Có nên áp dụng "một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa"?

19:00 | 19/12/2012

3,033 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Từ trước đến nay, hệ thống giáo dục với 1 chương trình – 1 bộ sách giáo khoa (SGK) đã gây nên khá nhiều bất cập trong việc giảng dạy và tiếp thu của giáo viên và học sinh; đồng thời còn tạo điều kiện cho một số nhà xuất bản (NXB) nắm thế độc quyền.

Đáp ứng thực tiễn

Kết quả đánh giá HS lớp 3 sau 3 năm thay SGK thấy rõ có sự vênh nhau khá lớn giữa các vùng, miền.

Chẳng hạn, tỷ lệ HS giỏi môn tiếng Việt ở Đà Nẵng là 63,43%, Hải Phòng 60,57%, TP.HCM 59,25%, trong khi đó ở các vùng khó khăn, dân tộc chỉ đạt 6,5%, 7,15%, 8,66%... Hoặc tỷ lệ HS giỏi toán ở Đà Nẵng là 57,58%, Hải Phòng 61,03%, TP.HCM 64,94%; ở các tỉnh khó khăn chỉ đạt 7,64%, 9,9%, 11,2%...

Chỉ với 1 bộ SGK duy nhất, rõ ràng không thể đáp ứng được nhu cầu giảng dạy của các vùng, miền trên cả nước và dễ dàng dẫn tới sự chênh lệch trình độ. Ở những khu vực nông thôn, miền núi, kiến thức được cho là khá nặng, xa rời thực tế địa phương và học sinh khó theo kịp được chương trình.

Còn tại những thành phố lớn – nơi học sinh có đủ điều kiện để học tập thì cho rằng chương trình quá nhẹ, cần dạy thêm học thêm để nâng cao. Chính vì thế, bộ SGK không đáp ứng được trách nhiệm của nó trong việc thống nhất kiến thức cho học sinh trên cả nước và góp phần tạo nên tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan, gây nhức nhối trong ngành giáo dục.

Với chủ trương đổi mới chương trình SGK, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã khẳng định: “Hướng sắp tới là làm sao có chương trình chung nhưng nhiều bộ SGK khác nhau. Hiện nay, môn tiếng Anh đã có một chương trình và nhiều SGK. Bộ sẽ kiểm tra, đánh giá phê duyệt để các bộ sách trước khi các bộ sách được đưa vào sử dụng”.

Như vậy, việc một chương trình thống nhất với nhiều bộ SGK đã được Bộ GD-ĐT đồng ý và đang trong giai đoạn triển khai.

Vấn đề một chương trình với nhiều bộ SGK không hề mới, trong thực tế ở miền Nam trước 1975 đã áp dụng nhiều bộ SGK sử dụng trong một cấp, một lớp với một chương trình thống nhất. Sau 1975, chương trình cải cách giáo dục cấp PTTH, từ năm 1989 cũng đã thực hiện biên soạn 2 bộ sách Văn và 3 bộ sách Toán.

Một bộ SGK duy nhất kìm hãm sự sáng tạo của giáo viên và học sinh.

 

Tới năm 2000, hai bộ sách này lại được gộp lại thành một bộ SGK duy nhất và được sử dụng rộng rãi, thống nhất. Tuy nhiên, đến năm 2002, khi thực hiện triển khai đổi mới chương trình giáo dục phổ thông theo Nghị quyết 40 của QH khóa X, Bộ GD-ĐT lại tiếp tục biên soạn 6 môn học với 2 bộ SGK là bộ SGK thông thường và SGK phân ban.

Tới thời điểm hiện tại, cả hai bộ SGK trên đều chưa phát huy được nhiệm vụ của mình trong việc dạy và học. Do vậy, một lần nữa, Bộ GD-ĐT lại chủ trương đổi mới SGK và dự kiến sẽ đưa vào áp dụng sau năm 2015.

Theo GS Đinh Quang Báo, Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, thành viên Ban soạn thảo Đề án Cải tiến nội dung chương trình, SGK, việc triển khai nhiều bộ SGK với 1 chương trình thống nhất là một chủ trương đúng đắn. Theo đó, chương trình học sẽ là yếu tố tĩnh, giáo viên sẽ lựa chọn SGK phù hợp, phương pháp giảng dạy phù hợp để truyền thụ kiến thức cho học sinh, thể hiện độ “mở” sáng tạo cho giáo viên và học sinh.

