Kỳ thi THPT Quốc gia chung sau 2015:

Lộ trình vẫn “mờ mịt”

10:54 | 15/08/2014

822 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố 3 phương án tổ chức kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia, tuy nhiên, nhiều chuyên gia giáo dục cảnh báo, nếu thực hiện ngay phương án này, học sinh sẽ bị “sốc” vì chưa được chuẩn bị, làm quen, luyện tập, thử sức… dạng bài thi tổng hợp.

Năng lượng Mới số 347

Lúng túng chọn phương án

Bộ GD&ÐT vừa công bố các phương án của đổi mới thi tốt nghiệp THPT, trong đó kỳ thi quốc gia ngoài việc xét công nhận tốt nghiệp, các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng kết quả để tuyển sinh. Lãnh đạo Bộ GD&ÐT cũng đặt mục tiêu kỳ thi tác động tích cực đối với việc đổi mới phương pháp dạy học, thi, kiểm tra, đánh giá, nâng cao chất lượng dạy học.

Tiến tới một kỳ thi chung, Bộ GD&ÐT đề xuất thi 8 môn trong 4 ngày. Thí sinh bắt buộc phải thi 4 môn trong đó 2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn. Thí sinh nào có nguyện vọng thi thêm môn nào thì có thể đăng ký thi thêm để phù hợp với nhu cầu xét tuyển đại học, cao đẳng (ÐH, CÐ). Ngoài ra, phương án mới này còn chủ trương phương án tổng hợp, tiến tới dần tích hợp các môn thi tránh tình trạng học lệch, đồng thời vẫn phát hiện được năng khiếu của từng học sinh làm cơ sở cho việc tuyển sinh vào các trường ÐH, CÐ. Phương án bài thi gồm 4 môn: Toán, Tin học; Ngữ văn, Sử, Ðịa, Giáo dục công dân; Lý, Hóa, Sinh, Công nghệ; Ngoại ngữ đã được đề cập.

Về phương án tổ chức kỳ thi quốc gia chung sau 2015, Phó thủ tướng Vũ Ðức Ðam yêu cầu ngành giáo dục cần tham khảo ý kiến rộng rãi và cẩn trọng trước khi quyết định phương án cuối cùng. Có thể không chỉ có 3 phương án như Bộ đề xuất mà còn những phương án khác hợp lý hơn, khả thi hơn. Lý giải vì sao chỉ nên còn một kỳ thi quốc gia, ông nói: “Hai kỳ thi chứ ba kỳ thi nếu cần thiết vẫn phải thi. Nhưng thực sự nó không cần thiết thì chúng ta phải bỏ. Bỏ một nhưng mục tiêu vẫn phải là đi hai chân”. Ðồng thời, Phó thủ tướng nhấn mạnh, dù chọn phương án nào nhưng nếu có khó khăn cho ngành giáo dục nhưng có lợi cho xã hội thì chúng ta vẫn nên làm vì đây là lợi ích của học sinh, phụ huynh và xã hội.

Lộ trình vẫn “mờ mịt”

Thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2014

Tuy nhiên, hiện nay các ý kiến đều cho rằng, Bộ GD&ÐT cần có những bước đi chắc chắn, tránh tình trạng đưa học sinh ra làm “chuột bạch”, gây nên những rắc rối cho quá trình đổi mới giáo dục. Theo nhiều chuyên gia, có thể coi một kỳ thi chung là một xu hướng tất yếu. Nhưng chúng ta không thể đổi mới và áp dụng ngay từ năm 2015 khi cả một thế hệ học sinh đang học và tư duy theo cách cũ.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia lại cho rằng, không nên tổ chức một kỳ thi quốc gia chung. Kỳ thi tốt nghiệp nên đưa về các sở, trường tự tổ chức và cấp giấy chứng nhận cho học sinh đã tốt nghiệp THPT. Còn với kỳ thi đại học, hiện nay các trường đại học đã có quyền tự quyết và tự chịu trách nhiệm trong việc thi tuyển. Chỉ những trường đại học top đầu, đào tạo nguồn nhân lực quan trọng cho đất nước mới cần tổ chức thi chọn có sự kiểm soát chặt chẽ mà thôi.

Không mang học sinh làm thí nghiệm

Trước những thay đổi mà Bộ GD&ÐT đưa ra về một kỳ thi quốc gia chung từ năm 2015, GS Ðào Trọng Thi (Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội) phân tích: “Việc đưa ra một “đề án” đổi mới thi - tuyển sinh trong tương lai vào thời điểm này thì hơi sớm. Quan điểm riêng của tôi là năm 2015 cứ tổ chức kỳ thi như năm nay nhưng làm tốt hơn. Bao giờ chương trình - sách giáo khoa đổi mới thì xây dựng một đề án đổi mới căn bản, toàn diện cả về cách thức tổ chức, nội dung, mục tiêu đánh giá… kỳ thi. Học sinh học gì thi nấy, bây giờ đang là truyền thụ kiến thức thì khó có thể chuyển sang kiểu đánh giá năng lực một cách đột ngột”.

GS.VS Phạm Minh Hạc cũng đồng tình với việc không nên đặt nặng vấn đề thi cử: “Theo tôi, việc tổ chức một kỳ thi quốc gia chung không đơn giản. Chúng ta phải xem xét nó có thực sự cần thiết, có đảm bảo được chất lượng để các trường đại học lấy căn cứ làm tuyển sinh đầu vào hay không. Quá nhiều vấn đề đặt ra. Những trường top đầu họ vẫn phải tổ chức các kỳ thi để chọn học sinh giỏi vào trường của họ. Những trường top dưới, họ khó tuyển sinh hơn, họ sẽ tuyển như thế nào để đảm bảo chất lượng. Liệu điểm chuẩn của kỳ thi đó có đủ cơ sở cho họ xét tuyển hay không. Sau 12 năm học tập, nhiều nước thường cấp cho học sinh một chứng chỉ đã học xong phổ thông. Muốn có chứng chỉ thì phải tổ chức thi, theo tôi đỗ cao không có nghĩa là không thi và 100% là chuyện bình thường. Chúng ta cứ có tâm lý thi là phải lựa lọc nên mới có phản ứng mạnh mẽ thế về vấn đề thi hay không thi tốt nghiệp. Tôi vẫn nghĩ, sau lớp 12 nên có chứng chỉ tốt nghiệp THPT, bằng một kỳ thi đơn giản, đưa về các sở, các trường tự tổ chức với nhau.

Vậy ở đây là kỳ thi gì? Một kỳ thi quốc gia chung, nghe chung chung quá, chúng ta cần cụ thể, làm giáo dục không thể cứ à uôm, sai rồi sửa liên tục được. Phải tính toán thật kỹ lưỡng trước khi đưa các em học sinh ra thí nghiệm”.

Góp ý với phương án sử dụng bài thi tổng hợp mà Bộ GD&ÐT đang hướng tới, TS Nguyễn Tùng Lâm (Hiệu trưởng Trường THPT Ðinh Tiên Hoàng) khẳng định, hiện nay chưa thể áp dụng ngay phương án bài thi tổng hợp được mà vẫn phải sử dụng phương án thi theo môn. Nhà trường, học sinh, cần phải có thời gian để chuẩn bị trong một thời gian dài. Bởi theo ông: “Dù thực hiện phương án nào thì vẫn phải đảm bảo mục tiêu giảm áp lực, tốn kém  cho xã hội, đảm bảo độ trung thực tin cậy, đánh giá đúng năng lực học sinh và làm cơ sở cho tuyển sinh ÐH, CД.

Như vậy, việc tiến tới một kỳ thi quốc gia với hai mục đích dẫu là một chủ trương rất mới, được đông đảo dư luận quan tâm và ủng hộ nhưng vẫn chưa biết đi theo hướng nào là tốt nhất. Theo dự kiến, nếu được dư luận ủng hộ, kỳ thi quốc gia THPT sẽ được triển khai từ năm 2015. Nếu làm ngay trong năm tới, kỳ thi sẽ gấp gáp, cả các đơn vị tổ chức thi cũng như học sinh đều lúng túng, trước sự thay đổi mang tính đột ngột này. Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014 là một ví dụ, cách thay đổi chỉ ở khoảng thời gian vài tháng khiến nhà trường lẫn học sinh loay hoay ôn tập với đề thi mở.

Với nhiều sự thay đổi như vậy, thiết nghĩ nếu đi đến quyết định chỉ cần một kỳ thi Quốc gia là đủ thì Bộ GD&ÐT nên công bố rõ ràng đề án và lộ trình đổi mới tuyển sinh từ khâu tổ chức thi cho đến khâu ra đề thi, việc hướng dẫn các trường ÐH xét tuyển để người học và các trường ÐH có sự chuẩn bị tốt nhất cho một kỳ thi quốc gia.

Dự thảo tổ chức kỳ thi quốc gia THPT của Bộ GD&ĐT đưa ra với 3 phương án: - Phương án 1: Thí sinh phải dự thi 4 môn gồm 3 môn bắt buộc: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một môn tự chọn trong số các môn còn lại. Kết quả của 4 môn thi còn để đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. - Phương án 2: Thi trong 8 môn học ở lớp 12 (như phương án 1) để tổng hợp thành 5 bài thi gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ; bài thi Khoa học Tự nhiên; Khoa học Xã hội. Mỗi thí sinh thi 4 bài gồm 3 bài thi bắt buộc: Toán, Ngữ văn và Ngoại Ngữ; 1 bài thi tự chọn. - Phương án 3: 11 môn học gồm: Toán, Ngữ văn, Vật lý, Hóa, Sinh, Lịch sử, Địa lí, Ngoại ngữ, Tin học, Công nghệ và Giáo dục công dân được chọn để tổng hợp thành 4 bài thi gồm: Bài thi Toán - Tin; Khoa học Tự nhiên; Khoa học Xã hội và bài thi Ngoại ngữ.

Khánh An

 

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.