Đà Nẵng: Hết vắc-xin giữa mùa dịch bệnh

15:00 | 22/04/2014

666 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Do diễn biến thất thường của khí hậu nên nhiều loại bệnh đang bùng phát mạnh ở các tỉnh miền Trung. Trong đó, tại Đà Nẵng đã ghi nhận 160 bệnh nhi bị sởi.

Gia tăng số trẻ mắc sởi

Mặc dù chưa có trường hợp nào tử vong nhưng đến nay, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng đã tiếp nhận điều trị cho gần 160 ca bệnh nhi sởi trong và ngoài thành phố. Lãnh đạo bệnh viện này cho biết, số trẻ em bị mắc bệnh sởi tăng mạnh trong tháng tư này. Cụ thể, tháng 2, bệnh viện ghi nhận có 15 trẻ em đến khám và điều trị bệnh sởi thì đến tháng 3 đã tăng lên 38 ca. Đặc biệt, từ ngày 1/4 đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận 107 ca bệnh nhi sởi nhập viện điều trị, trong đó có 80 ca là người Đà Nẵng.

Tại Đà Nẵng, do số người đến tiêm vắc-xin sởi tăng đột biến nên không thể đáp ứng đủ

Theo các bác sĩ, trong số các bệnh nhi đang điều trị tại bệnh viện có không ít trường hợp bị lây nhiễm khi vào viện khám và điều trị các bệnh khác. Bác sĩ Lê Văn Đoan, Phó khoa Nhi BV Phụ sản - Nhi Đà Nẵng cho hay, tình trạng trẻ từng điều trị hoặc đến khám tại bệnh viện bị lây sởi là không tránh khỏi. Sởi có tốc độ lan rất nhanh, khoảng 90% số trẻ tiếp xúc với trẻ mắc sởi sẽ bị lây bệnh. Những trẻ có nguy cơ mắc sởi cao là những trẻ có thể trạng yếu, trẻ sinh non, không được tiêm phòng vắc-xin phòng ngừa đầy đủ. Đa số trẻ em đến nhập viện đều có các triệu chứng như sốt cao 39-40 độ C, ho nhiều, chảy mũi, đỏ mắt, bỏ ăn.

“Nếu không được cứu chưa kịp thời thì dễ gặp biến chứng như viêm phổi, viêm thanh quản, tiêu chảy phân có máu, viêm tai giữa gây chảy mủ tai và đặc biệt là gây suy dinh dưỡng, còi cọc lâu dài”, BS Đoan cho biết.

Theo các bác sĩ, sởi lây truyền rất nhanh, khi người mang mầm bệnh hắt hơi, ho, người lành hít thở không khí qua miệng, mũi sẽ bị nhiễm bệnh ngay. Người bệnh phát tán virus ra môi trường xung quanh từ thời kỳ ủ bệnh và kéo dài đến 5-7 ngày sau khi ra ban. Bên cạnh đó, những người chăm sóc bệnh nhân sởi hoặc tiếp xúc với mầm bệnh mà không rửa tay diệt khuẩn cũng có thể làm lây lan virus sang người khác. Phát ban xuất hiện sau 4-5 ngày sốt, ho. Nốt ban có hình tròn hay bầu dục, đường kính khoảng 1-2 mm, các nốt có thể hợp thành từng mảng hay riêng rẽ. Ban mọc theo thứ tự từ sau tai, mặt, thân và lan dần xuống chân. Sau khi mọc ban, người bệnh còn ho và sốt cao cho đến khi ban lan đến chân. Sau đó sốt sẽ giảm, ban bay dần theo thứ tự mọc và để lại vết thâm da kéo dài nhiều tuần.

Đà Nẵng hết vắc-xin

Trước tình hình dịch sởi đang diễn biến bất thường tại 61/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, UBND thành phố đã có văn bản chỉ đạo khẩn cấp Sở Y tế và các cơ quan liên quan tăng cường công tác phòng, chống dịch sởi. Thực hiện công văn chỉ đạo của UBND thành phố, các cơ sở y tế đang gấp rút đẩy mạnh mọi biện pháp nhằm ngăn chặn bệnh lây lan.

