Đại học ngoài công lập: “Cái chết” được báo trước?

06:23 | 24/01/2014

2,596 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau 20 năm hình thành và phát triển theo chủ trương xã hội hóa giáo dục của Nhà nước, các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) ngoài công lập (NCL) Việt Nam đã góp phần không nhỏ trong việc tạo thêm nhiều cơ hội được học tập và việc làm cho hàng chục vạn người. Tuy nhiên, bên cạnh những trường có thành tích xuất sắc, có không ít trường không tuyển được thí sinh, bị đình chỉ hoạt động do mâu thuẫn, tranh chấp hay thiếu nhà đầu tư… thậm chí có trường đang đứng trước nguy cơ đóng cửa.

Năng lượng Mới số 293

20 năm vẫn chưa khẳng định uy tín

Hơn 20 năm xây dựng và phát triển hiện đã có hơn 80 trường ĐH, CĐ NCL, các trường đã đóng góp đáng kể cho nền giáo dục nước nhà, chiếm 1/5 số trường và gần 1/7 số sinh viên cả nước. Tuy nhiên, mặc dù có thời gian hoạt động và phát triển khá lâu, nhưng hầu hết các trường ĐH, CĐ NCL vẫn chưa khẳng định được chất lượng, uy tín của mình và không thu hút được thí sinh trong mỗi mùa tuyển sinh.

Nguyên nhân của tình trạng này phải kể đến định kiến xã hội khá nặng nề đối với các trường dân lập, tư thục. Về cơ bản, “tâm lý người dân” chuộng những trường công lập với sự ổn định trong đào tạo, đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất. Vì thế, xã hội luôn cho rằng vào trường ĐH NCL là kém chất lượng, không có cơ hội tìm việc làm. Ngoài một vài trường cố gắng tạo dựng thương hiệu, củng cố đội ngũ giáo viên và nâng cao chất lượng giảng dạy như Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, Đại học Thăng Long, Đại học Dân lập Hải Phòng, Đại học Duy Tân, Đại học Quốc tế miền Đông... hầu hết các trường ĐH, CĐ NCL khác đều không có tên tuổi, yếu kém trong giảng dạy. Các sinh viên xuất thân từ trường này cũng chưa chứng tỏ được khả năng của mình, bằng chứng là có rất hiếm (thậm chí là chưa có) sinh viên đến từ khối ĐH, CĐ NCL nào có tên trên bảng vàng thành tích của nước nhà.

Trường cao đẳng ASEAN bị Bộ GD&ĐT đình chỉ tuyển sinh do sai phạm trong liên thông, liên kết đào tạo

Thậm chí nhiều trường còn “mượn” trường, “thuê” thầy để mời chào thí sinh và “qua mặt” Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT). Bản thân GS Trần Phương (Hiệu trưởng ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội) cũng thẳng thắn thừa nhận: “Có trường ở tỉnh Nam Định đặt vấn đề “mượn” giảng viên của ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội để mở ngành học nhằm qua mặt Bộ GD&ĐT. Lại có trường phải “thuê” một giáo sư chuyên ngành hóa học làm hiệu trưởng dù trường hoàn toàn không đào tạo ngành này. Có trường còn “mượn” sinh viên của trường khác để đào tạo!”.

Cần phải khẳng định, các trường không đầu tư cơ sở vật chất không phải do thiếu tiền. Trên thực tế, tổng số vốn hoạt động của các trường tăng đều đặn hàng năm, trong đó nguồn vốn bổ sung từ lợi nhuận của một vài trường tăng cao nhất với mức 1,8 lần trong 3 năm. Nhiều trường sau một thời gian ngắn hoạt động đã có tích lũy nhưng không đưa vào đầu tư mà đem gửi ngân hàng để thu lãi hằng tháng. Trong khi đó, quy mô tuyển sinh mỗi năm đều tăng, số lượng sinh viên mỗi trường ngày càng nhiều, nhưng cơ sở vật chất trường lớp thì vẫn không được đầu tư tương xứng.

Ngoài ra, việc các trường NCL “chạy đua” mở ngành đào tạo, không có quy hoạch cụ thể cũng là một trong những lý do khiến chất lượng đào tạo của các trường NCL không được đảm bảo.

Không ít người trong cuộc đã phải thốt lên “chưa bao giờ việc tuyển sinh của các trường ngoài công lập lại khó khăn như hiện nay”. Trước nguy cơ đóng cửa, một số trường đã “làm liều” bằng cách tuyển cả những thí sinh không đủ điều kiện. Lý lẽ mà họ đưa ra là thà chịu phạt để tồn tại, còn hơn phải đóng cửa, tức đồng nghĩa với việc mất hết vốn liếng. Điều này lại càng làm cho định kiến của xã hội về các trường ngoài công lập trở nên xấu hơn.

Bên cạnh đó, những bất ổn từ bên trong các trường ĐH NCL cũng là một trong những lý do khiến các trường này mất ổn định, là căn cơ làm giảm sút uy tín trường ĐH NCL, người học không tìm đến. Có không ít các trường xảy ra mâu thuẫn về quyền lợi, nảy sinh mất đoàn kết, ở một số trường các nhà đầu tư tài chính thuần túy nắm quyền làm chủ hoàn toàn, các nhà giáo, nhà khoa học trở thành người làm thuê. Chính vì những sai phạm trong đào tạo, bất cập trong quản lý, rất nhiều trường đã bị Bộ GD&ĐT đình chỉ tuyển sinh. Có thể nêu ra đây một số cái tên như Trường ĐH Hà Hoa Tiên, Trường ĐH Hùng Vương TP HCM, Trường ĐH Văn Hiến, CĐ ASEAN…

Kinh doanh giáo dục lỗ nhiều lãi ít

Theo quy chế ĐH dân lập, nguồn thu của trường bao gồm: nguồn thu tại trường (học phí, lệ phí, giá trị hợp đồng đào tạo, nghiên cứu khoa học, lãi tiền gửi ngân hàng, thanh lý tài sản…); vốn góp của các tổ chức cá nhân (nhà đầu tư) để đầu tư và phát triển trường; nguồn tài trợ, viện trợ, quà tặng; vốn vay… Tuy nhiên, đa số các trường NCL được thành lập với số vốn đầu tư ít ỏi ban đầu, sau khi tuyển sinh thì dựa hẳn vào nguồn thu học phí và lấy nguồn thu này nuôi lại tất cả bộ máy, hoạt động của nhà trường.

Trong đó, điều đáng bàn nhất chính là dù có nguồn thu hàng năm cực lớn, nhưng mức chi thực tế cho mỗi sinh viên lại rất thấp. Với mức học phí phải đóng lên tới hơn 15 triệu đồng/năm (bình quân chung) trong khi số học phần hoặc tín chỉ được học của sinh viên trong 4 năm (chưa tính cắt ngang, cắt dọc) khoảng 100-120 tín chỉ thì chi phí cho một sinh viên là rất thấp, không quá 20 triệu đồng (cộng cả 2% chênh lệch). Với mức chi này, khả năng nâng cao chất lượng đào tạo ở các trường ĐH dân lập - tư thục là hết sức khó khăn.

Trên thực tế, nhiều trường NCL đang được mở dường như chỉ nhằm mục đích kinh doanh chứ không phải để phục vụ cho quốc sách giáo dục. Không ít trường ĐH mới thành lập không có triển vọng của một trường ĐH vì không có giảng viên, thậm chí không có cả trường lớp, chủ yếu đi thuê mướn. Như vậy, các trường này hầu như chỉ nhằm mục đích lợi nhuận, không chú trọng tái đầu tư. Họ tìm mọi cách để xin nhiều chỉ tiêu, thu học phí cao nhưng số tiền thu về không tập trung xây trường, đầu tư trang thiết bị phục vụ việc giảng dạy… Việc làm đó thực chất là kinh doanh giáo dục.

Chính việc trục lợi giáo dục như một hình thức kinh doanh lợi nhuận cao mà không tập trung nâng cao uy tín và chất lượng giáo dục, nhiều trường đã phải đứng trước bờ vực phá sản, thậm chí phải bán trường để trả nợ như trường hợp ĐH Văn Hiến TP HCM và Trường Trung cấp Trường Sơn (tỉnh Đắk Lắk).

Về tình trạng lợi dụng giáo dục để kinh doanh, dẫn tới việc nhiều trường phải bán tống để trả nợ, GS Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam bức xúc: “Ngay từ khi có tư tưởng thị trường hóa giáo dục đã phải tính đến chuyện nếu phá sản học sinh sẽ đi đâu? Đầu tư vào giáo dục không giống doanh nghiệp, doanh nghiệp nếu phá sản, thiệt hại chỉ ở phạm vi hẹp mang tính nội bộ. Trong khi đó, giáo dục liên quan đến cả nghìn gia đình, nếu phá sản thì giải quyết thế nào?”.

Trước tình hình hoạt động “đìu hiu” của các trường ĐH, CĐ NCL, ông Lê Văn Học (Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội) nhận định: “Đến thời điểm này, xã hội đã nhận thức rất rõ là mình không thể trả học phí cao hơn trường công lập rất nhiều để vào một nơi mà không có trường, phải đi thuê; đội ngũ giảng viên cũng gần như đi thuê. Người học không thể chấp nhận tình trạng đó mãi: học phí thì cao, cơ sở vật chất và đội ngũ thì tạm bợ trong khi cũng chưa có gì bảo đảm về việc làm sau khi ra trường”.

Mặc dù các trường ĐH, CĐ NCL vẫn đang “kêu khổ” về việc bị Bộ GD&ĐT “đẻ mà không nuôi”, không được hỗ trợ như các trường công lập; nhưng việc thiếu những định hướng giáo dục, không chuẩn bị cơ sở vật chất đầy đủ và chất lượng giảng viên yếu kém chính là những nguyên nhân khiến thí sinh quay lưng với những trường này.

Như vậy, chính việc không chú trọng đến công tác đào tạo, không tạo được uy tín và niềm tin đối với sinh viên, phụ huynh và xã hội chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng các trường NCL “đói” người học như thời gian vừa qua. Nếu không nhanh chóng thay đổi phương pháp đào tạo, ngành đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo để đáp ứng nhu cầu của xã hội, các trường ĐH, CĐ NCL sẽ nhanh chóng bị đào thải, sáp nhập hoặc giải thể và “cái chết” của những trường này là điều đã được báo trước và không thể tránh khỏi.

Khánh An

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.