GS Nguyễn Đăng Hưng: Phải cải cách giáo dục một cách căn cơ!

07:00 | 21/08/2014

1,645 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) -Trong trái tim nhà khoa học sinh ra ở Ðiện Bàn - Quảng Nam ngày nào, GS Nguyễn Ðăng Hưng chưa bao giờ quên những ngày học hành gian khó. Chương trình “Du học tại chỗ” do ông khởi xướng dưới sự hỗ trợ của Chính phủ Bỉ đã giúp đào tạo trên 500 thạc sĩ, nghiên cứu sinh Việt Nam. Nhiều người trong số họ giờ rất thành công trên con đường nghiên cứu khoa học. Hiện GS Nguyễn Ðăng Hưng mang hai quốc tịch Bỉ và Việt Nam, là giáo sư danh dự của Ðại học Liège.

Năng lượng Mới số 349

Có duyên với cơ học

Có quãng đời 40 năm làm khoa học ở Bỉ, GS Nguyễn Ðăng Hưng đã trải qua và đảm trách tất cả các chức vị ở ÐH Liège. Có thể khẳng định đó là một cuộc đời lắm gian truân nhưng cũng đầy vinh quang, tự hào của ông. Nếu muốn thành công ở xứ người, GS Hưng cho rằng, bản thân mình phải phấn đấu gấp bội người dân bản xứ mới có được cái nhìn nể trọng từ họ.

Năm 1960, ông là một trong ba sinh viên xuất sắc của Việt Nam thời đó đã nhận được học bổng tại Vương quốc Bỉ. Ông chọn học ngành Vật lý Hàng không và Không gian tại ÐH Liège. Ngày đó, sinh viên Nguyễn Ðăng Hưng thấy mình may mắn khi du học ở Vương quốc Bỉ không có kỳ thị, phân biệt chủng tộc, tuy nhiên họ chưa xem trọng những dân tộc có trình độ khoa học công nghệ chưa phát triển.

Phải cải cách giáo dục một cách căn cơ!

GS-TSKH Nguyễn Đăng Hưng

Ông nhớ lại: “Tuy nhiên, họ coi thường không lâu vì cả ba chúng tôi đều học giỏi, nên người Bỉ từ chỗ e ngại, sau đó là ngạc nhiên, nể trọng”. Ấy là vì cả ba chàng trai đến từ Việt Nam trong kỳ thi đầu vào đều có điểm số cao nằm trong tốp 5 người đỗ cao nhất trong Trường ÐH Liège năm ấy. Từ ngày kết quả thi đầu vào Trường ÐH Liège xuất hiện trên báo chí đã làm cho người Bỉ có cách nhìn nể trọng hơn về họ. Nên giờ đây, ông rút ra một điều, để cho phương Tây và những nước phát triển nể trọng mình thì chất xám rất quan trọng. Phải phát triển đất nước dựa trên chất xám, trí tuệ, một nền kinh tế phát triển trên nền khoa học công nghệ phát triển chứ đừng chỉ dựa vào tài nguyên quốc gia. Vì tài nguyên thì cũng dần cạn kiệt theo thời gian. Ðó cũng là cách mà Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… đã làm và phương Tây rất nể trọng.

Con đường đến với nghiên cứu khoa học không gian và khoa học xây dựng thành công, theo GS Nguyễn Ðăng Hưng là có phần may mắn. Vì sau khi tốt nghiệp đại học với kết quả xuất sắc, năm 1966, kỹ sư Nguyễn Ðăng Hưng được một giáo sư trong Khoa Kỹ thuật Hàng không và Không gian (LTAS) giữ lại. Nhờ vị giáo sư này mà kỹ sư Hưng đi vào con đường nghiên cứu khoa học chuyên sâu ở một lĩnh vực khoa học công nghệ cao đang phát triển mạnh ở các nước phát triển, mạnh nhất từ thập niên 70 của thế kỷ XX. Ông lần lượt được thăng chức từ trợ giảng (năm 1968) đến trợ lý giáo sư (năm 1972) và giảng viên (năm 1978). Sau đó ông làm nghiên cứu sinh dưới sự hướng dẫn của GS Fraeijs de Veubeke, một chuyên gia hàng đầu về phần tử hữu hạn và là người đề xướng ra mô hình cân bằng. Hội đồng thẩm định luận án tiến sĩ đặc biệt (Doctorat spécial, tương đương với Habilitation PhD) của ông gồm nhiều các nhà khoa học tên tuổi của thế giới như GS Daniel Drucker (ÐH Florida, Hoa Kỳ), GS Marcel Save (ÐH Mons), GS Charles Massonnet (ÐH Liège), GS Giulio Maier (ÐH Milan)… bằng tốt nghiệp của ông được Hội đồng luận văn thống nhất cho điểm tuyệt đối.