Với sự đổi mới “một chương trình – nhiều bộ SGK”, chúng ta có thể hi vọng vào bộ mặt mới của nền giáo dục Việt Nam. Tình trạng thầy đọc – trò chép, dạy thêm – học thêm, bài tập về nhà chồng chất … như hiện nay sẽ được xóa bỏ. Với công nghệ giáo dục mới, học sinh sẽ là trung tâm của giáo dục với mô hình giáo viên thiết kế - học sinh thi công và giáo viên tổ chức - học sinh hoạt động, nhằm phát huy tinh thần sáng tạo và chủ động cho cả thầy và trò.

Bên cạnh đó, các nhà cải cách giáo dục còn hi vọng sẽ huy động được trí tuệ của nhiều tầng lớp trong xã hội, tạo nhiều nguồn thông tin đa dạng và nhiều sự lựa chọn cho giáo viên và học sinh; đồng thời, việc có nhiều bộ SGK sẽ chống độc quyền của các NXB lớn.

Cần thay đổi chương trình

Để có những bộ SGK chất lượng và phục vụ hiệu quả cho việc dạy và học thì chương trình phải thống nhất và chuẩn mực. Sau khi có thông tin Đề án “Đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông sau năm 2015” có tổng dự toán lên tới 70 tỷ đồng, nhiều người đã lạc quan khi cho rằng SGK sẽ chuẩn mực hơn, thống nhất hơn với số tiền khổng lồ này.

Tuy nhiên, phần lớn kinh phí của đề án được dành để xây dựng cơ sở vật chất (65 nghìn tỷ đồng) và số tiền dành cho xây dựng chương trình và viết SGK chỉ chiếm 1/73 số tiền dự tính. 

Theo Nhà giáo ưu tú Ngô Trần Ái (Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam), đơn vị đang được giao nhiệm vụ hoàn thiện bản thảo, in ấn, phát hành thì số kinh phí dành cho những khâu cuối của quá trình làm SGK này cũng chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng kinh phí xây dựng chương trình và viết SGK. Nhưng đây lại là công đoạn đang được kiến nghị xóa độc quyền, nghĩa là sẽ có nhiều người tham gia viết sách, nhiều NXB tham gia biên tập, in ấn, phát hành SGK trên một chương trình và chuẩn chương trình mang tính pháp lệnh.

Nhìn lại quá trình thay sách vừa rồi, có thể thấy, “vấn đề” về chất lượng SGK không chỉ nằm ở khâu cuối này. Như nhiều chuyên gia giáo dục đã từng đánh giá, cách làm SGK vừa qua như kiểu “sinh con rồi mới sinh cha”.

Bộ SGK của nhóm Cánh buồm vẫn chỉ dùng để tham khảo.

Thông thường, chương trình và chuẩn chương trình phải có trước, rồi mới biên soạn SGK cho phù hợp. Thế nhưng vừa qua, các tác giả phải viết sách dựa trên chương trình khung; sách ra đời rồi những người làm chương trình mới dựa vào đó để xây dựng chương trình hoàn thiện và chuẩn chương trình.

Trong những lần đánh giá chương trình và SGK hiện hành, nhiều nhà giáo, nhà khoa học đã nhận xét rằng, một số vấn đề còn tồn tại của SGK hiện hành bắt nguồn từ những nhược điểm của chương trình.

Có lẽ vì thế, ngoài việc “tuổi đời” của một chương trình và SGK thường chỉ kéo dài từ 5- 10 năm thì một trong những lý do để Bộ GD-ĐT phải bắt tay vào việc chuẩn bị cho công cuộc đổi mới giáo dục phổ thông ngay từ bây giờ là có thời gian chuẩn bị đủ nhân lực và vật lực cho việc xây dựng một chương trình và chuẩn chương trình có chất lượng. Có chương trình chuẩn thì lúc đó, việc biên soạn các bộ SGK phù hợp nhu cầu thực tiễn sẽ trở nên dễ dàng và đạt hiệu quả hơn nhiều. 

Từ tháng 9/2010, Nhà xuất bản Tri Thức chính thức phát hành bộ sách “Chào lớp 1” do tác giả của nhóm Cánh Buồm biên soạn gồm các cuốn: tiếng Việt, văn, lối sống, tin học, tiếng Anh. Đến nay bộ sách giáo dục tiểu học của nhóm Cánh Buồm tạm thời bao gồm các môn: Văn (trọn bộ 5 lớp); Tiếng Việt (trọn bộ); Tiếng Anh (lớp 1, 2); Lối sống (lớp 1, 2, 3); Khoa học và Công nghệ (lớp 1).

Bộ sách này được nhóm biên soạn đặt rất nhiều kỳ vọng, trong đó đề cao việc tự học của HS. Bộ sách này cũng mới được sử dụng như là sách tham khảo, trên tinh thần tự nguyện của nhà trường hoặc phụ huynh HS.

Vương Tâm