Dư luận nói về quy định đào tạo liên thông mới

12:56 | 24/01/2013

1,444 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Sau khi Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư 55 về vấn đề liên thông, BBT Petrotimes đã nhận được hàng trăm ý kiến phản hồi từ độc giả.

>> Bộ GD-ĐT “siết” đào tạo liên thông

>> Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nói về đào tạo liên thông

>> Sinh viên “kêu trời” với quy định mới về đào tạo liên thông

 

Cụ thể, thông tư 55 quy định học sinh, sinh viên trung cấp, cao đẳng tốt nghiệp chưa đủ 36 tháng muốn học liên thông phải dự thi tuyển cùng học sinh phổ thông.

Ý kiến ủng hộ

Trước quy định mới của Bộ GD-ĐT về vấn đề liên thông, có một số độc giả bày tỏ thái độ đồng tình và ủng hộ động thái mới của Bộ và cho rằng, đây là cách sàng lọc và nâng cao chất lượng nhân lực ĐH.

Độc giả Trần Quang Vinh (quangvinh2391@...) cho rằng “Ở đâu có ý chí, ở đó có con đường”. Ngày trước thi Đại học 1 chọi 20, 30 là chuyện bình thường (ở một số trường công lập), chỉ cần một nhà có con đỗ Đại học là cả làng cả họ mừng làm rạng danh dòng họ. Những năm trở lại đây để đáp ứng với nhu cầu của xã hội cần một nguồn nhân lực đã qua đào tạo để phát triển nền kinh tế, các trường Đại học mở ra ngày càng nhiều bên cạnh đó là nhiều hệ đào tạo và con đường vào Đại học rộng mở hơn.

Ngày nay nền kinh tế bị khủng hoảng sinh viên ra trường cầm tấm bằng Đại học không kiếm được việc làm tình trạng thừa thầy thiếu thợ xảy ra ở khắp mọi nơi, đã đến lúc xã hội cần hơn bao giờ hết một nguồn nhân lực có chất lượng và đó cũng là sứ mệnh đào tạo của các trường Đại học.

Thông tư 55 có các quy định "siết chặt" liên thông.

Bộ GD chấn chỉnh việc đào tạo liên thông đó cũng là một biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền lợi và lợi ích của người học. Chúng ta là những con người trẻ tuổi phải có ý chí quyết tâm không ngừng tu luyện và bồi dưỡng kiến thức, chứ không nên ỷ lại thoái thác.

Học tập là quyền của công dân và học tập suốt đời là tự thân, và là xu thế tất yếu trong quá trình phát triển. Không ai cướp đi được quyền học tập của công dân mà nó sẽ trở nên khó khăn hơn để khẳng định được giá trị của mỗi chúng ta. Thi liên thông sẽ khó hơn trước đây nhưng cách cửa vào Đại học vẫn sẽ rộng mở với những ai có ý chí và Đại học được trả về đúng với bản chất của nó “khổ luyện mới thành tài”.

Đồng quan điểm, bạn đọc Trịnh Dương (ziaduong@...) phản hồi: Tôi thấy Thông tư 55, quy định mới về đào tạo liên thông trình độ CĐ, ĐH của Bộ GD-ĐT rất hợp lý. Khi đã công nhận các bằng đại học chính quy, liên thông, vừa làm vừa học, từ xa có giá trị như nhau thì kỳ thi tuyển sinh, khối lượng kiến thức, kết quả kiểm tra thi cử cũng phải tương đương nhau.

Mấy lâu nay chỉ có học đại học tập trung chính qui là khó. Không chỉ thi tuyển khó mà học tập, thi học phần, làm luận văn rất nghiêm túc. Sinh viên phải học đêm, học ngày mà rất ít người được loại giỏi. Trong khi các loại đào tạo khác, chỉ đi học cho có, thậm chí nhiều người chỉ đến lớp điểm danh (có khi nhờ người đi học hộ).

Đến kỳ thi cử "được" tự do mở sách vở ra chép hoặc chép bài của bạn. Vì thế, kết quả loại khá giỏi rất nhiều. Học xong, họ cũng được hưởng mọi chế dộ, quyền lợi như người học đại học chính qui. Đây là một sự bất hợp lý kéo dài nhiều năm. Do đó, Thông tư 55 là một sự sửa sai của Bộ. Hoan nghênh thông tư mới!”

“Các hình thức học, tại chức, liên thông vốn lung tung lắm rồi, làm cho giáo dục rối loạn, ''đánh bùn sang ao'', không còn có một chuẩn mực để đánh giá ai giỏi ai không nữa, nên bây giờ chữa cháy thế vẫn còn là chậm. Nếu muốn bằng tại chức, liên thông… như chính quy thì hãy thi như chính quy đi rồi hẵng nói. Bằng cấp thì phát biểu là muốn ngang bằng đại học chính quy, còn thi, học thì muốn qua loa, hỏi công bằng ở đâu? – bạn Ngô Văn Hoàng ([email protected]) thể hiện quan điểm.

Những ý kiến không đồng thuận

Bên cạnh những ý kiến đồng tình và ủng hộ, phần lớn ý kiến phản hồi đều bày tỏ sự lo ngại đối với quy định mới của Bộ GD-ĐT. Trong số đó có rất nhiều sinh viên đang theo học hình thức liên thông của nhiều trường ĐH; và với thông tư 55, quyền lợi, thời gian, tiền bạc của một bộ phận đông đảo học sinh, sinh viên đang theo học tại các bậc học này sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.

Bạn đọc Hảo Hảo (haohao_186345@...) là một sinh viên hiện đang theo học hệ trung cấp và mong muốn học liên thông đã nhờ BBT gửi ý kiến tới Bộ trưởng Bộ GD-ĐT: “Chỉ còn 2 tháng nữa là cháu thi tốt nghiệp hệ trung cấp. Trong suốt thời gian đi học cháu luôn có một niềm tin, khát vọng mãnh liệt rằng sau khi tốt nghiệp cháu sẽ nộp hồ sơ thi liên thông lên đại học nhằm nâng cao trình độ của mình.

Nhưng sau khi đọc thông tư 55 cháu cảm thấy niềm huy vọng và khát khao ấy như bị vùi lấp và những cố gắng nỗ lực suốt thời gian qua như vô nghĩa. 3 năm, có phải là thời gian quá dài đối với những sinh viên đi đường vòng như cháu không? Khi đi học, thầy cô luôn an ủi tụi cháu là cố gắng học tốt để có thể được thi tốt nghiệp loại giỏi và thi liên thông liền nhưng giờ cháu thấy mọi thứ đó đã chẳng còn nữa.

Con đường học ĐH sẽ trở nên khó khăn hơn với nhiều người.

 

Mục đích Thông tư là "Tạo cơ hội học tập cho người học và phát triển ngành, nghề phù hợp với nhu cầu xã hội, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả trong đào tạo và đảm bảo công bằng trong giáo dục". Câu hỏi đặt ra ở đây là: có thật sự là tạo cơ hội cho mọi người học tập hay không? Phát triển ngành, nghề phù hợp với nhu cầu xã hội hay không?...Hay là khi ra nghề thì lại chằng cần tới nữa...Vậy có phải là tiết kiệm chi phí không? Mà cái quan trọng nhất mà mỗi con người chúng ta đều thấy là thời gian...

Tuổi trẻ chỉ đến 1 lần thôi chú ạ... Cháu mong rằng những người ở vị trí cao như chú, học thức cao như chú thử đặt mình vào vị trí của hàng trăm ngàn sinh viên như cháu để suy nghĩ....Đừng nghĩ quá xa để vùi đập những chủ nhân tương lai như chúng cháu. Kính gửi!”.

Độc giả Văn Tuấn (anhtuan_76ht@...) bức xúc: “Xã hội muốn đi lên thì tất cả mọi người đều phải cố gắng đi lên. Tại sao lại ngăn cản những ước mơ của chúng tôi như vậy?”.

Đồng quan điểm, bạn đọc Quang Việt (honemtrongmo226@...) cho rằng: “Nếu Bộ quy định như thế này chắc chỉ có ở Việt Nam. Các em đã và đang cố gắng để có được tấm bằng đại học vậy mà các nhà lãnh đạo chỉ biết nghĩ đâu xa xôi. Bởi một lẽ hiện nay bằng liên thông người ta cũng đang kì thị và bây giờ Bộ cũng vùi dập luôn. Kính mong các bác trở lại thời đi họ như các em sẽ rõ”.

Đồng quan điểm, bạn đọc có địa chỉ znamz00@... cho rằng: “Với quy định này, những trường đào tạo hệ đại học nhưng chất lượng đào tạo kém lại được dịp làm "màu". Xin hỏi: Đếm được bao nhiêu trường đại học có chất lượng giảng dạy vượt Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng ở TPHCM? Muốn loại bỏ tiến sĩ giấy, giáo sư giấy thì không nên giải quyết từ thế hệ trẻ đi lên, mà giải quyết từ trên xuống: Tham nhũng, hối lộ, ăn chia…”.

“Suốt cuộc đời con người, ai cũng phải học. Người đủ sức thì đi thẳng, người yếu thì đi vòng. Âu đều đến một cái đích là thành đạt trong cuộc sống. Việc xuất hiện nhiều bằng cấp thiếu chất lượng là do quản lý kém, do thiếu khả năng, chứ không phải lỗi từ lớp con em chúng ta. Kiến thức nhiều mà cứ dồn ép, dồn đến mức con em không thể phát triển, không thể sáng tạo!” – bạn đọc này bày tỏ quan điểm.

 

Nhã Anh (tổng hợp)

 

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

(PetroTimes) - Không chỉ được ưu ái với thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ, Bình Định còn ghi dấu với loạt câu chuyện lịch sử, văn thơ và nền văn hóa độc đáo...