“Nặn” thiên tài trong dịp hè

09:01 | 26/07/2012

1,347 lượt xem
|
(Petrotimes) – Lấy lý do muốn con “phát triển toàn diện”, nhiều bậc phụ huynh ép con học từ các môn chính khóa cho tới các môn nghệ thuật, năng khiếu chỉ để thỏa mãn ý thích và sự ích kỷ của mình.

Mơ ước con mình là “thần đồng”

Mong muốn của các bậc phụ huynh là con mình đến trường là “thủ khoa”, “đầu bảng”, ngoài xã hội thì phải “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý” nên khi ở nhà, nhiều cha mẹ ép trẻ trong “lò luyện thần đồng” vào mỗi dịp hè.

Lấy lý do “để con phát triển toàn diện”, vừa vào hè, chị Nguyễn Thị Thương (Nghi Tàm, Hà Nội) đã đăng ký cho con theo học các lớp năng khiếu, nghệ thuật của Cung văn hóa Hà Nội, bên cạnh đó, cháu Trần Khánh Ngọc – con gái chị Thương – còn phải học các lớp làm toán nhanh, luyện viết chữ đẹp, tư duy tốt, mặc dù cháu chưa đầy 6 tuổi… Lịch học dày đặc từ sáng đến tối mịt khiến cháu không còn thời gian để vui chơi, nghỉ ngơi, thư giãn sau một năm học vất vả.

Chị Thương cho biết: “Con mình có vẻ chậm hơn các bạn cùng trang lứa, trong lớp mẫu giáo của cháu, có bạn đọc được rồi, đánh vần nhoay nhoáy. Cháu nhà mình thì ít nói, đi đứng, nói chuyện cái gì cũng chậm hơn con người khác. Là bố là mẹ thì phải lo cho con mình từ sớm, nhỡ đến khi cháu vào lớp 1 học không bằng các bạn, cháu lại tủi thân”.

Để chuẩn bị cho “tiền đề” vào lớp 1 cho con, chị Thương tham khảo trên mạng và mua cho con cả “núi” sách rèn luyện trí thông minh, làm toán và sách hướng dẫn phương pháp học tập. Sợ con đến tuổi đi học sẽ không theo được chúng bạn, sợ bị chê cười, anh chị chọn phương án “cần cù bù thông minh”, học càng nhiều và càng sớm thì càng tốt. “Học 1 lần không nhớ, thì học 2,3 lần, kiểu gì cũng “vào đầu” được ít nhiều. Thấy cháu có vẻ chậm hơn những đứa trẻ cùng tuổi, gia đình cũng rất lo lắng. Vì thế tôi cho cháu học sớm để “mưa dầm thấm lâu”. Ngoài học văn hóa, tôi cũng mời thầy dạy vận động tại nhà, để cháu có thể phát triển toàn diện” – chị Thương khẳng định.

Thay vì vui chơi, trẻ em bị "tống" vào các lớp học hè với lịch học dày đặc

Thông minh, giỏi giang đâu chưa thấy, nhưng cháu Ngọc – con chị Thương, ngày ngày “cõng” chiếc cặp nặng hơn số cân, chạy “sô” từ sáng đến tối mịt, kính cận dày hơn “đít chai”, đi đứng, nói chuyện chậm chạp, ù lì hơn. Mới 6 tuổi nhưng cháu không biết vui chơi, không cười nói, chỉ có sách vở và cô giáo làm bạn.

Ngoài ra, tiếng Anh cũng là môn học được các bậc phụ huynh “ưu ái” lựa chọn cho con học thêm vào hè với hi vọng sẽ tạo một nền tảng vững chắc cho trẻ. Khi con vừa được nghỉ hè, anh Nguyễn Thành Nam (Ba Đình, Hà Nội) đã lên kế hoạch cho con theo học các lớp tiếng Anh và “mạnh tay” chi tiền cho con tham gia khóa du học hè tại Singapore với số tiền lên tới hàng chục triệu động. Anh lý giải: “Ngoại ngữ là chìa khóa của thành công, giỏi đến đâu mà người ta nói gì mình không hiểu thì cũng không làm được gì, vì thế tôi cho con học ngoại ngữ đầu tiên. Có ngoại ngữ sau này học gì cũng dễ”.

Không chỉ các môn văn hóa, việc cho con học năng khiếu cũng trở thành “xu hướng” của các ông bố, bà mẹ trẻ. Thấy nhiều người khoe con cái đã chơi được được bản nhạc chỉ sau 2 tháng học đàn, chị Nguyễn Thúy Anh (Hoàn Kiếm, Hà Nội) “hăm hở” hỏi thăm để đăng kí học cho 2 đứa con, một trai, một gái. Tuần 3 buổi, chị đưa 2 con đến trung tâm học đàn trên phố Hào Nam (Hà Nội). Chị còn “mạnh dạn” đầu tư, mua một chiếc đàn piano điện hơn hai chục triệu để các con luyện tập tại nhà. Gần đây, chị tính mời thêm gia sư đến dạy để các con nhanh “thành tài”, chị hớn hở: “Mấy hôm trước có bạn bè đến chơi, cháu gái có ra đàn một đoạn tặng khách, ai cũng khen cháu giỏi, có năng khiếu nên tôi quyết đầu tư, biết đâu cháu lại thành nghệ sĩ nổi tiếng. Cần cù, chăm chỉ một tý là được”.

Hay ước muốn ích kỷ của cha mẹ?

Mùa hè là thời gian tất cả học sinh đều được nghỉ ngơi, giải trí sau một năm dài học hành vất vả, tuy nhiên không phải vị phụ huynh nào cũng thích thú với thời gian nghỉ hè của con.

Nhiều bậc cha mẹ coi nghỉ hè là quãng thời gian “vàng” để bồi đắp thêm kiến thức cho con, tận dụng từng giây phút để ép con học chương trình của năm sau với hi vọng mong con cái giỏi giang, thành đạt sau này. Kết quả là, mặc dù nghỉ hè nhưng lịch học của nhiều trẻ còn dày hơn trong năm, kể cả với những trẻ “tiền” lớp 1, bố mẹ cũng ép con học làm toán, tập viết, đánh vần…

Chỉ hai tháng học “lò” để vào lớp 1, con gái chị Thương không những không nhanh nhẹn, giỏi giang hơn mà cháu càng ngày càng chậm chạp, không nói chuyện với cha mẹ, ông bà mà chỉ lủi thủi một mình. Sau khi đưa con đi khám, chị Thương được bác sĩ cảnh báo về tình trạng tự kỷ dạng nhẹ của con gái, lúc này chị mới tá hỏa và hủy hết lịch học cho con. Chị chia sẻ: “Cũng vì mong con học hành giỏi giang mà lại vô tình làm hại con”.

Phụ huynh cần dành thời gian để trẻ em vui chơi, nghỉ ngơi hợp lý

Bên cạnh những kỳ vọng lớn lao mang cha mẹ gửi gắm vào những đứa con của mình, có một bộ phận không nhỏ phụ huynh coi thầy cô giáo và các lớp học hè như “bảo mẫu” trông con cho mình.

Chỉ cần đưa con vào các lớp học hè với đầy đủ các môn từ văn hóa đến năng khiếu, nghệ thuật với lịch học dày đặc là phụ huynh thoải mái đi làm, con trẻ vừa học thêm được nhiều kiến thức mà không sợ con chơi bời lêu lổng. Vô tình, điều này đã tạo điều kiện cho các giáo viên “tận thu” mỗi dịp hè mà lượng kiến thức truyền thụ không nhiều và không chất lượng.

Chuyên gia tâm lý Hoàng Dương Bình - Giám đốc Trung tâm tham vấn tâm lý Hoàng Nhân cho biết: “Mỗi trẻ có nội lực và tính thích nghi khác nhau nên ảnh hưởng cũng khác nhau, dịp hè là dip nghỉ để tái cân bằng tâm thể sau hai kỳ học kéo dài”.

Ông cũng khẳng định, với những trẻ yếu thân kinh hoặc sợ học do học lực yếu thì nguy cơ stress, mỏi mệt thì khi lạm dụng dẫn đến sự cẳng thẳng kéo dài, tích lũy những ức chế, khó chịu, trẻ dễ có phản ứng đối phó quyết liệt  hoặc thụ động  nghe theo điều này mang đến bệnh tật không những cho các em mà cho chính cha mẹ. Nhiều ca tư vấn tiếp nhận trẻ với các dạng trầm cảm khác nhau thể hiện điều đó.

Vẫn biết rằng, bồi dưỡng tài năng cho con là tốt, nhưng đừng ép con thái quá để rồi dẫn đến những hậu quả không mong muốn. Trẻ em ngoài sự giáo dưỡng của cha mẹ cũng cần được phát triển theo đúng lứa tuổi, đừng vì những mong mỏi của mình mà cha mẹ làm mất đi những tháng năm tuổi thơ được vô tư của con.

Vương Tâm

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank