Đi xe không chính chủ: Phạt tiền nhưng không giữ xe 1

16:13 | 10/11/2012

1,398 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - “Phương tiện đã mua bán qua nhiều đời thì chủ phương tiện đang sử dụng xe phải có trách nhiệm làm thủ tục đăng ký lại. Còn đi xe mang tên những người thân trong gia đình, người sử dụng phương tiện phải chứng minh được giữa mình và chủ phương tiện có mối quan hệ. Nếu không, khi bị kiểm tra, phát hiện không làm thủ tục sang tên đổi chủ, sẽ ra quyết định xử phạt nhưng không tạm giữ phương tiện” - Đại tá Đào Vịnh Thắng - Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội cho hay.

>> Vi phạm giao thông sẽ bị phạt cao gấp nhiều lần

Người dân lo lắng vì đi xe không chính chủ

Nghị định số 71/2012/NĐ-CP, phương tiện ô tô, xe máy mua bán trao đổi, chuyển nhượng nhưng không tiến hành thủ tục sang tên đổi chủ, sẽ bị phạt tiền. Theo đó, ô tô chịu mức phạt từ 6 - 10 triệu đồng/xe, riêng mô tô, xe máy xử phạt 1 triệu đồng/xe.

Sáng nay (10/11), nghị định 71 có hiệu lực, nhiều người dân tỏ ra lo lắng vì bị xử phạt khi đi xe không phải do mình đứng tên chủ xe, kể cả xe mượn của bạn hoặc xe của chính người thân trong gia đình.

Anh Trần Đức Tuấn (ở quận Cầu Giấy, Hà Nội), bày tỏ lo lắng về vấn đề này, cho hay: “Khi biết có quy định sẽ xử phạt khi đi xe không chính chủ, tôi rất lo lắng và cảm nhận thất bất an, khó hiểu. Chiếc xe máy đang đi nhiều năm nay đứng do anh trai của tôi đứng tên. Trong một vụ tai nạn giao thông, anh đã mất và tôi là người thừa kế chiếc xe này. Nếu bị công an kiểm tra, tôi trình đầy đủ giấy tờ liền quan nhưng không đứng tên chủ nhân chiếc xe, chẳng lẽ lại bị xử phạt”.

Nhiều người dân lo lắng bị phạt vì đi xe không chính chủ sử dụng.

“Nếu như bây giờ tôi đi sang tên, đổi chủ cũng rất khó khăn, anh trai thì đã mất không thể nào sống lại để ký vào giấy xác nhận hay ủy quyền để làm thủ tục. Chẳng nhẽ xe của gia đình cũng bị xử phạt sao...?”- anh Tuấn băn khoăn

Cùng với ý kiến tương tự, anh Nguyễn Quốc Bảo (ở huyện Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng: “Gia đình nhà tôi có sáu người, bố mẹ, vợ chồng tôi và hai người con. Gia đình chỉ có ba chiếc xe máy, trong đó có một chiếc xe đứng tên bố tôi. Năm nay cụ nghỉ hưu, nhu cầu đi lại cũng ít, người con trai đầu của tôi đang học năm thứ hai của trường Đại học Bách Khoa. Chiếc xe của bố tôi giờ cho con trai tôi làm phương tiện đi học. Chẳng lẽ, lại phải đi sang tên đổi chủ hay ra đường đều phải có người đứng tên xe đi cùng nếu không muốn bị xử phạt”.

Mặt khác, một thực tế có thể dễ dàng nhận thấy đó là những người sở hữu các phương tiện được mua lại đa số là người lao động nghèo. Họ không có tiền để mua xe mới, đành mua xe cũ làm phương tiện đi lại. Trong khí đó, mức xử phạt cho xe máy ở mức một triệu đồng là quá cao với mức thu thập hiện tại của lao động nghèo. Đó là chưa kể tính bất hợp lý khi xử phạt dù họ có đầy đủ giấy tờ chứng minh chiếc xe hoàn toàn “trong sạch” chứ không phải xe trộm cắp.

Sẽ xử lý nghiêm khi phát hiện không sang tên đổi chủ

Theo Đại tá Đào Vịnh Thắng - Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội, từ khi Nghị định 71 được ban hành, cách đây hơn một tháng, Phòng CSGT Hà Nội đã chủ động tổ chức thông báo rộng rãi đến người dân, chủ phương tiện biết sự thay đổi của các mức xử phạt đối với từng lỗi vi phạm. Cán bộ chiến sĩ đã được tập huấn để nắm chắc nội dung nghị định, góp phần áp dụng, thực thi hiệu quả công tác xử lý, đảm bảo an toàn giao thông.

Theo đó, những phương tiện không tiến hành sang tên đổi chủ trong quá trình chuyển nhượng sẽ bị phạt tiền. Ô tô chịu mức phạt từ 6 - 10 triệu đồng/xe, riêng mô tô, xe máy xử phạt 1 triệu đồng/xe.

 Liên quan đến quy định xử phạt tăng gấp sáu lần đối với chủ sở hữu không làm thủ tục sang tên, đổi chủ, lãnh đạo phòng CSGT cho hay, không chỉ đến bây giờ mà trước khi Thông tư 36, 37 được ban hành, Phòng CSGT Hà Nội đã liên tục đề nghị các chủ phương tiện sau khi mua, bán phương tiện trong vòng 30 ngày phải đến cơ quan đăng ký, quản lý phương tiện làm thủ tục sang tên, chuyển quyền sở hữu. Những chủ phương tiện khi bán xe xong cũng phải có thông báo gửi đến cơ quan đăng ký, quản lý phương tiện biết để có biện pháp phối hợp, hướng dẫn chủ mới làm thủ tục sang tên.

Trường hợp phương tiện đã mua bán qua nhiều đời thì chủ phương tiện cuối cùng đang sử dụng xe phải có trách nhiệm đến các cơ quan đăng ký làm thủ tục đăng ký lại, chuyển quyền sở hữu và phải chịu mức xử phạt theo quy định. Còn với trường hợp đi xe mang tên những người thân trong gia đình, người sử dụng phương tiện phải chứng minh được giữa mình và chủ phương tiện có mối quan hệ.

Đối với những chủ phương tiện lưu thông trên đường, nếu CSGT kiểm tra, phát hiện không làm thủ tục sang tên đổi chủ, sẽ ra quyết định xử phạt nhưng không tạm giữ phương tiện.

Để đảm bảo an toàn giao thông, Đại tá Đào Vịnh Thắng cũng khuyến cáo người dân cần nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về Luật Giao thông, các nghị định, thông tư có liên quan; đồng thuận, tạo điều kiện giúp đỡ công an khi làm nhiệm vụ cũng như lên án các hành vi vi phạm.

T.Minh