Quy định đánh giá, nhận xét học sinh bậc tiểu học:

Không còn giấy khen và xếp loại?

11:33 | 17/08/2014

3,032 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Quy định đánh giá học sinh (HS) bậc tiểu học với nhiều điểm đổi mới (bỏ danh hiệu HS giỏi, tiên tiến và chỉ có điểm vào kỳ kiểm tra cuối học kỳ I, cuối năm…) sẽ được ban hành chính thức trước khai giảng năm học tới. Cụ thể, sẽ không còn kiểu giấy khen HS giỏi, HS tiên tiến cuối học kỳ hay cuối năm học. Thay vào đó là các hình thức khen thưởng thành tích từng mặt mạnh của HS.

Không còn giấy khen, xếp loại

Theo ông Phạm Ngọc Định - Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT), dự thảo thông tư ban hành Quy định đánh giá học sinh tiểu học sẽ ban hành chính thức trước ngày khai giảng năm học 2014-2015 để triển khai đồng loạt vào năm học mới.

Một giờ học của học sinh trường Tiểu học Nguyễn Siêu

Trong dự thảo thông tư lần này, điểm đáng chú ý là việc bỏ cho điểm đối với học sinh trong việc đánh giá thường xuyên. Thay vào đó giáo viên chủ nhiệm có những nhận xét cụ thể về thái độ học tập, việc hình thành, phát triển năng lực, phẩm chất cần thiết của học sinh, chú trọng việc nhận xét quá trình nỗ lực, tiến bộ của học sinh. Giáo viên cũng sẽ tổ chức cho học sinh tự nhận xét, nhận xét lẫn nhau, phụ huynh nhận xét, trao đổi thông tin về học sinh giữa các giáo viên, với ban giám hiệu và cha mẹ học sinh...

Theo ông Phạm Ngọc Định, mục tiêu quan trọng nhất của việc đánh giá học sinh tiểu học hiện nay là để giúp cho học sinh học tốt hơn chứ không phải chỉ để ghi nhận kết quả học tập của học sinh vào cuối năm học.

Ông phân tích: “Trước đây chúng ta cứ chờ đến cuối học kỳ, cuối năm học mới đánh giá học sinh, nếu không đạt thì cũng quá muộn để hỗ trợ học sinh. Nay muốn học sinh học tốt hơn thì phải quan tâm cả quá trình học tập của học sinh, đánh giá thường xuyên. Điều này có nghĩa, giáo viên phải thu thập số liệu, quan sát, phỏng vấn, kiểm tra, nhận xét quá trình học tập, rèn luyện, tư vấn cho học sinh nhận xét định tính về kết quả học tập của bản thân cũng như của bạn trong lớp...”.

Cần gắn kết nhà trường và gia đình

Dự kiến năm học 2014 - 2015, Bộ GĐ-ĐT sẽ áp dụng rộng rãi việc thay đổi cách đánh giá HS tiểu học và sẽ thay chấm điểm thường xuyên bằng các nhận xét bằng lời của giáo viên. Tuy nhiên, nhiều giáo viên tiểu học ở Hà Nội bày tỏ băn khoăn với những thay đổi khá bất ngờ này. Một giáo viên hiện đang giảng dạy tại trường tiểu học Hoàng Diệu cho rằng, mặc dù đây là một chủ trương đúng đắn, buộc giáo viên phải dạy thật, cẩn thận hơn và có sự gắn kết với học sinh hơn; nhưng khi không chấm điểm, không còn sức ép về điểm số, có thể học sinh sẽ thiếu động lực để học tập và phấn đấu.

Trong khi đó, công việc của giáo viên sẽ nặng nề hơn, và thay vì tìm phương pháp giảng dạy tốt hơn để đảm bảo chất lượng thì lại luẩn quẩn với việc ghi nhận xét học sinh hàng ngày, mất rất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, để nhận xét học sinh một cách kỹ lưỡng thì buộc giáo viên phải quan sát rất kỹ, trong khi sĩ số tại các trường tiểu học quá đông, giáo viên khó có thể quan tâm tới toàn bộ học sinh mà mình quản lý.

TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý Hà Nội

Ngoài ra, đa số giáo viên đều chung nhận định, việc nhận xét HS hàng ngày cũng gây ức chế cho giáo viên bởi những yêu cầu rắc rối mà không để làm gì. Một giáo viên bày tỏ: "Bộ yêu cầu phải nhận xét các học sinh, nhưng nếu chỉ ghi theo kiểu "có tiến bộ", "rất tốt"... lại không được, không cụ thể và không giúp phụ huynh đánh giá được đúng năng lực tiếp thu của con mình. Thay điểm số bằng dán hình mặt cười, bông hoa, các con rất thích nhưng cũng bị cấm. Hơn nữa, lớp có hơn 50 HS, hàng ngày, hàng tuần và hàng tháng đều phải nhận xét, chúng tôi biết nhận xét cái gì?".

Trước những khó khăn của giáo viên trong việc thay chấm điểm bằng nhận xét, đại diện Bộ GD-ĐT, ông Phạm Ngọc Định khẳng định: Với việc đổi mới đánh giá, các địa phương, các nhà trường không được lấy thành tích để xét thi đua, gây áp lực cho học sinh. Việc đánh giá cuối kỳ có kết hợp cả nhận xét và cho điểm.

Tuy nhiên Bộ GD-ĐT cũng nhấn mạnh việc không xếp loại, xét danh hiệu học sinh theo cách làm cũ. Theo đó, tùy theo quá trình rèn luyện, cố gắng của học sinh, giáo viên chủ nhiệm có thể biểu dương, khen thưởng học sinh một hay nhiều mặt khác nhau. Quan điểm của Bộ là muốn có sự gắn kết giữa HS, gia đình và nhà trường. Ở đây chúng ta khuyến khích cả HS và phụ huynh tham gia đánh giá chứ không phải là quy định bắt buộc.

Cũng theo ông Định, lâu nay chúng ta vẫn đánh giá nhận xét bằng lời nên chuyện không có gì mới. Còn đánh giá nhận xét bằng viết đáng lẽ là trách nhiệm của giáo viên lâu nay nhưng bị “bỏ quên”.

Minh chứng cho vấn đề này ông Định lấy ví dụ, khi giáo viên kiểm tra vở bài tập của HS đáng lẽ là phải có lời nhận xét em làm đúng, làm sai thế nào, cần lưu ý điểm gì... nhưng ở đây chỉ cho điểm số. Đối với bậc tiểu học thì chúng ta chỉ cần động viên, khích lệ là chính. Không nên gây áp lực cho các em về điểm số. Cũng vì áp lực từ việc cho điểm số mà dẫn đến hình thành việc dạy thêm, học thêm ở bậc tiểu học.

Bàn về vấn đề này, TS Nguyễn Tùng Lâm (Chủ tịch Hội Tâm lý Hà Nội) phân tích, với các trường ở thành phố, mỗi lớp học có tới 50 - 60 học sinh sẽ khó khăn cho giáo viên để thực hiện được cách đánh giá này. Lượng học sinh đông, trong khi giáo viên phải sát với các em, ngày nào cũng phải nhận xét sẽ dẫn tới khả năng giáo viên sẽ ngại.

TS Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh: “Hướng đổi mới này là rất tốt, nhưng đòi hỏi thầy cô phải có nghiệp vụ, thầy cô phải vượt khó, cha mẹ phải quan tâm tới con, không chỉ hỏi con mấy điểm, mà có sự gắn kết, phối hợp cùng nhà trường, thầy cô giúp đỡ con, có vậy mới có sự chuyển biến”.

Khánh An