Giáo viên “chán nghề”: Lương thấp, sao có thể tâm huyết?

13:10 | 25/11/2012

4,775 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Một con số vừa được Viện Khoa học Giáo dục công bố đã thực sự gây sốc: Gần 50% giáo viên được hỏi cho biết, nếu được chọn lại họ sẽ không chọn nghề giáo. Nguyên nhân chính vẫn là chuyện muôn thuở: Lương không đủ sống khiến giáo viên không thể tâm huyết với nghề.

Không thể sống bằng lương

Kết quả "Nghiên cứu đề xuất các giải pháp cải cách công tác đào tạo giáo viên phổ thông" do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam thực hiện khảo sát 950 cán bộ quản lý, giáo viên ở 36 trường tiểu học, THCS và THPT tại 5 tỉnh, thành; và đã cho thấy: Với câu hỏi "Nếu được chọn lại nghề khác thì ông (bà) có chọn nghề dạy học nữa không? Số giáo viên không còn muốn làm nghề giáo ở cấp tiểu học là 40,9%, cấp THCS là 59%, và THPT là 52,4%.

Lý do đưa ra đều thống nhất: Lương thấp, công việc quá căng thẳng, chịu nhiều áp lực. Tỷ lệ này có sự khác biệt giữa các vùng miền, cấp học. Đối với bậc tiều học, giáo viên thành phố nhiều bức xúc, không bằng lòng với công việc, với bậc THCS, THPT, số người muốn chọn lại nghề ở khu vực nông thôn lại cao hơn.

Đối với giáo viên mới ra trường, tiền lương khoảng 2 triệu đồng/tháng; với giáo viên thâm niên khoảng 10 năm, tiền lương trung bình trên 3 triệu đồng/tháng. Để có cuộc sống tạm ổn, họ phải làm thêm (dạy thêm, làm vườn, buôn bán...).

50% giáo viên "chán" nghề

Qua khảo sát cho thấy, tiền lương của giáo viên hiện nay không tương xứng với lao động sư phạm và áp lực công việc, ở thành phố không đảm bảo được mức sống trung bình của địa phương.

Còn nhớ cách đây hơn 6 năm, vào ngày 17/11/2006, trong buổi gặp gỡ 13 nhà giáo nhân dân vừa được phong tặng danh hiệu, và một số giáo sư ở khu vực phía Bắc đại diện 44 giáo sư mới được công nhận chức danh năm 2006, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã nói bộ sẽ trình Chính phủ đề án cải cách tiền lương nhà giáo để đến năm 2010, nhà giáo có thể sống được bằng đồng lương của mình.

Thế nhưng đã đến cuối năm 2012, vấn đề lương của giáo viên vẫn là vấn đề nóng của dư luận và giáo viên vẫn chưa thực sự sống bằng đồng lương của họ. Từ đó kéo theo hàng loạt những hệ lụy tiêu cực như dạy thêm, học thêm, nhận phong bì… làm xấu đi hình ảnh của người giáo viên trong mắt phụ huynh và học sinh.

Cô Nguyễn Thị Quý, giáo viên cấp tiểu học tại ngoại thành Hà Nội chia sẻ: “Sau 25 năm đứng lớp, tổng cộng thu nhập của tôi chỉ được hơn 4 triệu, đã gộp cả thâm niên đứng lớp. Trong đó, tôi còn 2 đứa con đang học THPT, học phí không cao lắm nên chúng tôi còn xoay sở được. Sắp tới các cháu vào ĐH. Vợ chồng tôi không biết sẽ phải chi trả tiền học phí ở các cấp học cao hơn ra sao”.

Tài sản lớn nhất của gia đình cô Quý là chiếc TV màn hình màu, chiếc xe cúp 76 và chiếc xe đạp cũ. Để có tiền trang trải cuộc sống, cô và chồng đã phải làm đủ mọi nghề, từ phụ hồ, dán quạt đến chăn nuôi lợn gà.

Cô cho biết: “Với mức lương hiện nay thì tôi và gia đình không thể sống được bằng lương. Sau 25 năm đứng lớp, dạy biết bao thế hệ học trò, thế mà lương trả không bằng 1/2 của sinh viên mới ra trường. Nhiều lúc nghĩ lại, tôi thấy chạnh lòng”.

