Góp ý kỳ thi quốc gia chung:

Vẫn băn khoăn phương án tuyển sinh mới

08:41 | 16/08/2014

906 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tại Hội nghị hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) do Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức ngày 15/8, đa số các ý kiến về phương án tuyển sinh mới đều bày tỏ sự ủng hộ đối với phương án 2.

Các hiệu trưởng “hiến kế” tuyển sinh

Lãnh đạo trường ĐH Phương Đông ủng hộ phương án 2 nhưng băn khoăn lo lắng vì chưa tin cậy kỳ thi phổ thông hiện nay. Mục đích của kỳ thi xét tốt nghiệp là tốt nhưng để thực hiện xét vào ĐH hơi khó. Người muốn vào ĐH quá đông nhưng năng lực thấp. Tình hình dạy và học phổ thông chưa cải tiến được cách dạy và học như hiện nay, e chuyển ngay vào đại học sẽ gây nhiều khó khăn. Bộ cần nghiên cứu cách ra đề thi, tổ chức thi, chấm thi như thế nào cho phù hợp.

Ông Đặng Kim Vui (Giám đốc ĐH Thái Nguyên) đề nghị, Bộ GD-ĐT thực hiện theo phương án 2 đã đưa ra vì phương án này phù hợp đúng lộ trình đổi mới giáo dục. Bộ ra đề thi cần phải đảm bảo yêu cầu là 1 phần đảm bảo tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) và 1 phần thiết kế đảm bảo phân hóa, trung bình, khá, giỏi để các trường ĐH dễ chọn.

Ông nhấn mạnh: “Tôi tin tưởng Bộ quản lý tốt  khi thực hiện tổ chức kỳ thi quốc gia 2 trong 1 và giao quyền tự chủ cho các địa phương, các trường thực hiện. Có thể đưa các trường ĐH tham gia vào quản lý, thanh tra, kiểm tra, chấm thi trong kỳ thi.”.

Ông Nguyễn Đình Tư, Phó Hiệu trưởng ĐH Thành Tây

Còn ông Nguyễn Kim Sơn (Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội) nhận định, 3 phương án Bộ GD-ĐT đưa ra tại dự thảo vẫn có cùng điểm chung, đó là cách thức tổ hợp các môn khác nhau và những bài thi theo môn, nội dung thi của thí sinh vẫn còn khá nặng nề.

Ông phát biểu: “Chúng tôi đã nghĩ đến 1 phương án giản tiện nhất cho công tác tổ chức cho kỳ thi 2 mục đích, đó là nội dung thi gồm 2 khối kiến thức thuộc Toán và Ngữ văn; riêng môn thứ 3 Ngoại ngữ có thể đa dạng hóa hình thức thực hiện, có tính đế yếu tố vùng miền.

Thêm một vấn đề nữa đặt ra, đó là liệu việc tổ chức thi tại địa phương, các trường ĐH, CĐ có yên tâm sử dụng kết quả hay không? Nhiều trường sẽ phải tiếp tục tiến hành đánh giá riêng để yên tâm hơn với chất lượng đầu vào. Đây cũng là một điều đáng phải suy ngẫm thêm”.

Gây bất ngờ cho hội nghị là ý kiến của ông Phan Huy Phú (Hiệu trưởng ĐH Thăng Long) khi khẳng định trường có thuật toán có thể giúp Bộ xử lý kết quả thi của thí sinh chỉ trong vài giờ. Cụ thể là theo "Chương trình xét tuyển" với nền tảng là thuật toán "Chấp nhận trì hoãn" (Deferred - Acceptance) đã giúp A. Roth được nhận giải Nobel về kinh tế năm 2012 cùng với Shapley.

Theo ông Phú, để tiến hành xét tuyển, Bộ GD-ĐT sẽ làm đầu mối thành lập và chỉ đạo một "ban tuyển sinh" gồm các thành viên đại diện của các trường, sử dụng một phần kết quả kỳ thi để xét tuyển. 

Sau đó, ban tuyển sinh sẽ chạy "chương trình xét tuyển" theo dữ liệu là chỉ tiêu của các trường, nguyện vọng và kết quả học tập cũng như kết quả thi của thí sinh. Thí sinh sẽ được vào học trường cao nhất có thể theo thứ tự ưu tiên của họ, tương quan với số điểm mà họ có. Song song với đó, các trường lại được danh sách trúng tuyển tốt nhất trong khuôn khổ các nguyện vọng của thí sinh và loại bỏ triệt để các trường hợp “ảo” (mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển chính thức tối đa 1 nguyện vọng). Thời gian thì được rút ngắn đi rất nhiều, từ 1 tháng xuống chỉ còn 1 ngày.

Phải có lòng tin vào đội ngũ giáo dục

Trước lo ngại về tiêu cực nếu kỳ thi quốc gia do địa phương đứng ra tổ chức, ông Nguyễn Đình Tư (Phó Hiệu trưởng ĐH Thành Tây) nhấn mạnh: “Phải chấp nhận hiện thực và tin tưởng những người làm giáo dục. Không lấy số ít để rồi bi quan và ngăn cản. Thế giới đang chấp nhận bằng tốt nghiệp phổ thông của ta. Học sinh Việt Nam tốt nghiệp phổ thông được nhận vào học tại các trường đại học nước ngoài, thế mà chúng ta lại chê là xấu. Người ta tin được, sao chúng ta không tin?

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận

Hãy bỏ kỳ thi ĐH, dùng kỳ thi quốc gia để xét tuyển cho đỡ tốn kém. Bộ GD-ĐT không cần tập trung vào mấy kỳ thi, mà hãy tập trung quản lý, kiểm tra dạy học và đào tạo. Hãy thống nhất rằng không chỉ thi đại học là chất lượng đào tạo tốt, mà quyết định là quá trình dạy và học ở trường. Không có cạnh tranh ở đầu ra khiến chất lượng đào tạo kém, điều này cũng phải thay đổi”.

Vấn đề “lòng tin” của lãnh đạo ĐH Thành Tây được Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đặc biệt quan tâm và chia sẻ. Bộ trưởng nhấn mạnh: “Chúng ta phải có lòng tin vào đội ngũ. Nếu chính sách của chúng ta chỉ nhằm đi ngăn chặn những người chống phá thì không giải quyết được vấn đề... Giống như khi ra trận, chúng ta là những tư lệnh, chúng ta phải tin rằng các chiến sĩ ngoài kia đang chĩa súng vào địch, chứ đừng lo họ đang chĩa súng vào mình...”.

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng nhận định, khi phương án kỳ thi quốc gia chung được phê duyệt, khối ĐH và khối THPT cần phối hợp chặt chẽ với nhau. Bộ trưởng cũng so sánh: “Nếu các đồng chí là quả đấm thép thì hãy coi khối phổ thông là bộ đội địa phương. Cho dù là quân chủ lực mà đứng một mình cũng sẽ rất gay go”.

Khánh An