Đưa tết đi năm châu, quên mang tết về nhà

07:00 | 09/02/2013

621 lượt xem
|
(Petrotimes) - Không chỉ mang hơi tết đến với mọi nhà, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn người quanh khu vực, làng nghề gói bánh chưng Tranh Khúc (huyện Thanh Trì, TP Hà Nội) còn mang cái tết đi khắp năm châu và luôn được mệnh danh là làng “quên” mang tết về nhà...!

Tạo thương hiệu từ những tiểu tiết

Làng nghề truyền thống gói bánh chưng Tranh Khúc những ngày cuối năm thật nhộn nhịp và bộn bề. Dù tết Nguyên đán vẫn còn cách hơn tháng nhưng khắp làng trên xóm dưới đã thấy tíu tít các công đoạn rửa lá dong, đãi đỗ, vo gạo… để gói bánh chưng.

Người gói bánh chưng lâu năm của làng Tranh Khúc là ông Nguyễn Văn Khải (ở Đội 1, thôn Tranh Khúc). Ông Khải năm nay 72 tuổi kể rằng: “Cứ mỗi dịp tết đến xuân về, bếp nhà ai trong làng này cũng đỏ lửa với nồi bánh chưng sôi sùng sục. Họ làm bánh chưng cho mình thì ít, mà cung cấp cho thiên hạ thì nhiều”.

Người làng Tranh “cổ” (cách gọi của người dân gốc Tranh Khúc) vốn chăm chỉ, hiền lành. Bằng chứng là gần trăm năm cả làng chỉ mải miết đi gói bánh thuê cho các làng quanh vùng. Chỉ đến khi cơ chế thị trường bao trùm, làng Tranh mới tỉnh giấc, mới sống được, thậm chí đàng hoàng với cái nghề gói bánh chưng này. Lạ là làng Tranh Khúc làm bánh gì cũng ngon, từ bánh dày, bánh gai, bánh giò, bánh tẻ... bánh nào cũng là đặc sản, là niềm tự hào của đất Tràng An. Nhưng chỉ duy thứ bánh chưng ở đây là không lẫn vào đâu. Thứ bánh tượng trưng cho “Đất”, tỏa ra hương vị đặc trưng vùng châu thổ sông Hồng.

Người dân làng Tranh Khúc nhộn nhịp với công việc đem tết đến mọi nhà

Về Tranh Khúc hỏi những gia đình khá lên nhờ nghề bánh, nhiều người nhắc đến vợ chồng anh Nguyễn Văn Bảo - Nguyễn Thị Ngân (ở Đội 1, Tranh Khúc). Ngôi nhà bề thế của anh chị ngồn ngộn lá dong, xanh biếc cả khoảng sân. Chị Ngân cười khiêm tốn: “Từ bánh mà nên, nhưng cũng phải từ thời các cụ để lại, vợ chồng tôi lấy đó mà phấn đấu thôi. Đúng ra mà nói, làng mình chỉ thật sự nhộn nhịp vào hai tháng quanh tết Nguyên đán. Từ rằm tháng 11 âm lịch đến rằm tháng Giêng là hết”. Hai bàn tay thoăn thoắt gấp lá gói bánh, chị Ngân nói: “Ngày ngày, công việc của người làng Tranh Khúc lặp đi lặp lại, không có gì đổi thay. Ngày mới bắt đầu bằng việc cho bánh ra lò rồi chở hàng đi giao. Sau đó, ra đê nhận lá dong, trưa về đãi gạo nếp, đãi đỗ và rửa lá, đầu giờ chiều bắt đầu gói. Cuối giờ chiều đem bánh vào nồi và luộc cho đến sáng.

Đôi bàn tay gói bánh thoăn thoắt, chưa đầy hai phút anh Bảo đã gói hoàn chỉnh một chiếc bánh chưng. Thoạt nhìn thì tưởng dễ nhưng anh Bảo khẳng định là khó và không phải ai cũng gói được những chiếc bánh đẹp, chắc tay như thế. “Cái nghề này nghe thì đơn giản vì trước đây nhà nào vào dịp tết chả gói bánh chưng. Nhưng gói bánh chưng đi bán cho thiên hạ thì cũng phải có kinh nghiệm”.

Để có một chiếc bánh chưng ngon, cần lựa chọn nguyên liệu kỹ, muốn vậy phải đặt mua nguyên liệu từ nhiều vùng miền của đất nước. Lá dong thì phải chọn lá nếp cho dẻo, thường là loại được mang về từ Thanh Hóa, Nghệ An hoặc ở vùng cao Lào Cai, Hà Giang. Lá ở những vùng này có màu xanh thẫm, khó gãy, khi luộc bánh ngả màu xanh rất đẹp. Lạt buộc cũng tương tự, cần dẻo, mềm. Riêng loại giang để chẻ lạt buộc bánh được ưa thích là ở vùng núi Lương Sơn (Hòa Bình). Còn gạo nếp thì phải là gạo được trồng từ những cánh đồng thuộc tỉnh Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định.

Người Tranh Khúc tuyệt đối không ngâm gạo vì như thế bánh dễ nát, không để được lâu. Đỗ làm nhân là loại đậu xanh đã tách vỏ, vàng óng được mua ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… sẽ thơm và bở. Thịt lợn phải được lựa chọn từ những con lợn khỏe mạnh, được nuôi bằng phương pháp thủ công, sẽ cho thịt tươi và mềm. Để bánh luộc nhanh chín, có độ rền, người làm nghề không dùng đỗ sống để gói mà thổi chín đỗ rồi giã nhỏ, chia thành từng khẩu phần, mỗi chiếc bánh chưng được gói với hai nắm. Thịt lợn thái thành miếng to dài, tẩm ướp chút muối, tiêu, hành trong một giờ. Sau đó đến công đoạn gói, lá dong rải đều trên lạt, phải quay mặt lá dong ra phía ngoài để khi luộc chín, chiếc bánh sẽ xanh mướt. Tưởng là dễ nhưng để chiếc bánh được vuông thành sắc cạnh phải nhờ đến bàn tay khéo léo của người gói.

Thu hút dân lao động thời vụ

Theo lời ông Khải, thời điểm cận kề với tết, mỗi gia đình làm bánh chưng ở Tranh Khúc phải thuê từ 10 đến 15 nhân công để gói bánh. Đơn đặt hàng quá nhiều nên huy động người trong gia đình không đủ, các nhà phải thuê lao động từ nơi khác đến. Trước đây, người làng Tranh Khúc phải tự bao tiêu sản phẩm, nhiều khi phải bán rong trên phố. Giờ thì “các thương lái đánh xe về tận làng lấy hàng mà còn làm không kịp luộc để giao”.

Chị Nguyễn Thúy Hằng (xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội) đã đến làm thuê ở nhà anh Bảo từ đầu tháng 11 âm lịch. Công việc của chị là đãi đỗ, vo gạo, tước lá dong - những phần việc không nặng nhọc nhưng bận rộn cả ngày. “Do gia đình làm ruộng nên mỗi năm cũng chỉ bận hai tháng thu hoạch lúa. Sau mùa vụ, tôi thường lên trung tâm Hà Nội làm thuê, đến giáp tết lại về Tranh Khúc gói bánh chưng thuê. Năm nào cũng vậy, gắng làm lụng những ngày cuối năm, kiếm lấy khoản tiền tiêu tết” - chị Hằng thật thà nói.

So với những năm trước, giá công lao động thời vụ tăng từ 80-100 nghìn đồng/ngày lên 150-200 nghìn đồng/ngày. Giá hàng hóa tăng khiến tiền công lao động nhích lên. Những lao động thạo việc mới có lương 200 nghìn đồng/ngày.

Bánh chưng đến với những người Việt xa xứ

Chẳng phải đi đâu xa, năm hết tết đến, chỉ cần vào tới miền Nam là mỗi người con Hà Nội đã thèm hương vị tết. Bánh chưng của làng Tranh Khúc còn được xuất ngoại sang Mỹ, Pháp, Đức… vui tết cùng bà con Việt kiều xa xứ.

Theo lời những nghệ nhân gói bánh chưng Tranh Khúc thì những chiếc bánh chưng đầu tiên của Tranh Khúc được xuất ngoại từ thập niên 90 của thế kỷ trước. Thời đó, những ông chủ đưa người Việt Nam sang nước ngoài lao động đã tìm mua những chiếc bánh chưng Tranh Khúc để đóng hộp chuyển sang cho công nhân ăn tết truyền thống. Những gia đình có con em đang sống, học tập ở nước ngoài cũng mua vài cặp bánh gửi sang làm quà, mang thêm chút hương vị tết ở quê hương. Thế là từ đó, những chiếc bánh chưng được lên máy bay đi đến khắp mọi nơi trên thế giới, làm ấm lòng bao người con xa xứ, mong có được hương vị tết quê nhà.

Anh Trần Huy Hoàng - một trong những đầu mối chuyên xuất khẩu bánh chưng đi nước ngoài cho biết: Tuy người làm bánh ở Tranh Khúc rất đông nhưng số cơ sở nhận được đơn đặt hàng phục vụ khách nước ngoài chỉ có trên dưới 10 hộ gia đình.

Với hương vị đặc trưng, năm 2009 bánh chưng Tranh Khúc đã được Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể cho 102 hộ dân là thành viên của làng nghề. Mới đây, thêm một tin vui nữa đến với dân làng, khi UBND thành phố Hà Nội đã công nhận Tranh Khúc là làng nghề truyền thống, trong tổng số 247 làng nghề của toàn thành phố.

Không ai nhớ nổi, nghề làm bánh chưng ở Tranh Khúc có từ bao giờ. Có một điều thật lạ, người làng Tranh Khúc thường hối hả làm bánh, chuẩn bị cái tết cho biết bao gia đình, nhưng lại không kịp chuẩn bị tết cho chính nhà mình. “Có nhiều năm bận làm vì đơn đặt hàng nhiều nên quên cả sắm tết cho gia đình. Thường thì năm nào cũng phải tới sáng 30, vớt lò bánh cuối cùng xong tôi mới ra chợ mua vội vàng mâm ngũ quả. Tết năm nào cũng sơ sài như thế” - chị Ngân chia sẻ.

Tùng Minh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc