Giáo sư - Viện sĩ Phạm Minh Hạc: Thương mại hóa làm “hỏng” đại học

07:00 | 01/12/2014

3,426 lượt xem
|
Đã từ lâu, vấn đề giáo viên, giảng viên có thu nhập thấp hơn mức trung bình, khiến giảng viên chán nghề đã gây nhức nhối trong dư luận về cách đãi ngộ những “người đưa đò”. Thế nhưng, chất lượng của giảng viên hiện nay có cao hay không? Phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với Giáo sư - Viện sĩ - Nhà giáo Nhân dân Phạm Minh Hạc (nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT)) về những tồn tại trong việc đãi ngộ và sử dụng đội ngũ giảng viên đại học hiện nay.

Năng lượng Mới số 378

“Đại học dạy đại học”

PV: Theo đánh giá của ông, chất lượng giảng viên đại học (ĐH) nói chung ở nước ta hiện nay ra sao?

GS.VS Phạm Minh Hạc: Thứ nhất, chất lượng đội ngũ giảng dạy là yếu tố quyết định chất lượng đào tạo. Thứ hai, phải tính đến chương trình sách giáo khoa và tài liệu giảng dạy có cập nhật và phù hợp với việc phục vụ đất nước không. Thứ ba, bản thân sự chăm chỉ học hành của sinh viên. Thứ tư, việc thực hành, thực tập để luyện tay nghề ứng dụng vào thực tiễn. Cuối cùng, các xí nghiệp, doanh nghiệp và các cơ quan Nhà nước có sử dụng không; nghĩa là có đáp ứng được yêu cầu của xã hội hay không.

Trong những yếu tố đó, tôi vẫn khẳng định chất lượng đội ngũ giảng dạy chính là yếu tố tiên quyết. Vì sao vai trò của thầy giáo là quan trọng? Vì học ĐH chính là tự học dưới sự hướng dẫn của thầy giáo. Thầy giỏi thì bài giảng khác hẳn, làm sinh viên mở mang trí tuệ, biết cách học, biết đường vận dụng.

GS.VS.NGND Phạm Minh Hạc - nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

Nhiều nước trên thế giới đã bỏ khái niệm bài giảng ở ĐH (thường dùng ở nước ta) mà dùng khái niệm “nói cho sinh viên”; nghĩa là bỏ từ “lecture” chuyển sang thành “talk to student”. Tất nhiên không phải như chúng ta là thầy giáo đọc để sinh viên chép, mà phải nói về nội dung chính của vấn đề và vận dụng vào đời sống thế nào.

Trong khi đó, ở nhiều trường ĐH trên thế giới, yêu cầu giảng dạy tối thiểu là tiến sĩ. Những trường ĐH đứng đầu thế giới mấy thập niên nay như Cambridge hay Oxford, chỉ có tiến sĩ mới được trợ giảng, sau đó mới xem xét được giảng dạy. Một cường quốc giáo dục khác như Hoa Kỳ có lẽ cũng phải tới hàng trăm trường nổi tiếng và áp dụng tiêu chí như thế. Nhưng ở nước ta tỷ lệ đó lại quá thấp. Một số trường ngoài công lập, tư thục phần lớn là cử nhân, có những trường mới thành lập thậm chí mới chỉ có 1 tiến sĩ. Vì thế, đội ngũ giảng dạy của chúng ta còn non nớt, tình trạng “ĐH dạy ĐH” tràn lan.

PV: Chất lượng đào tạo thấp, nhiều trường cung cấp “hàng giả, hàng nhái”. “Sản phẩm” của giáo dục đào tạo ĐH không có chỗ đứng trên thị trường, người học xong ĐH khó hoặc không tìm được việc làm. Trách nhiệm của các giảng viên ĐH như thế nào, thưa ông?

GS.VS Phạm Minh Hạc: Theo thống kê, cả nước hiện có hơn 400 trường CĐ, ĐH; “phấn đấu” thời gian tới con số này sẽ tăng lên 500 trường. Con số này hoàn toàn không đáng mừng mà cực kỳ nguy hiểm. Có trường ĐH ở miền Trung, khi thành lập có một tiến sĩ, sau 5 năm con số này tăng lên… 3 tiến sĩ. Thậm chí có trường vừa mới thành lập, chưa có cơ sở vật chất mà vẫn ung dung được phép tuyển sinh và khai giảng rùm beng. Tôi không hiểu các cơ quan quản lý Nhà nước làm gì mà để tình trạng này diễn ra như vậy.

Cách đây ít lâu, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với các chuyên gia nước ngoài thực hiện kiểm định thí điểm 20 trường ĐH thuộc “tốp trên” của Việt Nam. Kết quả kiểm định cho thấy, không có một trường ĐH nào đạt chuẩn cơ sở vật chất như nhà học, phòng thí nghiệm, giáo trình… Bên cạnh đó, đội ngũ giảng viên vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về chất lượng. Các trường mới chỉ đạt 80% yêu cầu của tiêu chí, thậm chí chỉ có 3 trường ĐH.

Ông cha ta đã có câu “không thầy đố mày làm lên”. Câu này luôn đúng trong mọi thời cuộc. Người thầy đảm nhiệm chức năng hướng dẫn, dạy bảo sinh viên, học sinh để họ lĩnh hội kiến thức mới. Vậy khi thầy không nắm vững được kiến thức thì sinh viên cũng khó có thể có kiến thức cho mình.

Nói về nguyên nhân và trách nhiệm thì nhiều nhưng sinh viên là những người đã trưởng thành, phương pháp sống và làm việc phải tự chủ. Vai trò chính trong việc học hành, phấn đấu để thành người có chuyên môn, đạo đức, chính sinh viên phải chủ động. Vai trò của thầy giáo với sinh viên trong việc khuyến khích họ rèn luyện không có nhiều. Nếu tính đến vai trò của đội ngũ giảng dạy như giáo sư, phó giáo sư, bài giảng và tấm gương lao động của họ có tác dụng nhất định đối với sinh viên.

PV: Nghĩa là hàng vạn sinh viên ra trường không kiếm được việc làm là do bản thân sinh viên không cố gắng, thưa ông?

GS.VS Phạm Minh Hạc: Vấn đề đó lại khác. Đào tạo ra tay nghề hơn 15 vạn người mà không có việc làm là do chương trình và cách đào tạo của nhà trường, trong đó có trách nhiệm không nhỏ của giảng viên ĐH. Thất nghiệp là do lỗi ở chương trình phát triển ĐH của chúng ta, phát triển như thế có phù hợp không?

Mấy năm trước tôi còn theo dõi chợ lao động ở Hà Nội, Đà Nẵng có khi 100 người chỉ tuyển 1 người. Người ta tuyển mà không có kỹ năng, không có tiếng Anh. Một công ty viễn thông rất lớn ở Mỹ vào Việt Nam tuyển nhưng chúng ta không đáp ứng được. Có những trường kỹ thuật mà có khi chỉ có khoảng 10 hay 30 người là kỹ sư thôi. Nhiệm vụ của trường kỹ thuật là đào tạo kỹ sư mà ra trường chỉ có 30% nhân lực có thể làm được kỹ sư, đó là do phương pháp, chương trình giảng dạy.

Giờ thực hành của giảng viên, sinh viên Trường ĐH Hải Phòng

Nhà trường cũng như thầy giáo mang giá trị về trí tuệ, tâm hồn. Họ được đào tạo để làm nghề và làm sao phải hình thành và phát triển ở sinh viên những giá trị đó để đem phục vụ đời sống cho chính bản thân họ, gia đình họ và xã hội. Nhưng chúng ta hiện bị tư tưởng lợi nhuận hóa, chỉ chăm chăm đi kiếm lợi nhuận thôi chứ không theo quy luật giá trị đó. Vấn đề hiện tại là họ không quan tâm mà chỉ lo làm sao có nhiều người học để thu nhiều học phí. Chính nó là sự lệch lạc nặng nề.

Tóm lại, điều cốt lõi là giảng viên, trường ĐH có đào tạo ra người đáp ứng được yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc không? Nếu đáp ứng được, phục vụ xã hội tốt chính là chất lượng cao. Bây giờ chúng ta hội nhập quốc tế, xuất khẩu lao động cũng đáp ứng được nhu cầu lao động, đó chính là yêu cầu của đất nước, của thời đại.

