Giáo dục chưa được xem là quốc sách hàng đầu

06:50 | 27/02/2013

1,860 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Các chuyên gia ngành giáo dục nhận định, đến nay giáo dục và đào tạo nước ta vẫn chưa thật sự được xem là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng nhất cho sự phát triển. Nhiều hạn chế, yếu kém trong giáo dục được nêu ra từ hàng chục năm trước vẫn chưa được khắc phục cơ bản, thậm chí có mặt còn nặng nề hơn.

Ngành giáo dục đang “lạc lối”?

Trong những năm qua, quy mô và mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo nước ta đã có những bước phát triển nhanh. Hệ thống giáo dục tương đối hoàn chỉnh từ mầm non đến đại học và sau đại học. Thành tựu của giáo dục đóng góp quan trọng trong việc nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Tuy nhiên, quy mô và chất lượng giáo dục phát triển không tương xứng. Chất lượng giáo dục được đánh giá thấp, nặng về lý thuyết và có mặt xa rời thực tế, chương trình học quá tải với các lứa tuổi học sinh, chậm đổi mới phương thức dạy và học, không phát huy được tính chủ động, sáng tạo trong giáo dục, đặc biệt mối liên hệ giữa dạy chữ và dạy người có phần bị xao nhãng.

Cơ sở vật chất cho giáo dục ở nhiều trường còn thiếu thốn, lạc hậu

TS Hoàng Trần Hậu - Hiệu trưởng Trường đại học Tài Chính - Marketing TP HCM nhận định: Hiện trạng ngành giáo dục nước ta đúng như phát biểu của GS Hoàng Tụy là không chỉ lạc hậu mà còn đang “lạc lối”. Chúng ta nói nhiều đến việc xem “Giáo dục là quốc sách hàng đầu” nhưng thực chất xã hội chưa dành những điều tốt nhất cho giáo dục. Ngành giáo dục đã yếu lại còn chịu nhiều thiệt thòi, về cơ sở vật chất, tài chính, chế độ đãi ngộ... Chúng ta yếu từ khâu đầu tư cho đến khâu quản lý và mắc phải quá nhiều lỗi thuộc về hệ thống nên đã đến lúc phải đổi mới một cách toàn diện.

Trong chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức triển khai cũng chỉ rõ hàng loạt các hạn chế, yếu kém của ngành giáo dục như: cơ sở vật chất, kỹ thuật của hầu hết các trường còn thiếu thốn và lạc hậu; quản lý mang tính bao cấp, ôm đồm, chống chéo, phân tán; một bộ phận nhà giáo và cán bộ quản lý chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giáo dục trong thời kỳ mới; tư duy giáo dục chậm đổi mới không theo kịp sự phát triển của đất nước trong bối cảnh kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; hệ thống pháp luật thiếu đồng bộ, chậm sửa đổi, bổ sung; chính sách huy động và phân bổ nguồn lực tài chính cho giáo dục chưa hợp lý… Những hạn chế này dẫn đến chất lượng giáo dục của nước ta còn thấp so với yêu cầu phát triển của đất nước và so với trình độ của các nước có nền giáo dục tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

Có thể nói, những bất cập trong ngành giáo dục quá nhiều. Đó là những vấn đề không mới. Trong nhiều năm qua các bộ, ngành cũng đã nhận ra và nỗ lực thực hiện các giải pháp để khắc phục nhưng vẫn chưa có sự chuyển biến rõ rệt. Điều này cho thấy, hướng tiếp cận giải quyết vấn đề của chúng ta chưa đúng.

Ông Nguyễn Hữu Danh - Phó chủ tịch Hội Cựu giáo chức TP HCM nhận định rằng: “Chúng ta phải nhìn vấn đề có tính tổng thể, chứ như hiện nay cứ sai đâu sửa đó thì càng sửa sẽ càng sai, càng nát ra. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là tìm được hướng đi đúng để đưa ra được giải pháp đúng, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, giúp giáo dục nước ta hội nhập vào nền giáo dục khu vực và quốc tế”.

Chiến lược mới - bất cập cũ

Trong chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020, Bộ GD&ĐT đã đưa ra nhiều giải pháp để đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, trong đó có 8 giải pháp chiến lược: đổi mới quản lý; phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo; đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, thi, kiểm tra và đánh giá chất lượng giáo dục; tăng nguồn lực đầu tư và đổi mới cơ chế tài chính cho giáo dục; tăng đào tạo gắn với sử dụng, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đáp ứng nhu cầu xã hội; tăng cường hỗ trợ phát triển đối với những vùng khó khăn, dân tộc thiểu số và đối tượng chính sách xã hội; phát triển khoa học giáo dục; mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về giáo dục.

Giáo viên chia sẻ phương pháp dạy học mới trong “Ngày hội Giáo dục” tại TP HCM

Nhận định về chiến lược này, một số chuyên gia cho rằng, dường như chúng ta vẫn đi theo hướng cũ là nêu ra những bất cập, yếu kém và đề ra biện pháp khắc phục những yếu kém đó. Việc làm này đúng nhưng chưa đủ vì liệu những biện pháp siết chặt kỷ luật học đường, tăng đầu tư có làm tăng chất lượng giáo dục hay không? Mục tiêu đào tạo con người trong thời đại mới đã thay đổi, chiến lược giáo dục cũng phải thay đổi cho phù hợp. Vì vậy nên định hướng đào tạo ra một con người như thế nào để xác định hướng phát triển ngành giáo dục. Chúng ta cần phải thay đổi cách tiếp cận trong xây dựng định hướng giáo dục, phải có cách đặt vấn đề đúng mới có thể đưa ra những chính sách đúng. Ngành giáo dục đang mắc lỗi hệ thống nên việc đổi mới phải từ tư duy hệ thống.

PGS.TS Phan Thanh Bình - Giám đốc Đại học Quốc gia TP HCM nhận định: Xã hội thay đổi, nhiều giá trị cũng thay đổi nên chiến lược giáo dục cũng phải thay đổi cho phù hợp với tình hình mới. Nếu vẫn cứ theo các chuẩn mực cũ sẽ đào tạo ra con người đi lệch với yêu cầu. Ngoài ra, khi lập chiến lược, ngành giáo dục nên xét đến tính khả thi thực hiện. Trong chiến lược Bộ GD&ĐT đề ra có đến 20 đề án thì rất khó có thể thực hiện được vì chắc chắn sẽ thiếu nguồn lực về tài chính cũng như nguồn nhân lực.

Để tạo điều kiện thực hiện thành công chiến lược đổi mới toàn diện giáo dục, GS.TS Nguyễn Đông Phong - Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế TP HCM cho rằng: “Cần có sự chung tay của các ban, ngành Trung ương, địa phương trong thực hiện đổi mới giáo dục để ngành giáo dục nhận được những ưu đãi về cơ chế chính sách, tài chính, đất đai… khi thực hiện đổi mới. Việc này nếu chỉ một mình Bộ GD&ĐT đứng ra thực hiện sẽ không thành công. Ngoài ra, cần phải có lộ trình tăng học phí vì nói gì thì nói nhưng nếu không có kinh phí thì cũng không làm được gì”.

Hầu hết các chuyên gia nhận định, vấn đề quan trọng hàng đầu trong đổi mới giáo dục là nâng cao chất lượng của đội ngũ giáo viên. Không phủ nhận vẫn có nhiều nhà giáo giỏi, tâm huyết với nghề, hết lòng với học sinh và đội ngũ này đã đóng góp quan trọng cho sự nghiệp giáo dục nước nhà. Nhưng với việc tuyển sinh và đào tạo sư phạm như hiện nay không tránh khỏi những lo lắng cho xã hội về chất lượng người thầy trong tương lai. Do chế độ đãi ngộ giáo viên còn thấp nên rất ít học sinh giỏi thi vào sư phạm dẫn đến chất lượng đầu vào thấp. Điều này cộng thêm nội dung đào tạo lạc hậu không theo kịp chương trình đổi mới làm cho chất lượng đầu ra thấp, hình thành nên đội ngũ giáo viên không đáp ứng yêu cầu của người thầy trong thời kỳ mới. Nếu tình trạng này cứ tiếp diễn sẽ dẫn đến việc người yếu kém đào tạo ra những con người yếu kém và làm cho chất lượng giáo dục ngày càng đi xuống.

Mai Phương

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.