Không còn văn mẫu trong kỳ thi tốt nghiệp?

16:12 | 11/04/2014

759 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Việc đổi mới kiểm tra, đánh giá môn ngữ văn sẽ được thực hiện ngay trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2014.

Áp dụng PISA để đánh giá 

Ngay trước kỳ thi tốt nghiệp THPT, vẫn còn có ý kiến băn khoăn và đề nghị Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) không nên lấy văn bản ngoài sách giáo khoa làm ngữ liệu cho phần đọc hiểu vì cho rằng thay đổi này là gấp gáp và quá bất ngờ.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: “Ngữ liệu trong phần đọc hiểu văn bản của đề thi chắc chắn sẽ không lấy trong sách giáo khoa. Văn bản đó không vượt quá năng lực nhận thức của học sinh tốt nghiệp THPT, không đánh đố học sinh. Nhiều khi chúng ta cứ bó học sinh vào những văn bản có sẵn và bắt các em học thuộc thì chính là làm khó cho học sinh. Đồng thời, việc thiết kế câu hỏi của phần đọc hiểu sẽ theo cách làm của PISA”.

Thí sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Việc lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định áp dụng cách kiểm tra kỳ thi PISA khiến dư luận tỏ ra lo ngại vì mục tiêu của 2 kỳ kiểm tra này hoàn toàn khác nhau.

Kỳ thi PISA là chương trình đánh giá HS quốc tế do OECD - Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế thế giới khởi xướng; được tổ chức 3 năm một lần với mục đích đánh giá các nền giáo dục trên thế giới thông qua việc kiểm tra kỹ năng và kiến thức dành cho học sinh tuổi 15. PISA tập trung vào khả năng toán học, khoa học và đọc hiểu hơn là kỹ năng và kiến thức học được trong nhà trường. Trong các kỳ tổ chức của PISA, nội dung bao gồm hai phần: Phần kiểm tra khả năng của học sinh và thống kê những vấn đề liên quan đến giáo dục và nhà trường.nhằm kiểm tra xem khi đến độ tuổi kết thúc phần giáo dục bắt buộc, học sinh đã được chuẩn bị để đáp ứng các thách thức của cuộc sống sau này ở mức độ nào.

Tuy nhiên, việc đánh giá của PISA hoàn toàn được xác định dựa trên các kiến thức, kỹ năng cần thiết cho cuộc sống tương lai với mục đích kỳ thi này kiểm tra, đánh giá, so sánh trình độ học sinh trong cùng lứa tuổi trong khối OECD và các nước khác.

Trong khi đó kỳ thi tốt nghiệp THPT của Việt Nam lại để đánh giá, xác nhận trình độ của người học theo mục tiêu giáo dục, làm cơ sở để chuẩn bị cho người học tiếp tục học lên hoặc đi vào cuộc sống lao động, cơ sở đánh giá kết quả dạy và học của trường phổ thông, công tác chỉ đạo của cơ quan quản lý giáo dục. Vì thế, việc áp dụng PISA vào đề thi tốt nghiệp sẽ không hoàn toàn phù hợp.

Trước ý kiến này, PGS Đỗ Ngọc Thống, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, thường trực Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình giáo dục phổ thông sau 2015, cho biết PISA là cách đánh giá trên diện rộng và kết quả của nó nhằm mục đích để điều chỉnh chính sách giáo dục của mỗi quốc gia, mỗi vùng miền. Do vậy, việc áp dụng cách đánh giá của PISA vào đề thi môn văn chỉ phù hợp ở phần đọc hiểu với mục đích kiểm tra thông tin thuần túy.

Ông giải thích: “Bộ chỉ vận dụng kỹ thuật kiểm tra đọc hiểu của PISA, còn ở phần viết thì cách thức này không phù hợp vì PISA không quan tâm đến việc kiểm tra chính tả, ngữ pháp hay sự trong sáng của tiếng Việt”.

Phần viết chiếm tỷ lệ lớn hơn đọc - hiểu

Về đề thi tốt nghiệp môn Ngữ văn năm 2014, PGS Đỗ Ngọc Thống cho biết đề thi tốt nghiệp THPT có 2 phần: đọc - hiểu và viết (tạo lập văn bản). Nếu sử dụng thang điểm 20, năng lực đọc hiểu (6/20) và năng lực viết (14/20).

Phần đọc hiểu sẽ kiểm tra kiến thức về tiếng Việt bằng việc phát hiện những sai sót về chính tả, ngữ pháp, chấm câu, dùng từ, logic... cho một đoạn văn có nhiều sai sót và yêu cầu học sinh phát hiện những lỗi đó, yêu cầu tóm tắt ý chính của một đoạn văn bản cho trước, có thể là Văn học, Sử, Địa, Khoa học tự nhiên.

Phần kiểm tra năng lực viết bao gồm, viết nghị luận xã hội, yêu cầu vận dụng tổng hợp các kiến thức về Văn học, Lịch sử, Địa lý, Đạo đức… Cách viết cũng vận dụng tổng hợp giữa kể, tả, biểu cảm, thuyết minh và nghị luận.

Ông Thống nhấn mạnh: “Sẽ có cả phần nghị luận văn học và nghị luận xã hội. Tuy nhiên, yêu cầu của đề thi tốt nghiệp sẽ thiết kế sao cho phù hợp với khả năng của học sinh và phù hợp với thời gian làm bài là 120 phút”. Do vậy, có thể có những phần chỉ yêu cầu học sinh thể hiện quan điểm ở một khung hoặc một đoạn viết nhất định chứ không nhất thiết phải trình bày trọn vẹn cả 2 bài luận.

PGS Đỗ Ngọc Thống - Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định cách ra đề môn ngữ văn với những yêu cầu mới sẽ áp dụng cả với kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ). Bộ GD-ĐT chủ trương năm nay nhất định sẽ đổi mới và định hướng ngày càng có những yêu cầu cao hơn ở những năm sau.

Trước lo ngại về việc đổi mới thi nhưng chưa kịp chuẩn bị kỹ lưỡng cho học sinh, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, yêu cầu đổi mới được đặt ra trong chương trình giáo dục phổ thông từ năm 2002 nhưng bao năm qua nó vẫn cứ trì trệ. 

Vì thế lần này cần phải quyết làm ngay ở khâu thi cử để tạo sự đột phá. Thứ trưởng khẳng định: “Giữa việc đáp ứng mục tiêu với đảm bảo an toàn thi đỗ 100% thì theo tôi cần ưu tiên việc đáp ứng mục tiêu dạy học”.

Khánh An

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.