Đề xuất: Thẩm phán 70 tuổi mới nghỉ hưu

19:29 | 28/02/2014

740 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thành lập và nâng cấp 4 cơ quan giúp việc cho Tòa án Nhân dân Tối cao ngang cấp Tổng cục; tăng độ tuổi về hưu của thẩm phán Tòa án tối cao lên 70 tuổi, thẩm phán khác là 65 tuổi không phân biệt nam, nữ...

 

Ảnh VGP/Lê Sơn

Sáng 28/2, tại Hà Nội, Tòa án Nhân dân tối cao (TANDTC) tổ chức Hội thảo về Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân sửa đổi.

Bảo đảm tính độc lập của tòa

Trong Dự thảo, TANDTC đề xuất bổ sung nhiều quy định mới như: Thành lập và nâng cấp 4 cơ quan hành chính giúp việc cho TANDTC ngang cấp Tổng cục; tăng độ tuổi về hưu của thẩm phán Tòa án Tối cao lên 70 tuổi, thẩm phán khác là 65 tuổi không phân biệt nam, nữ...

Theo Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn, TAND là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp, có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN. Để đảm bảo sự thống nhất trong Hiến pháp và Luật Tổ chức TAND, TAND sẽ được tổ chức theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính 4 cấp nhằm đảm bảo tính độc lập tương đối của hệ thống Tòa án trong bộ máy Nhà nước, tạo điều kiện cho Tòa án thực hiện quyền tư pháp theo Hiến pháp.

Ngoài các quy định hiện hành, Dự thảo cụ thể hóa nhiệm vụ “bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật” được Hiến định tại Điều 104 của Hiến pháp. Theo đó, Dự thảo bổ sung nhiệm vụ của TANDTC là phát triển “án lệ” để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc, bảo đảm yêu cầu áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử, khắc phục tình trạng quá tải và chậm ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật của TANDTC.

Bên cạnh đó, để kịp thời phát hiện những thẩm phán thoái hóa, biến chất, vi phạm đạo đức, không làm đúng chức trách của thẩm phán, để kiến nghị xem xét miễn nhiệm, cách chức thẩm phán, Dự thảo Luật quy định về Hội đồng Giám sát thẩm phán có nhiệm vụ giám sát việc thực hiện nhiệm vụ cũng như giám sát tư cách đạo đức, lối sống của thẩm phán.

Về chức danh tư pháp, ngoài quy định theo luật hiện hành, dự thảo bổ sung thêm 2 chức danh mới là "Trợ lý thẩm phán" và  "Trợ giúp viên tư pháp" về gia đình và  người chưa thành niên.

Góp ý tại Hội thảo, Phó Trưởng Ban Cải cách tư pháp Trung ương Lê Thị Thu Ba nhấn mạnh cải cách của Dự thảo Luật cần dựa trên các văn bản chỉ đạo, nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị về vấn đề này. Ví dụ, thẩm quyền thành lập Tòa án sơ thẩm nhân dân khu vực, Tòa án quân sự được dự thảo đề nghị giao cho Chánh án TANDTC quyết định thì nên giao quyền này cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thì hợp lý hơn.

Bên cạnh đó, tổ chức Tòa án lần này tạo sự độc lập tương đối của tòa án với cấp chính quyền địa phương và độc lập với chính cấp trên các cấp xét xử của ngành Tòa án. Đây mới là những bước thực sự đổi mới của ngành Tòa án, đáp ứng yêu cầu của tiến trình cải cách tư pháp và thực tiễn cuộc sống đòi hỏi.

Về chức danh tư pháp, quy định người nào được quyền thẩm định tư pháp mới được quyền chức danh tư pháp, phù hợp với Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư  pháp về phân định về chức danh tư pháp và quyền tư pháp; về các chức danh "Thẩm phán" theo ngạch của Tòa án từ sơ cấp đến thẩm phán cao cấp.

Thành lập 4 cơ quan cấp Tổng cục thuộc TANDTC

Nêu ý kiến thảo luận tại Hội thảo, PGS.TS Phạm Tất Viễn, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ  đạo Cải cách tư pháp Trung ương, cho rằng nhìn tổng thể, có thể thấy Dự thảo đã thể hiện tư tưởng cải cách mạnh mẽ theo tinh thần và nội dung của Nghị quyết 49-NQ/TW và Hiến pháp năm 2013.

Đây là bước tiến dài trong đổi mới tư duy pháp lý trong lĩnh vực tư pháp, đã thể chế hóa được chủ trương đổi mới tổ chức và hoạt động của TAND được xác định nhiều trong văn kiện của Đảng, đề cập được nhiều vấn đề trên quan điểm phát triển, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Cũng theo PGS.TS Phạm Tất Viễn, Dự thảo đã phân định rõ hơn các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp;  chỉ rõ cơ chế giám sát hoạt động của tòa án sẽ theo hướng tập trung đầu mối, đồng thời sẽ kết hợp sửa đổi bổ sung các quy định của pháp luật tố tụng theo hướng tạo thuận lợi hơn cho người dân, phù hợp với các nguyên tắc của một nền tư pháp tiên tiến.

Ông Phạm Tất Viễn cũng bày tỏ băn khoăn trong các quy định về bộ máy giúp việc của TANDTC với 4 cơ quan cấp Tổng cục. Tuy nhiên, Dự thảo quy định trong 4 cơ quan này có các cục, vụ, đơn vị trực thuộc liệu đã hợp lý chưa? Ông Phạm Tất Viễn đồng ý với ý kiến về việc bổ nhiệm không kỳ hạn thẩm phán TANDTC, nhưng không đồng ý tuổi nghỉ hưu của họ là 70 mà chỉ là 65, tương tự tuổi nghỉ hưu của các thẩm phán khác theo quy định của Bộ luật Lao động.

Chánh án TAND TP. Hà  Nội PGS.TS Nguyễn Đức Bình tán thành phương án của Dự thảo Luật Tổ chức TAND, quy định hai chức danh "Thẩm phán", gồm: Thẩm phán TANDTC và Thẩm phán. Thẩm phán được xếp theo bậc; nhiệm vụ của thẩm phán các bậc  ở các TAND do Chánh án TAND Tối cao quy định.

Ông Bình cho rằng, quy định này tạo nên sự linh hoạt cho công tác cán bộ, giải quyết được những khó khăn trong việc luân chuyển, điều động, biệt phái thẩm phán, giữa các Tòa án cùng cấp và các cấp với nhau, việc quy định thẩm phán nói chung cũng tránh được việc hiểu sai về trình độ, năng lực của thẩm phán so với quy định hiện hành.

Được biết, Dự thảo Luật Tổ chức TAND sẽ được TANDTC tiếp tục lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, nhân dân sau đó sẽ trình cấp có  thẩm quyền xem xét, quyết định trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến vào thời gian tới. 

Theo Dự thảo, tổ chức của bộ máy TANDTC gồm có: Hội đồng Thẩm phán TANDTC; Văn phòng TANDTC; Tổng cục Quản lý tòa án; Ủy ban Pháp chế TANDTC; Học viện Tòa án.

Trong các cơ quan cấp tổng cục này có các Cục, Vụ, Viện, đơn vị sự nghiệp công lập, được thành lập theo quyết định của Chánh án TANDTC.

 

Cổng TTĐT Chính phủ

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc