Đại học Việt Nam đang ở đâu?

06:55 | 23/08/2014

2,136 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tôi bỗng nhớ tới một câu chuyện là cùng một cây gỗ tốt nhưng vào tay hai ông thợ mộc, một ông có tay nghề khéo léo thì tạo ra được một sản phẩm hữu dụng, còn ông thợ dốt thì đẽo gọt mãi khúc gỗ không ra hình thù gì và cuối cùng chỉ có thể dùng vào việc đốt lò mà thôi.

Năng lượng Mới số 350

Kỳ I: Thầy trò cùng bất ổn

Giáo sư Ngô Bảo Châu phát biểu tại Hội thảo Ðối thoại giáo dục Việt Nam cho rằng, chất lượng giáo dục ở THPT của Việt Nam so với thế giới không đến nỗi tệ, nhưng chất lượng giáo dục đại học thì đang rất có nhiều vấn đề và rằng: “Trong bức tranh lớn của giáo dục Việt Nam, giáo dục đại học có lẽ là mảng cần sớm nhất một sự đổi mới căn bản và toàn diện. Ðó cũng là mảng phức tạp nhất. Trong sự phức tạp đó, đâu là những cái nút cần thiết được gỡ đầu tiên - sẽ là câu hỏi mà tất cả những người quan tâm đến giáo dục đại học ở Việt Nam đều quan tâm”.

Chất lượng giáo dục đại học ở Việt Nam cũng tương tự như vậy, tại sao con em chúng ta ra nước ngoài học hành rất giỏi, không thua kém người bản xứ và nhiều em thi đỗ và giành được học bổng của các trường đại học danh tiếng.

Thời bao cấp, khi nền kinh tế đất nước khó khăn, thiếu thốn trăm bề, nhưng các trường đại học của Việt Nam vẫn đào tạo được những thế hệ sinh viên có chất lượng khá tốt, đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Trái lại, hiện nay khi kinh tế phát triển, các điều kiện dành cho giảng dạy, học tập như cơ sở vật chất, phương tiện thuận lợi rất nhiều, rồi mở cửa giao lưu hợp tác quốc tế nhưng chất lượng giáo dục của đại học Việt Nam lại đang tụt hậu với các nước trong khu vực và chưa có một trường đại học nào lọt vào top 600 đại học thế giới và chỉ có 2 trường lọt vào danh sách 300 đại học khu vực châu Á.

Đại học Việt Nam đang ở đâu?

Chất lượng giáo dục đại học phụ thuộc vào hai yếu tố dạy và học, nhưng chúng ta hãy thử xem đội ngũ giáo viên giảng dạy các trường đại học ra sao? Chỉ trừ một số trường top trên là có đủ số giáo viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ, học hàm giáo sư, phó giáo sư, còn hầu hết các trường đều không đủ số giáo viên cơ hữu đạt chuẩn như quy định của Bộ chủ quản, nên có tình trạng giáo viên thỉnh giảng, chạy sô từ trường này sang trường khác, tình trạng ghi tên cho có để đối phó khi bị thanh, kiểm tra. Số giảng viên giỏi đã không nhiều nhưng mải chạy sô để kiếm tiền thì quỹ thời gian đâu dành cho nghiên cứu khoa học, dẫn đến số công trình, bài báo khoa học của các trường đại học ở Việt Nam công bố không bằng một trường đại học trong khu vực.

Số lượng giáo viên đã vậy, còn chất lượng thì rất đáng bàn. Hiện nay, hầu hết các trường đại học, số giáo sư đầu ngành đã nghỉ hưu, hoặc ngấp nghé nghỉ hưu, sức khỏe hạn chế, dẫn đến sự hẫng hụt về đội ngũ giảng viên có chất lượng. Tiến sĩ khoa học thì mỗi trường chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Ðể bù lại sự thiếu hụt cơ học ấy, nhiều trường có phần nới lỏng tiêu chuẩn đầu vào thi cao học, làm tiến sĩ, nhất là về trình độ ngoại ngữ và số các bài báo khoa học được đăng tải... nên dẫn tới chất lượng thạc sĩ, tiến sĩ ngày một giảm sút. Còn một số ít cán bộ trẻ có năng lực được cử đi học cao học, làm tiến sĩ ở nước ngoài thì không trở về vì đã kiếm được việc làm có thu nhập cao, còn nếu trở về trường thì điều kiện làm việc, chế độ đãi ngộ không tương xứng, không được trọng dụng, thậm chí còn khó được bổ nhiệm, cất nhắc vì quan niệm “sống lâu lên lão làng” nên chỉ một thời gian ngắn là tìm cách chuyển đi nơi khác có thu nhập cao và có điều kiện thăng tiến.

Cứ như vậy, một vòng luẩn quẩn, những giảng viên là tiến sĩ nội vốn đã không giỏi lại tiếp tục ngồi ghế hội đồng bảo vệ, phản biện để chấm luận án cao học, tiến sĩ của những học sinh do chính mình dạy, thế thì có khác gì cơm chấm cơm, làm sao có thể cho ra lò những sinh viên giỏi được.

Cũng không đâu như Việt Nam, đầu vào đại học (top trên) khó bao nhiêu, thì đầu ra lại dễ bấy nhiêu, đã thi đỗ đại học là yên chí sẽ ra trường, cho dù cả quá trình học tập học ít chơi nhiều, thi lại, nợ môn, nhưng cứ thi lại là được, miễn là nộp tiền phụ đạo, nợ môn mấy rồi cũng trả được, rất hãn hữu sinh viên nào vì học dốt mà bị đuổi học cả, cùng lắm thì lưu ban một năm, cho nên tấm bằng cử nhân không có mấy hàm lượng tri thức, chưa kể kỹ năng sống cũng không có mà chỉ thành thạo những thứ vô bổ, có hại đối với bản thân như cờ bạc, lô đề, rượu chè, nghiện game, sống thử v.v...

Ðấy là chuyện của sinh viên các trường thuộc top trên, có uy tín và có điểm đầu vào khá cao, còn đối với các trường ngoài công lập, tư thục thì thật sự bi hài.

Ðã có một thời gian các trường đại học dân lập, tư thục mọc lên như nấm sau mưa, không khác gì vấn nạn tỉnh nào cũng có nhà máy bia, nhà máy đường, nhà máy xi măng trước đây mà hậu quả thế nào thì ai cũng rõ.

Tỉnh nào cũng có trường đại học, thậm chí nhiều trường! Nhiều trường tên kêu như chuông, có những trường mà cái tên nghe như tên một cô tiên giáng trần, không biết họ đào tạo những ngành nghề gì, có trường vì không có địa điểm nên thuê cả sân vận động làm giảng đường, có trường thì văn phòng chính để liên hệ, giao dịch công việc chỉ là một ngôi nhà không bằng nhà dân, mà lẽ ra phải có những điều kiện cơ sở vật chất tối thiểu như giảng đường, thư viện, phòng thí nghiệm, hội trường, sân bóng, bể bơi...

Ðương nhiên những trường đại học kiểu ấy được thành lập mục đích không vì sự nghiệp giáo dục đào tạo mà mục đích của họ là càng lợi nhuận nhiều càng tốt, càng thu hút được nhiều sinh viên càng có lợi. Vì thế mới có chuyện thật như bịa là học sinh thi vào đại học chưa biết điểm chác ra sao đã nhận được mấy giấy báo trúng tuyển cùng một lúc của mấy trường đại học dân lập.

Nhiều trường đại học dân lập, tư thục kết quả đào tạo thế nào không ai biết, nhưng rất nổi tiếng trên báo chí vì chuyện kiện tụng, mất đoàn kết, giữ con dấu trái pháp luật và nhiều chuyện lình xình khác mà chung quy lại cũng vì lợi nhuận ăn chia không đều, rồi tranh giành vị trí trong hội đồng quản trị...

Có cầu thì có cung, không phải em nào tốt nghiệp THPT cũng đủ trình độ để thi vào trường đại học công lập, cho nên dân lập là một sự lựa chọn duy nhất vì tâm lý cố hữu của người Việt là chỉ thích làm thầy, không thích làm thợ, lại được phụ huynh ủng hộ, chắt bóp cho con vào đại học để kiếm tấm bằng cho bằng anh bằng em.

Ngay tại Hà Nội, tình trạng cử nhân, thạc sĩ, thậm chí cả tiến sĩ đi học lại nghề mới không còn là chuyện lạ, nhiều trường trung cấp, cao đẳng nghề có sinh viên là những cử nhân thất nghiệp, riêng trường Trung cấp Du lịch Hoa Sữa mỗi năm có hàng chục cử nhân nộp đơn xin học nghề tại trường. 

Vì chọn sai ngành học nên sinh viên tốt nghiệp đại học xong, đi làm thấy không phù hợp, có sinh viên do thiếu kỹ năng nên không được các đơn vị lao động tuyển dụng, có người thiếu kiến thức thực hành nên muốn đi học cao đẳng, trung cấp để có khả năng làm việc tốt hơn. Cho nên mới có chuyện liên thông ngược là học cao học, đại học xong mới tiếp tục học cao đẳng, trung cấp, trên thế giới có lẽ chỉ có ở Việt Nam.

Một doanh nghiệp may mặc ở Hà Nội có 600 công nhân thì đã có tới 1/3 số công nhân có bằng đại học, nhiều người trong số đó có tới 2 bằng đại học.

Nhưng thật trớ trêu là có bằng đại học khi nộp đơn xin làm công nhân lại khó hơn là những em chỉ cần tốt nghiệp THPT, thậm chí chỉ tốt nghiệp THCS. Nhiều công ty, doanh nghiệp rất ngại tuyển người có trình độ đại học vào làm công nhân vì số này có tí chữ lại hay cãi, sức khỏe thì yếu, không chịu được khổ vì mấy năm ở đại học học thì ít, mà chơi với ngủ thì nhiều, không rèn luyện thể dục thể thao nên thể trạng yếu, không đáp ứng được công việc nặng nhọc, không bằng các em học sinh phổ thông con em nông dân vốn cần cù, có sức khỏe, sẵn sàng tăng ca tăng kíp khi chủ yêu cầu, nên mới có chuyện là, khi đi xin làm công nhân phải giấu biệt cái bằng đại học đi thì mới có cơ may được tuyển dụng.

Xuân Tuyền

 

 

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.