Thủ khoa “mây tre” ước mơ học Dược cứu người

10:33 | 02/08/2012

1,203 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – “Đã lâu lắm rồi, làng xã mới có người đỗ đến Thủ khoa, mẹ mừng lắm, nhưng càng lo cho con nhiều hơn” - mẹ của Thủ khoa ĐH Dược Lê Đức Duẩn chia sẻ.

Chiếc xe “bó bột” và 3 năm giỏi toàn diện

Từ trung tâm huyện Phú Xuyên vào thôn Nhị Khê, xã Hoàng Long – nơi sinh sống của thủ khoa “mây tre đan” Lê Đức Duẩn là một quãng đường khá dài mới những ngõ ngách ngoằn nghèo và những cánh đồng xanh mướt, ngút ngàn.

Tìm vào thôn Nhị Khê, chỉ cần hỏi Thủ khoa Duẩn thì không ai không biết. Thậm chí, một ông lão trong làng còn nhiệt tình dẫn chúng tôi vào tận nhà em, vừa đi vừa kể những câu chuyện về cậu thủ khoa này với cảm xúc phấn khởi xen lẫn tự hào. Vừa xăm xắm dẫn đường, ông vừa ngoái lại: “Nó chăm mà ngoan lắm, bao năm rồi làng xã tôi mới có người đỗ thủ khoa. Nhờ thằng cháu Duẩn mà cũng thật mát mặt”.

Thủ khoa trường ĐH Dược năm 2012 là Lê Đức Duẩn với số điểm 29 (chưa làm tròn). Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về cậu thủ khoa này là dáng người nhỏ bé, gầy gò với cân nặng chưa đầy 40 nhưng khuôn mặt em toát lên sự thông minh, ngoan ngoãn với đôi mắt sáng và vầng trán rộng.

Đưa chúng tôi vào ngôi nhà cấp 4 xập xệ, vôi tường long tróc, chiếc chiếu trải giường thủng lỗ chỗ nhưng đông đủ anh chị em, họ hàng, làng xóm cùng đến chia sẻ niềm vui với gia đình Lê Đức Duẩn. Cô Nghiêm Thị Thu (mẹ Duẩn) chia sẻ: “Từ hôm có tin cháu đỗ thủ khoa, có nhiều báo đài, tổ chức đến chia vui, chúc mừng cháu nên anh em họ hàng phải sang đỡ một tay. Nhà chỉ có mấy mẹ con, sợ không được chu đáo”.

Thủ khoa nghèo với số sách ít ỏi để ôn thi

Trong lúc trò chuyện với Duẩn, chúng tôi chợt thấy chiếc xe đạp đặc biệt dựng ngay ngắn ở góc tường. Lớp sơn đã tróc loang lổ, phanh đã đứt, pedan, gacbaga không còn nguyên vẹn, lốp xe mòn vẹt trơ cả săm, phải bó buộc để “đi cố”. Duẩn cười nhẹ: “Nhìn nó vậy thôi, chứ em đi từ năm lớp 3 đến giờ, vẫn còn tốt lắm chị ạ”.

Nhìn “con ngựa sắt” cà tàng của em mà chúng tôi thấy nao lòng. Chiếc xe “bó bột” này là món quà của bà ngoại em từ năm lớp 3, đây cũng là chiếc xe bố Duẩn từng đi. Hơn chục năm gắn bó cùng nhau trên con được học tập, chiếc xe đã cà tàng lại càng thêm phần tàn tạ, cũ nát nhưng vẫn là tài sản rất lớn đối với em và gia đình. Mẹ em thở dài: “Cô cũng muốn thay lốp để em đi cho an toàn nhưng đắt tiền quá, hơn trăm nghìn. Chị xem, cái lốp còn đắt hơn cả chiếc xe, tôi đành bảo cháu buộc vào đi tạm”.