Người ta nói nhiều đến chuyện các nhà khoa học phải có công trình nghiên cứu ở nước ngoài chẳng hạn, theo tôi đó chỉ là vấn đề thứ hai. Bây giờ anh bảo vệ được đất nước và làm cho đời sống nhân dân cao lên, đó là sứ mệnh số 1 của ĐH. ĐH chẳng những là nơi đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao mà còn là nơi nghiên cứu khoa học và là trung tâm văn hóa. Những người tốt nghiệp ĐH ra phải là hạt nhân đóng góp vào củng cố và phát triển nền văn hóa dân tộc và hội nhập với thế giới. Nếu không làm được điều này thì nên nhìn lại chất lượng giảng viên.

PV: Nhiều người vẫn rỉ tai nhau, muốn thành công chức Nhà nước, đặc biệt là giảng viên ĐH thì trước tiên phải có tiền tệ, sau đó phải có quan hệ rồi mới tính đến bằng cấp, trí tuệ. Ý kiến của giáo sư về vấn đề này?

GS.VS Phạm Minh Hạc: Tôi cũng đã nghe người ta đã có câu “nhất tiền tệ, nhì quan hệ, ba hậu duệ, bốn trí tuệ”. Điều này quá nguy hiểm, bởi ĐH là nơi đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao. Mà nhân lực chính  là trí tuệ, không đặt trí tuệ lên đầu thì sao có thể chấp nhận được.

Ở nước ta có một nghịch lý, số lượng thạc sĩ, tiến sĩ hằng năm vẫn tăng đều đặn, trong khi giảng viên có trình độ tương đương vẫn thiếu. Điều này xuất phát từ thực tế, muốn được “chen chân” vào giảng dạy trong một số trường hoàn toàn không đơn giản. Đó là chưa kể đến việc phải có “chân trong chân ngoài”, chạy lên chạy xuống mới giành được “suất”. Đó là một thực tế tồn tại từ lâu trong ngành giáo dục cũng như nhiều ngành khác. Thủ tục rườm rà, chế độ lương bổng, đãi ngộ thấp, cơ chế xin cho… dẫn đến việc nhiều người có trình độ không muốn “dấn thân” vào nghiệp giảng dạy ĐH.

Ở các nước thuộc top đầu, tiêu chuẩn đầu tiên đầu tiên là trí tuệ nên đất nước họ mới phát triển. Người giỏi được tự do phát triển tài năng. Khi sắp vào thế kỷ XXI họ đã tính có bao nhiêu % người giỏi nhất để đưa nước Mỹ tiến lên. Chúng ta cũng lấy 2% học sinh cấp III được kỳ vọng sẽ phát triển đất nước nhưng thực ra con số đó lấy từ nước Mỹ, ở ta chẳng có ai tính toán cả. Từ năm 1965 đã có trường chuyên nhưng bây giờ không có con số nào cho thấy đã đào tạo bao nhiêu hay bao nhiêu người trong số đó đã được đào tạo thành tài.

Nhà trường và giáo viên có vai trò lớn nhưng chỉ là người dẫn đường chỉ lối, còn chuyện có đi và có đến đích hay không là do cái đầu của mình. ĐH là một cơ quan trí tuệ thì phải trí tuệ từ đầu chứ. Không những ĐH, một đất nước thịnh vượng thì trí tuệ cũng phải đặt lên hàng đầu.

Khó sống bằng lương

PV: Đã từ lâu, chuyện giáo viên, giảng viên không sống được bằng lương đã phản ánh rất nhiều trên báo chí. Cách tính lương hiện hành, lương giảng viên ĐH cụ thể như thế nào?

GS.VS Phạm Minh Hạc: Theo bảng lương hiện hành, thạc sĩ ra là hơn 3 phẩy, tiến sĩ là hơn 4 phẩy. Gần đây tôi thấy xuất hiện thêm bậc lương của giáo sư và phó giáo sư chứ trước không có. Bậc lương theo bảng Nhà nước thống nhất trong tất cả các ngành, ngoài ra có phụ cấp giảng dạy, ví dụ sư phạm được phụ cấp 50% trong mức lương của mình. Thứ ba là thâm niên. Thứ tư là thưởng các giờ dạy ngoài chỉ tiêu.

