Có một hồn xưa sống trong lòng phố

10:19 | 21/09/2012

2,350 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Ngôi nhà cũ ở số 20 Hồng Phúc với những đồ đạc đã phủ màu của thời gian là nơi ở của một cụ ông gần 70 tuổi sở hữu nhiều đồ cổ giá trị.

Chủ nhân của ngôi nhà ấy là Vũ Văn Quỳnh ( sinh năm 1944). Ông từng là giáo viên dạy toán ở trường Hai Bà Trưng. Gia đình ông trước Cách mạng là một gia đình khá giả về kinh tế, thân sinh ra ông là cụ Vũ Cự Giang là một người ham mê sưu tầm đồ cổ. Chính những món đồ hiện có trong nhà ông Quỳnh bây giờ cũng do một tay cụ bỏ tiền của ra mang về.

Nhưng rồi thời thế thay đổi, gia đình ông cũng dần sút kém. Cụ Giang phải bán bớt đồ đạc trong nhà để có tiền trang trải cho 7 người con ăn học. Trong căn nhà cũ kỹ hiện tại chỉ có ông sống với vợ chồng người em bị bệnh. Nhiều khi khó khăn nhưng ông vẫn quyết tâm giữ lấy những gì mà bố ông để lại vì những thứ đồ đấy không đơn thuần có giá trị về kinh tế mà có cả trong đấy là những giá trị về văn hoá và tinh thần.

 

Ngay ở phía chân cầu thang đi lên nhà là tấm chiêu bài cũ với hai chữ “ Cự Giang” là tên cụ thân sinh ra ông Quỳnh. Trước đây tấm chiêu bài này được treo ngoài cửa nhưng sau khi cho người khác thuê gian nhà ngoài thì tấm chiêu bài này được dời vào trong.

Cầu thang gỗ cũ kỹ và ọp ẹp. Thành cầu thang phải buộc bằng những sợi dây để giữ chắc.

Song sắt cửa sổ cũng đã rỉ sét.

 Ông Quỳnh đang ngồi kể lại chuyện ngày xưa trong căn nhà cổ của mình.

 Gian thờ với những hoành phi, câu đối, vải điều đã úa màu thời gian.

Tấm bằng “Tiết hạnh khả phong” mà vua Khải Định ban cho bà nội ông Quỳnh, đây là một điều mà ông luôn tự hào khi nói về truyền thống gia đình.

Những tấm ảnh cũ được ông Quỳnh lưu giữ lại. Trong ảnh là hình ảnh Bác Hồ ngày về tiếp quản Thủ đô.

Một tấm ảnh ghi lại buổi tang lễ của bà nội ông Quỳnh, lễ tang có sự góp mặt của các quan lớn của triều đình nhà Nguyễn bấy giờ.

 Bức tranh về hoa mai mà ông Quỳnh rất quý, nhiều người đã trả giá hàng chục lượng vàng nhưng ông nhất quyết không bán.

Bức vẽ “Tô Vũ chăn dê” cũng là một trong những bức tranh quý của nhà ông. Phía dưới cũng là những tượng Quan Âm, bình cổ rất được giữ gìn.

 Một số bát, khay, hộp sứ cổ được cất trong tủ kính.

Tấm bình phong nhỏ cùng với bộ bàn ghế tuy niên đại không cao nhưng đã có từ những năm kháng chiến.

Chiếc trường kỉ này đã được tìm mua lại sau khi thất lạc trong chiến tranh.

 Một chiếc điện thoại cổ bây giờ vẫn còn sử dụng được.

Ông Quỳnh đang giở lại những tư liệu về thời gian ông vẽ cho báo Quân đội Nhân dân để nuôi sống gia đình.

Hiền Anh