Ngăn chặn xe rùa, vòng vo bắt khách dọc đường:

Đừng "khoán gọn" cho cảnh sát giao thông

07:00 | 14/01/2013

633 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Cứ xuất bến là các lái xe khách chạy với tốc độ chậm như rùa, mặc dù trước mặt họ là tấm biển quy định tốc độ tối thiểu. Nếu thấy Cảnh sát Giao thông (CSGT) đang làm nhiệm vụ trên đường, ngay lập tức các xe khách tăng tốc độ vụt qua, sau đó họ lại tiếp tục hành trình rùa để làm sao lôi kéo, chào mời được càng nhiều khách lên xe càng tốt…

Cứ lên xe rùa sẽ biết...

Chuyện về những chuyến xe khách xuất phát từ các bến xe Hà Nội chạy với tốc độ rùa để bắt khách trên đường phố Hà Nội, hay dọc hành trình khi về các tỉnh không còn là chuyện mới. Nhưng cái mới ở đây lại là việc gần 3 tháng qua, một số tuyến đường, phố xung quanh các bến xe của Hà Nội đã có những tấm biển quy định tốc độ tối thiểu nhằm ngăn chặn tình trạng vòng vo bắt khách của các xe khách gây ùn tắc giao thông.

Có lẽ hiếm thành phố nào lại có những tấm biển quy định tốc độ tối thiểu đối với xe ôtô như ở Hà Nội. Nhưng xem ra biển cấm cứ cắm, còn xe khách vẫn tiếp tục hành trình rùa của mình để bắt khách, nhất là khi kinh tế khó khăn như hiện nay, xe thì nhiều mà khách càng ít hơn…

Một buổi sáng cuối tháng 12/2012, tôi có mặt tại Bến xe Giáp Bát, Hà Nội trong vai hành khách đi tuyến xe Hà Nội - Thái Bình. Vì là ngày giữa tuần, nên đã 7 giờ mà khách chờ xe trong bến xe chỉ trên đầu ngón tay. Tôi đứng vào quầy bán vé tuyến Hà Nội - Thái Bình định mua vé thì một phụ xe chạy đến ra hiệu là không phải mua vé, anh ta kéo tôi đi tới chiếc xe khách treo biển Hà Nội - Thái Bình đang đỗ gần cổng bến.

Tôi lên xe, người phụ xe thu 75.000 đồng, đúng bằng tiền bán vé trong quầy rồi bảo tôi thích ngồi đâu thì ngồi… Chiếc xe 45 chỗ, tôi là hành khách thứ 5 trên xe.

Bắt khách bừa bãi ở đường Phạm Văn Đồng

Khoảng 10 phút sau thêm 3 hành khách nữa lên xe. Lúc này, loa của bến xe đã yêu cầu chiếc xe khách Hà Nội - Thái Bình đến giờ phải xuất bến thì phụ xe hớt hải chạy về đưa 2 người khách nữa lên xe. Lừng khừng một lúc chiếc xe khách 45 chỗ này cũng phải xuất bến với 10 người khách. Tôi ngồi trên xe mừng thầm vì xe rộng, ngồi được chỗ đẹp, nhưng người khách ngồi cùng dãy với tôi lại lẩm bẩm, thế này thì đến trưa cũng chẳng tới nơi…

Ra khỏi Bến xe Giáp Bát, chiếc xe khách gần như “bò” trên phố Kim Đồng (theo quy định các xe khách đều phải qua đây). Từ xa, chợt thấy một phụ nữ đứng vẫy xe, lái xe liền đánh lái tạt luôn vào lề đường, phụ xe vội vàng nhảy xuống xách túi và đẩy nữ hành khách đó lên xe. Đi được khoảng 20 mét, phụ xe lại kéo thêm 2 người khách nữa. Lúc này, chiếc xe vẫn nổ máy và gần như đứng yên tại chỗ để xem có bắt thêm được hành khách nào không thì 2 chiếc xe khách ở phía sau bấm còi inh ỏi ra hiệu chiếc xe này phải đi để xe của họ còn… bắt khách.

Từ phố Kim Đồng rẽ sang đường Giải Phóng, chiếc xe khách Hà Nội - Thái Bình đang chạy như rùa bất ngờ tăng tốc độ khiến một số hành khách đang ngủ giật mình tỉnh giấc. Tôi nhìn ra và thấy CSGT đang làm nhiệm vụ tại khu vực đối diện với Bến xe Giáp Bát.

Chạy qua chốt CSGT hơn một cây số đến gần Bến xe Nước Ngầm, Hà Nội, chiếc xe khách này lại tiếp tục hành trình rùa để bắt thêm một hai người khách nữa rồ ga chạy bạt mạng trên đường Pháp Vân - Cầu Giẽ. Khi đến Phủ Lý chiếc xe lại đi như rùa để bắt khách… Khách trên xe đều tỏ ra bực tức với việc trên nhưng họ chỉ nhăn mặt lẩm bẩm, hoặc thở dài mà chẳng ai phản ứng lại việc trên với lái xe.

Tôi nhìn đồng hồ đã 9 giờ, như vậy gần 2 tiếng kể từ khi rời khỏi Bến xe Giáp Bát, chiếc xe khách này mới chạy chưa được 50 cây số. Còn trên 50 cây số nữa mới đến TP Thái Bình, có lẽ cũng phải mất 2 tiếng đồng hồ nữa.  Buổi chiều cùng ngày, khi từ Thái Bình quay về Hà Nội, những hành khách như tôi cũng gặp cảnh xe khách chạy hành trình rùa tương tự như buổi sáng…   

Biển cấm mặc biển…

Đâu chỉ có những chuyến xe khách Hà Nội - Thái Bình và ngược lại phải mất đến 4 tiếng đồng hồ mới chạy 100km. Khi tìm hiểu chúng tôi được biết, những chuyến xe khách Hà Nội - Phú Thọ và ngược lại còn mất đến gần 5 tiếng đồng hồ cho hành trình dài 100km. Tốc độ của các chuyến xe này còn chậm hơn cả… rùa. Tương tự như vậy, những chuyến xe Hà Nội - Nam Định và ngược lại, hay Hà Nội - Thái Nguyên và ngược lại… cũng đều rơi vào tình trạng như trên.

Có một nghịch lý là, trong khi hành khách đi trên những chuyến xe rùa đó càng nóng ruột, bực tức với kiểu chạy xe, bắt khách đó bao nhiêu thì các lái, phụ xe càng thản nhiên bấy nhiêu, bởi họ coi đây là chuyện thường ngày… Khách đã đi trên những chuyến xe đó thì phải chấp nhận như vậy, họ không còn sự lựa chọn nào khác, bởi các xe khách đều như vậy. 

Tình trạng xe chạy tốc độ rùa, vòng vo đón khách không chỉ gây bức xúc cho khách đi xe, mà còn gây mất trật tự an toàn giao thông, khiến đường phố Hà Nội lúc nào cũng quá tải, dẫn đến ùn tắc và tai nạn giao thông, đồng thời còn gây bức xúc cho người tham gia giao thông trên đường. Để giải quyết tình trạng trên, nhằm đưa vận tải hành khách đi vào nề nếp, từ đầu tháng 10/2012, Sở GTVT Hà Nội đã cắm biển quy định tốc độ tối thiểu ở một số tuyến đường.

Theo đó, tại khu vực đường Giải Phóng (đoạn từ ngã ba Kim Đồng đến nút giao với vành đai 3); đường Ngọc Hồi đến đường dẫn vào cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, quy định ôtô dưới 16 chỗ không được đi dưới tốc độ 20km/giờ. Trên đường Phạm Hùng (đoạn từ nút giao thông Mai Dịch đến ngã ba Đình Thôn) quy định ôtô dưới 16 chỗ không được đi dưới tốc độ 30km/giờ.

Cùng với việc cắm biển quy định tốc độ tối thiểu, lực lượng liên ngành Thanh tra GTVT và CSGT, Công an TP Hà Nội phối hợp với các bến xe đã tiến hành xử lý các xe cố tình chạy tốc độ rùa, vòng vo bắt khách. Nhưng cứ vắng bóng lực lượng CSGT là các xe khách lại chạy tốc độ rùa, vòng vo bắt khách dọc đường.

Nguyên nhân đã rõ   

Diện tích các bến xe ở Hà Nội không tăng, trong khi số lượng xe vào các bến mỗi ngày một tăng và quá tải. Nhưng vì lợi nhuận, các bến xe vẫn tiếp tục ký hợp đồng nhận thêm xe vào bến nên bến xe ngày càng quá tải và thiếu chỗ đỗ, các xe khách chỉ được đỗ từ 10-15 phút là phải xuất bến ngay. Đơn cử như tuyến Hà Nội - Nam Định vốn đã nhiều đầu xe vào Bến xe Giáp Bát so với các tuyến khác, nhưng mỗi ngày tại đây có tới 200 lượt xe chạy tuyến Hà Nội - Nam Định qua bến xe này…

Trong khi người dân hạn chế đi lại, nhưng xe vào bến mỗi ngày một tăng, nhiều xe trước khi xuất bến cả phụ và lái xe đều phải làm “cò” để chào mời khách đi xe, nhưng hành khách trên mỗi xe cũng chỉ tới 1/3. Nên khi xe ra khỏi bến, dù muốn hay không các xe đều chạy tốc độ rùa để bắt khách dọc đường cho đủ doanh thu…

Anh Nguyễn Văn H, lái xe tuyến Hà Nội - Nam Định và một số lái xe khách Hà Nội - Thái Bình, Hà Nội - Phú Thọ, Hà Nội - Hải Phòng… đã bị lực lượng CSGT Hà Nội lập biên bản xử phạt vì vi phạm tốc độ tối thiểu, vòng vo bắt khách cho biết, mức phạt đối với hành vi vi phạm trên rất cao, họ còn bị giữ giấy phép lái xe trong 30 ngày. Nhưng do xe quá ít khách, không bảo đảm doanh thu cho công ty nên họ đành phải làm liều, dù biết mình đã vi phạm…

Liên quan đến việc xe ôtô chạy tốc độ rùa, anh Nguyễn Văn D, một đồng nghiệp của tôi cũng cho biết, cả xe buýt đường dài liên tuyến ở Hà Nội cũng nằm trong tình trạng trên. Tuyến đường Hà Nội - Sơn Tây dài trên 40 cây số, nhưng xe buýt đã chạy gần 3 tiếng đồng hồ mới đến nơi vì lái xe còn mải bắt khách dọc đường, dù xe buýt đã được thành phố trợ giá…  

Để ngăn chặn, xử lý dứt điểm tình trạng xe chạy tốc độ rùa, vòng vo đón khách trên một số tuyến đường của Hà Nội không chỉ là nhiệm vụ của riêng lực lượng CSGT, mà đòi hỏi có sự phối hợp tham gia thường xuyên của Thanh tra Sở GTVT Hà Nội.

Đồng thời, ngành GTVT phải có quy hoạch hợp lý đối với đầu xe ra vào các bến xe ở Hà Nội, nhằm tránh tình trạng xe vào bến quá nhiều, thời gian xe được dừng đỗ trong bến quá ngắn, khi xe xuất bến đến vắng khách, lái xe vòng vo bắt khách cho đủ doanh thu. Và một điều quan trọng nữa là người đi xe khách phải có ý thức, có văn hóa giao thông, họ phải vào bến để đi xe chứ không nên đứng giữa đường tiện đâu cũng vẫy xe…  

Vĩnh Phúc

 

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc