Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam:

Bỏ 1 kỳ thi nhưng vẫn phải “đi 2 chân”

11:17 | 30/07/2014

967 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Xung quanh dự kiến chỉ còn một kỳ thi quốc gia, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) cần tính toán thật kỹ để đạt được mục tiêu: bỏ 1 nhưng vẫn phải “đi 2 chân”. Đồng thời, Phó Thủ tướng tiếp tục nhắc nhở về những hạn chế trong ngành giáo dục như: dạy thêm học thêm, xin điểm, chạy điểm...

“Xin điểm, chạy điểm còn không?”

Trao đổi với lãnh đạo Bộ GD-ĐT và Sở GD-ĐT các địa phương về giáo dục bậc phổ thông, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh đến chuyện “dạy làm người” cho học sinh hiện nay. Theo ông, có những việc phải đợi đổi mới chương trình, sách giáo khoa, nhưng cũng có những thứ không cần, đó là kỷ cương và môi trường trong sạch ở cơ sở giáo dục bậc phổ thông.

Phó Thủ tướng đặt câu hỏi: “Chúng ta có dám tự tin để khẳng định rằng, thầy cô rồi đến học sinh trong hệ thống các trường hiện nay hoàn toàn gương mẫu chưa? Dạy thêm, học thêm còn không? Những khoản đóng góp không hợp lý được mang danh là tự nguyện còn không? Xin điểm, chạy điểm còn không? Những cái này có tác động đến việc dạy làm người của các cháu không?”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

Phó Thủ tướng cho rằng, đó là những điều cần phải bàn, có thể không cần đao to búa lớn nhưng nhất định năm sau tốt hơn năm trước. Phó Thủ tướng nói thêm, vừa qua, Bộ GD-ĐT ra chỉ thị về tăng cường và nâng cao hiệu quả một số hoạt động giáo dục cho học sinh sinh viên, nhưng trên thựctees có nơi làm không được những điều rất căn bản này.

Phó Thủ tướng băn khoăn: “Lạ kỳ là cho đến ngày hôm nay, Bộ GD-ĐT báo cáo có trường không tôn trọng việc hát Quốc ca. Đất nước mình hy sinh bao nhiêu người như thế. Cờ đỏ sao vàng. Đỏ là màu máu, vàng là màu da. Vậy mà không dạy cho con cháu dưng dưng khi hát Quốc ca thì làm sao đất nước mình giàu mạnh”.

Từ ví dụ trên, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, có những việc làm được ngay mà chưa cần phải có trường mấy trăm, mấy chục tỷ, chưa cần đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Ông nói: “Chúng ta có thể làm được những điều trên bằng tất cả trách nhiệm, lương tâm với con cháu, đất nước”.

Phải “đi 2 chân”

Về phương án tổ chức kỳ thi quốc gia chung sau 2015, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng yêu cầu ngành Giáo dục cần tham khảo ý kiến rộng rãi và cẩn trọng trước khi quyết định phương án cuối cùng. Có thể không chỉ có 3 phương án như Bộ đề xuất mà còn những phương án khác hợp lý hơn, khả thi hơn.

Lý giải vì sao chỉ nên còn một kỳ thi quốc gia, ông nói: "Hai kỳ thi chứ ba kỳ thi nếu cần thiết vẫn phải thi. Nhưng thực sự nó không cần thiết thì chúng ta phải bỏ. Bỏ một nhưng mục tiêu vẫn phải là đi hai chân”.

Thí sinh tham dự kỳ thi đại học 2014

Về phương án thi, Phó Thủ tướng nhận định: Phương án 1 và phương án 2  thực ra là một. Là phương án không bắt các cháu thi tất cả các môn. Phương án 3 là phương án học gì thi nấy. Phương án hai khác với phương án một ở chỗ thay vì học sinh tự chọn thi theo môn tức là ba môn và một môn tự chọn thì sẽ là làm ba bài thi và một bài thi bắt buộc. Dù chọn phương án nào nhưng nếu có khó khăn cho ngành giáo dục nhưng có lợi cho xã hội thì chúng ta vẫn nên làm vì chúng ta đặt lợi ích đây là của xã hội, trước mắt là của các cháu và phụ huynh.

Đặt vấn đề làm sao có thể phục vụ mục tiêu để các trường ĐH, CĐ tham khảo để tuyển sinh vào? Ông Đam cho rằng: Nếu chúng ta làm tốt như phương án của Bộ đưa ra thì các trường người ta sẽ không thi riêng, còn nếu các trường không tin vào kỳ thi đó thì người ta vẫn tổ chức thi riêng. 

Tuy nhiên, ông Đam cũng đề nghị Bộ GD-ĐT vừa tổ chức tốt kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, vừa tiếp tục để cho các trường ĐH tự xây dựng các đề án tuyển sinh riêng để nâng chất lượng đầu vào.

Bàn về phương án tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, có lãnh đạo sở GD-ĐT cho rằng, không nên bắt buộc thi môn ngoại ngữ, nhất là học sinh vùng khó khăn.

Trước ý kiến trên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, thi ngoại ngữ bắt buộc là thông điệp cho toàn xã hội rằng: “Từ hôm nay, các em, các cháu nhớ, ngoại ngữ quan trọng không kém gì toán, văn. Ở vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa có cần ngoại ngữ không? Sao lại không cần. Chúng ta không được quên bây giờ Việt Nam là một bộ phận của nền kinh tế thế giới. Tới đây, học sinh Việt Nam phải được đào tạo là công dân toàn cầu. Có người ví von, bây giờ không có ngoại ngữ như ra trận không có súng”.

Khánh An

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.