Ðó là cái may trong cuộc đời làm khoa học của ông. Sau vì lý do hợp đồng mà ông chuyển qua làm ở Khoa Xây dựng và có dịp gặp gỡ với một giáo sư rất có tiếng trong lĩnh vực xây dựng trên thế giới. “Ông tuyển vì thấy tôi là một sinh viên xuất sắc. Vị giáo sư này từng nhắn tôi về làm ở Khoa Xây dựng nhưng lúc đó tôi mơ mộng nghiên cứu về khoa học không gian, vũ trụ nên theo GS Fraeijs de Veubeke về Khoa Kỹ thuật Hàng không và Không gian. Còn xây dựng, cầu đường có vẻ thực dụng quá nên chưa theo”, GS Hưng lý giải về cơ duyên đến với kỹ thuật hàng không và không gian. Ông vẫn nhắc đi nhắc lại: “May mắn trong sự nghiệp khoa học của tôi là sau khi ra trường, được làm việc với những vị giáo sư rất giỏi ở Bỉ và có uy tín trong giới học thuật thế giới”.

Và như thế, nghiên cứu của ông đi từ trên trời dần dần đáp xuống dưới đất. Ông có may mắn nghiên cứu từ cấu trúc không gian xuống cấu trúc ở mặt đất. Những đóng góp chính cho chuyên ngành cơ học của ông bao gồm, Lý thuyết đối ngẫu trong phần tử hữu hạn và lý thuyết dẻo, các mô hình cân bằng, phương pháp phần tử hữu hạn lai (metis), chương trình CEPAO (dùng để phân tích giới hạn dẻo và tính toán tối ưu các kết cấu công trình khung phẳng thép), chương trình ADELEF (phát triển cho các bài toán phân tích giới hạn), đóng góp một số modules tính toán cho chương trình SAMCEF (một software thương mại dùng để tính toán kết cấu bằng phương pháp phần tử hữu hạn), phân tích shakedown... Ðó là thế mạnh của ông. Vì thế, những nghiên cứu của ông có những bài rất lý thuyết nhưng cũng có những bài rất thực tiễn. Sự nghiệp khoa học của GS Nguyễn Ðăng Hưng được nhiều nhà khoa học thế giới biết đến vì ông là học trò của những nhà khoa học nổi tiếng được giới học thuật trên thế giới biết đến rồi. Ðiều này cũng là cơ may trong cuộc đời khoa học của ông. Khi làm việc với các nhà khoa học nghiêm túc thì ông học được rất nhiều kinh nghiệm cho hành trình nghiên cứu khoa học về sau. Ông là giáo sư thực thụ năm 1991, đồng thời là Trưởng bộ môn Cơ học Phá hủy của LTAS. Ông nghỉ hưu và là giáo sư danh dự của Ðại học Liège từ năm 2006.

Có nhiều đóng góp quan trọng như vậy nhưng ông tự đánh giá, sự nghiệp khoa học của mình chỉ ở tốp 10% những nhà xuất sắc nhất thế giới chứ không phải ở trong tốp 1%. 20 năm nay vì quá bận với công việc ở Việt Nam mà công tác nghiên cứu khoa học của ông không có nhiều công trình có tiếng vang như 40 năm trước.

Nặng lòng với quê hương

Ðang trên con đường vinh quang như thế, nếu cứ mãi theo con đường nghiên cứu khoa học, biết đâu GS Nguyễn Ðăng Hưng sẽ có tiếp những công trình nghiên cứu khác có tiếng vang hơn. Tuy nhiên, vì nặng lòng với quê hương mà từ năm 1990 đến 1995 ông thường xuyên về nước giảng dạy… Sau đó, bằng uy tín của mình, GS vận động trong nước và quốc tế ủng hộ thành lập hai trung tâm đào tạo cao học, sáng lập viên và điều phối viên chương trình cao học Bỉ & Việt EMMC để giúp Trường ÐH Bách Khoa (ÐH Quốc gia TP HCM) đào tạo thạc sĩ ngành “Tính toán cơ học trong xây dựng”.

