Quan chức quận Cầu Giấy làm ngơ để doanh nghiệp "biến sai thành đúng"

17:55 | 29/09/2014

1,758 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Với mục đích làm điểm trông giữ phương tiện, thế nhưng dự án cống hóa kênh mương thoát nước Nghĩa Đô (đường Nguyễn Khánh Toàn, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) sau khi hoàn thành lại biến thành nhà hàng, quán bia, salon ô tô... Người dân bức xúc, báo chí lên tiếng, chỉ có chính quyền quận Cầu Giấy là "nhắm mắt làm ngơ" để cho doanh nghiệp làm điều sai trái. Để cho những sai phạm này ngang nhiên tồn tại - không cần nói, ai cũng biết mục đích của các quan chức quận Cầu Giấy.

>> Nhà hàng mọc "như nấm" trên công trình thoát nước

Quận Cầu Giấy vẫn được tiếng là nghiêm trong vấn đề trật tự đô thị. Chỉ cần người dân sửa nhà, đổ một đống cát, vài viên gạch trong ngõ là thanh tra xây dựng, thanh tra đô thị đến lập biên bản xử phạt ngay.

Kỳ lạ là ở mảnh đất rộng 14 nghìn mét vuông cách UBND quận mấy trăm mét, sai phạm sờ sờ thì các quan chức quận Cầu Giấy mặc kệ.

14 nghìn mét vuông "đất vàng" nằm ở vị trí đẹp nhất nhì quận Cầu Giấy thuộc dự án  cống hóa mương thoát nước Nghĩa Đô, kết hợp làm bãi đỗ xe và công trình dịch vụ phụ trợ. Quận Cầu Giấy đã đồng thuận cho Công ty CP Đầu tư Xây lắp - Thương mại và Dịch vụ thực hiện dự án.

Tuy nhiên, sau khi thực hiện xong việc cống hóa, người dân không khỏi ngỡ ngàng khi trên mặt cống mọc lên nhiều nhà hàng kinh doanh, quán bia, rượu và thậm chí là cho…  họp chợ.

Trước thực trạng này, UBND quận Cầu Giấy đã ban hành quyết định xử phạt hành chính và cưỡng chế đối với các công trình vi phạm. Tuy nhiên, các văn bản được ban hành chỉ là thủ tục hành chính, những công trình vi phạm vẫn chình ình trước mắt.

Nhà hàng mọc lên trên cống nước.

Xử lý kiểu nửa vời

Tại các văn bản thanh kiểm tra của liên ngành quận Cầu Giấy ghi rõ, trên phần đất dự án cống hóa mương thoát nước Nghĩa Đô đang tồn tại rất nhiều sai phạm. Cụ thể, tại ô đất số 1 có diện tích 3.704m2 được cấp phép để xây dựng nhà đỗ xe và dịch vụ phụ trợ có quy mô 2 tầng cùng sân đỗ xe ngoài trời. Tuy nhiên, chủ thuê đất lại cho kinh doanh nhà hàng, quán ăn, cửa hàng nội thất, đại lý hãng xe...

Còn phần bãi xe ngoài trời cũng được dựng khung sắt, mái tôn xây dựng trái phép thành phòng diện tích khoảng 60m2. Tại ô đất số 2, có diện tích 2.324m2, được cho kinh doanh nhà hàng cà phê, salon làm đẹp, cửa hàng KFC.

Ngay cả đến khu nhà điều hành quản lý dự án cống hoá cũng trở thành quán cà phê, hiệu sách. Khu diện tích để trồng sân vườn, cây xanh đã bị bê tông hóa toàn bộ diện tích 1.485m2 chia ô, lắp dựng khung sắt mái tôn, mái nhựa…

Lý giải về những sai phạm này, một lãnh đạo UBND phường Quan Hoa thừa nhận: Sai phạm thì đã rõ mười mươi, tuy nhiên, việc các cơ quan chức năng chậm ra quân tháo dỡ công trình là do phía công ty có văn bản xin tự tháo dỡ các công trình vi phạm.