Lương thấp – khó kiếm người tài

Với mức lương bình quân từ 3 đến 3,5 triệu đồng/tháng; sau 25 năm từ 4,1- 4,7 triệu đồng/tháng, cũng dễ hiểu khi tỷ lệ giáo viên không muốn theo nghề lên tới 50%.

Nhiều người coi nghề giáo là nhàn, điều đó hoàn toàn sai. Lao động của người thầy giáo là hội tụ của lao động trí óc, nghệ thuật thuyết trình, dẫn dắt, dùng nhân cách của mình giáo dục học trò, để làm tốt điều này họ phải học suốt đời. Và không thể thiếu sức khỏe bởi cường độ đứng lớp ở các bậc học từ 16 - 20 tiết/tuần, rất căng thẳng ở trường, về đến nhà còn phải soạn bài, chấm bài đến tận khuya...

Thế nhưng những biện pháp đãi ngộ cho công sức bỏ ra của giáo viên hoàn toàn không xứng đáng. Với số tiền lương gần 5 triệu/ tháng, có lẽ không có giáo viên nào dám nói mình sống được bằng lương, nếu không, đó là sẽ một cuộc sống thiếu trước hụt sau.

Và “hiện tượng” tiền lương còm cõi, ít ỏi như vậy của giáo viên như vậy đã khiến số lượng sinh viên lựa chọn ngành sư phạm và chọn nghề giáo càng ngày càng giảm đi. Một thực tế là hiện nay, xu hướng chọn nghề của học sinh THPT đã có nhiều thay đổi, lượng hồ sơ của các em đăng ký vào các ngành sư phạm cứ thưa dần, đáng báo động hơn là hầu như số học sinh khá giỏi thi vào các trường sư phạm chỉ đếm được đầu ngón tay, chả thế mà điểm chuẩn đầu vào của các ngành, các trường sư phạm gần đây giảm xuống mức thấp không ngờ. Và liệu đầu vào thấp, ai dám đảm bảo đầu ra sẽ cao?

Đãi ngộ thấp, ngành sư phạm khó kiếm người tài

Có nhiều nguyên nhân: Hoặc là các em không đam mê nghề giáo vì cho rằng vào nghề giáo vất vả, áp lực lớn, thời gian khắt khe, nhìn thấy các thầy cô giáo của mình vất vả thì cũng chạnh lòng.

Ngoài ra, nhiều em còn tính toán về thu nhập trong tương lai: mức sống của giáo viên thua kém xa so với một số ngành nghề khác. Hay là do nhận thức của các em cho rằng: Học sư phạm ra kiếm việc rất khó, mà nhiều tấm gương anh chị em sinh viên, thậm chí có một số sinh viên đã theo học xong bằng Thạc sỹ nhưng để có được biên chế vào nhà nước là một điều không dễ dàng.

Phần đông nhà giáo hoặc những sinh viên sư phạm không đòi hỏi có nhà to, xe đẹp, bởi họ theo nghề, giữ nghề vì tình yêu với công việc và các thế hệ học sinh. Tuy nhiên, nếu lương không đủ sống thì họ không thể dành trọn tâm huyết cho sự nghiệp trồng người mà phải lo duy trì cuộc sống của cả bản thân và gia đình trước khi nghĩ về người khác.

Vì thế, hiện tượng “chán nghề”, dạy thêm – học thêm hay nhận phong bì chỉ là hệ lụy tiêu cực của việc lương giáo viên không đủ sống. Để giáo viên nghèo, không sống nổi với đồng lương của mình thì khó có thể đòi hỏi các thầy, cô phải hết lòng vì sự nghiệp giáo dục. Lòng yêu nghề vẫn còn đó, nhưng khi cuộc sống còn bấp bênh, gia đình còn nghèo khó thì để tình yêu ấy, nhiệt huyết ấy trọn vẹn thì quá khó.

Và nếu chúng ta không nhanh chóng nghiên cứu lại mức lương trả cho giáo viên sao cho phù hợp, thì những người có tâm, có tài sẽ không bao giờ chọn ngành giáo dục, và điều này ảnh hưởng trực tiếp tới tương lai của đất nước.  

Vương Tâm

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.