Học sinh dùng Facebook "chống phá" kỳ thi: Đuổi học chưa phải là hay!

14:40 | 09/01/2013

1,480 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Trước vụ việc một nữ sinh lớp 8 dùng Facebook thóa mạ thầy cô và bị buộc nghỉ học 1 năm, đã có nhiều ý kiến trái chiều về mức kỷ luật nhà trường đưa ra. Tuy nhiên, việc đưa những thông tin phản cảm lên Facebook có lẽ không hẳn chỉ là lỗi của học sinh, mà còn từ cả nhà trường và gia đình.

Nhận thức chưa cao

Học sinh bị áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi học 1 năm là nữ sinh Nguyễn Thanh Vy học sinh lớp 8/6 Trường THCS Lý Tự Trọng tại phường An Xuân, TP.Tam Kỳ, Quảng Nam lập trang Facebook và đã biết bài cùng ra lời "kêu gọi" học sinh phải bằng mọi cách, kể cả những cách tiêu cực để vượt qua đợt kiểm tra học kỳ 1 ở trường. Sau khi phát hiện trang Facebook có lời kêu gọi, lực lượng an ninh mạng phối hợp với cơ quan chức năng và ngành giáo dục TP. Tam Kỳ điều tra xác minh làm rõ chủ của trang Facebook.

Qua xác minh và làm rõ, Phòng GD-ĐT TP. Tam Kỳ đã chính thức xác nhận thông tin nữ sinh Nguyễn Thanh V. học sinh lớp lớp 8/6 Trường THCS Lý Tự Trọng tại phường An Xuân, TP.Tam Kỳ, Quảng Nam đã dùng Facebook với lời lẽ thóa mạ, xúc phạm thầy cô giáo.

Hiệu trưởng Trường THCS Lý Tự Trọng Nguyễn Tấn Sĩ cho biết: Ngày 17/12/2012, Nguyễn Thanh Vy là học sinh của Trường THCS Lý Tự đã dùng mạng xã hội Facebook để ra lời kêu gọi “Tuyên Ngôn Học Sinh...” kèm lời lẽ thóa mạ, xúc phạm thầy cô giáo.

Facebook của học sinh Nguyễn Thanh Vy.

“Hỡi toàn thể học sinh!! Chúng ta muốn an lành, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, bọn thầy cô càng lấn tới…” – những câu đầu tiên trong “tuyên ngôn” trên “tường” trang Facebook cá nhân của Vy.

Hành vi của em Vy đã xuyên tạc với lời lẽ thiếu văn hóa, thóa mạ nhà trường, thầy cô rất nghiêm trọng. Sau khi đưa lên mạng nhiều học sinh “hưởng ứng” với nhận thức sai lệch. Đặc biệt lời kêu gọi, xuyên tạc của Vy diễn ra nhằm vào kiểm tra học kỳ 1 của trường.

Thầy Sĩ cũng khẳng định, hành vi của V. đã vi phạm đến 3/5 mục của Điều 41, Điều lệ Trường THCS mà Bộ GD-ĐT quy định. Hình thức kỷ luật được quyết định bằng hình thức bỏ phiếu kín của hội đồng, đã có 8/9 phiếu đồng thuận với hình thức kỷ luật đó.

Trước đó, ngày 15/12, Nguyễn Thanh Vy đã bị nhà trường đuổi học 3 ngày vì đánh nhau với bạn học và lôi kéo nhiều người tham gia. Nhưng chỉ sau đó 1 ngày, bài viết này đã xuất hiện trên trang cá nhân của Vy. 

Trước thông tin em Nguyễn Thanh Vy bị buộc thôi học 1 năm do sử dụng Facebook thóa mạ thầy cô, phá hoại kỳ thi học kỳ I, dư luận bày tỏ nhiều ý kiến trái chiều và cho rằng hình phạt như vậy là quá nặng. Em Vy chỉ là một học sinh cấp 2, nhận thức có thể chưa được sâu sắc, thay vì kỷ luật nặng, buộc thôi học, nhà trường nên có hình thức kỷ luật mang tính răn đe và cho em có cơ hội sửa chữa.

Đừng chỉ quy lỗi cho học sinh

Rõ ràng, để xảy ra vụ việc này, em Vy là người có lỗi lớn nhất. Lỗi của em là không có suy nghĩ và nhận thức đúng đắn về Facebook cũng như những phát ngôn trên trang mạng xã hội này. Mạng xã hội là ảo, nhưng hậu quả nó mang lại là thật, và trường hợp của em Nguyễn Thanh Vy, cũng như khá nhiều bạn trẻ khác đã là những “tấm gương” cho nhiều người khác phải nhìn vào và rút kinh nghiệm.

Hơn nữa, đã là một học sinh, việc hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập và tôn trọng thầy cô giáo là điều các em phải hiểu và nhận thức được rõ ràng. Mặc dù em Vy phân trần rằng mình copy bản "Tuyên ngôn học sinh..." trên mạng và dán qua "tường" nhà mình chứ không phải do em tự sáng tác, hoặc có thể một người khác đứng tên, lấy password để sử dụng trang Facebook em Vy lập để nói xấu thầy cô. Điều này cho thấy, khả năng nhận thức đúng – sai của học sinh quá kém, dễ bị lôi kéo và có tư tưởng đua đòi.

Về vấn đề này, thầy Nguyễn Tấn Sĩ cũng khẳng định: "Thật ra tôi đọc cái "tuyên ngôn" ấy rồi, rất dài và lan tràn nhiều trên mạng. Nhưng em V. đã tự tay chỉnh sửa, biên tập lại theo ý kiến của mình rồi đưa lên trang của mình rõ ràng là có chủ ý. Với hành vi trên cũng đã quá vi phạm quy chế rồi".

Ngoài trách nhiệm của chính học sinh Nguyễn Thanh Vy, gia đình của em cũng có lỗi trong việc không quản lý và giáo dục con cái. Không thể giao hoàn toàn việc dạy dỗ cho nhà trường, bởi các thầy cô giáo chỉ tiếp xúc với các học sinh trong vài tiếng đồng hồ, thời gian còn lại không thể quản lý được.

 

Nhà trường vẫn giữ nguyên hình thức kỷ luật buộc thôi học 1 năm với em Vy.

 

Thầy Sĩ cũng cho rằng: “Ba lần làm việc trước đó, gia đình em Vy đã cam kết cùng nhà trường giáo dục con tốt hơn. Nhưng mỗi lần như vậy em tái phạm nặng hơn. Và bây giờ buộc thôi học có thời hạn cũng là hình thức giáo dục chứ chẳng ai muốn đẩy học trò mình ra đường”. 

Ông Lê Văn Chính, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Nam, cho biết chỉ nắm bắt vụ việc qua báo chí và đang hối thúc thanh tra sở vào cuộc xung quanh việc này. Sở cũng đã chỉ đạo Phòng giáo dục TP Tam Kỳ báo cáo ngay vụ việc để lãnh đạo sở theo dõi.

Ông Chính không đưa ra nhận xét về mức độ nặng nhẹ trong hình thức kỷ luật trên của Trường THCS Lý Tự Trọng với em Vy. Nhưng ông Chính nhận định: "Đây là hình thức vi phạm mới của học sinh, nhà trường cần theo dõi để giáo dục các em tốt hơn". 

Rõ ràng, để “đẩy” học sinh ra đường, “chặn đứng” đường học tập của học sinh là điều không thầy cô nào mong muốn. Thế nhưng để cảnh cáo, cũng như “đánh động” tới các bậc phụ huynh trong việc quan tâm, giáo dục con cái ngay từ gia đình, nhà trường đã đưa ra mức hình phạt khá nặng.

Sự việc này đã đánh động đến dư luận cả nước về vấn đề học sinh và thế giới mạng. Đây cũng là hồi chuông cảnh tỉnh cho tất cả các gia đình và trường học về việc nhìn nhận, quản lý học sinh chặt chẽ hơn khi sử dụng mạng Internet. 

Nhã Anh

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

(PetroTimes) - Không chỉ được ưu ái với thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ, Bình Định còn ghi dấu với loạt câu chuyện lịch sử, văn thơ và nền văn hóa độc đáo...