Phía chủ đầu tư chậm chạp trong việc tháo dỡ các công trình sai phạm nên các cơ quan chức năng quận Cầu Giấy đã ban hành quyết định cưỡng chế những công trình này.

Mặc dù cơ quan chức năng đã tiến hành tháo dỡ toàn bộ hàng quán vi phạm trên các lô đất số 3 và số 4. Nhưng riêng phần sai phạm tại lô đất số 01 và số 02 của dự án vẫn nằm nguyên trên mặt cống, như quán bia Vuvuzela, Hùng Lai quán... không bị ảnh hưởng gì. Không những thế, những nhà hàng, quán xá này còn phô trương biển hiệu lớn, rực rỡ, công khai thách thức cơ quan chức năng.

Cửa hàng bán rượu vang mới mọc lên bên cạnh đại lý xe gắn máy Yamaha.

Sự đã rồi, biến sai thành... đúng

Theo Công ty CP Đầu tư Xây lắp - Thương mại và Dịch vụ, thì đơn vị này đã có công văn gửi UBND TP Hà Nội và các sở ngành cho xây dựng nhà 5 tầng mật độ 40% trên đất dọc tuyến mương rộng 10m, bên dưới không có cống ngầm. Nhưng UBND TP Hà Nội chỉ chấp thuận xây dựng 2 tầng mật độ 15-20% tại văn bản số 1843 ngày 9/3/2009. Còn giấy phép xây dựng của UBND quận Cầu Giấy là xây dựng 2 tầng, mật độ 19,5%.

Giấy cấp phép là như vậy, nhưng chủ đầu tư đã xây dựng nhà 2 tầng với mật độ là 20,5 % vượt quá mức cho phép là 1%.

Theo ông Cù Đức Tố - Giám đốc Công ty CP Đầu tư Xây lắp - Thương mại và Dịch vụ thì phần vi phạm của chủ đầu tư là rất nhỏ, khoảng 50m2. Và chủ đầu tư sẵn sàng chịu nộp phạt để tránh việc cưỡng chế mà theo chủ đầu tư là “nếu đập phá đi thì ảnh hưởng đến kết cấu toàn công trình”.

Ông Cù Đức Tố cũng giải thích thêm rằng, việc chủ đầu tư xây dựng và cho thuê hàng loạt những nhà hàng, quán rượu, salon ô tô là do thành phố thu tiền thuê mặt bằng của dự án với giá thương mại dịch vụ (giá cao nhất trong bảng giá thuê mặt bằng) cho tất cả diện tích của dự án, nên chủ đầu tư phải được kinh doanh dịch vụ thương mại kèm theo bãi đỗ xe.

Một nhà hàng sát quán karaoke trên dự án cống hóa.

 

Như vậy, chủ đầu tư đang giở chiêu bài “sự đã rồi”, chấp nhận nộp phạt cho những vi phạm của mình để biến cái sai thành cái đúng. Ngoài ra công ty này cũng đá "quả bóng trách nhiệm" cho các cơ quan chức năng khi cho rằng, những kết luận thanh tra của thành phố không đưa ra được một văn bản mang tính pháp lý nào để người dân thực hiện. Tất cả chỉ nói chung chung, rồi đến khi chủ đầu tư sai phạm thì đến xử phạt và cưỡng chế.

Có thể thấy rằng, trong quá trình triển khai dự án cống hóa tuyến mương Nghĩa Đô, Công ty CP Đầu tư Xây lắp - Thương mại và Dịch vụ đã nhiều lần cố tình vi phạm các quy định của pháp luật, gây bức xúc đối với dư luận. Đáng ra, sai phạm này cần phải được kiểm tra, xử lý thật nghiêm, tránh tiền lệ xấu. Thế nhưng các cơ quan chức năng chỉ xử lý kiểu nửa vời, để khi “sự đã rồi” thì chủ đầu tư có văn bản đề xuất hợp thức hóa những vi phạm của mình thì lại được cấp phép chính thức, nghiễm nhiên biến cái sai thành cái đúng.

Cẩm Tú - Thiên Minh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc