Dioxin tại sân bay Đà Nẵng sẽ được xử lý như thế nào?

07:05 | 20/04/2014

1,355 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trả lời phỏng vấn báo giới sau lễ khởi động hệ thống xử lý nhiệt cho dự án Xử lý môi trường ô nhiễm Dioxin tại sân bay Đà Nẵng diễn ra sáng ngày 19/4, ngài David B. Shear, Đại sứ quán Hoa Kỳ cho biết, trong vòng 2 đến 3 năm tới, toàn bộ chất hóa học Dioxin tại sân bay quốc tế Đà Nẵng sẽ được xử lý triệt để bằng phương pháp hấp, tỏa nhiệt.

>> Khởi động hệ thống xử lý Dioxin tại sân bay Đà Nẵng

Sẽ loại bỏ chất độc Dioxin bằng phương pháp “hấp, tỏa nhiệt”

Những nghiên cứu đánh giá mức độ tồn lưu Dioxin ở sân bay Đà Nẵng và các “điểm nóng” khác cho thấy, độ tồn lưu Dioxin trong đất, đất lắng đọng, trầm tích còn vượt nhiều lần mức tối đa cho phép của quốc tế. Các mẫu phân tích kiểm tra chéo với các phòng thí nghiệm quốc tế cũng cho kết quả tương tự, nồng độ tìm thấy của tất cả các chất cùng loại khá phù hợp nhau. Hậu quả của chất độc Dioxin gây ra là hiện Đà Nẵng có khoảng 5.000 nạn nhân chất độc da cam, trong đó có hơn 1.000 trẻ em. Nhiều gia đình có cả ông bà, cha mẹ, con cháu đều là nạn nhân chất độc da cam.

Hệ thống xử lý chất độc Dioxin nhìn từ bên ngoài

Theo Tiến sĩ Lê Kế Sơn, Giám đốc Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam (gọi tắt là Ban chỉ đạo 33), nếu cứ áp dụng biện pháp chôn lấp, tẩy rửa như truyền thống thì không thể xử lý triệt để được. Do đó, các chuyên gia kỹ thuật của Công ty USAID (Hoa Kỳ) đã nghiên cứu và dùng phương pháp “hấp nhiệt” để xử lý vấn đề này.

Toàn bộ lớp đất nhiễm Dioxin sẽ được đưa vào lò phân hủy (hay còn gọi là mố IPTD với bề rộng 70m, cao 6m và chiều dài khoảng trên 80m), sau đó, dùng điện kích nhiệt độ lên đến trên 300 độ C. Dioxin không thể phân hủy trong nước, nhưng khi được hấp với nhiệt độ cao cùng với sự hỗ trợ của các chất xúc tác, toàn bộ nồng độ độc tố trong đất sẽ được phân hủy. Sau khi bùn và đất được xử lý, chúng sẽ được vận chuyển lại vị trí cũ và người dân có thể yên tâm trồng cây, rau an toàn.

Đại sứ quán Hoa Kỳ David B. Shear, cho biết, dự án sẽ chính thức vận hành công nghệ khử hấp thu nhiệt để xử lý 45.000m3 đất và bùn nhiễm Dioxin đã được đưa vào trong mố. Khoảng 95% Dioxin sẽ bị phân hủy trong mố. Bất kỳ Dioxin nào còn sót lại sẽ được thu gom dưới dạng hơi, dạng lỏng và được xử lý trong hệ thống xử lý thứ cấp được xây dựng ngay bên cạnh.

Hệ thống xử lý này sẽ được giám sát để đảm bảo Dioxin không bị phát tán ra không khí hoặc nguồn nước xung quanh. Với công suất xử lý 2,4 tấn/ngày, các chuyên gia tin tưởng sẽ xử lý triệt để chất độc hóa học Dioxin tại sân bay Đà Nẵng trong vòng 2 đến 3 năm tới.

Khởi đầu cho tương lai hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Hoa Kỳ

Thượng Nghị sĩ Hoa Kỳ Patrick Leahy cho biết, đây là lần thứ 2 ông đến Việt Nam kể từ khi chiến tranh Việt Nam - Mỹ kết thúc. Cùng đi với Thượng nghị sĩ còn có 4 thành viên khác của hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa. Chiến tranh đã lùi xa nhưng những nỗi đau do chiến tranh để lại vẫn còn ám ảnh những cựu chiến binh Hoa Kỳ.

“Mục đích khi lần đầu tiên tôi đến Việt Nam năm 1996 là giải quyết nhu cầu của các nạn nhân bom mìn và vật liệu chưa nổ còn sót lại đã và đang tiếp tục lấy đi mạng sống và làm bị thương thường dân vô tội”, Thượng nghị sĩ xúc động tâm sự và cho biết, cách đây 7 năm, Quốc hội Hoa Kỳ đã cung cấp khoản tài chính đầu tiên cho dự án này, đến nay số tiền cho dự án đã lên đến 84 triệu USD.

Xử lý chất độc dioxin bằng phương pháp “hấp nhiệt”

“Chúng tôi sẽ làm tất cả để xử lý triệt để chất độc Dioxin tại Việt Nam. Dự án này là minh chứng để chứng tỏ Hoa Kỳ rất quan tâm đến việc khắc phục hậu quả sau chiến tranh”, Thượng nghị sĩ Patrick Leahy nhấn mạnh.

Được biết, trong những năm qua, mặc dù Chính phủ hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ đã có nhiều cố gắng, song nhiều điểm ô nhiễm chất độc Dioxin vẫn còn tồn lưu ở mức độ cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái và con người, cản trở sự phát triển kinh tế xã hội trong khu vực. “Dự án xử lý Dioxin tại Việt Nam là minh chứng cho quyết tâm của hai nước trong việc tháo gỡ rào cản vốn tồn tại suốt hơn 3 thập kỷ qua”, ngài Patrick Leahy nói với các phóng viên báo giới.

Sau khi gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Quốc hội, Chính phủ và các Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam cho biết: “Cách đây 2 năm, cũng ở địa điểm này, tôi cùng ông David B. Shear, Đại sứ Hoa kỳ tại Việt Nam đã khởi công dự án hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ xử lý chất độc Dioxin tại sân bay Đà Nẵng. Hôm nay quay lại đây, tôi thật sự ngỡ ngàng và vui mừng khi nhìn thấy quy mô của công trình, thấy kết quả hợp tác, kết quả lao động của chúng ta có một thành công tốt đẹp trong giai đoạn đầu tiên 2 năm qua. Và tôi tin rằng, cũng hai năm nữa, tại địa điểm này, chúng ta sẽ lại gặp nhau và nghiệm thu kết quả tốt đẹp của công trình”.

Theo Thứ trưởng, công trình này có ý nghĩa rất đặc biệt. Đó là, bên cạnh nỗ lực của Nhà nước Việt Nam có sự ủng hộ, hợp tác rất mạnh mẽ của Quốc hội Hoa Kỳ, Chính phủ Hoa Kỳ và đặc biệt là cá nhân ngài Thượng nghị sĩ Patrick Leahy đối với dự án này nói riêng, cũng như sự hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh ở Việt Nam nói chung.

“Tôi nghĩ rằng sự thành công của dự án này không chỉ là để khắc phục hậu quả của quá khứ mà nó còn là con đường mở đến tương lai hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Hoa Kỳ!”, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh.

Đoàn Nguyên

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc