Cô đơn giữa hội Trăng rằm...

08:41 | 23/09/2012

2,141 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Chưa bao giờ Trung thu lại được chú ý nhiều như hiện nay, cũng chưa bao giờ người ta rậm rịch chuẩn bị cho cái tết thiếu nhi này sớm đến 1, 2 tháng trời như thế. Nhưng cảm giác rằng, càng ngày ý nghĩa của ngày Trung thu càng nhiều biến đổi và nó không còn là của thiếu nhi nữa. Với nhiều chiêu thức tiếp thị, quảng cáo, các nhà sản xuất và phân phối đang “khoác” cho bánh trung thu “sứ mệnh” thể hiện tình cảm, sự phú quý và hợm hĩnh với nhau. Và người lớn, vốn dĩ chỉ "vui ké" niềm vui con trẻ, nay lại đang giành mất tết trẻ em và gạt “nhân vật chính” ra ngoài lề, biến Trung thu thành một dịp để thể hiện đẳng cấp, để biếu xén, quà cáp, chạy chọt, công việc... Thực hiện chuyên đề "Cô đơn giữa hội Trăng rằm" nhóm phóng viên Petrotimes những mong sẽ nhắc nhớ được phần nào ký ức đẹp về Trung thu xưa; nhắc đến một biến tướng trong tâm lý xã hội, nhắc nhớ với các ông bố bà mẹ rằng: Trẻ em của chúng ta đang cô đơn giữa đêm hội của chính mình...

Bài 1: Trong nỗi nhớ Trung thu xưa

 

Những làn gió heo may nhè nhẹ cuốn theo mùi hương vị của cốm Vòng, mùi thơm của bánh nước bánh dẻo len lỏi khắp ngõ ngách của phố phường…Một Tết Trung thu nữa lại về… không chỉ làm nao lòng con trẻ mà khiến cả đôi mắt các cụ già cũng đăm đăm những hoài niệm.

Đèn ông sao của Trung Thu xưa, tuy đơn sơ nhưng đầy ý nghĩa.

 

Trung Thu của tôi

Với tôi, Trung thu luôn hiện hữu với một vị trí trang trọng trong miền ký ức của tuổi thơ cổ tích. Dù thời gian đã phủ mờ, nhưng cứ mỗi dịp thu về, miền ký ức này lại một lần được đánh thức. Ngày đó, với lũ trẻ chúng tôi, Trung Thu là niềm mong mỏi và cả năm vì đến Trung Thu là được mẹ may áo mới, được nghỉ học đi cắm trại, được thi thố múa hát và phá cỗ đêm trăng. Đồ chơi Trung thu thời đó chỉ đơn sơ là những đèn ông sao được làm bằng tre nứa phất giấy màu xanh đỏ, là những chiếc mặt nạ được làm từ mo cau.

Ngày đó, Tết Trung Thu ở quê tôi không chỉ là ngày mong đợi của thiếu nhi mà còn là ngày hội của cả làng. Các anh chị thanh niên thì mải mê cả tháng hò hét lũ trẻ tập tành múa hát để đến rằm đi thi, rồi làm đèn ông sao, tổ chức cắm trại… Các bà, các mẹ thì tụ họp làm bánh trái, lo hậu cần cho chúng tôi ăn liên hoan tập thể…

Háo hức nhất vẫn là những màn múa lân của, các chú, các anh trong làng…Tiếng trông trận dồn dập, tiếng nạo bạt như rung chuyển cả xóm làng…Toán múa đi đến đâu là lũ trẻ chúng tôi lại chạy theo hò reo đến đó.

Vào buổi tối, trăng sáng vằng vặc, mọi vật trở nên lung linh, huyền ảo. Lũ trẻ chúng tôi đứa cầm đèn, đeo mặt nạ mo cau tụ tập ra sân Đình phá cỗ trông Trăng…Mâm cỗ ngày đó là bánh dẻo, bánh đa, cùi dừa, bưởi…toàn thứ cây trái trong vườn… “Tôi còn nhớ như in hình ảnh những những múi bưởi đào như chiếc lược tỏa hương quyện với mui thơm của ổi găng chín mọng…”

Trong số những đồ chơi Trung Thu ngày đó, sẽ rất thiếu nêu không kể tới nhưng chiếc đuốc sáng rực được làm từ những xâu hạt bưởi, hạt gấc. Từ những ngày trước Trung Thu, lũ trẻ chúng tôi đã nhặt nhạnh những hạt bưởi bóc vỏ và xâu thành tưng xiên dài cỡ gang tay để dành đốt đêm Trung Thu. Gió heo may mùa thu cũng là thời điểm thuận lợi nhất để những cách diều no gió với tiếng sao da diết suốt đêm trăng... Mỗi mùa trung thu đi qua là bao nhiêu thay đổi. Trung thu thời nay đã khác rất nhiều, trẻ em và kể cả người lớn đều đón tết trung thu hiện đại. Dù vậy, nhưng kí ức về trung thu tuổi thơ vẫn luôn lung linh và ngời sáng trong tôi.

