Khi học sinh xem mạng sống “nhẹ tựa lông hồng”?!

18:26 | 24/10/2012

1,735 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Chỉ trong vòng vài ngày, ngành giáo dục lại một phen rung động vì sự việc 2 học sinh tự tử và 1 học sinh rạch cổ tay. Mỗi học sinh lại có một lý do, một câu chuyện khác nhau, nhưng điểm chung của cả 3 em, đó là sự coi thường bản thân và mạng sống của mình.

Quyết định nông nổi

Ngày 16/10, em Trần Thị Thế Y học sinh lớp 11B1, Trường THPT Trần Kỳ Phong (H.Bình Sơn, Quảng Ngãi) bất ngờ dùng dao lam rạch cổ tay làm gân tay bị đứt. Lý do của hành động này là do Khi em Y xin phát biểu ý kiến nhưng cô giáo không cho với lý do ý kiến cá nhân thì phải trao đổi riêng, còn lúc này đang chuẩn bị kiểm tra bài cũ. Do không được phát biểu, em Y cảm thấy bực tức, sau đó dùng dao lam rạch cổ tay trái.

Ngày 18/10, em Nguyễn Thị Cẩm Tú, học sinh lớp 9/6, Trường THCS Trung Lập, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi, TP.HCM đã tìm đến cái chết do lỡ làm mất số tiền quỹ lớp hơn 600.000đ.

Đến ngày 23/10, em Nguyễn Thị L (SN 1997, học lớp 10, trường THPT Tiền Phong, huyện Mê Linh, Hà Nội) đã uống thuốc diệt cỏ tự tử. Theo điều tra ban đầu, em L vốn là lớp trưởng, không may làm mất 500 nghìn đồng tiền quỹ lớp nên sáng 20-10 em đã nghĩ quẩn, viết lại bức thư tuyệt mệnh rồi uống thuốc diệt cỏ tự tử. Khi gia đình phát hiện, cho đi cấp cứu thì đã quá muộn, em L đã tử vong.

 

Bức thư của em Nguyễn Thị L.

Theo đơn trình báo gia đình nạn nhân đến cơ quan CA xã Mê Linh, lúc đó phát hiện một chai thuốc sâu đã bị sử dụng dở, kiểm tra trong cặp sách em L. có một lá thư tuyệt mệnh. Trong lá thư, L. ghi vội lại mấy dòng chữ nguệch ngoạc “xin lỗi bố mẹ, xin lỗi thầy cô, bạn bè”.

Trước khi quyên sinh, trong hai lá thư mà em L. để lại có viết "Em thật sự xin lỗi thầy vì đã sơ ý mà làm mất tiền của lớp. Em không biết ai đã lấy nữa nhưng cũng tại em thầy ạ! Bố em sẽ đền tiền giúp em, sẽ trả lại lớp 500.000 đồng mà em đánh mất. Em cảm ơn thầy đã tin tưởng em, cho em làm lớp trưởng. Những ngày qua em, đã được sống và học tập với các bạn rất vui. Xa các bạn, em rất buồn nhưng buộc phải làm thế để chứng minh em trong sạch. Thầy ơi cho em xin lỗi vì đã để thầy nhắc”.. Và cách chứng minh của L. chính là uống thuốc diệt cỏ tự tử.

Sự ra đi của các em để lại cho gia đình, thầy cô và bạn bè nỗi đau xót vô tận; cũng như để lại cho xã hội một dấu hỏi lớn về tâm lý của giới trẻ hiện nay.

Lý do học sinh tự tử là rất nhỏ như mất quỹ lớp; cô giáo không cho phát biểu. Những lý do này hoàn toàn có thể giải quyết được bằng những việc làm cụ thể và hữu ích hơn. Thế nhưng các em lại quá nông nổi, quá vội vàng khi tìm đến biện pháp tiêu cực nhất và đã phải trả giá bằng cả sự sống của mình.

Vẫn biết rằng lứa tuổi của các em vẫn còn trẻ dại, vẫn bồng bột và thiếu suy nghĩ, lứa tuổi "có lớn mà không có khôn", thế nhưng phải chăng các em đang sống không có lý tưởng, ngày càng xem rẻ mạng sống của mình!?

Điểm chung của những nạn nhân của 3 vụ tự tử này đều là học sinh nữ, ngoan ngoãn, có học lực khá, giỏi và được thầy cô, các bạn yêu quý. Thế nhưng chỉ một vài lý do nhỏ cũng đã khiến các em nghĩ mình đã bị “bôi nhọ”, một vài tiếng nói của người xung quanh đã khiến các em nghĩ đến mặc cảm tội lỗi, tự hành hạ bản thân mình và tìm đến cái chết để “chứng minh mình trong sạch”.

Với 2 trường hợp tự tử do làm mất quỹ lớp, có lẽ các em đã quá hoảng loạn, mất phương hướng, cộng thêm những lời trách cứ của cha mẹ nên đã dẫn tới hậu quả đáng tiếc. Còn trường hợp cắt gân tay để phản đối cô giáo vì không được phát biểu, có lẽ chẳng còn lời nào để thanh minh hay bào chữa cho em.

