tấm quần cho con đi học được tử tế thì mình phải cố thôi” - chị Hiền (chợ đầu mối phía Nam) phân trần.

Chia tay các chị khi trời càng mưa nặng hạt, nhìn chị nào cũng đèo theo sau một số lượng hoa khủng che lấp hết cả những tấm thân gầy mà xót lòng. Có thể tối nay, các chị sẽ lại phải về khuya nhưng mong rằng trong ngày tôn vinh các chị, sẽ chẳng ai phải đem một bông hoa còn thừa nào về làm quà cho mình…!

Huyền Anh

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc