Đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông:

“Từ 34.000 tỷ đồng xuống còn 800 tỷ đồng”

10:53 | 28/09/2014

990 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa họp bàn thảo luận về tờ trình Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa (CT, SGK) giáo dục phổ thông và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới CT, SGK giáo dục phổ thông.

Bộ GD-ĐT không soạn mà chỉ nên thẩm định

Tại buổi thảo luận, Chủ nhiệm văn phòng quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu ý kiến: “Bộ vừa tham gia biên soạn bộ sách giáo khoa, vừa thẩm định thì có khách quan hay không? Việc này có thể dẫn tới duy ý chí, áp đặt.”

Ông Nguyễn Hạnh Phúc cũng đề nghị Bộ không soạn mà chỉ thẩm định và chọn ra một bộ chuẩn để dạy và học, còn lại các bộ khác chỉ là sách tham khảo. Nhiều bộ sách thì giáo viên học sinh phải mua nhiều, tham khảo nhiều, con nhà nghèo thì không có tiền để mua nhiều. Vì vậy ông đề nghị bộ SGK nào được chọn thì mới cấp kinh phí.

Trả lời những câu hỏi của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh đây là một đề án lớn và khó thực hiện. Việc đổi mới CT, SGK được nhân dân rất quan tâm và thực ra một số công việc đã bắt đầu thực hiện cách đây 1 năm.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh nhiều điểm mới trong việc đổi mới CT, SGK lần này khác biệt so với những lần trước. Trước đây chúng ta vẫn có CT, SGK nhưng cái chương trình trước đây nó rất cô đọng như một cái bài chỉ có phần I, II, III, IV… còn chương trình bây giờ nó sẽ là chương trình cụ thể hơn rất nhiều. Chương trình bây giờ sẽ là 1 rồi đến a, b, c, rồi đến các gạch đầu dòng. Đó sẽ là cơ sở pháp lý để sau này chúng ta đánh giá, kiểm định.

Trước đây, những cán bộ viết CT, SGK cơ bản là một. Tuy nhiên, đề án đổi mới lần này sẽ có sự tách bạch rõ ràng. Thậm chí, ngay trong phần dự trù kinh phí cũng có sự thể hiện chi tiết cho phần viết CT, phần viết SGK.

Về biên soạn SGK, Phó Thủ tướng Đam cho biết, ban đầu Chính phủ chủ trương 2 phương án, đã có nhiều ý kiến đóng góp. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng nếu Bộ GD-ĐT không làm SGK thì tính chủ động không có, nếu đến thời điểm mà không có bộ SGK nào đạt chuẩn thì sao? Vì vậy, đa số ý kiến đề xuất chỉ nên trình ra Quốc hội phương án là Bộ GD-ĐT cùng tham gia biên soạn SGK.

Đổi mới không làm cặp học sinh nặng thêm

Góp ý cho đề án, ông Phùng Quốc Hiển - Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội lo lắng  nhiều bộ SGK sẽ làm nặng cặp sách của học sinh vì phụ huynh, giáo viên sẽ muốn con em tham khảo nhiều sách khác nhau. Bên cạnh đó, ông Hiển cũng đồng tình cần có 1 bộ SGK cơ bản của Bộ GD-ĐT nhưng vẫn tỏ ra băn khoăn về chất lượng của các bộ SGK khác.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng đặt câu hỏi, làm thế nào trong biên soạn SGK phải làm rõ nguyên lý giáo dục trong nhà trường, xã hội, gia đình. Phải có sự kết hợp cả 3 môi trường này thì mới có sản phẩm giáo dục tốt được, điều này phải thể hiện trong biên soạn SGK.

Về lựa chọn SGK, Chủ tịch Nguyễn Thị Doan kiến nghị: “Dự thảo Nghị quyết cần nêu các trường học được quyền lựa chọn SGK nếu Quốc hội đồng ý điều này với Chính phủ. Công tác tuyên truyền phải được đẩy mạnh để tạo sự đồng thuận, để đổi mới CT, SGK thành công”.

Trả lời cho những câu hỏi của Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách – Phùng Quốc Hiển, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: “Nhiều bộ sách giáo khoa không phải trong cặp học sinh sẽ nhiều sách hơn. Tinh thần chung vẫn phải là giảm tải”.

Bộ sách giáo khoa hiện hành.

 

Phó Thủ tướng lý giải kiến thức của thế giới thì ngày càng nhiều vì vậy muốn giảm tải thì phải thay đổi cách làm. Vì vậy, đề án đổi mới lần này phải chú ý đến vấn đề giảm tải cho học sinh.

Bên cạnh đó, theo dự thảo tờ trình, một khoản kinh phí dự kiến khoảng 462 tỉ đồng sẽ được chi để Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ biên soạn, thẩm định chương trình – SGK; Xây dựng, thẩm định chương trình; Biên soạn bộ tài liệu hướng dẫn dạy học theo chương trình mới; Thẩm định SGK … Cũng theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, cần thêm 316,8 tỉ đồng để biên soạn tài liệu giáo dục địa phương, cung cấp kinh phí tập huấn cho địa phương ghi hình bài giảng phát trên mạng, hỗ trợ tập huấn giáo viên vùng khó khăn...

Như vậy, tổng cộng hai khoản kinh phí là 778,8 tỉ đồng, trong đó 504,4 tỉ đồng là ngân sách trung ương, 274,4 tỉ đồng từ ngân sách địa phương.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu vấn đề: Có nên đưa vào Nghị quyết gần 800 tỷ đồng không, hay chỉ phân ra từng hạng mục để Chính phủ duyệt. Chủ tịch Quốc hội nhận định: “Ta chốt 800 tỷ đồng sau này khi thực hiện thành 1.500-2.000 tỉ đồng thì tính sao? Từ 34.000 tỷ đồng xuống còn 800 tỷ đồng. Tôi sợ quá. Vì thế, có cần chốt con số không hay đưa ra hạng mục và hàng năm Chính phủ duyệt để làm”.

Tổng kết ý kiến thảo luận của các thành viên thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng tờ trình đề án đổi mới CT, SGK lần này Chính phủ đã tiếp thu nghiêm túc ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, bà cũng lưu ý việc thống nhất xã hội hóa biên soạn SGK là điểm mới, tác động sâu sắc đến quản lý Nhà nước nên cần làm rõ trách nhiệm của Bộ GD-ĐT trong quá trình biên soạn, thẩm định, cho phép sử dụng bộ SGK. 

Khánh An (th)