Trung Thu Hà Nội xưa

Hà Nội những năm gần đây với sự gia về vật chất và tốc độ đô thị hóa đến chóng mặt đã khiến mùa Trung Thu mai một phần nào những giá trị truyền thống của Tết Trung Thu cổ truyền.

Đèn lồng, đèn cá chép, đèn kéo quân luôn làm những đứa trẻ thèm thuồng.

Đối với người Hà Nội xưa, mùa trông trăng tháng Tám cũng là mùa cốm nức hương. Những hạt cốm mềm dẻo thơm lừng tỏa hương nhè nhẹ làm cho không khí thêm đầm ấm. Đây cũng là dịp cả nhà quây quần bên nhau, một buổi sum họp gia đình vui vẻ. Người lớn nghe con trẻ hát múa, vui đùa. Trẻ con đeo những chiếc mặt nạ ngộ nghĩnh, gõ trống đợi trăng lên cao. Đến khi vầng trăng tròn vành vạnh tỏa sáng giữa bầu trời thì mâm cỗ được phá.

Trong đêm Tết Trung thu, trẻ cũng rất thích chơi trò rồng rắn. Đi trước là đội múa lân, đội gõ trống, trên tay các em là những chiếc đèn rực rỡ sắc màu và hình thù. Thêm vào đó là ông địa vui nhộn với cái bụng tròn, khuôn mặt phúc hậu với nụ cười rạng rỡ. Đoàn múa lân và các em nhỏ cùng nhau đi đến từng nhà chúc mừng Trung thu vui vẻ, được các gia đình thưởng kẹo bánh. Sau khi đi hết một vòng, số kẹo bánh này lại được mọi người mang ra tổ chức liên hoan vui chung.

Ngày đó, đồ chơi hầu hết được làm bằng những vật dụng đơn giản, dễ kiếm chứ không màu mè, sang trọng, hiện đại như bây giờ. Những lon bia rạch vài đường rồi ép xuống theo chiều dọc thành lồng đèn, rồi lon sữa bò đục lỗ gắn vào một cái cây đẩy đi. Đèn ông sao, mặt nạ thì được làm bằng tre, gốm với đủ hình dáng, kích cỡ, màu sắc. Vào tết Trung thu, những mâm quả bày ban thờ đêm trăng rằm, tàu thủy, loại đồ chơi được nhiều trẻ em ngày xưa ưa thích rồi mặt nạ nặn từ đất, đèn ông sao, làm đèn tôm cá, xe đạp và tò he truyền thống thường là thứ không thể thiếu.

Dịp Trung thu, hãy cho các em nhỏ hóa trang thành các nhân vật trong dân gian như chú Cuội, chị Hằng, Thỏ ngọc. Cho các bé rước đèn ông sao quanh phố, trông trăng và giảng giải để các bé hiểu nghĩa của trông trăng là gì, hiểu ý nghĩa của trò chơi dân gian dịp Trung thu, bày cỗ Trung thu, hát trống quân.

Cốm Vòng là món ăn không thể thiếu trong Tết Trung Thu xưa ở Hà Nội.

 

Sự tích đèn cá chép, bánh nhân hạt sen

Truyện cổ kể rằng hồi thời Đường (618-907), bên Trung Quốc, có con cá chép thành tinh. Mỗi năm đến đêm rằm tháng Tám thì nó cùng lâu la hiện ra bắt người để ăn thịt. Vua Đường nghĩ ra một kế, là sức cho dân chúng làm thật nhiều đèn hình cá chép, ngoài phất lụa hay giấy. Rồi đến đêm Trung Thu thì đốt nến bên trong đèn cho sáng và đem ra treo trước nhà. Bọn tinh cá chép thấy đèn ở trước nhà nào thì tưởng rằng đồng bọn đã đến làm ăn ở nhà đó và không quấy nhiễu nữa. Tục lệ này được truyền cho đến ngày nay.