Có lẽ ở thôn Nhị Khê, xã Hoàng Long, Phú Xuyên (Hà Nội) này thì gia đình chị Thu là đặc biệt nhất. Sau cái chết của con trai cả năm 2000 vì bệnh ung thư máu, đến năm 2005, chồng chị (anh Lê Văn Tản) cũng được chẩn đoán ung thư gan và cũng bỏ chị cùng hai đứa con nhỏ dại. Cả gia đình lao đao vì những khoản nợ chồng chất sau cái chết của người trụ cột gia đình, lúc này, cả gánh nặng đè lên đôi vai của chị Thu.

Vừa học, Duẩn vừa tranh thủ làm hàng đỡ đần mẹ

Vừa lo cấy hái 3,5 sao ruộng cùng khoảnh vườn nhỏ trước nhà, chị còn nhận phụ hồ, gặt thuê, làm hàng mây tre đan để nuôi hai con ăn học. Mỗi tháng chị dành dụm được 500.000 đồng lo sách vở, ăn uống cho các con và thường xuyên bị căn bệnh đau lưng do thoái hóa đốt sống dày vò.

Thương mẹ cực khổ, thương em nhỏ dại, Duẩn chỉ còn biết lao đầu vào học để mong sau này thành đạt, đỡ đần cho mẹ. Nhà nghèo, tài sản của em chỉ có 2 bộ đồng phục mùa đông và mùa hè của trường, một đôi dép tổ ong đã mòn gót và chiếc xe đạp cũ rích đã rơi mất một bên bàn đạp. Thế nhưng những tấm giấy khen, thành tích 3 năm học sinh giỏi toàn diện và danh hiệu Thủ khoa cũng đã phần nào gạt bớt những cực nhọc, khốn khó của gia đình để mẹ em ngẩng đầu hãnh diện vì con.

Con đường đến danh hiệu “Thủ khoa”

Con đường đến với thành công chưa bao giờ trải đầy hoa hồng, và con đường của thủ khoa ĐH Dược Lê Đức Duẩn cũng vậy. Trước sự ra đi quá đột ngột của bố và anh trai, từ một cậu bé ham chơi, Duẩn chợt nhận ra hoàn cảnh khó khăn, vất vả của gia đình và của người mẹ tần tảo.

Bố mất khi em mới học lớp 6, nhìn khoản nợ chồng chất khi chạy chữa cho anh, cho bố, nhìn những giọt nước mắt và mồ hôi mặn chát cực nhọc của mẹ, Duẩn đã muốn nghỉ học để mẹ bớt gánh nặng học phí cho em. Các thầy cô giáo đã hỗ trợ, động viên, giảm học phí để em tiếp tục đến trường.

Em chia sẻ: “Mẹ bảo em, bố đã mất rồi, một mình mẹ cũng sẽ nuôi cho hai anh em ăn học. Chỉ có học mới thoát nghèo được, nếu ở nhà thì cũng chỉ lại như mẹ thôi, không có tiền, nghèo khổ mãi mãi”. Từ đó, trong tâm trí non nớt ấy, Duẩn đã đặt mục tiêu phải học thật giỏi để mẹ bớt khổ.

Chiếc xe "bó bột" đã rong ruổi cùng Duẩn trên con đường học tập

Vào đầu cấp 3, khi học càng lên cao thì chi phí càng nhiều. Hình ảnh người mẹ chong đèn, gò lưng hàng đêm làm từng chiếc giỏ, chống chọi với căn bệnh đau lưng kinh niên để sáng mai em có thêm miếng đậu, miếng rau đi học khiến Duẩn thêm day dứt và càng thương mẹ nhiều hơn. Em quyết định nghỉ học để mẹ dành tiền lo lắng cho em trai còn bé dại.

Lúc này, các thầy cô giáo của trường THPT Đồng Quan (Phú Xuyên, Hà Nội) đã động viên em, tìm nhiều cách hỗ trợ, giúp đỡ từ sách vở, học phí, học thêm… để việc học của em không dang dở. Nói đến đây, giọng Duẩn nghẹn lại: “Nếu không có các thầy cô, các bạn và các bác giúp đỡ, có lẽ em không có được ngày hôm nay mà đang làm thợ mộc ở đâu đó rồi”.

