Giữ nguyên hệ thống giáo dục hiện hành

10:50 | 29/08/2014

1,386 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) vừa rút lại đề xuất thay đổi hệ thống giáo dục được thực hiện trong 10 năm và xin giữ nguyên hệ thống giáo dục phổ thông hiện hành (gồm 5 năm tiểu học, 4 năm trung học cơ sở (THCS) và 3 năm trung học phổ thông (THPT).

Đại diện Bộ GD-ĐT, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển thông báo, Bộ đã rút lại phương án thay đổi về hệ thống giáo dục, tức là xin giữ nguyên hệ thống giáo dục phổ thông hiện nay (gồm 5 năm tiểu học, 4 năm THCS và 3 năm THPT).

Theo ông Hiển, trước đó, có nhiều ý kiến đề nghị thay đổi như đề xuất của Bộ GD-ĐT (thêm 1 năm học ở bậc THCS), nhưng qua phiên họp của Ủy ban quốc gia về đổi mới GD-ĐT, Hội đồng Phát triển giáo dục và nhân lực cũng như nhiều ý kiến khác, Bộ GD-ĐT quyết định giữ nguyên như hiện hành.

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp 2014

Góp ý về dự thảo, Giáo sư Đào Trọng Thi (Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội) nhận định giáo dục phổ thông 9 năm như hiện nay là quá đủ. Học sinh học xong bậc trung học cơ sở là hoàn tất chương trình cơ bản, có thể theo học nghề. Vì vậy, học sinh học thêm một năm THCS cũng không giải quyết vấn đề gì mà còn kéo theo nhiều vấn đề phát sinh như trường thiếu cơ sở vật chất, trong khi trường phổ thông cơ sở lại thừa, rồi đội ngũ giáo viên phải phân bổ lại…

Giáo sư Văn Như Cương (Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh) cũng bày tỏ băn khoăn, nếu như thực hiện theo phương án học hệ THCS 5 năm sẽ phải thay đổi rất nhiều thứ bởi học sinh đang học hệ THPT 3 năm nay lại phải giảm xuống còn 2 năm. Trong khi đó, về cơ số giáo viên, trường lớp cũng phải có sự thay đổi lớn.

Theo dự thảo Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông mà Bộ GD-ĐT đưa ra, sẽ có 2 phương án xây dựng SGK, phương án 1 là Bộ GD-ĐT trực tiếp biên soạn bộ SGK mẫu, sau đó huy động các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn thêm nhiều bộ sách; phương án 2 là bộ này chỉ thẩm định chất lượng các bộ SGK được tổ chức, cá nhân biên soạn.

Phần đông các chuyên gia giáo dục đều nhất trí với phương án 1, Bộ GD-ĐT nên viết 1 bộ SGK nhưng vẫn khuyến khích các tổ chức, cá nhân khác biên soạn sách.

Khánh An