Nhân đèn cá chép, người ta còn làm cả đèn con thỏ ngọc và con thiềm thừ (con cóc ngọc 3 chân), tức là các con vật sống với Hằng Nga trên cung Quảng, có liên quan đến trăng tròn Trung thu.

Ngày xưa bánh ngọt nhân hạt sen phổ biến khắp nơi. Nổi tiếng nhất là bánh ở vùng Tô Châu, Trung Quốc. Chuyện kể rằng, khoảng đầu tháng Tám Âm lịch năm 1368 có lời đồn loan truyền quanh kinh thành Đại đô của nhà Nguyên, là ám hiệu về thời điểm tổng khởi nghĩa của nghĩa quân kháng Nguyên sẽ được ẩn báo qua bánh hạt sen. Sau đó người ta thấy trong bánh hạt sen có lòng đỏ trứng vịt muối. Dân tình hiểu rằng việc khởi nghĩa lật đổ nhà Nguyên sẽ xảy ra vào đêm Rằm Trung thu năm đó, và mọi chuyện đã diễn ra đúng như vậy.

Từ đấy người ta làm bánh nhân hạt sen lòng trứng mỗi Rằm tháng Tám để kỷ niệm sự kiện này, và nhân đó gọi là Trung thu nguyệt bính, tức là bánh trăng Trung thu. Với thời gian, các loại nhân bánh Trung Thu khác được tạo thêm ra cho phong phú, xa xỉ hơn, như ta thấy ngày nay, nhưng bánh Trung thu truyền thống, và đúng vị nhất, bao giờ cũng chỉ đơn giản là bánh nhân hạt sen một lòng trứng. Và bánh này luôn được tăng vị bằng trà ướp sen.

 

Nhóm phóng viên Petrotimes

 

Tết Trung Thu có nguồn gốc văn minh lúa nước có khởi nguồn từ đồng bằng sông Hồng. Thời điểm này khí trời mát mẻ, mùa màng đang chờ thu hoạch. Nông dân nghỉ ngơi và vui chơi sau một vụ mùa. Theo các nhà khảo cổ học thì Tết Trung Thu ở Việt Nam có từ thời xa xưa, đã được in trên mặt trống đồng Ngọc Lũ. Về sau người Hoa tiếp nhận từ văn hóa Việt và tiếp đó phổ biến thành ngày lễ truyền thống của dân tộc Đông Á như Hàn Quốc, Nhật Bản.

Sau này khi chiếm Trung Nguyên và Nam Dương Tử nhà Hán cũng du nhập luôn những nét văn minh gốc nông nghiệp của người Việt bởi vốn dĩ văn minh Hán là văn minh du mục và trồng khô. Theo phong tục người Việt, vào dịp Tết Trung Thu, cha mẹ bày cỗ cho các con để mừng trung thu, mua và làm đủ thứ lồng đèn thắp bằng nến để treo trong nhà và để các con rước đèn.

Cỗ mừng trung thu gồm bánh Trung Thu, kẹo, mía, bưởi và các thứ hoa quả khác nữa. Đây là dịp để cha mẹ tùy theo khả năng kinh tế gia đình thể hiện tình thương yêu con cái một cách cụ thể. Vì thế, tình yêu gia đình lại càng khắng khít thêm.

Cũng trong dịp này người ta mua bánh trung thu, trà, rượu để cúng tổ tiên vào buổi tối khi Trăng Rằm vừa mới lên cao. Đồng thời trong ngày này, mọi người thường biếu cho ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè, họ hàng và các ân nhân khác Bánh Trung Thu, hoa quả, trà và rượu.

Người Trung Hoa thường tổ chức múa rồng vào dịp Trung Thu, còn người Việt múa sư tử hay múa lân. Con Lân tượng trưng cho sự may mắn, thịnh vượng và là điềm lành cho mọi nhà... Thời xưa, người Việt còn tổ chức hát Trống Quân trong dịp Tết Trung Thu. Điệu hát trống quân theo nhịp ba "thình, thùng, thình".

Ngoài ý nghĩa vui chơi cho trẻ em và người lớn, Tết Trung Thu còn là dịp để người ta ngắm trăng tiên đoán mùa màng và vận mệnh quốc gia. Nếu trăng thu màu vàng thì năm đó sẽ trúng mùa tằm tơ, nếu trăng thu màu xanh hay lục thì năm đó sẽ có thiên tai, và nếu trăng thu màu cam trong sáng thì đất nước sẽ thịnh trị.