Không phụ lòng tin và sự giúp đỡ của thầy cô, họ hàng, 3 năm liền Duẩn là học sinh giỏi toàn diện, luôn có mặt trong các đội tuyển thi học sinh giỏi; và đến năm lớp 12, em đạt giải Nhì môn Toán cấp Thành phố năm 2011. Lớp 11, Duẩn đoạt giải Nhất môn Vật lý, giải nhì môn Toán cấp trường…

Nguyện vọng của Duẩn là Học viện An ninh, nhưng với cân nặng chưa đầy 40, em không đủ điều kiện đăng ký. Duẩn chia sẻ: “Em muốn học An ninh vì nghe nói miễn phí tiền học, mẹ em cũng bớt khổ nhiều”.

Khi đăng ký hồ sơ thi ĐH, Duẩn xin mẹ làm 3 bộ hồ sơ thi vào ĐH Dược, ĐH Bách Khoa (khối A) và Học viện Y dược cổ truyền Việt Nam (khối B). Cô Thu (mẹ Duẩn) cho hay: “Lúc ấy chỉ nói với cháu là con quyết thi trường nào thì con nộp, nộp nhiều trường quá thì mẹ không có nhiều tiền để lo cho con. Cháu cũng xin tôi cho mua 3 bộ hồ sơ, thôi thương con thì chiều con”.

Những ngày ôn thi nước rút, Duẩn vẫn làm hàng cùng mẹ đến tối khuya, một bên sách, một bên vẫn thoăn thoắt “nứt” giỏ để đỡ đần thêm cho mẹ. Sáng hôm sau, em lại dậy từ 3-4h để tiếp tục bài học của mình. Một tiếng em làm xong được khoảng ba bộ. Mỗi bộ như thế chỉ được hơn 1.000 đồng” - Duẩn kể.

Thầy hiệu trưởng Lê Văn Hưởng tự hào với thành tích của học trò

Cuối cùng, Duẩn dự thi hai trường ĐH Dược và ĐH Y dược cổ truyền Việt Nam với số điểm lần lượt là 29 và 23. Duẩn nói: “Em muốn học Dược để chữa đau lưng cho mẹ em, chế loại thuốc chữa được ung thư để những người bị bệnh như bố và anh trai em không phải chết”.

Nhận xét về cậu học trò nghị lực của mình, thầy Lê Văn Hưởng (Hiệu trưởng trường THPT Đồng Quan) cho biết: “Duẩn có hoàn cảnh rất khó khăn nhưng em có ý chí, nghị lực, và là niềm hi vọng của trường chúng tôi. Có những buổi trưa học sinh ở lại trường, em còn phải nhịn đói để chiều học tiếp, thật may là cô chủ nhiệm biết được nên mua cơm bắt em phải ăn”.

Khi được hỏi về bữa cơm hàng ngày của mình, Duẩn cho biết, thức ăn của em chỉ có rau, đậu, cà, họa hoằn mới có được miếng thịt, miếng cá cải thiện. Ăn uống không đầy đủ, cộng thêm việc học và làm hàng giúp mẹ, Duẩn bị đau dạ dày mãn tính.

Niềm vui, niềm hãnh diện vì con đỗ Thủ khoa cũng đi cùng với sự lo lắng và cũng là lúc cô Thu phải vắt óc nghĩ đến việc làm thế nào có tiền nuôi con học mấy năm trời trên thành phố trong khi gia đình vẫn phải ăn đong “bữa no, bữa đói”. Cô Thu cho biết ban đầu đã dạm vay được của hội phụ nữ thôn 8 triệu đồng để chuẩn bị nhập học cho con. Còn Duẩn thì cho biết, sau khi nhập học em sẽ kiếm việc làm thêm, vừa học vừa làm để đỡ đần cho mẹ.

Vương Tâm