Từ năm 1995 đến 2007, chương trình này đã đào tạo 12 khóa, bao gồm 216 thạc sĩ và 40 tiến sĩ đã tốt nghiệp. Không chỉ làm công tác quản lý mà GS Hưng còn là nhà sáng lập, nhà điều động, lập dự án, xin tài trợ. Công việc mệt nhất ông cho là thủ tục báo cáo tài chính. Ông tiếp tục vai trò này trong vòng 12 năm, không ngưng nghỉ. Có thể nói, 20 năm về sau, từ 1990 đến 2007, ông không có nhiều thời gian cho nghiên cứu khoa học: “Bắt buộc tôi phải chọn lựa. Hoặc anh chọn lựa sự nghiệp cho riêng mình hay anh về đóng góp cho đất nước”, GS Hưng tâm sự.

Phải cải cách giáo dục một cách căn cơ!

GS Nguyễn Đăng Hưng tại lễ phát bằng Thạc sĩ của trường ĐH Liège, Vương Quốc Bỉ tại Hà Nội

Chia sẻ về nguyên nhân ông quyết định về nước. Vì từ năm 1990, khi nước nhà đổi mới, ông về nước tham gia các buổi thuyết trình (seminar) ở các trường đại học từ Nam ra Bắc. Càng đi, càng gặp gỡ sinh viên thì ông thấy rằng, trình độ các thầy quá tụt hậu nên Việt Nam rất cần đào tạo các thầy để nhanh chóng thoát khỏi cảnh tụt hậu so với thế giới. Sau đó, ông tích cực đi kiếm tài trợ để hỗ trợ các lớp cao học. Dĩ nhiên, ông chỉ có thể làm trong chuyên môn của mình. Ông mừng vui chia sẻ: “Trong 70 tiến sĩ của chương trình này có đến 90% các em trở về Việt Nam làm việc sau khi hoàn thành luận án tiến sĩ. Ðó là một thành công lớn của chương trình, hạn chế tối đa việc chảy máu chất xám. Nên hầu hết các trường đại học ở Việt Nam cũng như các công ty cũng như các cơ sở nghiên cứu khoa học cần ngành tính toán thiết kế đều tuyển dụng được những người giỏi”.

Khi quyết định về giúp quê hương, may mắn lại đến, khi đó ông đã là GS Trưởng bộ môn Cơ học Phá hủy của LTAS nên có tinh thần độc lập cao và làm chủ thời giờ. Ðồng thời, khi ở vị trí Trưởng bộ môn của ÐH Liège thì theo quy định ông có một trợ lý, một thư ký và có đội ngũ cộng tác viên thay thế giảng dạy khi bận về Việt Nam thực hiện dự án đào tạo. Ông chính thức có chữ ký trong mọi dự án đào tạo... Thời gian đó, mỗi năm ông sống ở Việt Nam 4 tháng song song với đó ông phải lo chu toàn công tác của một Trưởng Bộ môn ở ÐH Liège. Phải nói, ông có sức làm việc phi thường như quên đi tuổi tác. Trong một thời gian dài, gần 20 năm, ông làm việc không có biết đến ngày nghỉ, kể cả cuối tuần. Nhưng không được hưởng lương của dự án đào tạo mà Chính phủ Bỉ chỉ cho hưởng lương giáo sư ở ÐH Liège. Nhưng đi công tác ở Việt Nam, các dự án cho ông được hoàn tiền máy bay, khách sạn, tiền tiêu vặt hằng ngày. Chính sách đó áp dụng không chỉ cho GS Hưng mà còn cho tất cả bạn bè giáo sư ở châu Âu ông mời về Việt Nam giảng dạy. Với uy tín học thuật của mình, trong 20 năm, ông đã mời về Việt Nam hằng trăm giáo sư, tiến sĩ quốc tế ở khắp các nước châu Âu, đông nhất là Vương quốc Bỉ.

Chương trình mà GS Nguyễn Ðăng Hưng thực hiện giúp đào tạo đội ngũ kỹ sư, chuyên gia Việt Nam là một chương trình đào tạo bài bản, nghiêm túc, có chất lượng. Tuy là du học tại chỗ nhưng chương trình giảng dạy như ở Bỉ, đòi hỏi chất lượng như ở Bỉ nên sinh viên phải học tập cật lực. Nếu thành công từ chương trình này, đậu với kết quả xuất sắc sẽ được đưa qua Bỉ thực tập. Khi tốt nghiệp xuất sắc, sinh viên được GS Hưng ủng hộ, viết thư giới thiệu với các trường đại học lớn ở Bỉ, Pháp, Canada, Úc, Mỹ và các nơi trên thế giới để làm tiếp nghiên cứu sinh. “Tôi không bao giờ gửi một em không có năng lực đi du học. Tôi đánh giá năng lực các em rất kỹ trước khi gửi đi. Vì vậy, gần như không có thất bại nào cả. Chữ ký của tôi là chữ ký có uy tín và có thương hiệu”, GS Nguyễn Ðăng Hưng khẳng định.

Tuy nhiên, năm 2006, GS Nguyễn Ðăng Hưng về hưu thì trung tâm bị giải thể. Tôi thắc mắc tại sao ông không tìm người khác thay thế vị trí của ông để tiếp tục sự nghiệp này. GS Hưng chân thành tâm sự: “Thật ra ÐH Liège của Bỉ vẫn tài trợ, tuy nhiên, công việc quá cực và không có ai chịu vất vả đến mức vậy để đi đi về về giữa Việt Nam - Bỉ tiếp tục công việc này. Ðó là một điều rất đáng tiếc. Công việc này đòi hỏi người đứng đầu phải bản lĩnh, cá tính và sức làm việc không ngừng nghỉ chứ không hề đơn giản. Ngày nào tôi cũng về nhà ăn cơm sau 9 giờ tối. Thứ Bảy, Chủ nhật tôi đi làm suốt, chuyện nhà cửa giao hết cho vợ. May mà vợ tôi hiểu, thông cảm và chia sẻ”.

Dù về hưu nhưng đến năm 2012, đồng nghiệp bên Bỉ và có giáo sư ở Bồ Ðào Nha vẫn nhờ GS Hưng tìm giúp những sinh viên Việt Nam xuất sắc sang Bỉ, sang Bồ Ðào Nha vừa làm dự án vừa làm nghiên cứu sinh. Ông vẫn nhớ, lúc đó có một sinh viên khóa cuối tên là Cao Ðức Toàn, nhà ở Quảng Ngãi rất nghèo. Ông giới thiệu cho một GS ở Lisbon (Bồ Ðào Nha). Sau anh Cao Ðức Toàn lấy được bằng tiến sĩ ở Lisbon với kết quả xuất sắc. Các nhà khoa học ở châu Âu rất tôn trọng, mời anh Toàn về làm những vị trí quan trọng trong nghiên cứu khoa học ở Ý, Ðức. “Giờ Toàn đã đi vào quỹ đạo nghiên cứu khoa học thế giới. Tôi hoàn toàn ủng hộ Toàn vì nhìn thấy em giống hoàn cảnh của tôi ngày xưa. Dù nghèo khó nhưng không cam chịu số phận. Vươn lên học tập không ngừng. Tinh thần hiếu học rất cao”, ông nhớ về người học trò giỏi.

Ông vẫn nhớ kỷ niệm trong chương trình “Du học tại chỗ” có 5 sinh viên rất nghèo nhưng nhờ được hưởng học bổng với số tiền hỗ trợ ít ỏi 100 euro/tháng, mà sau này, bằng nghị lực lớn, các sinh viên ấy giờ đều là những giáo sư có tiếng trong các lĩnh vực chuyên môn khác nhau.

Phải cải cách giáo dục một cách căn cơ!

