Đông Kinh Nghĩa Thục và tư tưởng cải cách giáo dục

14:26 | 22/09/2012

8,882 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Năm 1907, Đông Kinh Nghĩa Thục ra đời trong phong trào Duy Tân giáo dục của dòng yêu nước những năm đầu thế kỷ XX. Từ lúc mở trường tháng 3/1907 đến lúc trường phải đóng cửa tháng 12/1907, thời gian tồn tại của thiết chế này trong đời sống thực tiễn không nhiều, chỉ có 9 tháng, nhưng những gì ngôi trường này làm được đã để lại dấu ấn khó quên trong lịch sử giáo dục đất nước.

Kỷ niệm 105 năm Đông Kinh Nghĩa Thục, Trung tâm Minh Triết phối hợp cùng Trung tâm văn hóa Pháp – L’espace tổ chức hội thảo “Đông Kinh Nghĩa Thục và cải cách giáo dục hiện nay”.

“Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”

Sau cuộc hội kiến với Phan Bội Châu vừa từ nước Nhật trở về, Trường Đông Kinh Nghĩa Thục ra đời, đây là một trường học kiểu mới, giống mô hình của trường Khánh Ứng Nghĩa thục ở Nhật, được đặt tại căn nhà số 4 Hàng Đào (Hà Nội). Trường do chí sĩ yêu nước Lương Văn Can sáng lập, ngoài ra còn có rất nhiều nhân sĩ khác như Nguyễn Quyền, Đào Nguyên Phổ, Dương Bá Trạc, Lê Đại, Hoàng Hữu Cầu, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Duy Tốn, Nguyễn Bá Học.…

Ông Nguyễn Khắc Mai (GĐ TT Minh Triết) chia sẻ về những hoạt động của Đông Kinh Nghĩa Thục

Đông Kinh Nghĩa Thục ra đời với mục đích: Nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc và chí tiến thủ cho quần chúng, “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”; truyền bá một nền tư tưởng học thuật mới và một nếp sống văn minh tiến bộ; phối hợp hành động với phong trào Đông Du của Phan Bội Châu và phong trào Duy Tân đang lên trong cả nước.

Có thể nói, Phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục chính là cái bắt tay đầu tiên trong lịch sử dân tộc giữ hai thế lực Tân học và Cựu học. Bởi họ đều có chung một lý tưởng là làm thế nào để nâng cao dân khí, mở mang dân trí, đào tạo nhân tài cho quốc gia và góp phần xoá bỏ nền giáo dục khoa cử lạc hậu, xây dựng một nền giáo dục mới, tiến bộ, đưa lại sự tiến hoá cho dân tộc.

Nền giáo dục mới mà họ chủ trương trước hết là tạo ra một lớp người hữu dụng. Vì thế, chương trình giảng dạy của các nhà Đông Kinh Nghĩa Thục, ngoài việc cung cấp kiến thức phổ thông cho người học còn hướng người học vào thực nghiệm. 

Để thực hiện mục đích, các nhà duy tân trong Đông Kinh Nghĩa Thục nhìn thấy “Quốc ngữ là lợi khí thứ nhất để khai dân trí”, và họ dấy lên phong trào học chữ Quốc ngữ, phổ biến chữ Quốc ngữ trong mọi tầng lớp nhân dân, thay cho chữ Hán, chữ Nôm.

“Trước hết phải học ngay quốc ngữ, Khỏi đôi đường tiếng, chữ khác nhau. Chữ ta, ta đã thuộc làu. Nói ra nên tiếng, viết câu nên bài. Sẵn cơ sở để khai tâm trí”. Các câu ca này xác định hoạt động của Đông Kinh nghĩa thục và tiêu chí của phong trào.

Bài ca khuyến học quốc ngữ của trường Đông Kinh Nghĩa Thục

Chữ Quốc ngữ là công trình tập thể khởi đầu từ thế kỷ XVI, trong đó nổi bật vai trò quan trọng của nhiều linh mục người Âu châu như: “Franesco de Pina (1585 - 1625), Gaspar de Amaral (1594- 1646), Antonio Barbosa (1594 - 1647), Alexandre de Rhodes (1591 - 1660)”, với sự hợp tác của các trí thức, chủ yếu là các thầy giảng người Việt.

Ra đời từ thế kỷ XVII, nhưng vì nhiều nguyên nhân khác nhau, thứ chữ tiện lợi này đến cuối thế kỷ XIX vẫn không thể vượt ra khỏi phạm vi giáo dân và phổ biến sâu rộng trong mọi tầng lớp người Việt Nam.

Trong tác phẩm Văn minh tân học sách - được xem là cương lĩnh hoạt động của Trường đã khẳng định: “Người trong nước đi học lấy chữ Quốc ngữ làm phương tiện để trong một thời gian vài tháng, đàn bà, trẻ em đều biết chữ, và người ta có thể dùng chữ Quốc ngữ để ghi việc đời xưa và chép việc đời nay… đó thực là bước đầu mở mang trí khôn vậy…”.

Mặc dù chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn (từ tháng 3/1907 đến tháng 12/1907), nhưng Đông Kinh Nghĩa Thục “đã mở hàng trăm lớp dạy chữ Quốc ngữ cho hàng nghìn người”, biên soạn hàng chục cuốn sách với nội dung yêu nước tiến bộ bằng chữ Quốc ngữ như: Quốc dân tộc bản (1907), Nam quốc địa dư, Quốc văn tập độc (1907), Phen này cắt tóc đi tu (Nguyễn Quyền), Kêu hồn nước (Phan Châu Trinh)…, và hàng loạt các cuộc diễn thuyết cổ động cho việc học và phổ biến chữ Quốc ngữ.

Việc xuất bản hàng loạt cuốn sách mang nội dung yêu nước và tổ chức các cuộc diễn thuyết, Đông Kinh Nghĩa Thục nhanh chóng trở thành trung tâm truyền bá tư tưởng mới, đánh dấu sự đổi mới tư duy và hành động của các trí thức Nho học Việt Nam đầu thế kỷ XX.

Những bài học cho giáo dục hiện đại

Cho đến nay dù đã bước vào thế kỷ 21, song Đông Kinh Nghĩa Thục vẫn để lại cho những người quan tâm vấn đề đổi mới quản lý giáo dục Việt Nam, đổi mới quản lý nhà trường Việt Nam nhiều bài học bổ ích, thiết thực.

Nổi bật trong các tư tưởng mà phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục đưa ra là tư tưởng “Minh Triết” - Chủ nghĩa mở trí khôn cho nhân dân. Tư tưởng nhấn mạnh, để “Hóa dân cường quốc”, giáo dục là quốc sách hàng đầu. Cần phải làm cho cả nước văn minh, đem tư tưởng của người xưa kết hợp với kiến thức hiện đại để làm cho thật sự có kết quả. Muốn “làm cho cả nước văn minh thì phải có giáo dục phổ cập”, là cả nước không một người nào không được đi học".

Hình ảnh cậu bé vác địa cầu tượng trưng cho sức trẻ Việt Nam gánh vác thế giới

Mục tiêu giáo dục mà phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục đưa ra là học là để có ích cho bản thân mình và cho quốc gia, xã hội. Có ba điều, một là học vệ sinh, tức là học phương pháp làm cho thân thể cường tráng, không bệnh tật. Hai là học trị sinh, tức là học phương pháp làm cho có thức ăn, đồ mặc và quản lý sản nghiệp; ba là học làm người, làm quốc dân, tức là học cách tự kiềm chế và cách đối xử với quốc gia, xã hội.

Có thể nói, các chí sĩ của Đông Kinh Nghĩa Thục đã thực sự đi trước thời đại, bởi phải 100 năm sau Jacque Delors (người đứng đầu Uỷ ban quốc tế về giáo dục thế kỷ XXI) mới tổng kết thành 3 khái niệm của giáo dục hiện đại. Bên cạnh đó, Đông Kinh Nghĩa Thục đưa ra chủ trương “muốn khai quan trí, trước hết phải khai quan trí và sĩ trí”.

Về mục đích học tập, Đông Kinh Nghĩa Thục chủ trương bỏ lối học khoa cử vì hư danh và để làm quan và cổ vũ giáo dục thực nghiệp, học và thi cử gắn với công việc, để cái mà học sinh học và thi không trái với công việc thực tế họ phải làm.

Đề cao một phương pháp học tập thật văn minh, tiến bộ (mà ngày nay chúng ta cũng chưa làm được); Đông Kinh Nghĩa Thục chú trọng việc “cho phép học trò bàn bạc tha hồ, đối đáp tự do không phải nề hà, không cần thể cách gì hết”. Nhà trường không khép kín, nhà trường mở ra với những nhiệm vụ và hoạt động cứu nước, chấn hưng văn hoá và xã hội.

Khung lý thuyết về giáo dục mà phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục đã khai sinh cách đây hơn 100 năm, cho đến lúc này còn nguyên giá trị. Đó là việc hướng tới xây dựng một nền giáo dục hiện đại, bình đẳng, chú trọng thực tiễn và cầu thị; đồng thời, đây cũng là bài học ý nghĩa cho những người làm giáo dục Việt Nam hiện nay. 

Vương Tâm

 

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.