Chủ tịch HĐQT Đại học Hoa Sen nói về “Thư tố cáo”

07:00 | 02/10/2014

2,201 lượt xem
|
Sau “Thư tố cáo” Chủ tịch Hội đồng quản trị và Ban giám hiệu ĐH Hoa Sen chiếm đoạt tài sản của một số cổ đông gửi đến các cơ quan thông tin đại chúng ngày 5/9/2014, PV PetroTimes đã phỏng vấn luật sư Trần Văn Tạo - Chủ tịch Hội đồng quản trị ĐH Hoa Sen để biết thực, hư của vấn đề.

PetroTimes: Vừa qua có một số phương tiện truyền thông nhận được “Thư tố cáo” HĐQT và Ban Giám hiệu chiếm đoạt tài sản cổ đông ĐH Hoa Sen. Vậy thực, hư vấn đề này như thế nào thưa ông?

LS Trần Văn Tạo: Trước hết, xin nói về ý đồ của những người gửi “Thư tố cáo”. Trong buổi làm việc ngày 26/7/2014 với đại diện Hội đồng quản trị (HĐQT), Đảng ủy và Ban Giám hiệu nhà trường, lãnh đạo Thành ủy TP HCM có quan tâm muốn biết về những biện pháp mà ĐH Hoa Sen dự tính thực hiện để tiến tới hoạt động theo cơ chế không vì lợi nhuận theo đúng các điều kiện do pháp luật hiện hành quy định.

Mục đích của công văn số 891/ĐHHS-HĐQT đề ngày 14/08/2014 của HĐQT ĐHHS (“Công văn 891”) là để báo cáo và xin ý kiến của lãnh đạo Đảng và Nhà nước ở TPHCM về vấn đề này. Sau khi đã công khai báo cáo ý định của mình, chúng tôi mong đợi được nghe ý kiến của lãnh đạo Thành phố và nếu lãnh đạo Thành phố có yêu cầu, sẽ xin báo cáo thêm hoặc làm rõ thêm các chi tiết có liên quan đến ý định đó.

Đây là quy trình báo cáo thỉnh thị đã thành nền nếp của một tổ chức đối với cấp lãnh đạo của mình. Trong quá trình báo cáo thỉnh thị đó, mọi ý kiến đóng góp của những bên có lợi ích liên quan đều hết sức cần thiết. Được biết, sau khi chúng tôi gửi Công văn 891, một số cổ đông cũng đã có thư gửi lãnh đạo Thành phố nói lên suy nghĩ của mình và chúng tôi cho đó là việc hết sức bình thường. Tuy nhiên, do lời lẽ và nội dung quàng xiên, xuyên tạc của "Thư tố cáo", chúng tôi cho rằng đây là một cố gắng nhằm kích động dư luận trước khi lãnh đạo Thành phố có ý kiến. Đây là một hành vi thiếu tôn trọng đối với lãnh đạo Thành phố. Hơn nữa, đây là một hành vi đi ngược lại nguyên tắc vận hành của hệ thống chính trị của nước ta.

Luật sư Trần Văn Tạo - Chủ tịch HĐQT ĐH Hoa Sen

PetroTimes: Nội dung "Thư tố cáo" thì có một số phương tiện truyền thông đã biết, tuy nhiên, chúng tôi muốn biết là sau những tranh chấp gay gắt vừa qua thì ĐH Hoa Sen có tiếp tục giữ chủ trương giáo dục phi lợi nhuận?

LS Trần Văn Tạo: Về phần nhà trường, quan điểm là rất rõ ràng, từ khi thành lập, ĐH Hoa Sen đã lựa chọn phương hướng phát triển “Không vì lợi nhuận”. Phương hướng này là ý chí của các cổ đông sáng lập nhà trường, được nhất trí thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thành lập trường và được ghi lại trong Quy chế tổ chức và hoạt động của trường.

Không những vậy, trong nhiều lần Đại hội đồng cổ đông sau đó, chủ trương "Không vì lợi nhuận" này đã được khẳng định lại một cách mạnh mẽ thông qua việc toàn thể cổ đông nhất trí 100% giữ toàn văn Quy chế tổ chức và hoạt động của trường, như tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2013, tổ chức vào đầu năm 2014.

Như vậy, từ lâu, trước khi Luật Giáo dục Đại học (GDĐH) 2012 ban hành, mặc dù bệ đỡ pháp lý chưa cụ thể nhưng chủ trương KVLN vẫn được ĐHHS tự nguyện lựa chọn và giữ vững. Nay đã có cơ sở pháp luật và cơ sở pháp luật đó đang từng bước hoàn chỉnh, chúng tôi cảm thấy có thêm nguồn động viên để thực hiện mô hình "Không vì lợi nhuận" đến nơi đến chốn.

PetroTimes: Ngoài Ban sáng lập nhà trường thì những cổ đông khác như giảng viên, cán bộ quản lý, nhân viên có tiếp tục ủng hộ chủ trương "Không vì lợi nhuận" không, thưa ông?

LS Trần Văn Tạo: Cùng với số đông cổ đông, giảng viên và cán bộ quản lý, nhân viên ĐH Hoa Sen chúng tôi là những người đã từng ngày chứng kiến sự lớn mạnh về quy mô, về chất lượng giảng dạy, nghiên cứu và về uy tín nghề nghiệp của ĐH Hoa Sen nhờ vào việc dùng phần lớn lợi nhuận của nhà trường để đầu tư trở lại cho nhà trường, nên họ rất ủng hộ.

Do đó, chúng tôi hoàn toàn nhất trí với quy định hiện hành về mức cổ tức chia cho cổ đông và quy định về tài sản chung không phân chia (bao gồm sự hình thành và mục đích sử dụng tài sản chung không phân chia). Chúng tôi hoàn toàn chấp nhận mọi điều kiện và nghĩa vụ về "Không vì lợi nhuận" do pháp luật quy định và cam kết sẽ thực hiện đầy đủ các điều kiện và nghĩa vụ đó tại ĐH Hoa Sen.

PetroTimes: Nhưng một nhóm cổ đông đã tố cáo ĐH Hoa Sen “Chiếm đoạt tài sản cổ đông”, phải chăng là do họ chưa hiểu rõ mô hình giáo dục "Không vì lợi nhuận" hay họ cố tình không hiểu?

LS Trần Văn Tạo: Theo mô hình thống nhất ở một số nước đã đi trước Việt Nam, một trường ĐH "Không vì lợi nhuận" không thể có người góp vốn thành lập với mục đích thu về lợi nhuận cho cá nhân. Thực tế ở Việt Nam, nếu không tính trường đại học Fulbright đang trong quá trình thành lập, chưa có một trường đại học tư thục nào đạt được điều kiện đó.

Bản thân Luật GDĐH 2012 và các văn bản dưới luật đi kèm như Nghị định 141/2013, và mới đây nhất là Dự thảo Quy chế trường đại học đang trong quá trình thẩm định cũng xuất phát từ thực tế là các trường đại học tư thục hiện nay đều hoạt động theo mô hình có Đại hội cổ đông, HĐQT do cổ đông bầu ra, tương tự như doanh nghiệp, nhưng cũng nói rõ từ nay sẽ phân minh hai loại hình trường đại học –mỗi loại hình hoạt động theo một cơ chế riêng biệt- bao gồm: những trường tiếp tục hoạt động như một doanh nghiệp và những trường hoạt động "Không vì lợi nhuận".

Đối với trường nào muốn thực hiện mô hình "Không vì lợi nhuận", cơ chế áp dụng là rất đặc biệt vì luật quy định rõ cổ đông sẽ chấp nhận không thu lợi nhuận về cho bản thân mình hoặc, nếu có thu lợi nhuận thì cũng không thu theo nguyên tắc “lời nhiều hưởng nhiều” như ở một doanh nghiệp đúng nghĩa mà chỉ thu ở mức thấp nhất theo mặt bằng tài chính chung áp dụng cho từng thời kỳ.

Những người toàn tâm toàn ý với lý tưởng "Không vì lợi nhuận" cho rằng giải quyết như pháp luật hiện nay là phù hợp vì suy cho cùng, người góp vốn vào trường đại học "Không vì lợi nhuận" không hề bị thiệt hại: phần giảm sút trong thu nhập cá nhân của họ sẽ được đầu tư trở lại cho sự nghiệp “trồng người”, mang lại lợi ích to lớn cho cả xã hội, thông qua cơ chế “tài sản chung không phân chia”. Nói cách khác, họ hoàn toàn chấp nhận rằng đầu tư vào giáo dục "Không vì lợi nhuận" có nghĩa là phải chia sớt nhiều hơn khoản “phải thu” của họ cho xã hội.

Nhưng ở ĐH Hoa Sen có những người không chấp nhận lý tưởng "Không vì lợi nhuận". Trong số này, có những người mới mua cổ phần ĐH Hoa Sen từ những cổ đông sáng lập khi nhìn thấy kết quả tài chính của ĐH Hoa Sen. Đối với những người này, thái độ của chúng tôi hết sức rõ ràng.

PetroTimes: Rõ ràng như thế nào, thưa ông?

LS Trần Văn Tạo: Một mặt, chúng tôi đấu tranh vì không chấp nhận để họ đưa ĐH Hoa Sen đi chệch khỏi phương hướng "Không vì lợi nhuận"; chúng tôi không để biến tướng ĐH Hoa Sen thành một công cụ kinh doanh đơn thuần và hô biến số tài sản chung tích lũy từ nhiều năm qua thành cổ tức của riêng họ. Mặt khác, chúng tôi chấp nhận giải pháp thương lượng để cuối cùng những người không cùng một chí hướng có thể nhẹ nhàng chia tay nhau, mỗi Bên theo đuổi con đường riêng của mình một cách yên ổn. Vì họ tự xem mình là doanh nhân, chúng tôi sẵn sàng trao đổi để đi đến thỏa thuận với họ về một giải pháp tài chính đáp ứng được các tiêu chí thông thường của một giao dịch chuyển nhượng vốn trên thị trường. Đó chính là nội dung mà chúng tôi muốn báo cáo với lãnh đạo TP Hồ Chí Minh trong công văn 891 của chúng tôi.

Trước hết chúng tôi đã báo cáo ý định thương lượng để mua lại cổ phần của các cổ đông không chấp nhận mô hình "Không vì lợi nhuận" theo giá thỏa thuận. “Mua bán cổ phần”, kể cả cổ phần của một trường đại học, là một giao dịch được pháp luật cho phép và quy định. Mua bán “theo giá thỏa thuận” là một giao dịch thực hiện trên cơ sở đồng thuận và theo những điều kiện đáp ứng được lợi ích của cả bên mua và bên bán. Hoàn toàn không có yếu tố nào để xem đây là một sự “chiếm đoạt”.

Kế đến chúng tôi đã báo cáo xin ý kiến lãnh đạo Thành phố về phương án dùng tài sản chung không phân chia của ĐH Hoa Sen để thực hiện việc mua cổ phần nói trên. Sau khi việc mua cổ phần hoàn tất, những cổ phần này không còn thuộc quyền sở hữu của những cổ đông riêng lẻ nữa mà sẽ thuộc về một cổ đông duy nhất là trường ĐH Hoa Sen. Cổ đông-ĐH Hoa Sen sẽ không nhận cổ tức nữa theo quy định của Nghị định 141/2013 mà mọi cổ tức từ cổ phần của Cổ đông-ĐH Hoa Sen sẽ vun đắp thêm cho tài sản chung không phân chia.

Khi tác giả của Thư tố cáo nói đó là sự “chiếm đoạt” phải chăng họ xuất phát từ suy nghĩ tham lam rằng khoản tài chính mà pháp luật gọi là tài sản chung không phân chia kia là tài sản của riêng họ? Như vậy, chính họ đã phơi bày mục đích sâu xa thực sự của họ khi tiến hành tất cả những hành vi phá rối ĐHHS vừa qua. Đó chính là tất cả sự khác biệt giữa họ và chúng tôi. Chúng tôi không có kết luận nào khác đối với bức "Thư tố cáo".

PetroTimes: Xin cảm ơn ông!

 

Thanh Thanh (thực hiện)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Nhật Bản đón mùa hoa anh đào nở sớm

Nhật Bản đón mùa hoa anh đào nở sớm

(PetroTimes) - Hiệp hội Thời tiết Nhật Bản (JWA) cho biết hoa anh đào ở thủ đô Tokyo sẽ nở từ ngày 21/3 và đạt đỉnh điểm một tuần sau đó.