Ðến giờ, sau bao nhiêu năm bôn ba khắp 5 châu. GS Nguyễn Ðăng Hưng rút ra những điểm mạnh và những điểm yếu của học trò Việt Nam. Ðiểm mạnh, theo ông, học sinh Việt Nam rất hiếu học. Người Việt Nam hiếu học. Ði học thì rất chịu khó. Ðây là điểm mạnh của sinh viên Việt Nam mà hơn 100 nhà khoa học quốc tế về dạy ở Việt Nam đều đánh giá như vậy. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh lịch sử cộng với những chính sách giáo dục chưa phù hợp đã tạo cho sinh viên Việt Nam nhiều điểm yếu. Ông phân tích, thứ nhất là ngoại ngữ kém. Học sinh của chương trình những năm 90 chỉ học tiếng Nga, tiếng Trung. Cái yếu về tiếng Anh, tiếng Pháp khi đi du học cũng là nỗi khổ tâm của GS Hưng khi gửi sinh viên sang nước ngoài. Các giáo sư chê nói tiếng Anh sinh viên Việt Nam không hiểu, không trao đổi được. Chính GS Hưng phải gặp từng giáo sư hướng dẫn thuyết phục là các sinh viên Việt Nam mà ông gửi qua đều là những người giỏi nhưng ngoại ngữ kém thật: “Khi giáo sư trao đổi nên viết ra và yêu cầu sinh viên viết lại, vì các học trò của tôi khả năng nghe nói chưa tốt. Tuy nhiên, tôi xin bảo đảm đây là các sinh viên giỏi. Chỉ 3 tháng sau, các ông sẽ ngạc nhiên về khả năng nghe nói của học trò tôi”. Quả đúng như vậy, càng về sau, sinh viên Việt Nam càng học càng xuất sắc. “Các bạn học ngày học đêm, kể cả thứ Bảy và Chủ nhật, những kết quả các em đưa ra đều khiến các giáo sư hướng dẫn rất ngạc nhiên. Và đó cũng là niềm tự hào của tôi khi chọn các em gửi đi”, GS Hưng tâm sự.

Ðiểm thứ hai, sinh viên Việt Nam rất thụ động, siêng năng nhưng không quyết đoán. Ðó là kết quả của cách học thầy viết lên bảng, trò chép. Kết quả của lối giảng dạy và học tập theo giáo án. Kết quả của lối học tập không có trao đổi giữa thầy và trò mà luôn luôn là mệnh lệnh một chiều. Ðó là phong thái giáo dục hoàn toàn tụt hậu. Ông khẳng định rằng, một đất nước sẽ khó phát triển nếu không có những công dân có đầu óc phê phán. Sinh viên Việt Nam thiếu óc phê phán. Không dám phản bác những cái sai của người thầy. Thấy sai không phản bác thì cuối cùng tiếp tục trong cái sai đó thì vô cùng tai hại. Ông bảo: “Nhiều giáo sư nước ngoài nói với tôi, Việt Nam thật kỳ lạ, đào tạo những sinh viên không dám phê phán cái sai của thầy. Quá thụ động”. Ðấy là hai điểm yếu kém.

Do đó, Việt Nam muốn phát triển và hội nhập sâu rộng, theo ông phải cải cách giáo dục một cách căn cơ, bài bản. Phải đào tạo những công dân có trình độ và có khả năng chủ động, có óc phê phán và dám phê phán cái sai. Ðó là điều ông đang mong mỏi vào nền giáo dục nước nhà. Giờ đây, ông vẫn tiếp tục hết lòng vì sự nghiệp trồng người trên quê hương Việt Nam.

GS Nguyễn Ðăng Hưng được phong tặng:

- Huy chương: Hàn Lâm Viện Khoa học, Văn học và Nghệ thuật Hoàng gia Bỉ (1984).

- Huy chương Lao động hạng Nhất của Chính phủ Bỉ (1996).

- Ðược vinh danh là một trong 12 người nước ngoài làm cho nước Bỉ đổi thay (tuần báo VIF-EXPRESS, 16-7-1999).

- Huân chương “Ðại sĩ quan của Vua Léopold II”, Vương quốc Bỉ (1999).

- Bằng khen của Ủy Ban Nhân Dân TP. Hồ Chí Minh khen thưởng cho kiều bào có công với đất nước (2002).

- Ðược Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam và báo điện tử VIETNAMNET tặng danh hiệu “Giải thưởng vinh danh nước Việt”, tháng 2-2005.

- Nhiều bằng khen của Ủy Ban Nhân Dân TP Hồ Chí Minh khen thưởng cho kiều bào có công với đất nước.

- Nhiều bằng khen của Bộ Ngoại giao, Chính phủ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, khen thưởng cho kiều bào có công với đất nước.

- Huân chương “Ðại sĩ quan của Hoàng Gia”, Vương quốc Bỉ (2006).

Thiên Thanh