Đà Nẵng: Ba em bé đầu tiên ra đời bằng thụ tinh ống nghiệm

19:02 | 25/12/2014

1,435 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sáng 25/12, Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng đã tổ chức Hội thảo sản phụ khoa chào mừng ba em bé đầu tiên ra đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.

Tại hội thảo, các đại biểu đã được xem truyền hình trực tiếp từ phòng phẫu thuật lấy ba em bé ra khỏi mẹ. Ba em bé trên là con của sản phụ Phạm Thùy Trang (SN 1981, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), Hồ Thị Minh Quyên (SN 1977, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) và Phạm Thị Mưng (SN 1983, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng).

Ba em bé đầu tiên ra đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm ở Đà Nẵng

Các bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật đón em bé chào đời.

Bác sĩ Trần Đình Vinh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng cho biết, từ năm 2004, được sự hỗ trợ tích cực của Khoa hiếm muộn (Bệnh viện Từ Dũ), phòng hiếm muộn đã triển khai chương trình thụ tinh trong ống nghiệm vệ tinh – bước đầu chuyển giao công nghệ chẩn đoán, sàng lọc và kích thích buồng trứng ở các bệnh nhân thụ tinh trong ống nghiệm.

Bệnh nhân được khám, chẩn đoán và kích thích buồng trứng tại bệnh viện sau đó chuyển vào Bệnh viện Từ Dũ để chọc hút trứng và chuyển phôi. Sau khi chuyển phôi, bệnh nhân sẽ trở về theo dõi thai kỳ. Đây là một chương trình góp phần giảm đáng kể chi phí điều trị cho bệnh nhân thụ tinh trong ống nghiệm ở khu vực miền Trung với kết quả đáng khích lệ có thai lâm sàng 31,3% và đã có 61 cháu bé khỏe mạnh ra đời.

Tháng 3/2014, phòng hiếm muộn (Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng) đã bắt đầu thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm dưới sự hỗ trợ bước đầu của Hội nội tiết sinh sản và vô sinh TP HCM. Với những thành công nhất định nên tháng 7/2014, đoàn thẩm định của Bộ Y tế đã chính thức công nhận phòng hiếm muộn (Khoa Phụ sản, Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng) là một đơn vị có đủ điều kiện thực hiện cũng như các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản khác. Đến hôm nay, bệnh viện vui mừng chào đón 3 em bé đầu tiên thụ tinh trong ống nghiệm được thực hiện nay tại bệnh viện.

Cũng theo bác sĩ Vinh, hiện Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng là đơn vị thứ 19 của cả nước và là thứ 2 của khu vực thực hiện kỹ thuật này. Chi phí điều trị của một ca hiếm muộn, vô sinh gồm chi phí máy móc từ 18 – 20 triệu đồng, tiền thuốc trung bình khoảng 50 triệu đồng, tùy theo thể trạng của từng bệnh nhân.

Hàn Giang (t/h)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc