Nộp hồ sơ thi ĐH, CĐ 2013: Khối C vẫn bị “áp đảo”

06:30 | 12/04/2013

1,190 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Ngày 11/4 là ngày kết thúc nhận hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ tại địa phương. Thống kê sơ bộ, hồ sơ đăng ký dự thi của nhiều trường THPT cho thấy, đa số thí sinh vẫn lựa chọn đăng ký khối A.

Ngành kinh tế đã giảm nhiệt

Theo ghi nhận ban đầu, xu hướng chọn trường, chọn ngành của thí sinh thì khối A vẫn đầu bảng tiếp đến là khối D1, khối A1, khối B. Khối C mọi năm đã thấp, nay càng thấp, thậm chí có trường chỉ có 16 hồ sơ khối C/1.043 lượt hồ sơ ĐKDT.

Năm nay, khối ngành kinh tế đã "giảm nhiệt".

Tại trường THPT Trần Hưng Đạo (Hà Nội), khối A vẫn chiếm đầu bảng với 405 hồ sơ; đồng nghĩa với việc này là nhóm ngành kinh tế vẫn được thí sinh ưa chuộng. Nhưng vì đầu vào của THPT Trần Hưng Đạo không cao lắm nên thí sinh lượng sức chỉ đăng ký vào những ngành kinh tế của trường “tốp 2” như Viện ĐH Mở, ĐH Công đoàn (rất ít em đầu quân vào Học viện Tài chính, ĐH Kinh tế quốc dân). Tiếp theo là khối D1 với 349 lượt hồ sơ (khá đông thí sinh đăng ký D1 của ĐH Hà Nội), khối A1 có 146 lượt hồ sơ, khối B có 80 lượt hồ sơ (chủ yếu đăng ký dự thi ngành tài nguyên môi trường, công nghệ sinh học).

Đại diện trường THPT Phan Đình Phùng cho biết, hồ sơ của thí sinh năm nay không tập trung vào khối kinh tế nhiều như các năm trước mà rải ra nhiều khối ngành như kỹ thuật, y dược, sư phạm. Trường THPT Phan Đình Phùng thu nhận 2.000 hồ sơ ĐKDT ĐH, CĐ trong đó vị trí hàng đầu của 2 trường ĐH Thương mại và Học viện Ngân hàng đã giảm mạnh mà thay vào đó là ĐH Công đoàn.

Mặc dù các ngành kinh tế, tài chính đang bão hòa nguồn nhân lực nhưng vẫn thu hút đông đảo thí sinh đăng ký do 2 nguyên nhân chính. Thứ nhất, học sinh thành thị được học ngoại ngữ từ nhỏ nên bản thân học sinh và gia đình cho rằng, ưu thế ngoại ngữ sẽ phát huy hơn trong môi trường Kinh tế - Tài chính - Ngân hàng. Thứ hai, trong thời kỳ hội nhập hiện nay, học sinh rất quan tâm đến cơ hội học sau ĐH ở nước ngoài, mà ở tiêu chí này, nhóm ngành Kinh tế là có ưu thế nhất.

Bên cạnh khối ngành kinh tế vẫn là phương án được thí sinh “ưu ái”, năm nay, khá nhiều thí sinh đã lựa chọn khối ngành sư phạm để đăng ký thi ĐH, CĐ. Đại diện trường THPT Yên Hòa cho biết, năm nay có số hồ sơ ĐKDT vào sư phạm tăng lên rõ rệt, theo Ban giám hiệu nhà trường, năm trước, cả trường chỉ có 10 hồ sơ đăng ký vào sư phạm, khi thi chỉ còn vài em thì năm nay số hồ sơ đã tăng lên vài chục bộ. 

Thí sinh thận trọng hơn

Theo nhận định của nhiều cán bộ tuyển sinh, hiện  vẫn có nhiều học sinh quan tâm và đăng ký vào khối ngành Kinh tế nhưng không còn tình trạng rầm rộ như các năm trước. Các em tỏ ra khá thận trọng trong việc lựa chọn trường chứ không hời hợt, đăng ký theo cảm tính hay theo phong trào.

Cô Trần Thị Kim Liên - cán bộ phụ trách hồ sơ tuyển sinh của Trường THPT Trần Hưng Đạo cho biết: “Năm nay tình trạng học sinh ĐKDT theo cảm tính đã giảm, các em đã biết chọn trường, chọn nghề theo đúng năng lực và sở trường. Nhiều em học lực trung bình đã lựa chọn thi CĐ, hoặc là đi học trường nghề. Điều này sẽ tạo hiệu ứng xã hội khá tốt, giảm bớt hồ sơ ảo, tiết kiệm được chi phí cho xã hội”.

Thí sinh đã thận trọng hơn khi đăng ký thi ĐH, CĐ.

Nhận định về ngành nghề thời gian tới, PGS. TS Phạm Văn Sơn - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và cung ứng nhân lực, Bộ GD-ĐT cho biết, khối ngành nông lâm, kỹ thuật, công nghệ, dịch vụ vẫn có xu hướng hút nhiều nhân lực. Sinh viên tốt nghiệp các ngành thuộc các lĩnh vực này nếu đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh sẽ có nhiều cơ hội việc làm, có thu nhập cao, được trọng dụng.

Một trong những lý do thí sinh không ồ ạt đăng ký các ngành “hot” như kinh tế, ngân hàng… là do công tác hướng nghiệp tuyển sinh đã đạt được những hiệu quả nhất định, tạo cho thí sinh thói quen cân nhắc kỹ lưỡng trước khi nộp hồ sơ.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm thanh niên Hà Nội cho biết: “Việc tư vấn chỉ thực hiện với học sinh lớp 12 nhưng nay chúng tôi xây dựng kế hoạch tư vấn cho học sinh ngay từ những năm cuối của THCS vì khi lên THPT các cháu sẽ thực hiện phân ban, vậy nên các cháu phải cân nhắc, tính toán xem sau này mình sẽ làm nghề gì, thi vào trường nào phù hợp với khả năng và nguyện vọng, từ đó quyết định đăng ký việc theo học ban nào…”.

Đánh giá ban đầu về hiệu quả tư vấn, bà Trinh cho biết, việc phân loại đối tượng tư vấn khiến cho học sinh có cơ hội tiếp xúc với những thông tin phù hợp với điều kiện kinh tế, năng lực bản thân... 

Thí sinh nộp hồ sơ trực tiếp tại trường ĐH, CĐ đến 22/4

Mặc dù ngày 11/4 là hạn cuối để thí sinh nộp hồ sơ ĐKDT tại trường THPT hay theo hệ thống các phòng GD-ĐT nhưng thí sinh vẫn có cơ hội nộp tiếp hồ sơ tại các trường ĐH, CĐ. Vì thời gian nộp hồ sơ ĐKDT ĐH, CĐ năm nay trùng với ngày nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương nên Bộ GD-ĐT đã có thông báo điều chỉnh thời gian nộp hồ sơ từ ngày 12/4 đến 17h ngày 22/4/2013.

Cũng theo quy định của Bộ GD-ĐT, thí sinh chỉ được phép đến trực tiếp trường mình đăng kí dự thi để nộp hồ sơ. Các trường đại học, cao đẳng không nhận hồ sơ đăng kí dự thi qua bưu điện hoặc chuyển phát nhanh. 

 

Khánh An

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.