Ông Phạm Hùng Chiến, Giám đốc Sở Y tế thành phố, cho biết: “So với các năm trước, tình hình bệnh sởi năm nay trên địa bàn thành phố tăng nhưng không nhiều. Kết quả tiêm chủng mở rộng vắc-xin sởi hằng năm tại Đà Nẵng luôn đạt trên 95%, nên tình hình mắc bệnh sởi trong các năm qua thấp và tương đối ổn định. Sở dĩ năm nay sởi lại bùng phát với tốc độ lây lan mạnh như vậy là do năm 2014 nằm trong chu kỳ bùng phát từ 3-5 năm của dịch sởi. Hiện tại, tất cả các trung tâm y tế trên địa bàn thành phố đang thực hiện mọi biện pháp để ngăn bệnh phát triển”.

Từ ngày 1/4 đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận 107 ca bệnh nhi sởi nhập viện điều trị.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo các phụ huynh, giải pháp tốt nhất trong “mùa dịch” là tiêm vắc-xin cho trẻ. Về lý thuyết, miễn dịch với bệnh sởi là loại miễn dịch lâu dài, nên trước đây chỉ cần tiêm chủng vắc-xin sởi một lần lúc trẻ được 9 tháng tuổi là đủ, với điều kiện vắc-xin phải tốt và kỹ thuật tiêm phải chuẩn. Tuy vắc-xin sởi là một trong các vắc-xin có hiệu quả cao, nhưng thực tế chỉ 76% số trẻ được tiêm 1 mũi vắc-xin sởi được “miễn dịch”. Để bảo vệ  24% số trẻ còn lại, hiện nay Bộ Y tế khuyến cáo nên tiêm chủng thêm mũi vắc-xin sởi lần 2 lúc 18 tháng tuổi trở lên. Ông Chiến cũng cho hay, khi chưa chắc chắn đứa trẻ đã mắc sởi, chưa có chẩn đoán huyết thanh dương tính, tốt nhất nên đi tiêm phòng sởi để chắc chắn có miễn dịch 100%.

Mặc dù các chuyên gia y tế khuyến cáo đưa trẻ đến các trung tâm y tế để tiêm vắc-xin là giải phát tốt nhất. Nhưng hiện ở Đà Nẵng thì không còn vắc-xin sởi. Những ngày qua, người dân đã ùn ùn kéo đến các sơ sở y tế để tiêm phòng vắc-xin nhưng họ đã phải thất vọng đưa con về vì hết vắc-xin sởi, quai bị, rubella và thủy đậu theo thông báo mà trung tâm đã ghi trên bảng. Trung tâm Y tế dự phòng TP Đà Nẵng cũng thừa nhận các loại vắc-xin trên đều đã hết và chưa được nhập về. Đây là vắc-xin tiêm theo dịch vụ nên chỉ tiêm khi người dân có yêu cầu, tuy nhiên các công ty chuyên nhập vắc-xin sởi, quai bị, rubella cũng thông báo hết hàng.

Ông Phạm Hùng Chiến, Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng, cũng cho biết: “Do mình không sản xuất được vắc-xin này nên phải nhập theo yêu cầu, nhập từng đợt. Bây giờ số người đến tiêm vắc-xin sởi tăng đột biến nên không thể đáp ứng đủ. Vì ngay cả người lớn trước đây chưa tiêm cũng đến tiêm”.

Bác sĩ Lê Văn Đoan khuyến cáo: “Trẻ mắc sởi nếu không có biến chứng xảy ra chỉ cần chăm sóc điều trị tại nhà trong điều kiện vệ sinh sạch sẽ, đảm bảo dinh dưỡng tốt. Nếu phụ huynh nóng lòng yêu cầu được nhập viện sẽ vô tình đẩy những trẻ mắc sởi nhẹ này vào vòng nguy hiểm. Bởi trong môi trường lưu hành của nhiều mầm bệnh khác nhau như bệnh viện, trẻ có thể trạng yếu sẽ bị các bệnh cơ hội khác như nhiễm trùng, hô hấp, tiêu hóa... tấn công. Sự nhiễm chéo của các bệnh cơ hội sẽ là mối nguy lớn, gây nên những biến chứng cho trẻ trên nền bệnh sởi. Thực tế, đã có nhiều trẻ tử vong do biến chứng sởi từ đầu năm đến nay từ hệ quả của tình trạng nhiễm chéo bệnh viện”.

Đoàn Nguyên