“Đọc - chép” sang “chiếu - chép”: Bình mới rượu cũ!

14:23 | 03/10/2013

2,045 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Dạy học với phương tiện hiện đại, giáo án điện tử, máy chiếu, màn hình LCD, bảng tương tác... là hình thức không còn xa lạ. Tuy nhiên, sau những lợi ích ban đầu về đổi mới phương pháp giảng dạy, những kỳ vọng quá lớn vào phương tiện hiện đại, nay người ta mới phát hiện nhiều hệ lụy của nó.

Không nên lạm dụng hình thức “chiếu - chép”

Thực tế cho thấy, việc đưa giáo án điện tử và công nghệ thông tin vào giảng dạy đã “làm mới” tiết học lên rất nhiều. Phương tiện  trình chiếu đóng vai trò là một bảng phụ đa năng, so với phương pháp truyền thống chỉ sử dụng bảng chính và một vài bảng phụ, thì phương pháp hiện đại đã  mang lại hiệu quả như việc sử dụng hàng loạt bảng phụ với hình ảnh, màu sắc, biểu đồ, số liệu, âm thanh… hết sức sống động, thu hút sự chú ý của học sinh. 

Nhưng thực tế có những tiết dạy bằng giáo án điện tử “dở khóc dở cười”. Lý do là giáo viên yếu về kỹ thuật, thiếu kinh nghiệm sử dụng thiết bị, sao chép giáo án điện tử trên mạng một cách vô tội vạ mà không chú ý đến năng lực học sinh, điều kiện lớp học của mình.

Việc sử dụng CNTT vào giảng dạy có thể biến tướng thành "chiếu-chép".

Em Nguyễn Khánh Linh (sinh viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) cho biết: “Có một số thầy cô mang laptop đến lớp gắn vào máy chiếu rồi ngồi trên bàn cầm micro đọc cho sinh viên chép. Cô đọc tới đâu, tụi mình chép bài đến đó. Có bạn không nghe cô đọc mà cứ nhìn trên màn hình máy chiếu, chữ chạy đến đâu các bạn chép đến đó”.

Bên cạnh đó, không phải bài học nào cũng dạy bằng giáo án điện tử được. Có học sinh tâm sự rằng em thích đọc - chép hơn là chiếu - chép: học thơ mà cô giáo chiếu lên màn hình nhanh quá, học sinh ngồi dưới không chép kịp.

Người viết từng dự một tiết dạy tập viết lớp 1, thay vì cô giáo nắn nót viết chữ mẫu trên bảng thì cô dạy bằng bảng tương tác, viết bằng bút của bảng tương tác, phải mất thêm thời gian kẻ ô li trong khi nét chữ không được tròn, đều. Nghe, xem mà thấy chạnh lòng cho phấn trắng, bảng đen!

Vì trong những buổi tập huấn về đổi mới phương pháp giảng dạy, lãnh đạo ngành Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) từng khẳng định: Không có phương pháp nào ưu việt 100%, mà người giáo viên giỏi phải biết kết hợp nhiều phương pháp nhằm truyền đạt tốt nhất kiến thức cho học sinh. Phấn trắng, bảng đen không bao giờ lỗi thời, nó vẫn đóng vai trò cần thiết trong các tiết dạy miễn sao sử dụng phù hợp.

Đến thời điểm này, sau hơn 10 năm thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy, không hiểu sao ngành GD-ĐT vẫn chưa thể ban hành một quy định về mô hình lớp học hiện đại: sĩ số học sinh bao nhiêu là vừa, màn hình tối thiểu phải bao nhiêu, treo thế nào, những môn học nào có thể phát huy tối đa việc giảng dạy bằng giáo án điện tử, môn nào nên hạn chế... 

Cần có sự tương tác giữa thầy và trò

Theo những giáo viên có kinh nghiệm, khi soạn giáo án điện tử và sử dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong giảng dạy, giáo viên phải tính toán sao cho đưa vào một số lượng thông tin, hình ảnh, số liệu… vừa phải, đủ để tạo sự lôi cuốn học sinh chú ý, nhưng phải có thời gian tổ chức cho các em các hoạt động tư duy như suy nghĩ, trả lời, thảo luận, đưa ra ý kiến phản biện… để tìm ra kiến thức cần lĩnh hội trong tiết học.

Đồng  thời tùy theo bộ môn, cần kết hợp sử dụng các thiết bị thí nghiệm, đảm bảo cho  học sinh không chỉ nghe, nhìn mà còn được cầm nắm, lắp ráp, đo đạc, tính toán… Tóm lại  lúc nào cũng phải cho học sinh làm trung tâm của hoạt động dạy học. Nếu không, việc sử dụng phương pháp dạy học hiện đại như trên chẳng qua là hình thức “chiếu -  chép”, chẳng khác gì “đọc - chép” trước đây.

Trong giảng dạy cần chú trọng sự tương giác giữa thầy và trò.

Nhằm hướng đến mục tiêu hiện đại hóa  giáo dục, việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào giảng dạy là một chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả cao, ngành giáo dục cần có kế hoạch bồi dưỡng cho giáo viên nắm vững CNTT, thời gian nghỉ hè là thích hợp cho việc này.

Từ đó, giáo viên sẽ có sự vận dụng linh hoạt trong việc thiết kế những giáo án điện tử hay, phù hợp với điều kiện của từng trường cũng như mặt bằng nhận thức chung của học sinh ở mỗi địa phương. Qua đó nâng cao hiệu quả ứng dụng  CNTT nói riêng, và chất lượng dạy học nói chung trong thời gian đến.        

Về vấn đề này, ông Lê Tiến Thành, nguyên Vụ trưởng vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT) cho rằng: “Sử dụng quá nhiều công nghệ dạy học hiện đại, có thể khiến trẻ bị giảm thị lực, lệ thuộc vào một kiểu tương tác với máy móc, trong khi đối với học sinh ở bậc học thấp, cần nhiều phương thức tương tác. Nhiều đứa trẻ bây giờ tự kỉ vì quen sống với thế giới ảo, trong khi ở trường học, học sinh cũng lại được khuyến khích học tập với công nghệ thì càng không có lợi.

Tương tác trực tiếp giữa thầy - trò không thể thiếu và rất quan trọng ở các lớp đầu tiểu học. Tương tác thầy - trò không chỉ mang tới cho trẻ kiến thức mà để trẻ cảm nhận được cả tình cảm, sự khích lệ của thầy, cô. Với trẻ nhỏ, sự uốn nắn của thầy cô từ cách viết, cách ngồi học, cách tìm bài trong sách… đều đòi hỏi vai trò của người thầy, việc này máy không thay thế được”.

Nhã Anh

                                          

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.