Các em đang sống trong một môi trường khá đủ đầy về vật chất, được cha mẹ yêu thương và bao bọc nên phần lớn các em không có ý thức tự giác và không chấp nhận được sự trách phạt – dù là nhỏ nhất. Chỉ một lần sơ sẩy, các em cũng coi đó là cú shock quá mạnh, không dám đối mặt, không dám vượt qua.

Có lẽ đây là hệ quả giáo dục lệch lạc của gia đình và nhà trường khi không giáo dục một cách toàn diện cả kiến thức lẫn tâm lý cho học sinh. Nhiều học sinh ra trường với một bụng kiến thức và tâm lý èo uột, mỏng manh như búp bê trong lồng kính, không dám đối mặt với cuộc sống, với thử thách. Các em sợ hãi những khó khăn, lẩn tránh những chông gai, cố gắng tìm kiếm sự dễ dãi, và khi thất bại, các em sẵn sàng chọn cái chết để giải thoát.

Một số ý kiến cho rằng, việc 2 nữ sinh tự tử do làm mất quỹ lớp thể hiện sự Liêm khiết, thế nhưng liệu có thật sự như vậy? Tâm lý các em không được chuẩn bị để đối mặt với khó khăn, các em chọn cái chết để giải quyết tất cả. Có lẽ đó không phải sự Liêm khiết, mà sự Hèn nhát.

Làm ngơ với giáo dục tâm lý

Mặc dù đây không phải lần đầu tiên những sự việc đáng tiếc này xảy ra, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn đã có đến 3 vụ việc liên tiếp đã khiến dư luận hết sức đau lòng. Đây cũng như một hồi chuông cảnh tỉnh cho các bậc phụ huynh, nhà trường để chúng ta cùng nhìn nhận lại nền giáo dục hiện tại, đặc biệt là vấn đề giáo dục tâm lý cho lớp trẻ ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường.

Về phía gia đình, vai trò tinh thần của cha mẹ ngày càng mờ nhạt. Nhiều bậc cha mẹ chỉ cắm cúi làm lụng, lo cho con đủ ăn, đủ mặc mà không để ý đến sự phát triển tâm sinh lý của trẻ. Cha mẹ chỉ biết quan tâm tới thành tích mà các em đạt được, chứ ít khi để ý tới việc các em đang suy nghĩ gì, sợ hãi gì, mong muốn gì.

Khi đến trường, thầy cô giáo cũng chỉ cắm cúi lo dạy để sao cho các em được điểm cao, trường lớp có thành tích. Môn học kiến thức quá nhiều, những môn dạy kỹ năng sống quá ít và đặc biệt, môn Giáo dục công dân thường không được chú trọng. Với 1 tiết/tuần, các giáo viên không thể đủ thời gian và điều kiện để giáo dục cho trẻ những điều quan trọng về tâm lý và càng không thể chuẩn bị cho các em tâm thế để đối mặt với cuộc đời.

Điều này là do giáo dục nước nhà chưa có cái nhìn đúng đắn về tầm quan trọng của nó.

Giáo dục, tư vấn tâm lý cho học sinh hiện chưa được quan tâm nhiều

 

Theo bà Vũ Cẩm Vân, chuyên viên tâm lý Hội quán Các bà mẹ, hiện tượng trẻ tự tử khá phổ biến ở lứa tuổi dậy thì. Do tâm lý có nhiều biến động, các em thường trầm trọng hóa vấn đề gặp phải, dễ sợ hãi với người lớn, mặc cảm với bạn bè nếu mắc lỗi. Vì vậy, người lớn, nhất là cha mẹ phải quan tâm tìm hiểu vấn đề của trẻ để chia sẻ kịp thời.

Với trường hợp hai em học sinh làm mất tiền chắc chắn về nhà phải có những biểu hiện lo lắng, nhưng có thể do gia đình đi làm cả ngày không nhận ra sự thay đổi của em. Mặc khác, có thể em ý thức hoàn cảnh gia đình khó khăn nên không dám trình bày sự việc với cha mẹ. Cũng có thể, cách mà giáo viên góp ý với em đã gây áp lực…

Sâu xa hơn, chương trình giáo dục của ta chưa chú trọng dạy kỹ năng sống, kỹ năng quản lý tài chính, kỹ năng ứng phó, giải quyết vấn đề cho học sinh.

Sự việc 3 em học sinh tự tử đã dấy lên hồi chuông cảnh tỉnh về tâm lý lệch lạc của tuổi vị thành niên. Không phải cứ trang bị đầy đủ kiến thức mà hi vọng các em trở thành người trưởng thành và phát triển toàn diện. Qua đây, xã hội và nhà trường cũng cần chú trọng hơn nữa tới việc giáo dục tâm lý, kỹ năng sống cho học sinh, tạo cho các em sức "đề kháng” để dũng cảm đối diện và vượt qua những vấp ngã đầu đời.

Vương Tâm