Cô đơn giữa hội Trăng rằm:

Có những giấc mơ giữa hội Trăng rằm...

00:44 | 30/09/2012

652 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Những ngày này, ở khắp mọi nơi, nhất là nơi đô thị rực rỡ sắc đỏ của đèn lồng, đèn ông sao, đèn kéo quân, tiếng trống ếch đã rộn ràng và của cả những hộp bánh trung thu. Lẩn khuất đâu đó vẫn còn có những đứa trẻ bất hạnh không biết Tết Trung thu...

>> Bài 1: Trong nỗi nhớ Trung thu xưa

>> Bài 2: Trẻ em cần gì Trung thu bạc triệu!

>> Bài 3: Tết Trung thu và “cuộc chơi” của người lớn!

>> Bài 4: Bản lĩnh văn hóa - Nhìn từ tấm bánh Trung thu

>> Bài 5: Trung thu của người lớn

>> Bài 6: "Quan tỉnh lai Kinh" mừng Tết Trung thu!

 

Tết Trung thu là dịp để cha mẹ bày tỏ sự quan tâm đến con cái, còn trẻ em thì được nhận những món quà là đồ chơi, những hộp bánh trung thu. Với những gia đình khá giả thì việc mua cho con những đồ chơi mà chúng thích là việc đơn giản. Nhưng với người nghèo, trong khi cuộc sống còn bao nỗi lo toan, vất vả thì những đồ chơi đắt tiền, hoa quả nhập ngoại, những hộp bánh trung thu hảo hạng trở nên xa xỉ.

Nhưng còn có những đứa trẻ không có Tết trung thu, thèm một miếng bánh dẻo, bánh nướng, nhớ da diết trung thu nghèo nơi quê nhà… Những mơ ước vô cùng giản dị của những đứa trẻ mưu sinh chốn thị thành.

Cậu bé Long với mặt hàng của mình.

Những ngày này, tại phố Hàng Mã náo nhiệt, chật cứng người và xe qua lại mua sắm đồ chơi Tết trung thu. Những đứa trẻ được bố, mẹ đưa đi mua đồ chơi nào là mặt nạ siêu nhân, đèn lồng. Thằng bé tên Long nghĩ cũng thèm thuồng, ghen tị.

Thuyết phục mãi, Long mới trò chuyện trong lúc không có khách hỏi mua hàng. Long lên Hà Nội được ba năm nay, từ khi rời quê Sơn Động, Bắc Giang. Trước Long đã làm thuê cho quán phở, quán cơm bình dân tại Hà Đông, ở đó em phải làm đủ mọi việc hết bâng bê, dắt xe, quét rọn. Lương tháng cũng chỉ gần 1 triệu đồng mà hễ làm không được việc là bị trừ lương, chửi mắng thậm tệ.

"Từ đầu năm nay thằng bạn cùng quê rủ rê đi bán bóng bay giấy thu nhập cao hơn nên em bỏ việc”, Long kể. 

"Anh, chị mua giùm em đi”.

Cậu bé gầy gò, với mặt hàng là những chiếc chùy hơi ở góc đường không ngừng mời chào khách qua lại. Đôi mắt em liên tục liếc nhìn những đứa trẻ cùng độ tuổi hớn hở theo bố mẹ, ông bà đứng chọn đủ thứ đồ chơi ở cửa hiệu. Long chép miệng: “Bọn trẻ này sướng mãi quen rồi, muốn gì được nấy. Từ bé tới giờ em chưa bao giờ được bố mẹ dẫn đi chợ mua quà trung thu. Hồi nhỏ ở quê, tết trung thu bọn em toàn đục ống bơ rồi cắm nến vào làm đèn ông sao thôi. Mấy năm ở Hà Nội cũng chả biết Tết trung thu là gì, cũng thèm mùi bánh nướng bánh dẻo lắm nhưng lại tiếc tiền mua”. 

Đi dọc đường Nguyễn trãi rồi rẽ vào phố Nguyễn Quý Đức, chưa biết dừng lại ở quán nào thì cả chục đứa bé đã chạy ra bám đầu xe: “Anh vào quán em ăn phở bò, bún ngan, gà tần, cháo vịt, ốc xào, nem rán…” Hai cậu nhóc đen nhẻm, chừng 13-15 tuổi nhảy phóc lên xe phi vụt vào trong ngõ, rồi chạy ra đưa chìa khóa cho khách. Vừa tranh thủ lau lại chiếc bàn còn rơi rớt đồ ăn do khách để lại, thằng bé tên Đức, vừa hỏi: “Anh, chị  dùng gì, ốc luộc, nem rán hay ốc sào, cả rượu luôn nhé?”

Khách vừa gọi món, Đức gọi vọng vào trong. Cậu bé khác thoăn thoắt bưng đồ ra, Đức lại chạy ra đường vẫy khách. Đức cho biết ở phố này, trẻ em chủ yếu đến từ Phú Thọ và Hà Nam, thường ở độ tuổi 12-16. “Bọn em cũng chỉ làm vài năm thôi, 18 tuổi là đi phụ hồ hoặc làm nghề khác cần tới sức khỏe nhiều chứ làm đây thì không ăn thua, thu nhập thấp lắm”. 

Đức cho biết lương tháng của em : “Chưa được một "củ" (một triệu đồng) mà còn hay bị chủ la mắng, cho ăn bạt tai nếu làm vỡ đồ”. Dứt lời, Đức lại nhào ra đường vẫy khách dù biết chắc khi đó chả có ai dừng lại: “Anh thông cảm, bà chủ biết nói chuyện lâu với khách là chết ngay đấy”. 

Với Hoàng, chỉ mong sao đánh được nhiều giày là vui lắm rồi.

Với Hoàng, chuyên đánh giày thuê cho khách tại phố Nguyễn Quý Đức hồn nhiên, ngơ ngác nói “Em chỉ mong sao các cô chú, các anh chị ở đây thuê em đánh giày là vui lắm rồi”.

Hầu như các em nhỏ chia sẻ: “Chả mấy khi để ý trung thu rơi vào thứ mấy, chỉ thấy mọi người đi mua đồ chơi, đi ăn đông đúc mà thôi, chắc là Tết trung thu. Bây giờ thèm một miếng bánh nướng, bánh dẻo quá mà các cửa hiệu ngoài kia bán toàn loại bánh đắt tiền. Ở quê dù khó khăn nhưng vẫn còn được bố mẹ mua cho vài chiếc đèn ông sao, mặt nạ nhựa rẻ tiền và có quà bánh, hoa quả. Bần cùng lắm mới phải bỏ lên phố kiếm miếng cơm anh ạ”.

Em Hà, ngày ngày bán rau tại chợ.

Các bác nội trợ luôn là khách quen của Hà.

 

Không như các bạn trai, Với cô bé Hà vóc dáng nhỏ bé, gầy gò, quê Thanh Hóa, ngày ngày bán rau tại chợ cóc gần đường Lương Thế Vinh. Mỗi ngày em phải thức dậy từ sáng sớm ra chợ đầu mối Phùng Khoang để mua rau về bán để kiếm tiền gửi về quê giúp gia đình. Hà chia sẻ: “Em phải bỏ học sớm, ra Hà Nội theo các chị cùng quê để kiếm tiền nuôi em vì mẹ bị bệnh, gia đình khó khăn bố đi phụ hồ chẳng được bao nhiêu lo thuốc thang cho mẹ là hết”.

Hỏi về Tết trung thu, Hà trầm ngâm: “Em cũng thích trung thu lắm, cũng muốn được xem múa lân, ăn bánh trung thu cùng đứa em trai. Nhưng chẳng biết làm sao được anh ạ, hy vọng vào trung thu sang năm vậy."

Biết bao em nhỏ có hoàn cảnh như vậy vẫn rong ruổi khắp phố phường Hà Nội để mưu sinh. Trong ngày Trung thu, những ước muốn tưởng chừng giản đơn, hóa ra vẫn lại xa vời!

 

Nhóm Phóng viên Petrotimes