Coi chừng "nail dạo"

00:23 | 28/07/2012

2,082 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Gọn nhẹ, thuận tiện, nhanh chóng, phục vụ tận nơi và nhiệt tình chiều khách thì “nail dạo” (sửa móng chân, móng tay) là lựa chọn của những phụ nữ vốn bận bịu với công việc bán hàng tại các tuyến phố cổ, hay những chợ lớn ở Hà Nội. Nhưng không phải ai cũng lường được mặt trái và những ẩn họa của “nail dạo”…

Vốn ít lời nhiều

Vài năm trở lại đây, trào lưu làm đẹp của chị em phụ nữ ngày một tăng cao. Không chỉ làm đẹp bằng phẫu thuật thẩm mỹ mà ngay từ những cái nhỏ nhất như móng chân, móng tay cũng được chăm sóc, “tút tát” hơn. Và người ta vẫn gọi việc sửa và sơn móng chân, móng tay là làm nail. Việc làm đẹp “tiểu tiết” này đã trở thành một nhu cầu của số đông các chị em. Chính vì thế mà các cửa hiệu nail thi nhau ra đời. Nhưng còn có một loại hình dịch vụ cũng “bùng” lên, đó là “nail dạo”.

Tới thăm cửa hàng của một cô bạn tên Lan trên phố cổ, tôi mới được biết đến nghề nail dạo. Đang ngồi chơi, bỗng cô bạn gọi toáng lên: “Nail ơi”. Một phụ nữ đầu đội nón, áo chống nắng kín bưng, tay xách một cái giỏ thoăn thoắt đi vào. Đon đả chào và nhanh chóng lấy hai bát nước. Trước sự ngạc nhiên của tôi, Lan bảo: “Cả ngày chết dí với cửa hàng này làm gì có thời gian đi làm móng ở tiệm, ở đây có mấy bà nail dạo thường đi qua nên gọi vào làm luôn. Vừa tiện trông cửa hàng lại vừa rẻ hơn đi tiệm”.

“Chị nail dạo” hóa ra mới 24 tuổi, tên Hương, vừa làm vừa vui vẻ chuyện kể về 7 năm làm nghề này của mình. Cô vào nghề khi còn trẻ, xuất thân là thợ nail của một cửa hàng gội đầu nhưng chán cảnh gò bó. Sau một thời gian chuyển sang làm nail ở chợ, rồi ai gọi điện thì cô đến tận nơi phục vụ, dần dà cô thấy làm “nail dạo” dễ kiếm tiền hơn cho nên cô lại bỏ chợ và đi làm “nail dạo” trên các tuyến phố cổ phục vụ các bà, các cô bận rộn mà không có thời gian để đi làm đẹp. “Làm cái nghề này, mặc dù phải đi ngoài đường kể cả trời nắng hay trời mưa, nhưng vẫn thích hơn làm trong tiệm. Chủ động được về thời gian, tiền kiếm được là của mình, chứ làm ở các cửa hàng được cái ngồi một chỗ, mát mẻ nhưng lương hàng tháng chỉ 1-2 triệu thôi chị ạ”.

Dụng cụ hành nghề của “nail dạo” rất đơn giản: Phương tiện đi lại (xe máy, thậm chí là xe đạp) có gắn tấm biển nhỏ màu trắng, trên dán dòng chữ “Làm nail”, thậm chí nhiều người còn đi bộ; chiếc giỏ tuềnh toàng bên trong là can nhựa trắng đựng nước, bát nhựa để ngâm móng chân và tay, hai chiếc ghế con. Với vốn phải bỏ ra ít, chỉ cần vài trăm nghìn là có đủ: Bộ cắt, gọt, giũa móng, nước tẩy móng, bông, sơn móng khoảng hơn chục màu, bột đắp móng, khăn bông lau chân, tay, vài quả chanh, con dao nhỏ. Giá làm “nail dạo” thường “mềm” hơn nhiều so với giá trong tiệm, hợp với túi tiền của đại đa số “thượng đế”. Đối với dịch vụ cắt, tỉa và vẽ một bộ móng tay hoặc chân tại các tiệm “hạng sang” có giá 150-200 nghìn đồng, trong khi đó làm móng dạo có mức giá chỉ khoảng 25-30 nghìn đồng. Người làm nail dạo mới vào nghề, thậm chí còn sẵn sàng phá giá chỉ với 15 nghìn đồng. Đó là số tiền chi trả cho dịch vụ cắt, tỉa và vẽ móng đơn giản. Ngoài ra, khách hàng phải trả thêm 1 đến 5 nghìn đồng cho mỗi hạt đá lấp lánh gắn vào móng. Giá cả phụ thuộc vào việc khách muốn đính hạt đá to hay nhỏ. Nếu có nhu cầu đắp móng bột (gắn móng giả) khách sẽ phải trả thêm từ

