Giám đốc... xe lăn

07:00 | 14/02/2013

1,267 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Sau cánh cổng sắt dẫn lối vào căn nhà nhỏ phía trong, hai thanh niên đang gò lưng uốn ống sắt để lắp vào chiếc xe máy ba bánh còn dang dở. Chốc chốc lại có tiếng vang lên: “Như vậy chưa đúng đâu, phải làm thế này cơ cháu ạ”. Rồi một bàn tay đen sì bụi bặm đưa ra, thoăn thoắt uốn uốn, gõ gõ cho đúng chuẩn – bàn tay Trung “xe lăn”.

Giám đốc là... công nhân

Căn phòng chỉ vỏn vẹn độ chục mét vuông. Một chiếc xe máy ba bánh đang làm dở nằm giữa nhà chiếm hơn nửa diện tích. Có một đôi vợ chồng khuyết tật đang ngồi đợi. Họ lặn lội từ Vĩnh Phúc xuống tận đây lúc trời còn chưa sáng.

Ba người khác cứ làm luôn tay. Trời rét mướt mà mồ hôi đổ đều trên trán. Ông Giám đốc Nguyễn Trung tay đầy dầu mỡ. Bộ quần áo bảo hộ trên người dính bẩn lâu ngày đen kịt lại, để ý mãi mới thấy chút sắc xanh của vải bò.

 

 Giám đốc Nguyễn Trung

 

Giám đốc Nguyễn Trung cho biết, ngày xưa ông được tham dự lớp tập huấn về bảo dưỡng, thiết kế và sản xuất xe lăn ở Bangkok (Thái Lan) theo chương trình của tổ chức Asahi Shimbun tài trợ cho dự án “Người đi xe lăn sản xuất xe lăn”. Về nước, ông mày mò mua xe lăn mới tinh về nhà rồi “phá”. Phá đi phá lại cỡ khoảng chục lần, ông tìm ra ưu, nhược điểm của các nhà sản xuất rồi ki cóp tiền bạc để tìm lối đi riêng cho mình.

Năm 1996 ông bắt đầu những bước đi đầu tiên. Hai tháng trời trôi qua, chiếc xe bắt đầu hình thành. Tính đến nay đã hơn chục năm rồi. Giám đốc Nguyễn Trung cũng đồng thời là thợ. Ông không những chỉ đạo người làm mà còn luôn tay để khách khỏi phải đợi chờ.

Tuổi thơ và niềm đam mê sách

Ông Trung không thể nào quên trận đại dịch bại liệt năm 1951 khi ông 2 tuổi. Sau mấy hôm sốt li bì không có vắc xin chữa trị, đôi chân ông teo tóp lại từng ngày và không còn đi lại được.

Ít lâu sau, gia đình ông tập kết ra Bắc. Để con trai di chuyển được dễ dàng, cha ông đã đi tới nhiều nơi, nhặt nhạnh từng mảnh gỗ, thanh sắt và cả những chiếc đinh rơi rồi cặm cụi lắp ghép để hoàn thành một chiếc xe lăn hoàn chỉnh.

Năm 8 tuổi, ông được cha mẹ đưa tới Trường tiểu học Sông Hồng. Đến tận bây giờ ông vẫn nhớ như in lời thầy giáo dạy Sử nói riêng với mình sau một buổi học: “Con ạ! Rất nhiều người lành lặn chân tay nhưng thật ra là đang tàn phế! Đầu óc của họ không đi xa hơn được một mái nhà, một việc làm…”.

Kể từ đó niềm tin trong cuộc sống của ông được nhân lên nhiều hơn bao giờ hết. Ông dành nhiều thời gian đọc sách. Lần đầu tiên cầm cuốn “Không gia đình” trên tay, Nguyễn Trung đã khóc. Ông khóc vì nhìn thấy mình trong Rê-mi khốn khổ, nhưng cũng vẫn cảm ơn cuộc đời vì vẫn có gia đình ở bên.

“Những người khốn khổ”, “Ba chàng lính ngự lâm”… lần lượt đi vào tuổi thơ ông như thế. Bấy giờ, sách khan hiếm, đọc đi đọc lại tủ sách của cha, ông mượn cả của bạn bè xung quanh, đọc ngấu nghiến cho thỏa cơn thèm khát.

Nguyễn Trung quyết định thi Đại học Ngoại ngữ vì khát khao được chiếm lĩnh được tri thức từ những quyển sách ngoại văn.

Ra trường đạt loại giỏi, ông thông thạo cả 3 thứ tiếng: Anh, Pháp và Nga nhưng xin việc vô cùng khó khăn, tới nơi đâu ông cũng bị từ chối.

Nguyễn Trung trong phòng làm việc của mình

Không muốn phụ thuộc gia đình, ông bắt đầu dịch sách kiếm sống. 275 đồng tiền nhuận bút đầu tiên làm ông xúc động rơi nước mắt. Những người làm việc ở nhà xuất bản đã quá quen thuộc với hình ảnh chàng thanh niên nhỏ thó đi xe lăn mang đến những tập bản thảo sạch sẽ, gọn gàng. Ông còn kiêm luôn cả nghề khắc đá cho xưởng làm đồ mỹ nghệ, sửa chữa xe đạp và chụp ảnh.

Sau năm 1975, Nguyễn Trung trở về Đà Nẵng nhưng vẫn không tìm được công việc nào phù hợp. Năm 1978, trong một lần Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch vào công tác tại Đà Nẵng, biết Trung là cháu gọi chí sĩ yêu nước Phan Chu Trinh bằng cố ngoại, ông tới tận nhà thăm. Ấn tượng với hình ảnh một chàng trai khuyết tật với một biển sách xung quanh, lại thông thạo và biết nói nhiều ngoại ngữ, ông nói nhất định sẽ nhận Nguyễn Trung vào làm tại Bộ Ngoại giao.

Ông bảo: “Lúc đầu tôi cũng chẳng thấy tin, mãi đến khi nhận được thư tay do đích thân ông Thạch viết mới bàng hoàng sung sướng vì được nhận vào làm trong Ban Thông tin của Viện Quan hệ Quốc tế”.

Xương rồng vẫn nở hoa

Những ngày làm việc ở đây, Nguyễn Trung đã có điều kiện gặp gỡ và tiếp xúc với những người khuyết tật khác. Ông cùng một số bạn bè thành lập ra tổ chức “Vì tương lai tươi sáng” giúp đỡ về tinh thần, vật chất và dạy cả tin học, ngoại ngữ cho họ.

Vừa đi làm, vừa tham gia các hoạt động xã hội, ông còn mở xưởng sản xuất xe lăn tại gia – cơ sở có tên "Sống độc lập" trụ sở tại P.106, B.15, phường Kim Liên, quận Đống Đa. Công việc bù đầu chẳng mấy lúc nghỉ ngơi, ông vẫn hay nói đùa rằng: “Tôi làm mệt nghỉ, chẳng có giờ cố định để thư giãn, vui chơi”.

Vợ ông, bà Liên là một người phụ nữ giản dị, có gương mặt đầy đặn, phúc hậu và nước da trắng trẻo. Cái duyên tình yêu, nghĩa vợ chồng của ông bà đến một cách tự nhiên và dung dị. Bà kể: “Ngày ấy tôi từ Đắc Lắc ra ở nhờ nhà mẹ ông ấy rồi dần dần mà biết, yêu nhau tự lúc nào không hay”. Hai vợ chồng ông bà hiện đã có một đứa con trai lớp 11. Bà lúc nào cũng là cánh tay đắc lực sát cánh bên ông trong giông tố cuộc đời.

Một người thân thán phục nói về ông: “Ông ấy giỏi lắm, lại có tâm. Về hưu có lương, nhưng suốt ngày vẫn cứ bù đầu vì làm xe lăn cho những người khuyết tật. Cũng chỉ vì một chữ tâm”.

Lương Lý – Trần Trang