Xung quanh dự án đường vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục

Đừng để nước đến chân mới nhảy!

06:08 | 24/12/2012

1,347 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng “rùa bò” tại nhiều dự án giao thông của Hà Nội là sự chậm trễ trong khâu giải phóng mặt bằng (GPMB).

Tại kỳ họp HĐND thành phố vừa qua, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo đã phải lên tiếng yêu cầu các đơn vị liên quan cần quyết liệt phối hợp, đẩy nhanh thủ tục, giải quyết vướng mắc, bố trí nguồn vốn hợp lý để giải phóng nhanh mặt bằng. Và khi quyết tâm của người đứng đầu chính quyền thành phố vẫn chưa được cụ thể hóa thì tại dự án đường vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục, nhiều công trình xây dựng trái phép lại ngang nhiên xuất hiện trên phần diện tích “sạch”, gây bức xúc trong dư luận quần chúng nhân dân.

Lấn đất sạch chờ bồi thường

Trong Chương trình mục tiêu giảm thiểu ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố giai đoạn 2012-2015, dự án đường vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục được UBND thành phố Hà Nội xác định là một trong những dự án trọng điểm có chiều dài 2.273m, rộng 50m với tổng mức đầu tư dự kiến 5.464 tỉ đồng. Và để thực hiện dự án này, dự kiến phải thu hồi 99.970m2 của 1.719 chủ sử dụng đất.

Theo tìm hiểu của chúng tôi thì, tính đến thời điểm hiện tại, phần lớn diện tích thuộc diện thu hồi phục vụ cho dự án này đã cơ bản hoàn thành. Đây có thể xem là một trong những yếu tố đột phá khi tiến hành triển khai dự án và cũng là điều “xưa nay hiếm” tại các dự án giao thông của Hà Nội, mặt bằng sạch đã đi trước dự án!

Viễn cảnh cho một dự án “đẹp” cả về hình thức lẫn tiến độ được nhiều người nghĩ tới, tuy nhiên, từ nhiều tháng nay, trên phần diện tích đã GPMB của dự án lại “bất ngờ” xuất hiện, nhà, sân tennis… Và theo phản ánh của người dân sống tại khu vực này thì đây đều là các công trình trái phép.

Có mặt tại khu vực này vào ngày  17/12, theo quan sát thì gần như toàn bộ phần diện tích “sạch” bị các công trình trái phép trên “trưng dụng”. Thậm chí, khi chỉ còn ít ngày nữa sẽ đến thời điểm dự án chính thức triển khai, thì tại khu vực này vẫn có không ít công trình đang ráo riết xây dựng.

Chị Hằng - người dân sống ở khu vực này cho biết: Những công trình trên mọc lên ngay sau khi các hộ dân chuyển đến nơi ở mới. Chủ nhân của những công trình này đều là người có máu mặt. Họ cũng ký hợp đồng thuê đất làm cái này, cái kia nhưng thực chất là nhằm kiếm tiền bồi thường. Cũng có người bảo những hợp đồng thuê đất đấy là ngắn hạn và khi nào dự án triển khai là sẽ di dời được ngay nhưng thực tế, đất thuê ngắn hạn mà họ cứ bảo nhau xây nhà, cứ bảo nhau làm sân tennis… với mức đầu tư hàng chục, thậm chí là hàng trăm triệu đồng là điều bất thường.

Nhà không phép trên đất đã GPMB của dự án Hoàng Cầu - Voi Phục

Câu chuyện của chúng tôi đang lúc “sôi nổi” nhất thì anh Thắng - cũng là một người từng là chủ nhân của một công trình không phép trên tuyến đường này chen ngang. Anh cho biết: Cách đây hơn 1 năm, tôi có nhờ người quen giới thiệu và đã được “bật đèn xanh” xây dựng một quán ăn nhỏ, có diện tích khoảng 70m2 tại khu vực này với giá khá mềm so với thị trường. Tuy nhiên, không hiểu vì sao, khi mọi chuyện vẫn còn “thuận buồm xuôi gió”, phần diện tích mà tôi đã ngắm và “đặt vấn đề” bỗng mọc lên một ngôi nhà cấp 4 và tất nhiên là nó được xây dựng cấp tốc không phép.

Tiếp tục lần theo những địa chỉ mà chị Hằng, anh Thắng giới thiệu, trong vai người đang đi tìm địa điểm để mở hàng ăn, tôi đã tìm đến gặp anh Hoàng - chủ nhân của một công trình không phép ở đây. Sau khi nghe tôi trình bày mục đích của mình, anh Hoàng đã thẳng thắn từ chối vì nhà của anh không phải dùng để bán hay cho thuê, cũng chẳng phải để ở mà chỉ đơn giản là xây để đấy!?

Nhà xây không phép và cũng chỉ để mở cái quán tạp hóa nhỏ (theo quan sát của PV thì cả buổi sáng không có một người khách) thì chủ nhân của nó bỏ ra cả trăm triệu đồng là nhằm mục đích gì? Phải chăng lại là “chiêu” kiếm tiền đền bù mới của họ?

Bài học cũ - dự án mới

Dự án “rùa bò” không phải là chuyện gì quá xa lạ ở thủ đô từ nhiều năm nay, thậm chí nó đã trở thành chủ đề “nóng” trên các phương tiện thông tin đại chúng và diễn đàn HĐND thành phố. Lãnh đạo thành phố Hà Nội cũng đã không ít lần lên tiếng đề cập về hiện tượng này và một loạt các giải pháp đã được đưa ra nhưng có một thực tế, “rùa” vẫn hoàn “rùa”. Thậm chí, một kỷ lục về chậm tiến độ cũng đã được nhắc tới là dành cho dự án đường vành đai 1 đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu khi đã triển khai 2 năm nhưng lại thi công được vỏn vẹn… 80m đường.

Lý giải cho hiện tượng này, ông Nguyễn Sỹ Bảo - Giám đốc Ban Quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội (đại diện chủ đầu tư) cho biết, dự án bị chậm tiến độ do vướng mắc trong GPMB và thiếu vốn (dự án sử dụng vốn ODA). Thời gian tới, Ban Quản lý phấn đấu cùng với các ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ để dự án sớm được thực hiện và thông xe kỹ thuật vào tháng 9/2013.

Ngoài ra, theo một lãnh đạo của quận Đống Đa cho biết thì, về GPMB, quận Đống Đa đã phê duyệt 247 phương án đền bù với số tiền chi trả là 318 tỉ đồng, song mới có 203 phương án được người dân tiếp nhận, còn lại 44 hộ chưa đồng ý. Việc chậm lên phương án đền bù là do khó xác định nguồn gốc đất. Nhiều mảnh đất không có đủ hồ sơ, giấy tờ hợp lệ, người dân lấn chiếm từ nhiều năm...

Trong một phát biểu gần đây, ông Nguyễn Thế Thảo - Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã nhấn mạnh, trong năm 2013, Hà Nội sẽ ưu tiên vốn để khởi công các dự án dân sinh bức xúc như tuyến vành đai 1,2, các cầu vượt nhẹ và cơ sở hỏa táng, các công trình xử lý rác thải, nước thải và xử lý ô nhiễm sông, hồ. Ngoài ra, người đứng đầu chính quyền thủ đô cũng yêu cầu các đơn vị phải đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư và GPMB, chậm và vướng mắc ở đâu cần tập trung xử lý, khắc phục ngay.

Nói như vậy để thấy rằng, công tác GPMB khi triển khai các dự án giao thông trọng điểm đã được Hà Nội nhìn nhận là yếu tố “sống còn”, quyết định tiến độ dự án. Vậy nên, những bất thường tại dự án đường vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục cần phải được xem xét, làm rõ.

Theo Chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố giai đoạn 2012 - 2015, Hà Nội sẽ cải tạo, sửa chữa 40 nút và tuyến đường. Về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, thành phố dự kiến sẽ xây dựng các tuyến đường vành đai 1 (đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu, Ô Đống Mác - Nguyễn Khoái, Hoàng Cầu - Voi Phục); đường vành đai 2 (đoạn Nhật Tân - Bưởi - Cầu Giấy; đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng - cầu Vĩnh Tuy); đường vành đai 2,5 (đoạn Đền Lừ - Kim Đồng - Đầm Hồng - Nguyễn Trãi); đường vành đai 3 trên cao đoạn Mai Dịch - Pháp Vân và mở rộng đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long - Nội Bài.

Thanh Hòa