45-60 nghìn đồng. Thời gian làm móng chỉ trong khoảng 20-30 phút tùy thuộc vào sự tỉ mỉ hay sự cầu kỳ của bộ móng thượng khách muốn có được. Như Hương, một ngày có thể làm được vài chục bộ móng và trung bình mỗi ngày cô cũng kiếm được 300 nghìn đồng, có hôm làm nhiều móng cầu kỳ cũng phải được đến 500 nghìn đồng. Cô tâm đắc: “Thế là vừa không phải trả tiền cửa hàng, vừa không phụ thuộc vào chủ”. Mỗi tháng cô cũng gửi về cho gia đình được 3 triệu đồng… Hơn 7 năm trong nghề, Hương đã có nhiều khách quen tại khắp phố cổ Hà Nội, các chợ lớn như chợ Đồng Xuân, chợ Hôm… 

Coi chừng nhiễm… HIV!

Với nhiều điểm thuận tiện, đặc biệt là có thể ngồi làm móng ở bất cứ đâu: trong nhà, ngoài sân, thậm chí ngoài quán nước, “nail dạo” đã trở thành lựa chọn hợp lý đối với cánh chị em buôn bán ở các sạp hàng trên phố cổ, các chợ lớn. Tuy nhiên việc thuận tiện đấy đôi khi cũng khiến họ phải trả giá. Đằng sau những bộ móng xinh xắn, tròn đều, không mấy ai biết rằng làm “nail dạo” mang đến những ẩn họa khôn lường. Người thợ làm nail chuyên nghiệp phải trải qua những lớp huấn luyện chuyên môn về kỹ thuật làm và chăm sóc vệ sinh móng hết sức khắt khe. Nhưng trên thực tế, những người làm “nail dạo” hầu hết không được đào tạo bài bản, dụng cụ thô sơ, không đảm bảo vệ sinh.

 

Cũng với những quả chanh, những chiếc kìm bấm… Hương nhanh nhẹn phục vụ khách hàng. Cô dùng chiếc dũa bằng kim loại khá nhọn vệ sinh khóe chân cho khách. Có lúc do hơi mạnh tay, nên khiến khóe chân khách bị chảy máu, Hương lấy chiếc khăn bông để ở trên đùi lau qua, rồi lại làm tiếp. Chiếc khăn của Hương lem nhem những vết máu, bên cạnh đó là những màu sơn xanh, đỏ, các mẩu da, mẩu móng nhỏ li ti. Đó là những “vết tích” của những vị khách trước. Không biết Hương đã dùng dụng cụ và khăn này phục vụ làm đẹp cho bao nhiêu người. Đó còn chưa kể là cũng cái khăn ấy cô còn lau bát ngâm móng, lau giỏ xách… và tất tật những gì cần lau.

Chị Nga ở phố Hàng Đường giờ đây đã không còn dám động đến móng chân, móng tay của mình nữa. Bởi một thời gian sau khi làm móng dạo, chị cũng có những bộ móng đẹp mà rẻ, nhưng sau đó móng chân và móng tay của chị đã chuyển sang màu vàng ngà. Chị kể lại: “Mình đau chết điếng khi lấy khóe móng chân, máu me nhìn cũng ghê, đã vậy vài hôm sau thì vết thương nhiễm trùng, phải bôi thuốc và kiêng động vào nước gần 1 tuần”.

Chị Nguyễn Thị Nhân, bán hàng tại chợ Đồng Xuân, Hà Nội cũng rơi vào cảnh tương tự. Khi làm móng chị cũng bị “nail dạo” cắt móng lấy khóe sâu khiến chân bị nhiễm trùng, sưng tấy không đi lại được, chị phải đi bệnh viện khám, mua thuốc kháng sinh để uống. Sơn nhũ đẹp chẳng thấy đâu, sau vài hôm móng tay bị ố vàng, tróc từng mảng, móng bị mềm và dễ gãy. “Đúng là tiền mất tật mang”, chị Nhân than vãn.

“Nail dạo” làm đẹp cho vài chục thượng khách mỗi ngày. Những kìm tỉa da, cắt móng, giũa, bàn xát mài cục chai, khăn… được sử dụng chung cho những khách làm móng. Vấn đề đảm bảo vệ sinh, công đoạn khử trùng hầu như không có. Bất kể lúc nào khách cũng phải đối mặt với nguy cơ những vật dụng này cắt vào da làm chảy máu và ngay lập tức đưa vi khuẩn vào cơ thể. Ngoài ra còn là những nguy cơ lây nhiễm bệnh khác khi dùng chung những vật dụng, khả năng phơi nhiễm HIV và một số căn bệnh khác.

Diệu Thuần

(Năng lượng Mới số 140, ra thứ Ba ngày 24/7/2012)

 

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc