Thí sinh “né” cao đẳng vì ngại liên thông

06:43 | 11/06/2013

760 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Năm 2013, Thông tư 55 Bộ GD-ĐT quy định thí sinh tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng dưới 36 tháng phải thi liên thông lên cao đẳng (CĐ), đại học (ĐH) trong kỳ thi 3 chung.

Trường CĐ "gặp khó" vì quy định liên thông

Trường CĐ Thống kê năm nay nhận được hơn 800 hồ sơ giảm hơn rất nhiều so với năm 2012, trong khi đó chỉ tiêu bộ giao tuyển là 700. Lãnh đạo nhà trường, cho biết: "Chúng tôi lo năm nay sẽ không tuyển đủ chỉ tiêu vì số lượng hồ sơ đăng ký như vậy nhưng đến thi chỉ khoảng 60 - 70% hồ sơ đăng ký".

“Chính quy định liên thông mới đã làm cho hệ cao đẳng rơi vào tình cảnh khó khăn như thế này. Bên cạnh đó, chính nhiều trường ĐH Dân lập ra đời đã tìm đủ mọi cách tung đủ “chiêu” để hút thí sinh” - lãnh đạo trường CĐ Thống kê cho biết khi nói về nguyên nhân hồ sơ sụt giảm.

"Thê thảm" hơn là trường Cao đẳng Thủy sản, theo cán bộ phòng đào tạo nhà trường, tổng số hồ sơ trường nhận được là 203 bộ, trong khi đó chỉ tiêu là 400. Được biết năm 2012, trường nhận được 400 hồ sơ đăng ký dự thi nhưng số lượng thí sinh đến thi và xét tuyển vào trường chỉ đạt khoảng 50% chỉ tiêu mà Bộ giao.

ĐH Công nghiệp Hà Nội là một trong những trường "thắt chặt" tuyển sinh liên thông.

Tại Hà Nội, nơi có lượng hồ sơ dự thi đại học lớn nhất cả nước, ông Ngô Văn Sự, Phó trưởng Phòng Giáo dục Chuyên nghiệp, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, cho biết tổng số hồ sơ dự thi của thí sinh toàn thành phố năm nay khoảng 160.000 bộ. Tuy chưa có số liệu thống kê cụ thể ở bậc cao đẳng nhưng nhìn chung hồ sơ dự thi bậc học này giảm mạnh so với năm 2012. 

Ở khu vực phía Nam, mức giảm còn mạnh hơn. Theo ông Nguyễn Quốc Cường, thuộc Văn phòng đại diện của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại TP HCM, lượng hồ sơ vào CĐ giảm tới 60%. 

Hồ sơ dự thi vào các trường CĐ giảm cũng là tình hình chung của rất nhiều tỉnh thành như Thái Bình, Bắc Ninh, Cần Thơ…

Được biết, năm nay là năm đầu tiên thực hiện Thông tư 55 của Bộ GD-ĐT nhằm quản lý chặt công tác đào tạo liên thông. Theo thống kê, tổng số hồ sơ đăng ký dự thi liên thông năm 2013 là 16.710, trong đó liên thông lên ĐH là 13.295; liên thông lên CĐ là 3.415.

Trước đó, có một số trường ĐH đã thông báo không tuyển sinh thí sinh tốt nghiệp CĐ dưới 36 tháng như: Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, Trường ĐH Cần Thơ, Trường ĐH Đồng Tháp, Trường Đại học Thủy lợi, Trường ĐH Lâm nghiệp Việt Nam, Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TP HCM và Trường ĐH Giao thông Vận tải TP HCM.

Tìm phương án tháo gỡ

Theo một số cán bộ thu hồ sơ tại các trường THPT, hầu hết các học sinh đều nói không mặn mà với các trường cao đẳng do khó khăn trong việc học liên thông lên đại học. Cụ thể, theo quy định mới của Bộ GD-ĐT, bắt đầu từ năm 2013, nếu tốt nghiệp cao đẳng dưới 36 tháng, học sinh muốn học liên thông lên đại học phải thi đầu vào cùng với kỳ thi đại học như các thí sinh bình thường khác.

Ông Vũ Ngọc Phương, Phó hiệu trưởng trường CĐ Sư phạm Hà Nội nói: “Người học trung cấp thì trình độ đã kém lại phải thi chung với học sinh phổ thông thì quá khó, đã liên thông thì đại đa số các em không trúng tuyển đại học nên phải đi học trung cấp, trước đây thi theo chương trình trung cấp còn bây giờ thi “ba chung” nên các em phải thi kiến thức cấp ba việc này là đánh đố thí sinh”.

Thông tư 55 có tác dụng giảm bớt số lượng người học trung cấp nghề, CĐ chỉ làm "trạm dừng chân".

Cùng quan điểm trên, ông Đặng Lộc Thọ, trưởng phòng đào tạo trường CĐ Sư phạm Trung ương cho biết: “Hầu hết học sinh trung chuyên nghiệp và cao đẳng đều có nguyện vọng học liên thông, mà họ mong muốn học liên thông song song với làm việc, nghĩa là vừa học vừa làm, đây là nguyện vọng rất chính đáng của họ”.

Nhiều trường ĐH, CĐ cũng thừa nhận chưa có phương án cụ thể đối với thí sinh thi liên thông dưới 36 tháng. Tất cả đều phải chờ kết quả thi tuyển sinh có bao nhiêu thí sinh đậu rồi mới đưa ra kế hoạch cụ thể. 

Thông tư 55 được xem như là giải pháp quyết liệt để ngăn chặn việc đào tạo liên thông tràn lan và quá dễ dãi. Tuy nhiên, những trở ngại của thông tư này không chỉ người học mà ngay cả các cơ sở đào tạo cũng phải gánh chịu. 

Có thể thấy, quyền lợi của người học nghiêm túc bị ảnh hưởng khi hàng loạt trường từ chối tuyển sinh với thí sinh dưới 36 tháng chỉ vì... ngại khó. Tuy nhiên, những trường tuân thủ quy định, tạo điều kiện cho thí sinh dự thi lại đối diện với nhiều rối rắm. 

Khánh An