Bộ Giáo dục nói không với “5 bỏ”

15:00 | 16/01/2014

2,686 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong bản góp ý cho dự thảo quy định tuyển sinh của Bộ Giáo dục-Đào tạo, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập đã thống nhất kiến nghị "5 bỏ": bỏ điểm sàn, bỏ khối, bỏ cấm sử dụng chung kết quả thi, bỏ đề án, bỏ thi đại học. Tuy nhiên, trước những kiến nghị này, Bộ Giáo dục-Đào tạo vẫn kiên quyết giữ nguyên quan điểm.

Yêu cầu quá phức tạp

Ngày 9/1 vừa qua, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập (ĐH, CĐ NCL) đã tổ chức cuộc họp về dự thảo đổi mới tuyển sinh ĐH, CĐ mà Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) vừa đưa ra lấy ý kiến. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng “Bộ GD-ĐT chưa thực sự sẵn sàng trao ngay quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường nên đã đưa ra những yêu cầu quá phức tạp”.

Ông Lê Viết Khuyến (nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT) cho rằng việc Bộ yêu cầu các trường phải làm đề án đưa lên Bộ xem xét, lấy ý kiến phản biện xã hội là quá nhiêu khê, một cách khiến các trường chán nản với tuyển sinh riêng.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ yêu cầu "5 bỏ" cho các trường ĐH, CĐ NCL.

Về việc Bộ GD-ĐT giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường bằng việc các trường phải tự tổ chức thi tuyển sinh, ông Phan Quang Trung (Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp Hội các trường ĐH, CĐ NCL) cho rằng: “Bản thân Bộ GD-ĐT vẫn chưa hiểu chính xác khái niệm tự chủ tuyển sinh. Mặc dù tự chủ tuyển sinh là quyền của các trường ĐH, CĐ nhưng tự chủ tổ chức kỳ thi tuyển sinh không phải là cách để thực hiện tự chủ tuyển sinh. Ngay cả những quốc gia có nền giáo dục phát triển nhất như Mỹ, Nga, Nhật, Hàn Quốc… cũng không có trường nào tự tổ chức thi vì tổ chức một kỳ thi tuyển sinh rất tốn kém, khó khăn”.

Ông Vũ Duy Chu (Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Đại học Đông Á) cũng cho rằng, kỳ tuyển sinh đại học hiện nay đã quá lạc hậu, bởi cách làm của Bộ bấy lâu nay vẫn duy trì một cơ chế “xin - cho”. Theo quan điểm của ông Chu, Bộ GD-ĐT hãy cho các trường được tự chủ hoàn toàn, chấm dứt quy định trình đề án. Ông khẳng định: “Chúng tôi không cần ba chung của Bộ, Bộ cứ để cho chúng tôi tự chủ trong tuyển sinh, chúng tôi sẽ biết cách tuyển như thế nào”.

Kết luận cuộc họp, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ (Phó Chủ tịch Hiệp hội ĐH, CĐ NCL) nhấn mạnh: “Trong bản góp ý gửi lãnh đạo Bộ GD-ĐT, chúng tôi sẽ kiến nghị 5 “bỏ”: bỏ điểm sàn, bỏ khối thi, bỏ cấm sử dụng chung kết quả, bỏ nộp đề án và bỏ kỳ thi tuyển sinh ĐH”.

Bộ không cấp phép, chỉ xác nhận

Liên quan đến việc tự chủ tuyển sinh, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khẳng định: “Bộ không cấp phép, không phê duyệt đề án tự chủ tuyển sinh của các trường mà chỉ xác nhận đề án tuyển sinh đó có phù hợp hay không phù hợp so với qui định chung".

Bộ GD-ĐT cũng cho rằng, khi Bộ giao tự chủ tuyển sinh đến các nhà trường ĐH, thí sinh sẽ có nhiều cơ hội hơn trước. Bởi tuyển sinh riêng không thi theo khối, mà các trường sẽ có những phương án tuyển sinh đa dạng khác nhau để không bỏ sót thí sinh có năng lực phù hợp.

Cũng trong Dự thảo Quy chế tuyển sinh, Bộ GD-ĐT đề ra lộ trình 3 năm, để học sinh vào lớp 10 năm nay vẫn có thể thi “3 chung” sau 3 năm nữa. Và các học sinh học theo chương trình với cách dạy - học mới sẽ thích nghi với cách thi mới. Đây là lý do Bộ GD-ĐT không thay đổi tuyển sinh ngay, tránh gây sốc trong xã hội.

Bộ GD-ĐT vẫn giữ nguyên điểm sàn để đảm bảo "ngưỡng tối thiểu" cho đầu vào ĐH, CĐ.

Về vấn đề các trường NCL “đòi” điểm sàn và bỏ kỳ thi tuyển sinh ĐH, chỉ giữ lại kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông làm căn cứ xét tuyển, lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định, để đảm bảo chất lượng đầu vào, Bộ vẫn không thể bỏ điểm sàn, bởi điểm sàn của kỳ thi 3 chung hiện nay chính là chuẩn quốc gia để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. 

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết: “Hiện nay chúng ta có thể xem ngưỡng tối thiểu để học sinh có thể vào học bậc ĐH, CĐ là điểm sàn tương ứng của kỳ thi chung. Thí sinh đạt trên điểm sàn có thể vào học ĐH, CĐ, đảm bảo được sự thành công tương đối của người học và chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội”.

Trong cuộc đối thoại trực tuyến “Những điểm mới trong tuyển sinh CĐ, ĐH 2014” diễn ra cuối tháng 12/2013, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng đã từng đề cập tới “bài học cay đắng” trong việc thả nổi tuyển sinh, không khống chế được chất lượng đầu vào.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh: “Bài học cay đắng nhất đối với các hệ đào tạo tại chức, liên thông, văn bằng 2 là không khống chế được ngưỡng đầu vào. Các trường chỉ lo lấy đủ chỉ tiêu, thi không ai trượt… dẫn đến việc xã hội quay lưng, đào tạo chất lượng kém không phù hợp yêu cầu. Bộ đã nhận thấy và rút kinh nghiệm từ việc quản lý đào tạo không chính quy, nên sẽ đưa vào quy chế tuyển sinh đối với thi riêng phải có ngưỡng chất lượng tối thiểu được xã hội chấp nhận, để cấm các trường tuyển sinh ồ ạt”.

Khánh An

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.