Có một số giảng viên Trường ĐH Ngoại thương chia sẻ với báo chí, cụ thể như sau: Lương theo hệ số Nhà nước (trường nào cũng bằng trường nào), có thêm phụ cấp thâm niên, phụ cấp chức vụ nhưng không đáng là bao. Lương từ nhà trường (tùy từng trường): Khoảng gấp 1,5 lần lương Nhà nước trả. Tiền giảng vượt giờ: Cao nhất khoảng 30 triệu/năm (nhưng theo phản ánh của giảng viên thì đạt được số tiền vượt giờ này phải đi dạy với một mật độ “khủng” và thường không thể duy trì trong thời gian dài được). Trung bình mỗi giảng viên có tiền vượt giờ 10 triệu/năm.

Sinh viên nhận bằng tốt nghiệp

Ngoài ra có tiền nghiên cứu khoa học nhưng không phải giảng viên nào cũng có vì ít người có cơ hội nhận đề tài, thậm chí bây giờ phải là tiến sĩ, giáo sư, phó giáo sư mới được làm chủ nhiệm đề tài. Nếu chỉ tham gia nghiên cứu cùng thì khoản tiền này không đáng là bao. Cuối cùng là tiền tết (khoảng 1 triệu) và tiền hè (khoảng 800 ngàn).

Tính tổng cộng lại rồi chia trung bình ra thì thu nhập từ trường của giảng viên có bằng tiến sĩ, thâm niên 15 năm (thời gian công tác mà theo nhà trường là ở mức trung bình) là khoảng 7,5 triệu, nếu có chức danh phó giáo sư, chức vụ từ trưởng phòng trở lên là khoảng 9 triệu đồng/tháng.

Như vậy, nếu tính thời gian tăng lương trung bình là 3 năm/lần thì cho đến khi về hưu, một giảng viên có bằng tiến sĩ và chức danh phó giáo sư thì thu nhập cũng chỉ đạt tối đa 11 triệu/tháng.

PV: Hiện nay có khá nhiều giảng viên ta thán về mức lương được nhận, cho rằng phải “chạy sô” mới đủ sống, điều này có lý giải cho thực trạng giảng viên coi nhẹ việc giảng dạy trên lớp và sống chủ yếu bằng dạy ngoài?

GS.VS Phạm Minh Hạc: Tất nhiên ảnh hưởng đến nhiều lắm chứ. Người ta phải làm việc này việc kia để lo toan cho cuộc sống tối thiểu chứ không tập trung vào làm nghề. Một số người ở ngoại thành về phải trồng rau, nuôi gà hay ở Hà Nội có người còn bán hàng chẳng hạn.

Hầu như các trường ĐH, ít ai tập trung nghiên cứu, ít ai cố gắng tìm tòi học hỏi thêm mà về làm việc khác hết. Chỉ lo đi dạy chỗ này, hướng dẫn chỗ kia sao đủ sống, nuôi được vợ con. Có khoa không có một bài báo khoa học trong nước nào hết chứ đừng nói đăng ở nước ngoài. Bây giờ rõ ràng nghiên cứu khoa học rất ít người làm. Chính việc chạy sô làm ngoài, lo cơm áo gạo tiền đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giảng dạy trên lớp và cũng gián tiếp ảnh hưởng tới chất lượng nguồn nhân lực mà chúng ta đào tạo ra.

PV: Liệu thu nhập này giảng viên Việt Nam phù hợp với công sức, trí tuệ đã bỏ ra, hay giảng viên Việt Nam đang được hưởng cao hơn mức vốn có, thưa ông?

GS.VS Phạm Minh Hạc: Thế nào là phù hợp? Bảng lương Nhà nước chỉ có một, lại là bảng lương hành chính. Ở nhiều nước, lương giáo dục không nằm trong bảng lương hành chính. Khi tôi công tác ở Bộ đã đề cập với Chính phủ nhiều lần, bây giờ cũng có nhiều bài báo nhắc lại vấn đề đó nghĩa là giáo dục nên có bảng lương riêng. Lương Nhà nước là hành chính, còn nói đến giáo dục thì phải là lương chuyên môn.

Năm 1990 khi có 2 Bộ Giáo dục và Bộ Đại học, Chính phủ cử tôi là Bộ trưởng Bộ Giáo dục, là đại diện của Chính phủ giao thiệp với Ngân hàng Thế giới về vấn đề này nhưng cho đến nay vẫn chưa bao giờ được chấp nhận.

Việc trả lời xứng đáng hay không, theo tôi là không phù hợp vì thị trường sẽ phán xét chứ không phải các cá nhân.

Các trường tốt đang phải giành giật những thầy cô giáo giỏi và những người giỏi thực sự đang có cuộc sống tốt hơn nhiều. Đây là tín hiệu tốt.

PV: Trong một nghiên cứu, khảo sát về lương giảng viên Việt Nam “Thu nhập giảng viên cao nhất lên đến hơn 1 tỉ đồng/năm” của Tiến sĩ Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH FPT và tác giả Phạm Hiệp, lương giảng viên Việt Nam có thu nhập cao nhất hơn 1 tỉ đồng/năm gây bất ngờ lớn. Ông đánh giá thế nào về kết quả này?

GS.VS Phạm Minh Hạc: Thông tin này khiến tôi rất ngạc nhiên, bởi không thể có mức thu nhập như thế được. Tôi có một ông bạn là giáo sư Vật lý đầu ngành của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), gắn bó với nghề giáo gần 40 năm. Lương của ông ấy được hưởng hệ số 8,7 nhân với 1.130.000 đồng, ngoài ra trường có quỹ phụ cấp cho ông ấy 3,5 triệu, lương thâm niên của ông ấy 3,5 triệu nữa. Mỗi tháng ông ấy lĩnh khoảng 18 triệu.

Ngoài ra, ông ấy viết bài cho báo vật lý quốc tế và tương đối nổi tiếng. Hiện nếu có một bài viết như thế, nhà trường trả cho 300 triệu nhưng rất ít người có vinh dự này. Ông ấy nói cố gắng 1 năm một bài. Tính đến thời điểm này, ông ấy có 80 bài đăng ở tạp chí quốc tế.

Một giảng viên trẻ mới ra trường có lẽ chỉ có thu nhập chưa đến 100 triệu đồng/năm, với mức này thì giảng viên rất khó để duy trì cuộc sống đầy đủ và có thể dẫn tới tình trạng làm thêm, làm nghề “tay trái”. Để khắc phục tình trạng này, chúng ta nên nới lỏng hệ thống thu nhập: Bên cạnh thang lương thông thường theo thang lương công chức thì cán bộ giảng dạy có thể được hưởng thu nhập đặc biệt từ nguồn trong và ngoài ngân sách.

Cần hiểu rằng mức lương của một người giảng dạy ĐH phải thể hiện rõ nét ưu tiên của xã hội đối với giáo dục ĐH. Để có thời gian nghiên cứu tốt thì ứng viên tuyệt đối cần thời gian tư duy và không bị ràng buộc bởi các vấn đề như “cơm áo gạo tiền”. 

PV: Xin cảm ơn giáo sư!

Ở Mỹ, trước khi hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1995, lương của giáo sư vào loại nổi tiếng là 160 nghìn USD mỗi năm, trong khi Tổng thống chỉ có 220 nghìn USD, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cũng 180 nghìn USD. Nhưng họ có chế độ riêng, một vài năm sẽ được Nhà nước đầu tư riêng cho một công trình nghiên cứu, ông ấy tự phải làm ra sản phẩm đã ký với Nhà nước, thậm chí mua những sách quý ông ấy có quyền dùng tiền này.


Khánh An (thực hiện)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Nhật Bản đón mùa hoa anh đào nở sớm

Nhật Bản đón mùa hoa anh đào nở sớm

(PetroTimes) - Hiệp hội Thời tiết Nhật Bản (JWA) cho biết hoa anh đào ở thủ đô Tokyo sẽ nở từ ngày 21/3 và đạt đỉnh điểm một tuần sau đó.